Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, December 5, 2012

Ngón Tay Chúa


Thưa quý vị,

Dầu bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ cách đây 236 năm vô cùng giá trị, nhưng không thể nào so với Thông Điệp của Thượng Đế được chính những ngón tay Ngài viết ra.
Lần thứ nhất, được ghi lại trong Kinh Thánh, chính Đức Chúa Trời đã dùng ngón tay Ngài viết 10 điều răn trên hai bảng đá. Thánh Kinh ký thuật lại lời của lãnh tụ người Do Thái là Môi-se rằng: "Lúc tôi lên núi để nhận hai bảng đá, trên đó Chúa dùng ngón tay viết những lời Ngài đã nói với toàn thể đồng bào từ trong đám lửa trên núi, đó là giao ước Ngài đã kết với đồng bào. Tôi ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm, không ăn không uống. Cuối thời gian bốn mươi ngày đêm ấy, Chúa trao cho tôi hai bảng đá, đó là giao ước vừa kết lập." (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:10-11)
Trong một phân đoạn khác, Thánh Kinh khẳng định rằng: "Môi-se xuống núi, trên tay cầm hai bảng "Chứng Cớ" có viết cả hai mặt. Chính tay Đức Chúa Trời đã viết trên hai bảng đó." (Xuất Ê-díp-tô ký 32:16)
Khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va chưa phạm tội, họ sống vui vẻ hồn nhiên, tận hưởng mọi sự chu cấp của Đức Chúa Trời trong vườn địa đàng, họ chưa có ý niệm về điều thiện, điều ác. Họ sống trong sự che chở chăm sóc của Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó vì lòng tham, nghe lời xúi giục của quỷ vương thay vì vâng theo Chúa, họ đã cãi mạng lệnh Ngài, vi phạm điều Chúa ngăn cấm. Từ đó tội lỗi và sự chết đã thâm nhập vào thế gian. Nhưng vì tình yêu bao la, Đức Chúa Trời đã tuyển chọn dân Do Thái, để từ đó Chúa Cứu Thế giáng trần, đem lại sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Trước khi Chúa Jesus giáng sinh 1500 năm, Chúa đã ban 10 điều luật cho dân sự Chúa để họ không phạm tội cùng Ngài:
  1. Không được thờ thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời
  2. Không được làm hình tượng
  3. Không xúc phạm đến danh Chúa là Đức Chúa Trời
  4. Không được quên ngày thánh, dành thì giờ nầy để thờ phượng Ngài
  5. Không được bất hiếu đối với cha mẹ.
  6. Không được giết người
  7. Không được phạm tội tà dâm
  8. Không được trộm cắp
  9. Không được nói dối
  10. Không được tham lam của cải của người khác.
Lần thứ nhì, những ngón tay của Đức Chúa Trời viết lên bức tường vôi. Thánh Kinh ký thuật lại rằng: "Vua Bên-xát-xa đặt tiệc lớn đãi một ngàn quan chức trong triều. Vua uống rượu mừng các quan văn võ. Vừa nhấm rượu, vua hứng chí ra lệnh đem ra tất cả các chén vàng, chén bạc mà tiên đế Nê-bu-cát-nết-sa đã đoạt lấy trong Đền Thờ Chân Thần tại Giê-ru-sa-lem, để vua quan cùng các hoàng hậu và cung phi uống rượu. Tả hữu vâng lệnh, lấy các chén vàng, chén bạc của Đền Thờ Chúa tại Giê-ru-sa-lem rót rượu dâng vua và mời các quan chức, các hoàng hậu và cung phi. Tất cả đều hoan hỉ chén thù chén tạc, đồng thời ca tụng các thần tượng bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ và đá. Ngay giờ phút đó, có những ngón tay của một bàn tay người xuất hiện, viết trên bức tường vôi trong cung điện, đối ngang chân đèn. Chính mắt vua Bên-xát-xa trông thấy bàn tay bí mật đang viết. Vua quá khiếp sợ, mặt mày xám ngắt, run lẩy bẩy, hai đầu gối đập vào nhau rồi vua ngã quị xuống." (Đa-ni-ên 5:1-6)

