Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, February 20, 2013

Công Quả



Công quả là thiện tâm của người muốn làm việc gì đó cho điều mình quan tâm kính ngưỡng để mong cầu sự lợi ích. Từ công quả mới có được công đức và từ công đức mới tích lũy được phước hạnh. Thế nên Phật tử có lòng đến chùa công quả là tự giác sẳn sàng hiến công, hiến của. Khi chùa có những nhu cầu gì thì tận tâm tận lực phục vụ theo khả năng mình; không có thù lao đãi ngộ nào đáp lại công sức ấy cả. Có năm phước báu ở thế gian mà người ta mong muốn được: giàu sang, khỏe mạnh, sống lâu, sắc đẹp và trí tuệ. Đó là một đời sống hạnh phúc vui thỏa từ vật chất đến tinh thần cho thân tâm nên người ta tìm đến công quả ở chùa. Nhưng Chúa không để chúng ta tầm cầu như vậy mà dạy rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các người mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33).


Có rất nhiều hình thức để công quả. Một hình thức là đóng góp công sức như người bạn của tôi tình nguyện mỗi ngày đến chùa chặt cây thuốc một buổi, còn những người khác thì quét lá, tưới rau, xách nước, bửa củi, phụ bếp, dọn dẹp, trồng hoa kiểng, v.v. Một hình thức khác là đóng góp tài vật trong sự bố thí cúng dường: tài lộc, của cải, gạo muối, dầu,đường và những nhu cầu thực phẩm khác.

Tôn chỉ của sư phụ dành cho đệ tử là “Tôn sư trọng đạo” cũng như “Tiên học lễ hậu học văn.” Trước phải biết tôn kính thầy thì mới tỏ ra là người biết trọng đạo. Vì thế khi dâng lể vật trình lên sư thầy trước là bái lạy tạ ơn; sau đó sư thầy nhận lấy cách hoan hỉ thì phật tử mới được phước. Thông thường, vị trụ trì chùa là Sư trưởng sở hữu ngôi chùa trọn quyền sử dụng tài chánh vì là chủ chùa phải đảm nhiệm mọi sự trong ngoài, bảo mật phần tài lộc cho chùa không ai được biết đến. Còn đạo Tin lành thì công khai tài chánh; các mục sư không được trọn quyền sử dụng vì là quỹ tự trị của nhà thờ. Tôi được một vị trụ trì nói về cảm nghĩ của mình như sau: “Tôi thật bị mặc cảm tội lỗi khi người ta đến dâng lễ vật cúng dường và bái lạy tôi, vì tôi tự biết mình là phàm tăng không phải là thánh tăng; tôi cũng phàm phu tục tử như họ thế mà lại được người tôn kính bái lạy dâng của lễ cúng dường cho, nhưng mình thì không có làm chi lợi ích giúp họ cả, vì lẽ “Vô công bất hưởng lộc.” Vì sợ tội lỗi càng ngày càng chồng chất đè nặng lên vai mình làm sao có thể đi đầu thai cách nhẹ nhàng được, lại uổng phí cả một đời tu hành của mình nữa!“ Ông ta phải nối nghiệp cha mẹ ông bà nhiều đời làm chủ chùa vì đó là nghiệp cha truyền con nối. Khi ông ấy biết được tin nhận Đức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình thì tội lỗi sẽ được tha thứ, ông ấy đã từ bỏ ngôi vị, tài sản, bỏ lại tất cả những sự tôn kính bái lạy lễ vật và gia sản thừa kế ra đi với hai bàn tay trắng. Ông bị dòng họ chửi bới nhục mạ, nhưng ông thà mất tất cả mà linh hồn được cứu thì cũng đáng. Bây giờ ông ấy đã là tín hữu Tin lành tại Cần thơ, có lẽ vì nhận thấy cái phước không phải do việc làm công quả cho chùa, nhưng là biết kính sợ Đức Chúa Trời. Đó là khởi đầu sự khôn ngoan và người nào tìm được sự khôn ngoan và được sự thông sáng có phước thay! “Sự khôn ngoan quý-báu hơn châu ngọc, Chẳng một bửu vật nào con ưa thích mà sánh kịp nó được”(Châm-ngôn 3:15). Bàn về phước hạnh, Chúa cũng dạy ta là: “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẽ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chổ của kẻ nhạo báng” (Thi-thiên 1:1).

Nếu các chủ chùa nhờ các hình tượng để được tài lộc và sự kính dâng, bái lạy và sự phục vụ của phật tử thì quả là khác biệt với Đức Chúa Giê-su quá, vì Chúa đến thế gian không phải để cho người ta phục vụ mình mà là để phục vụ và hầu việc người ta. Tấm gương khiêm nhường của Chúa là rửa chân cho các môn đồ để tín hữu noi theo mà phục vụ anh em mình bằng tấm lòng yêu thương. Việc đi thăm viếng giúp đở người khốn khó bệnh hoạn của tín hữu Tin lành không có mục đích cầu phước thế gian mà là cầu phước Thiên Thượng. Đó là ưu điểm của Tin Lành.

