Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, September 4, 2011

Thuốc Lá và Sự Sống - Bài 1





Thuốc Lá và Sự Sống - Bài 1

ImageCó một ông chồng kia sau nhiều năm hút thuốc đã mắc phải một chứng bệnh không chữa được. Và suốt những ngày tháng nằm trên giường bệnh ông rất ân hận vì khi còn nhỏ đã dại dột bắt chước bạn, tập tành hút thuốc. Khi biết mình không còn sống được bao lâu, ông viết một lá thư, đưa cho vợ và dặn rằng sau khi ông chết, gởi lá thư đó đến một tòa báo, xin đăng để cảnh cáo những ai đang hút thuốc. Lá thư đó như sa
u:

Hôm nay tôi viết lá thư này và nhờ vợ tôi gởi đến quý vị ngay sau khi tôi qua đời. Xin quý vị cho đăng lá thư này vì tôi muốn các em thanh thiếu niên biết rằng tôi đã chết vì một chứng bệnh mà tôi đã tự chuốc lấy cho chính mình. Đó là bệnh hút thuốc lá. Trong thập niên 40, đa số người lớn trong nước đều hút thuốc. Hút thuốc được xem là thú tiêu khiển của những người đã lớn, đã trưởng thành. Khi bắt đầu tập hút thuốc, tôi tin chắc là tôi chỉ hút cho vui chứ sẽ không bao giờ ghiền hay nghiện thuốc. Tôi và các bạn tôi đều biết thuốc lá có hại, nhưng chúng tôi đều muốn phiêu du vào nguy hiểm cho biết mùi đời. Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng mỗi điếu thuốc mình đốt lên là một cây đinh đóng cho cái hòm của mình đó. Chúng tôi nói như thế rồi cười to và giúp nhau châm từng điếu thuốc.


Thế rồi thay vì bỏ thuốc, càng lớn tôi càng hút nhiều hơn. Và cách đây mấy năm, bác sĩ cho biết tôi bị bệnh emphysema, là một bệnh trong phổi, khiến tôi rất là khó thở. Từ ngày bị bệnh, tim tôi ngày càng yếu, vì phải bơm máu vào những buồng phổi không thể nở ra để đón nhận dưỡng khí nữa. Bác sĩ bảo tôi phải bỏ hút thuốc ngay, nếu không sẽ chết vì đau tim hay bị tai biến mạch máu não, cũng có thể chết vì ung thư hoặc không thở được nữa. Khi bác sĩ nói như thế, tôi nghĩ: gì chứ cái đó quá dễ, tôi có thể bỏ hút thuốc bất cứ lúc nào. Nhưng tôi đã lầm, tôi không thể bỏ hút thuốc! Tôi đã tốn cả ngàn Mỹ kim vào những chương trình cai thuốc, bỏ thuốc. Tôi đi châm cứu và thử mọi phương pháp. Bất cứ ai chỉ phương cách nào để cai thuốc tôi đều thử cả. Nhưng không phương pháp nào giúp tôi bỏ hút thuốc được. Tôi đã bị nghiện nặng, và bị bệnh nặng. Bây giờ tôi đang nằm chờ chết nhưng vẫn phải tiếp tục hút thuốc, tôi không thể bỏ thuốc!

Cũng như những thanh thiếu niên khác, ngày trước tôi nghĩ mình uống rượu, hút thuốc để chứng tỏ mình đã lớn, mình được tự do, muốn làm gì thì làm? Nhưng tự do đâu không thấy mà chỉ thấy bây giờ tôi không còn một chút tự do nào. Tôi muốn đi bơi, đi chèo thuyền, leo núi, v.v... nhưng không thể nào đi được. Tôi không được tự do hưởng những điều bao nhiêu người khác vui hưởng, vì lúc nào tôi cũng cần phải có thuốc, phải đeo bình dưỡng khí bên người mới thở được. Cuộc đời tôi đáng lẽ còn được đến 20 năm nữa. Hai mươi năm khỏe mạnh, linh hoạt, vui thú và hữu ích, nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi. Không những thế, những năm qua tôi đã tốn bao nhiêu tiền để mua thuốc lá, tốn tiền mua các loại thuốc chữa bệnh, tốn tiền cho bác sĩ và tốn bao nhiêu tiền để thử các phương pháp giúp tôi bỏ thuốc. Với tất cả những tiền đó, tôi có thể mua một chiếc xe thật sang thật đẹp, hoặc giúp cho con tôi ăn học. Tôi có thể sống thêm nhiều năm nữa trong hạnh phúc với vợ con, với bao người thân yêu, nhưng không được vì những năm trước, khi còn trẻ, còn khỏe, tôi đã chọn thuốc lá. Giá mà hồi đó tôi nghe theo lời khuyên của cha tôi thì tôi đâu có khổ như hôm nay. Cha tôi thường nói: "Con biết không, hầu hết những người vào nghĩa địa sớm là những người nói rằng, ồ, chuyện đó không xảy đến cho tôi đâu."

Ba tháng sau, ông Bert Hudson, người viết lá thư trên, đã chết. Bà vợ ông làm đúng theo điều ông yêu cầu, bà gởi lá thư đến một tòa báo, xin đăng để cảnh giác những ai đang hút thuốc hay mơ ước một ngày kia mình sẽ tập hút thuốc. Mỗi khi thấy một người châm điếu thuốc đưa lên môi, có lẽ quý vị cũng như chúng tôi, thật ái ngại cho người đó, nhất là nếu đó là một thanh thiếu niên. Hút thuốc là tự tiêu hủy sức khỏe và tự giết chết cuộc đời mình. Các thống kê cho biết, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị chết hoặc bị tàn phế trong khi còn trẻ. Dù những bệnh do thuốc lá gây ra là những bệnh nguy hiểm nhưng là những bệnh chúng ta có thể tránh được. Nhưng mỗi năm tại Hoa Kỳ có Imagekhoảng 350,000 người chết vì bị những bệnh do thuốc lá gây ra. Riêng trong năm 2001 có khoảng 170 ngàn người chết vì những bệnh ung thư do thuốc lá gây ra. Những người này bị những chứng bệnh mà đúng ra họ có thể tránh được nếu họ không xem thường những lời cảnh cáo chung quanh mình. Có những người khi bước vào tuổi thiếu niên đã tập tành hút thuốc vì nghĩ rằng hút thuốc là dấu hiệu của người trưởng thành, hút thuốc là chứng tỏ mình đã lớn, mình là người khôn ngoan, sành đời, biết hưởng thụ đời sống. Vì nghĩ sai lầm như thế, bao nhiêu người trẻ đã tập tành hút thuốc để rồi bị những chứng nan y mà đến cuối cuộc đời vô cùng hối tiếc.

Ngày nay những người trẻ, nhất là các bạn trẻ Việt Nam hút thuốc rất nhiều, ở tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, và số tuổi của những em bắt đầu hút thuốc ngày càng hạ thấp, có khi xuống đến 10, 12 tuổi. Các em bắt chước người lớn, bắt chước tài tử xi-nê tập tành hút thuốc. Các em dùng tiền cha mẹ cho để mua quà bánh, sách vở, bút mực để mua thuốc lá. Cha mẹ của các em vì lo đi làm suốt ngày, suốt tuần, không biết con mình đã tiêm nhiễm những tật hư thói xấu của bạn bè. Một bài viết về thuốc lá và cần sa ma túy của cơ quan y tế tại bang Missouri, cho biết, điều mà những cơ quan cai thuốc lá thường nói để khuyến khích người ta bỏ thuốc là, họ nói rằng khi một người dù đã hút thuốc bao nhiêu năm nhưng nếu bỏ hút thì trong một thời gian ngắn, thì nguy hiểm của những bệnh do thuốc lá gây ra sẽ không còn và người đó sẽ được khỏe mạnh, bình thường. Bài viết đó cho biết điều này trong thực tế không đúng. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, dù biết nguy hiểm của thuốc lá nhưng cứ tập hút thuốc và không lo lắng gì cả vì nghĩ, một cách sai lầm rằng, mình có thể hút thuốc một vài năm cho vui rồi bỏ, mà không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì tin như thế, các em thanh thiếu niên hiện nay hút thuốc rất nhiều. Trung tâm CDC, là trung tâm nghiên cứu về cách ngăn ngừa bệnh và phòng bệnh cho biết, trong sáu năm qua, số các em thanh thiếu niên hút thuốc đã tăng gấp ba lần những năm trước.