"Giữa lúc mọi quần thần và quân sư của nhà vua bối rối không tài nào biết những chữ đó là gì! Ý nghĩa của những chữ ra sao? Một người Do Thái đã từng làm quan lớn nhất trong các đời vua trước, được Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan và tiết lộ những điều huyền bí, thâm sâu, Đa ni ên đọc nhũng chữ đó, và giải thích rằng: MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, PHÁC-SIN. "Và đây là ý nghĩa: MÊ-NÊ nghĩa là 'đếm;' Chân Thần đã đếm các ngày bệ hạ trị vì, và chấm dứt đi. TÊ-KEN nghĩa là 'cân,' bệ hạ đã bị đem cân, và thấy là thiếu. PHÁC-SIN nghĩa là 'bị chia đôi,' nước bệ hạ sẽ bị chia đôi, và giao cho người Mê-đi và người Ba Tư." Theo lệnh vua, người ta mặc cho Đa-ni-ên chiếc áo cẩm bào nhà vua, đeo vào cổ dây chuyền vàng và công bố rằng: Đa-ni-ên được cử làm tể tướng. Ngay đêm ấy, Bên-xát-sa vua nước Ba-by-luân bị giết. Đa-ri-út, người Mê-đi, chiếm lãnh đế quốc lúc người sáu mươi hai tuổi" (Đa-ni-ên 5:26-31) Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời thật nhanh và dứt khoát.

Nhìn lại chính mình, đôi khi chúng ta đã không nhận biết những vi phạm mình đối với Đức Chúa Trời, lắm khi chúng ta đã không tôn kính Ngài qua những lời cười đùa, phạm thượng đến uy danh của Đức Chúa Trời, chúng ta đã không tri ân về những gì Ngài ban cho mình, từ vật thực chúng ta hưởng mỗi ngày, đến sự sống, trí khôn Đấng Tạo Hóa ban cho mình. Loài người chúng ta thay vì thờ phượng chân Thần thì lại cúi lạy thần tượng do con người làm ra. Có người trong chúng ta không biết rằng những ngày của đời sống mình sắp hết; Chúng ta bị đặt lên cân và bị thiếu hụt, không đủ tiêu chuẩn thánh thiện của Chúa; linh hồn chúng ta bị mất, mạng sống chúng ta bị đòi lại.


Thưa quý vị, ít ai muốn nghe đến hỏa ngục, nhưng hỏa ngục có thật, những ai vi phạm luật Chúa đều bị xô vào địa ngục. Chúa phán rằng: "Này, mọi linh hồn đều thuộc về Ta, linh hồn của cha cũng như của con. Người nào phạm tội, người ấy chết." (Ê-xê-chi-ên 18:4) Thánh Kinh cũng đã cảnh báo rằng: "Kẻ ác sẽ bị xô xuống Âm phủ, và các dân quên Đức Chúa Trời cũng vậy."(Thi Thiên 9:17)

Lần thứ ba, Chúa dùng chính ngón tay của Ngài để bày tỏ tình yêu và chân lý của Chúa qua lần viết lên cát. Câu chuyện được ghi lại trong Thánh Kinh: "Một ngày kia khi trời vừa sáng, Chúa từ núi Ô-li-ve trở lại Đền Thờ. Dân chúng kéo nhau đến gần, Ngài ngồi xuống dạy dỗ họ. Đang khi Chúa giảng dạy, các thầy dạy luật và Biệt-lập dẫn đến một thiếu phụ bị bắt về tội ngoại tình, để chị đứng trước đám đông. Họ chất vấn Chúa: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật Môi-se, người ngoại tình phải bị ném đá xử tử. Còn Thầy nghĩ sao?” Họ cố ý gài bẫy để tìm lý do tố cáo Ngài. Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết trên mặt đất. Vì họ cứ hỏi mãi, Chúa ngước lên trả lời: “Trong các ngươi, người nào vô tội hãy ném đá chị ấy trước đi!” Chúa lại cúi xuống viết trên mặt đất. Nghe câu ấy, họ lần lượt bỏ đi, người lớn tuổi đi trước. Sau cùng chỉ còn một mình Chúa. Thiếu phụ vẫn đứng trân một chỗ. Chúa ngước lên hỏi: “Này con, họ đi đâu hết cả? Không có ai lên án con sao? “Thưa Chúa, không ai cả!”, thiếu phụ đáp. Chúa ôn tồn: “Ta cũng không lên án con đâu. Con về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Giăng 8:1-11)

