Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, September 18, 2011

MỘT SỐ ĐIỀU NGĂN TRỞ TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC TRONG HÔN NHÂN


Lòng ghen tị và thái độ đòi hỏi
“Vì ái tình mạnh như sự chết,
Lòng ghen hung dữ như âm phủ” (Nha  8:6)
Lòng ghen tị cũng giống như sự chết sẽ đem lại sự chia lìa trong mối quan hệ yêu thương. Sự chết cướp đi những người thân yêu của chúng ta thế nào thì lòng ganh tị cũng phá hủy hạnh phúc trong hôn nhân như vậy, bởi vì nó tạo nên thái độ không tin cậy, ích kỷ và phá hủy sự tự do trong hôn nhân - tự do để hành động và cư xử một cách tự nhiên bởi vì người vợ hay người chồng e sợ sẽ làm tổn thương cho người bạn của mình.
Như thế sự ghen tị tạo nên một mối liên hệ không tự nhiên. Sự chết phân rẽ và cướp đi những người yêu dấu của chúng ta. Lòng ghen tị cũng làm những người đang yêu thương nhau phải phân rẽ.
Khi sự chết cướp đi một người yêu dấu nào của chúng ta thì lòng chúng ta bỗng trở nên mềm mại và dịu dàng hơn. Thế nhưng khi bị mất người yêu bởi lòng ghen tị thì con người lại thường trở nên cứng cỏi, lạnh lùng, đầy giận dữ, trách móc, lên án và tự thương hại mình. Lòng ghen tị phá hủy nhân cách, mối quan hệ và cả sự tự tin. Nó cũng phá hủy chương trình của Đức Chúa Trời về một hôn nhân hòa hợp và hạnh phúc.
Ghen tị là một tội lỗi và chúng ta cần được sự tha thứ của Chúa cũng như của người vợ hay người chồng mà chúng ta đã xúc phạm. Những trường hợp trầm trọng cần có sự tham vấn, khuyên bảo, chữa lành và giải cứu. Một người nhạy bén có thể hiểu rằng người chồng hay người vợ của mình cần sự an tâm, tin tưởng. Sự ghen tị và thái độ đòi hỏi bắt nguồn từ sự mặc cảm và thiếu tự tin. Những vấn đề này thường có liên hệ với những hoàn cảnh thời thơ ấu và những kinh nghiệm bị ruồng rẫy trong quá khứ.
Những năm đầu khi chúng tôi mới lập gia đình, nhà tôi thường có khuynh hướng đòi hỏi. Cả hai chúng tôi đều có thái độ ngấm ngầm ghen tị. Thái độ ganh tị của tôi bắt nguồn từ mặc cảm tự ti, còn nhà tôi lại ganh tị bởi vì cảm thấy không yên tâm. Nhà tôi nhìn nhận rằng do được cha mẹ gởi vào trường nội trú rất sớm nên phải sống xa cách với mẹ của mình.
Vì thế tôi trở thành một chỗ dựa về tình cảm cho nhà tôi thay cho tình cảm của người mẹ mà nhà tôi đã không có được khi còn nhỏ. Sau khi cầu nguyện và thông cảm cho nhau chúng tôi đã nhận được sự chữa lành của Chúa và nhờ đó đã đắc thắng những yếu điểm này để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Tình trạng vỡ mộng
Vỡ mộng có nghĩa là được giải phóng khỏi những ảo tưởng hay nói một cách khác là đối diện thẳng với thực tế.
Có người đã nói rằng phụ nữ đem lòng yêu thương và lập gia đình với chàng hiệp sĩ của lòng mình, để rồi sau khi cưới bỗng khám phá rằng hiệp sĩ của mình chỉ là hiệp sĩ giấy.
Phụ nữ thường có thói quen thêu dệt một hình ảnh rất lý tưởng về người chồng của mình. Suốt thời gian mới lớn, cô gái nào cũng mơ mộng về một người yêu lý tưởng. Những sự mơ mộng như vậy sẽ có thể khiến người phụ nữ bị thất vọng trước thực tế phũ phàng. Người phụ nữ đã mặc cho chàng hiệp sĩ của mình một bộ áo giáp hoàn toàn không phù hợp và đã vỡ mộng.
Làm thế nào để giải quyết tình trạng vỡ mộng ?
Những người vợ hay phàn nàn cần nhớ rằng cả họ nữa cũng không hoàn hảo. Người chồng của các bạn cũng có thể rất đau đớn nhận ra rằng cô thiếu nữ dễ thương ngày nào bây giờ đã biến thành một bà đầm hay cằn nhằn gắt gỏng ! Đôi vợ chồng có thể vượt qua tình trạng vỡ mộng này bằng cách nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp vốn đã lôi kéo hai người bước vào tình yêu với nhau từ lúc ban đầu.
Tình yêu lãng mạn là một thứ kinh nghiệm đầy cảm xúc và khi những bong bóng của sự mơ mộng vỡ tan thì hai người yêu nhau phải đối diện với một thực tế khá chua chát.
Có giải pháp nào cho vấn đề này không ?
Cả hai người cần phải nhìn thẳng vào thực tế của cuộc sống rồi sau đó sẽ thấy tình yêu của họ sâu sắc hơn.
Một ngày kia tôi khá ngạc nhiên khi nhận được một cú điện thoại của một người thanh niên vừa lập gia đình. Bằng một giọng đầy xúc cảm và nghẹn ngào người đó nói: “Vợ tôi đã bỏ tôi !”
Tôi liền hỏi: “Bạn nói thế nghĩa là gì ?”
“Cô ấy nói rằng không còn yêu tôi nữa”.
Tôi cảm thấy lo lắng bởi vì đây là một đôi vợ chồng mới cưới nhau và qua giọng nói tôi hiểu rằng người thanh niên đó rất đau khổ và lo lắng.
Tôi cần trao đổi thêm để hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa, tôi cảm thấy không cần lo lắng thái quá về tình trạng bi đát của người thanh niên này và chỉ chú ý nhiều hơn đến tình trạng vỡ mộng có thể đã xảy ra cho đôi vợ chồng trẻ.
Rõ ràng là họ vừa phải đối diện với một nan đề phức tạp ngay sau tuần trăng mật của họ.
Người thanh niên nói tiếp: “Chúng tôi dường như không hưởng được một chút gì hạnh phúc của gia đình cả”.
Tôi hỏi lại: “Tôi chưa hiểu rõ anh muốn nói gì ?”
“Cô ta không muốn tôi đụng đến cô ta. Cô ta không thích chuyện đó”
Tôi không lạ gì những hoàn cảnh như thế này. Khi các nan đề được phóng đại lên thì chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ân ái vợ chồng. Đây dường như là một thước đo hạnh phúc gia đình ! Không biết có phải đôi vợ chồng này đã sử dụng tính dục như là một vũ khí hay chỉ là bởi vì họ quá căng thẳng nên không thể đáp ứng một cách thoải mái ? Tôi nghi ngờ rằng cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Họ đã nhìn tình yêu bằng cặp kính màu hồng và sự thật đã không như thế. Họ cần một cái nhìn mới mẻ hơn về tình yêu và cần hiểu biết lẫn nhau.
Nhận ra được nhu cầu của đôi vợ chồng này tôi đã sắp xếp ngay lập tức để họ có thể ngồi lại với nhau.
Người vợ trẻ bắt đầu nói: “Vừa mới bước vào nhà là anh ta đã bắt đầu ra lệnh cho tôi phải làm gì”
Người chồng lên tiếng: “Ra lệnh cho em à ?”
Tôi nói xen vào: “Cứ để cho cô ta nói”
Chỉ sau ít phút đôi vợ chồng trẻ đang bực bội và còn thiếu kinh nghiệm trong hôn nhân bắt đầu ngồi xuống và chăm chú lắng nghe. Trong khoảnh khắc đo, tôi bỗng nhận thấy tình yêu mạnh mẽ họ dành cho nhau cũng như thái độ quyết tâm học hỏi và sẵn sàng lại bắt đầu xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Người vợ trẻ cảm thấy tự tin hơn và nói: “Anh ta tỏ vẻ không thích cách tôi ăn mặc. Anh ấy cũng cho rằng tôi không biết quản lý tiền bạc”
Người chồng nói xen vào: “Chúng ta có hơi khó khăn về tài chánh”
“Anh có nói với em là anh xin lỗi mà”. Vừa nói người chồng vừa chăm chú nhìn vào ánh mắt của vợ mình.
Một khoảng yên lặng trôi qua, cả hai đều muốn người kia nói trước.
Tôi nhắc khéo: “Các bạn cần trao đổi tâm sự với nhau”. Người chồng mở lời: “Em cứ nói đi, anh sẵn sàng nghe mà”
Người vợ liền nói: “Bây giờ chúng ta mới bắt đầu sống với nhau mà anh đã đòi hỏi em phải cắt đứt quan hệ với bạn bè cũ. Anh có vẻ như lúc nào cũng ra lệnh cho em phải làm cái này cái kia”.
Với một giọng đầy xúc động, người vợ thốt lên: “Em cảm thấy như bị tù”.
Thế rồi người thiếu nữ trẻ òa lên khóc. Còn người chồng thì đầy lo lắng và bối rối. Chàng thanh niên cầm lấy tay vợ và nàng để im cho anh ta nắm tay.
Tôi nhẹ nhàng gợi ý: “Một trong những nan đề, ấy là người chồng có khuynh hướng hay phê phán và đòi hỏi”
Người vợ trẻ vừa thút thít vừa nói: “Bà nói đúng”. Người chồng không nói gì nhưng có vẻ rất bối rối.