Một điều nguy hiểm khác là, các bạn trẻ hút thuốc không những nghĩ rằng khi mình bỏ thuốc là sẽ không còn gì nguy hiểm đến sức khỏe mà còn tin rằng nếu mình chỉ hút thuốc trong khoảng từ 16 đến 28 tuổi thì sẽ không có hậu quả gì lâu dài đến sức khỏe. Nhưng điều khó là hầu hết những người hút thuốc khi còn trẻ lớn lên không bỏ thuốc được. Đa số đều nói: tôi có thể bỏ thuốc bất cứ lúc nào, và hầu hết đều theo triết lý: Ngày mai, tuần tới hay tháng sau mình sẽ bỏ, không hút thuốc nữa. Nhưng các thống kê cho biết, trong số 100 bạn trẻ hút thuốc, chỉ có khoảng 15-16 người thật sự bỏ, những người kia không những không bỏ thuốc được nhưng càng lớn tuổi càng hút nhiều hơn và cuối cùng chết vì những bệnh do thuốc lá gây ra. Là cha mẹ, chúng ta không những không hút thuốc để làm gương cho con nhưng cũng cần tìm hiểu về nguy hiểm của thuốc lá để nói cho con biết. Chúng ta cần nói khi con còn nhỏ, chưa đi học, chưa đến tuổi thiếu niên, là tuổi bắt chước những điều của người lớn và dễ bị áp lực làm theo những gì bạn bè làm. Thống kê cho biết, trong số những người lớn hút thuốc, có đến 75% đã bắt đầu tập hút trước 21 tuổi.

Tuổi thiếu niên, là tuổi dễ bị cám dỗ hút thuốc cũng như tập tành những thói xấu khác. Suy nghĩ chung của các bậc cha mẹ là, khi con còn nhỏ mình phải dành nhiều thì giờ chăm sóc cho con. Chăm sóc từ miếng ăn, quần áo, giờ đi ngủ, đi học, v.v... Khi con lớn và có thể tự lo nhưng điều căn bản đó, chúng ta thấy được thong thả và bắt đầu nghĩ đến việc đi làm, đi học hay làm những gì chúng ta ưa thích, và không dành thì giờ cho con nữa. Nhưng thưa quý vị, khi con em chúng ta không cần đến những chăm sóc nhỏ nhặt của cha mẹ lại là lúc các em cần cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Đây là lúc các em phải đối diện với cám dỗ, với những ảnh hưởng xấu của bạn bè và là lúc các em cần sự chỉ dẫn của cha mẹ hơn hết. Bao nhiêu em lúc nhỏ rất ngoan nhưng từ khi vào trung học, từ khi biết lái xe, từ khi không đi với cha mẹ nhưng đi với bạn bè, từ khi ở nhà một mình bên cái ti-vi, bên computer là bắt đầu hư hỏng, bắt đầu tập những thói hư tật xấu. Thêm vào nguy hiểm này là, lúc con em chúng ta bị cám dỗ nhiều thì lại là lúc cha mẹ không quan tâm đến con nữa nhưng bận rộn đeo đuổi ước mơ của riêng mình. Vì thế, điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là để ý xem con em mình có đang tập tành hút thuốc hay không. Bệnh gì cũng vậy, biết càng sớm càng dễ chữa trị. Chúng ta hướng dẫn con bằng những lời khuyên dạy nhỏ nhẹ, yêu thương, tế nhị. Vì nếu chỉ la mắng, đe dọa hay trừng phạt, chúng ta sẽ đẩy con xa cha mẹ và ngã vào cám dỗ dễ dàng hơn. Cầu xin Chúa giúp quý vị có thể dành thì giờ cho con cái nhiều hơn, hầu hướng dẫn các em tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm trong đời sống.
Minh Nguyên