Chúa Cứu Thế Jesus đã thương yêu và tha thứ một phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chính Ngài là Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã đến trần gian qua hình hài và thể xác của con người, trong một hài nhi được bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ cách đây hơn 2000 năm. Thánh Kinh nói rõ: "Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Đức Chúa Trời từ nguyên thủy vì Ngài là Đức Chúa Trời ngôi hai." Ngài là Đấng Cao Cả, vô hạn, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, nhưng đã trở thành con người hữu hạn, sanh ra trong thân phận của con người. Ngài có người mẹ phần xác, nhưng có điều đặc biệt là Ngài không có cha phần xác như chúng ta, nên Ngài không bị tội lỗi từ tổ tông truyền lại như con người trong trần thế nầy. Chúa Jesus cũng lớn nên như bao trẻ thơ khác. Trong suốt 30 năm đầu trên đất, Chúa đã làm tròn bổn phận làm con đối với bà Ma-ri là mẹ phần xác và dưỡng phụ của Ngài là ông Giô-sép. Sau đó trong suốt 3 năm rưởi, Chúa đã cứu rất nhiều người, chữa lành mọi bệnh tật cho họ, kêu kẻ chết sống lại, giải cứu họ ra khỏi án phạt của tội lỗi và lửa địa ngục.

Kinh Thánh cũng cho biết "Chúa Cứu Thế đã sáng tạo vạn vật; mọi loài trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên. Chúa Cứu Thế là Nguồn Sống bất diệt. Nguồn Sống ấy soi sáng cả nhân loại, chiếu rọi trong bóng tối dày đặc, nhưng bóng tối không bao giờ dập tắt được ánh sáng... Chúa Cứu Thế đã đến thăm thế giới do chính Ngài sáng tạo, nhưng thế giới không nhận biết Ngài. Chúa Cứu Thế đã sống giữa lòng dân tộc, nhưng dân tộc Chúa khước từ Ngài. Tuy nhiên tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Đức Chúa Trời - tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa - Những người ấy được chính Đức Chúa Trời sinh thành, chứ không sinh ra theo huyết thống, hay theo tình ý loài người. Chúa Cứu Thế đã mang lấy hình hài thể xác con người, sinh hoạt giữa chúng ta, đầy tràn ân phúc và chân lý. Chúng tôi đã ngắm nhìn vinh quang rực rỡ của Chúa Cứu Thế, đúng là vinh quang Con Một của Đức Chúa Trời." (Giăng 1:1-14)

Vì là Đấng Vô Tội, nên chỉ có Ngài mới cứu được chúng ta là kẻ có tội. Vì là Trời, nên Ngài có thẩm quyền cứu những ai tin nhận vào sự hy sinh của Chúa cho mình.
Thưa quý vị, không ai biết được Chúa đã viết gì trên cát. Nhưng rõ ràng là Chúa biết thiếu phụ ngoại tình đang tủi hổ về những tội lỗi của mình. Trong hai lần đầu, Chúa đã viết Luật Pháp để chỉ con người thấy rõ tội lỗi và án phạt mà họ phải gánh chịu. Nhưng sau khi đã kết án, lần nầy Chúa viết vào lòng thiếu phụ nầy hai chữ tha thứ, để cho thiếu phụ nầy nhận ra rằng dầu mình tội lỗi ngập đầu, những Chúa đã gánh thế tội cho mình rồi. Chúa nhắc nhở cho thiếu phụ đó rằng Ngài đã gánh hết mọi lỗi con trên cây thập tự. Lời Chúa dạy rằng: "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta." (Rô-ma 6:23)

Chúa Jesus yêu quý vi, Chúa đã hy vinh tánh mạng vì quý vị, rất mong quý vị đến với Chúa ngay giờ này.
Kính chào quý vị và các bạn.


Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang