Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, September 18, 2011

Hôn Nhân và Gia Đình


Chương bảy của sách Côrinhtô thứ nhất là một trong những đoạn Kinh Thánh hay nhất, đề cập đến những điều thầm kín trong hôn nhân. Phaolô bàn về đề tài nầy khi giải đáp các câu hỏi của người Côrinhtô đặt ra trong thư. Khi nghiên cứu lời giải đáp của ông, chúng ta có thể hiểu được họ hỏi những gì.
Trong câu 26, Phaolô viết: “Vậy tôi tưởng vì cớ tai vạ hầu đến …” Tai vạ đó là gì? Chắc là sự bắt bớ. Cơ Đốc nhân đầu tiên sống dưới mối đe dọa bắt bớ liên tục, và thật là hợp lý nếu bị bắt bớ, giam cầm hay bắt làm mồi cho sư tử thì thà đừng nên có vợ con còn hơn. Trong nhiều thời đại và nhiều nền văn hóa, những đôi trai gái tin kính đã từng hoãn kế hoạch kết hôn cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Tín hữu tại Côrinhtô đã hỏi Phaolô một số câu hỏi: “Ngày hôm nay thanh niên có nên lấy nhau như trong lúc bình thường không?” Phaolô trả lời: “Không”. Nhiều lần trong chương nầy ông nói: “thà ở vậy còn hơn”, ý ông muốn nói: “vì cớ tai vạ hiện nay”. Sau đó họ lại hỏi: “Nếu họ quyết định ở độc thân, thì có nên quan hệ xác thịt không?” Về cơ bản, Phaolô trả lời: “Không, nếu anh em không muốn lập gia đình, nếu anh em không muốn đưa quan hệ đến mức ăn nằm với nhau thì không nên để tình dục hun đốt”.
Phaolô viết rằng, trong tình hình khó khăn hiện thời, tốt nhất là hai người không nên lấy nhau; và nếu không lấy nhau thì không được quan hệ xác thịt. Điều nầy giải thích lời tuyên bố của ông lúc đầu là tốt hơn không nên đụng chạm vào người nữ. Thật là một phương cách lạ lùng để viết một chương về hôn nhân! Phaolô công nhận rằng nếu hai người không kiểm soát nổi tình cảm của mình thì nên lấy nhau thì hơn, vì thà lấy nhau còn hơn là để tình dục thiêu đốt.
Nhưng còn những người đã lấy nhau rồi thì sao? Họ có nên có sinh hoạt vợ chồng bình thường không? Phaolô đáp trong phân đoạn kinh điển nói về quan hệ vợ chồng giữa hai người tin Chúa: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em, tôi tưởng rằng đàn ông không đụng đến đàn bà là hay hơn. Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng. Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là vợ. Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Satan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng. Ấy đó là sự tôi thuận cho phép, chớ chẳng phải sự tôi truyền biểu ” (ICo1Cr 7:1-16).
Đây là một phân đoạn khải đạo về hôn nhân rất hay nói về quan hệ xác thịt giữa hai vợ chồng Cơ Đốc. Sau đây xin tóm tắt vài nhận xét về ý Phaolô viết để diễn tả niềm vui hiệp nhất về quan hệ hôn nhân trong cái nhìn của Đức Chúa Trời:
Đòi hỏi tình dục vốn rất mạnh, nhưng hôn nhân có đủ sức mạnh kềm chế, để có được một cuộc sống chăn gối cân bằng và thỏa mãn, bảo vệ đôi vợ chồng tránh khỏi những cám dỗ trong môi trường văn hóa suy đồi của thành phố Côrinhtô thời đó.
Phaolô muốn nhấn mạnh rằng người chồng phải tìm cách làm vừa lòng vợ, đồng thời người vợ cũng tìm cách làm đẹp lòng chồng. Nói cách khác, người chồng phải toàn tâm toàn ý với vợ và vợ cũng phải toàn tâm toàn ý với chồng.
Kiêng cử việc chăn gối là điều nên làm, nhưng chỉ trong một thời gian mà thôi, và nhằm mục đích là đến gần Đức Chúa Trời bằng sự kiêng ăn và cầu nguyện (lấy cớ nhức đầu để tránh chuyện chăn gối không phải là lý do chính đáng). Nguyên tắc quan trọng ở đây là vợ chồng mỗi người phải có sự tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời. Cho dù họ có chia sẻ mối liên hệ nầy trong nhiều phương diện, thì mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời vẫn là nền tảng cho sự hiệp một. Song rất tiếc, họ không được hướng dẫn để tìm kiếm sự gần gủi với Đức Chúa Trời và với nhau.
