Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, June 6, 2012

Kiểm Kê Đời Sống



Tại các cơ sở thương mại hay các hãng xưởng mỗi ba tháng, sáu tháng hay hàng năm, người ta thường có những lần kiểm kê hàng hóa để xem thử hàng còn nhiều hay ít, mỗi thứ bao nhiêu. Dựa vào đó, người ta đi đến quyết định sản xuất thêm, hay bớt lại, nên mua thêm hàng hay bớt lại những món hàng nào. v.v... Tiếng Anh gọi là inventory.Trong đời sống tinh thần, chúng ta cũng cần có những cuộc kiểm kê hay inventory tương tự, nghĩa là dành thì giờ, dừng lại để suy nghĩ về đời sống, về nếp sống của mình. Tại sao ta sống, sống để làm gì và cuộc đời nầy sẽ đi về đâu.

Người ta nói rằng những triết gia thì mới hay đặt vấn đề về đời sống, còn chúng ta là những con người bình thường, đặt vấn đề chi cho thêm mệt. Thật ra, mỗi chúng ta dù không là triết gia thì cũng nên làm triết gia. Bạn biết chữ "triết gia" trong tiếng Anh là philosopher và chữ philosopher do hai chữ phileo và sophia ghép lại. Hai chữ đó có nghĩa là "yêu khôn ngoan." Nếu chúng ta là những người yêu chuộng khôn ngoan, muốn làm người hiểu biết, chúng ta cần dành thì giờ suy nghĩ đến đời sống và hướng đi của mình.
Một trong những tác giả của Thánh Kinh là vua Sa-lô-môn, ông là một vị vua khôn ngoan và cũng là một thi sĩ có tài. Ông đã viết ra 3,000 câu châm ngôn và làm 1,005 bài thơ. Một trong những tác phẩm của ông là sách Truyền Đạo hay Giảng Viên, tức là người thuyết trình hay trình bày vấn đề cho nhiều người nghe. Có lẽ vua Sa-lô-môn đã hoàn thành tác phẩm nầy ở cuói cuộc đời của mình, và có thể nói đây là kiểm kê của ông về đời sống mà chúng ta có thể học được nhiều điều.
Hôm nào có dịp Bạn hãy tìm đọc tác phẩm nầy, hôm nay tôi chỉ xin lấy ra ba điểm căn bản của sách nầy để chúng ta học biết về đời sống và sống đúng với cuộc đời chúng ta đang có.
Tác phẩm Truyền Đạo mở đầu bằng những câu như sau: "Mọi việc trên đời đều vô nghĩa! Mọi sự đều hư ảo, phù hoa!" Thật ra trong nguyên văn, tác giả chỉ dùng một chữ là chữ "hư không." Bản Kinh Thánh xuất bản năm 1925 dịch câu nầy là: "Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không!" Cuộc đời là hư không, là vô nghĩa, đó là kết luận của vua Sa-lô-môn sau bao nhiêu năm sống giàu sang, sung sướng và tận hưởng mọi thứ trên đời.
Vua Sa-lô-môn nói mọi điều đều hư không vì chu kỳ của đời sống cứ đều đều tiếp diễn: mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, gió thổi hướng nầy rồi đổi qua hướng khác, mọi sông đều chảy vào biển nhưng không bao giờ làm đầy biển, có những điều người ta nói là mới thật sự chẳng có gì mới dưới mặt trời. Vua Sa-lô-môn thấy cái vô nghĩa của cuộc đời vì những xoay vần không bao giờ đổi thay. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, dù sướng hay khổ, có những chu kỳ ta không bao giờ thoát ra được: lo làm ăn, sinh sống, hết ngày nầy sang ngày khác, hết năm nọ đến năm kia. Nếu cuộc đời chỉ là những chuỗi ngày như thế nầy thì đời sống thật vô nghĩa. Vì vậy người ta đi tìm những thứ để lấp đầy khoảng trống trong đời sống. Đối với vua Sa-lô-môn, ông đã dùng học thức, khôn ngoan, đi tìm hiểu, học hỏi nghiên cứu nhiều điều để rồi cũng đi đến kết luận: "Khôn ngoan nhiều, phiền não cũng nhiều, thêm tri thức cũng chỉ thêm đau đớn." Không thời đại nào bằng thời đại của chúng ta, chúng ta biết rất nhiều, nhưng đời sống cũng không nhờ đó có ý nghĩa hơn!
Vị vua khôn ngoan, giàu có kia lại đi tìm ý nghĩa của đời sống trong khoái lạc, trong hưởng thụ, trong của cải vật chất. Ông nói: "Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích." Để rồi từ đó, ông đi đến kết luận: "Ta xem xét các công việc tay mình đã làm, kìa, mọi điều đó là hư không theo luồng gió thổi."