Tôi đã phải dành mấy buổi để làm công tác khuyên bảo cho họ nhưng cuối cùng vấn đề đã sáng tỏ rằng chính người chồng đã không ý thức rằng cách cư xử của anh ta đã khiến cho người vợ trẻ bị tổn thương và cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng phải sống chung cả đời với người chồng như vậy.
Bởi lòng thương xót của Chúa, cặp vợ chồng này đã làm hòa lại với nhau và cùng nhau quyết tâm xây dựng lại mối liên hệ trong sự tôn trọng lẫn nhau và đặt Chúa lên trên hết.
Họ đã thành công một cách tốt đẹp.
Hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta giúp đỡ người bạn đời của mình đạt đến sự trọn vẹn. Thật là dại dột nếu chúng ta tìm kiếm một sự hoàn hảo theo kiểu mì ăn liền trong hôn nhân. Nếu cả người chồng hay người vợ hiểu rằng mình cũng bất toàn thì chắc chắn không thể đòi hỏi người bạn của mình phải hoàn hảo. Không hề có một hôn nhân lý tưởng chỉ đơn giản bởi vì không hề có người nào hoàn hảo cả. Tuy nhiên, hôn nhân hạnh phúc là một điều hoàn toàn có thể đạt được nếu người chồng, người vợ cùng nhau xây dựng hạnh phúc đó. Chấp nhận những hạn chế của nhau và quyết tâm nhờ ơn Chúa giúp đỡ nhau trở nên hoàn thiện từ những điều Chúa ban cho mỗi người.
Tình yêu thương không hề hư mất bao giờ. Tình yêu thương không bao giờ thất bại.
Những trở ngại trong vấn đề tính dục
Một người phụ nữ tin Chúa lập gia đình với một người không tin Chúa đã đến gặp tôi và nói: “Tôi nghĩ rằng quan hệ xác thịt là điều ô uế. Tôi sẽ không chấp nhận điều đó đâu !”
Tôi e rằng người phụ nữ này sẽ không bao giờ có thể dắt đưa người chồng của mình đến với Chúa Cứu thế được.
Nhiều phụ nữ coi nhẹ vấn đề tính dục trong hôn nhân. Khi bước vào đời sống hôn nhân họ cho rằng quan hệ tính dục sẽ xảy ra một cách tự nhiên nhưng sau đó họ đã bị vỡ mộng. Điều này có thể xảy ra cho họ ngay trong đêm tân hôn. Người chồng trẻ mong mỏi có quan hệ ân ái để bày tỏ tình yêu của mình trong khi người vợ lại có ý nghĩ sẽ chiều theo ý người chồng để làm vừa lòng anh ta. Tuy nhiên phải chăng người vợ cứ tiếp tục giữ thái độ như vậy mà không cảm thấy khoái cảm gì cả ?
Một vài nguyên nhân dẫn đến sự ngăn trở trong quan hệ tính dục:
Một cặp vợ chồng Cơ Đốc trẻ vừa lập gia đình với nhau và gặp nan đề trong quan hệ tính dục cũng như quan hệ tình cảm với nhau. Họ đến gặp tôi và tâm sự về những quan hệ tính dục mà họ đã có trước khi lập gia đình. Những kinh nghiệm đó đã tạo nên sự sợ hãi và thiếu tin tưởng trong mối quan hệ và đã trở nên trở ngại cho quan hệ tính dục của họ.
Có một thiếu nữ kia vốn đã từng bị ảnh hưởng xấu bởi những phim ảnh đồi trụy nên đã có ấn tượng xấu về vấn đề tính dục. Điều này đã tạo nên một ảnh hưởng rất tiêu cực trong mối quan hệ với người chồng của cô.
Những tổn thương gây nên bởi những kinh nghiệm quan hệ tính dục trong quá khứ, trong tuổi thiếu nhi hoặc kinh nghiệm đau đớn trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc bị đổ vỡ trong tình yêu.
Sự thù hận, thiếu tha thứ hoặc mặc cảm phạm tội.
Những vấn đề về sức khỏe có thật hoặc tưởng tượng. (Có khi người vợ giả vờ bị bệnh chỉ là để tránh không quan hệ với chồng)
Những trở ngại này có thể được giải tỏa qua sự trao đổi giữa vợ chồng với nhau. Một người chồng có tình thương đối với vợ có thể giúp người vợ của mình vượt qua được những trở ngại trong quan hệ tính dục. Các bạn có thể tìm sự tham vấn từ các chuyên gia Cơ Đốc hay các bác sĩ. Sự cầu nguyện, giải cứu, xưng thú tội lỗi có thể giúp chữa lành và phục hồi. Những sách vở tốt về vấn đề này cũng có thể giúp đỡ rất nhiều.
Đức Thánh Linh đã đến để giúp chúng ta đắc thắng trong mọi vấn đề của đời sống. Không có điều gì là khó quá đối với Ngài. Hãy để cho Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành chúng ta hành động một cách có quyền năng trong cuộc đời chúng ta.