Sự hỗ tương là một điều rất quan trọng. Trong quá trình khải đạo cho những cặp vợ chồng có nhiều năm chung sống với nhau, có một câu hỏi thường được nêu lên liên quan đến tình dục. “Hoạt động chăn gối giữa hai vợ chồng có thể có điều gì sai trái hay bại hoại không?” Tôi nghĩ câu trả lời là quan hệ vợ chồng không có gì sai, miễn là cả hai bên đều thuận tình. Câu hỏi đáng phải đặt ra không phải là: “Có gì sai không?” mà phải là: “Có đến từ cả hai phía không?” Người ta hay hỏi là có nên chăn gối thường xuyên không, thế nào là bình thường, hoặc thế nào là mức trung bình. Điều quan trọng nhất phải cần xét đến là hai người có thuận tình không?”
Hãy theo dõi điều Phaolô nói tình dục liên quan đến sự chọn lựa. Đó là quyết định mang lại niềm vui hay phục vụ cho người phối ngẫu. Khi chúng ta quyết định yêu ai đó, thì cũng đồng nghĩa là chúng ta quyết định quan hệ xác thịt với người đó. Đức Chúa Trời đã định sự gắn bó xác thịt phải xuất phát từ hai phía, phải tự nguyện và không điều kiện. Nếu một trong hai người hết lòng muốn làm cho người kia vừa lòng và thỏa mãn thì hai người đang nắm được chìa khóa hạnh phúc trong quan hệ gối chăn.
Khi cần khải đạo, các ông thường nói: “Vợ tôi chẳng quan tâm gì đến chuyện đó cả. Phải làm sao để vợ tôi cảm thấy thích thú đây?” Về phía người vợ, đôi lúc cũng có lời than phiền tương tự: “Chồng tôi chẳng thiết gì chuyện chăn gối”. Sự lơ là chăn gối thường là hậu quả của việc một trong hai người không hết lòng vì người kia, hay cả hai vợ chồng không toàn tâm toàn ý với nhau.
Theo tôi thì việc người chồng hết lòng với vợ là yếu tố hết sức quan trọng để đem lại sự thỏa mãn trong quan hệ vợ chồng. Nếu bạn là người chồng đang phải đối diện với tình trạng vợ mình lơ là chuyện chăn gối, thì hãy xem kỹ lại là mình có thật sự hiểu biết đủ về vấn đề tình dục chưa. Trong những mẩu đối thoại giữa cánh đàn ông với nhau về chuyện phòng the, có nhiều ông hầu như chẳng biết gì về cấu tạo cơ thể của người phụ nữ. Khi quan hệ vợ chồng thì vợ bạn có đạt đến sự khoái cảm trọn vẹn không? Nếu ít khi hay không bao giờ, thì tôi xin hỏi bạn một câu: Nếu bạn chưa bao giờ đạt được tột đỉnh khoái cảm, thì thái độ của bạn sẽ thế nào trong vấn đề giao hợp với vợ mình? Tôi nghĩ đó là câu hỏi hợp lý.
Ở đây cũng có thể áp dụng Luật Vàng của Kinh Thánh: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri ” (Mat Mt 7:12). Điều Luật Vàng đòi hỏi là bạn phải đặt mình vào vị trí của người kia. Nếu bạn là người không hứng thú trong chuyện chăn gối, thì bạn muốn người phối ngẫu phải làm gì? Khi biết câu trả lời cho câu hỏi đó là thế nào, thì bạn hãy thực hành ngay đi, vì đó là Luật Vàng đem lại niềm vui trong sự hiệp một.
Người ta nói rằng trong các thư tín của Phirơ và Phaolô, kiểu mẫu của hôn nhân là Đấng Christ và Hội thánh. Đó là sự thông công trọn vẹn giữa hai người, và đó là hình ảnh trong mối thông công giữa Đấng Christ và Vợ mới cưới của Ngài là Hội thánh. Đó là một sự hiệp một thuộc linh. Do đó khi có sự hòa hợp thuộc thể đồng thuận và vô điều kiện giữa hai người, thì cũng phải có yếu tố thuộc linh trong mối quan hệ đó nữa. Yếu tố thuộc linh đó là tình yêu vị tha, quên mình của Đấng Christ phục sinh và hằng sống.