Sau cái nhìn bi quan như vậy vào đời sống, vua Sa-lô-môn đã tìm thấy một khía cạnh khác của vấn đề. Có thể nói như thế nầy: Bạn có nhìn vào một bức khăn thêu hay một tấm thảm dệt nhiều màu chưa? Nếu chỉ nhìn vào mặt trái, chúng ta chỉ thấy những sợi chỉ đủ màu, chằng chịt, không mang một ý nghĩa nào, nhưng mặt bên kia là cả một bức tranh hay những hình ảnh tuyệt đẹp. Đời sống con người cũng tương tự như vậy. Có thể chúng ta thấy đời sống thật vô nghĩa, chẳng có ý nghĩa gì chỉ vì chúng ta chỉ nhìn thấy bề trái của cuộc đời. Cuộc đời con người không phải là chuỗi ngày vô nghĩa và lộn xộn nhưng thật sự là một bức tranh đẹp, một công trình tuyệt vời của bàn tay Thiên Chúa.
Tôi không có thì giờ để đọc hết phần Thánh Kinh nầy nhưng vua Sa-lô-môn cho thấy rằng, quan sát đời sống chúng ta thấy luôn luôn có những định kỳ, có lúc sinh, có lúc tử, có lúc gieo, có lúc gặt, có thời chiến có thời bình... và ông kết luận: "Thượng Đế tạo ra mọi sự chỉ tốt đẹp vào đúng thời của nó." Thượng Đế tạo ra mọi sự tốt đẹp vào đúng thời của nó. Và ông nói thêm: "Thượng Đế gieo rắc ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người." Nói như vậy nghĩa là, đời nầy vô nghĩa thật nếu chí có đời nầy mà thôi, nhưng trong mỗi con người chúng ta, chúng ta đều có ý thức về cõi vĩnh hằng. Ý niệm đời đời hay vĩnh cửu giúp ta thấy rằng những gì chúng ta đang có hay đang sống chỉ là một phần rất nhỏ của cả cõi đời đời và đời sống có ý nghĩa hay không là tùy cái nhìn của chúng ta vào cả cõi vĩnh hằng. Nếu chỉ có đời nầy mà thôi thì đời sống vô nghĩa thật, nhưng chúng ta còn có cả cõi đời đời để sống và ý niệm về cõi đời đời đó, ai trong chúng ta cũng có, chúng ta không thể phủ nhận.
Như vậy, đời sống vô nghĩa thật dưới cái nhìn của con người, nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, đời sống tràn đầy ý nghĩa vì tất cả nằm trong chương trình và ý định tốt đẹp của Thiên Chúa. Trong ý hướng đó, Thiên Chúa muốn chúng ta tận hưởng đời sống, chỉ nhớ một điều: chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về tất cả mọi hành động của mình bởi vì con người chúng ta được phú ban cho trí óc để suy nghĩ, ý chí để quyết định. Chúng ta biết và chúng ta có quyền lựa chọn. Quyền lựa chọn đặt chúng ta vào chỗ chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, hơi thở, trí thông minh và ý chí tự do.
Trong ý hướng đó, tác giả sách Truyền Đạo đưa ra lời khuyên như sau. Hãy nhớ, đây là kết luận của một người đã tận hưởng mọi điều trên đời, đã thấy đời sống vô nghĩa. Ông nói: "Phải nghĩ đến Tạo Hóa trong những ngày còn niên thiếu, trước thời kỳ khó khăn, khi những năm nặng nề đến trong đời mình." Ông nói thêm: "Phải nghĩ đến Tạo Hóa trước khi tro bụi trở về cùng đất còn linh hồn trở về với Thượng Đế, Đấng đã phú nó."
Lời kết luận của vua Sa-lô-môn chỉ đó một điểm, đó là "nghĩ đến Tạo Hóa." Nghĩ đến Tạo Hóa không phải chỉ suy tư về Chúa nhưng ý thức về sự hiện hữu của Ngài và sống đúng với đời sống mà Chúa muốn chúng ta sống. Chúa Cứu Thế Giê-xu phán: "Ta đã đến hầu cho chiên được sống và sống sung mãn." Đời sống con người chỉ có ý nghĩa khi ta quay lại với Đấng Tạo Hóa, Đấng chẳng những ban cho chúng ta sự sống thể xác, Ngài cũng là Đấng ban cho chúng ta sự sống tâm linh là đời sống được giao tiếp với Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-xu đã trả một giá rất đắt khi Ngài giáng trần làm người, mang tội của chúng ta và chịu chết thế cho chúng ta. Đó chính là Phúc Âm mà chúng tôi loan báo cho quý vị mỗi tuần trên làn sóng điện nầy.
Trong những ngày giao mùa nầy, chúng ta cần có một cuộc kiểm kê về đời sống. Hãy xem thử mình đã sống như thế nào, chẳng lẽ cứ tiếp tục sống mãi như vậy sao? Có cả cõi đời đời đang chờ trước mắt và có Đấng Tạo Hóa, người Cha yêu thương đang trông chờ Bạn quay về với Ngài.