Tôi làm công quả

Không phải là ngẩu nhiên khiến tôi dấn thân vào chùa làm công quả, mà do một sự kiện xảy ra trong đời tôi. Nó vừa bi đát, vừa mơ hồ, có vẻ hoang đường nhưng có tác động mãnh liệt lên tôi, làm tôi phải khát khao đi tìm kiếm chân lý tu hành không cưỡng lại được! Nó xảy ra giữa lúc tôi đầu tắt mặt tối lo sinh kế cho đàn con, đời sống thực tế trước mắt cần giải quyết chẳng còn tâm trí nghĩ về tôn giáo. Đột nhiên tôi bị một chứng bệnh quái dị ngược đời là lạnh run từ sáng đến tối, lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, nhất là vào lúc 12 giờ trưa. Sức nóng mặt trời càng tăng chừng nào thì tôi càng lạnh run chừng ấy, phải lấy mền trùm kín vẫn bị run bần bật rất mệt! Cơn lạnh này tỷ lệ thuận với sức nóng mặt trời. Còn về đêm mát mẻ thì tôi lại nóng bức, quạt sành sạch nhưng lại có hai gai ốc ơn ớn ở sóng lưng. Tôi rất khốn khổ vì chứng bệnh này không làm được việc gì cả. Nó không phải bệnh sốt rét từng cơn, đông tây y đều trị không hết, chẳng biết bệnh gì tôi đành bó tay chịu trận!

Rồi tôi gặp người tặng cho một quyển kinh nói về các chứng bệnh kỳ quái. Kinh có ghi nhiều địa chỉ những bệnh nhân để làm tin; họ đã ăn chay và tụng kinh này 12.000 biến thì thấy linh ứng hết bệnh. Một phần của Kinh có thần chú tiếng Sankcrist; một phần khác là kinh cứu khổ. Được lời như cởi tất lòng, tôi mừng rỡ liền kiếm 40 thẻ để tụng 40 biến mỗi ngày. Bệnh tôi vẫn kéo dài như thế cho đến gần một năm thì có sự “linh ứng” xảy ra: chỉ một điềm chiêm bao đã giải quyết hết cơn khổ ải của tôi! Thật không ngờ! Ai cũng sẽ cười cho là hoang đường, nhưng sự thật là thế. Một giấc mơ hy hữu làm thay đổi cuộc sống của tôi mà chưa bao giờ tôi tỉnh táo trong giấc mộng như vậy! Nguyên là tôi mơ thấy một con sư tử trắng phau trước cửa nhà, nhảy múa với cái đầu bờm xờm rất dễ thương. Tôi liền chạy ra đưa chân đùa giởn với nó. Vô tình đụng vào nó, tôi bị cắn hai dấu ở chân phải đau điếng. Tôi bỏ chạy đến nơi hoang vắng thì sư tử đó biến mất. Tôi chỉ thấy một pho tượng trên bệ thờ trước ngôi nhà hoang đóng kín, hình tượng quay mặt vào vách. Tôi cố nhìn xem mặt tượng thì bổng dưng tượng ấy quay lại nhảy xuống đất, hóa thành to lớn có hào quang chóa mắt. Rồi nó dúi vào tay tôi một bình bát và rưới linh dược lên đầu tôi. Đó là một thứ nước nóng đốt hai gai ốc và tỏa mát khắp châu thân. Khi nó chảy xuống đến chân, tôi cảm thấy khỏe khoắn dường bay bổng lên rồi rớt xuống, giật mình tỉnh giấc. Sáng ngày tôi nghĩ đó chỉ là giấc mơ thôi. Nào ngờ tôi phát hiện hai dấu cắn của sư tử bên chân phải tôi là thật! Sờ vào thấy đau. Vết cắn tròn đen thẩm cho đến một tuần lễ mới từ từ biến mất. Cái bệnh quỷ quái của tôi cũng mất luôn từ đó! Rồi như có một sức mạnh vô hình thúc giục tôi khao khát đến chùa xin làm công quả, được sư thầy chấp nhận cho làm thư ký. Kế đó tôi muốn học hết tám muôn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật, vì trải qua thời gian ở chùa không nắm bắt được gì ngoài việc cúng, thọ thực rồi về.

Tôi nóng lòng tìm kiếm chân lý, không biết làm sao! Đêm nào tôi cũng đứng trước bàn Ông Thiên cầu xin cho được gặp minh sư. Tôi đã được toại nguyện; bây giờ tôi mới biết Ông Thiên là Đức Chúa Trời. Khi học phần giáo lý căn bản xong, tôi muốn chép hết bảy bộ kinh gốc của Phật. Muốn vậy, tôi cần phải tìm đến thư viện làm công quả, vì lúc bấy giờ kinh rất quý hiếm. Những bộ kinh lớn rất khó mượn; ai đến mượn phải lưu lại chứng minh thư (giấy tờ tùy thân) cho thư viện để làm tin. Tôi cảm thấy thỏa lòng với công quả của mình ở thư viện. Lúc đó tôi chưa hiểu giấc mơ đó là gì, đinh ninh mình được “ơn linh thiêng mầu nhiệm” nên cố tầm cầu để đáp lại ơn đó.

 Rồi thêm một chuyện kỳ lạ nữa xảy đến với tôi làm tôi kinh hoàng. Thật quái dị khi con chó của tôi cột ở phía cửa sau nhà bổng nhiên nhảy xỏng giật dây kêu la hoảng hốt. Tôi ngạc nhiên cầm dây để nó chạy ra, nhưng nó quýnh quáng như điên cuồng chạy ngược chạy xuôi đôi ba lần làm tôi chạy theo mệt quá buông tay. Khi đó, nó chui tọt vào hai kẽ vách tường không thể nào ra được. Tôi tìm đủ mọi cách để giúp nó thoát ra nhưng nó vẫn bị kẹt cứng, vừa la vừa nhảy cỡn. Thân mình nặng nề nó lật ngữa; nó đưa hai chân lên chới với, kêu la hoảng loạn cả giờ, càng la càng mệt hơi thở nặng nề hồng hộc, há hóc mồm run rẩy. Thấy tội nghiệp quá, tôi đưa tay mở khóa cổ cho nó dể thở hơn thì bị cắn vào tay. Không hiểu sao máu phọt ra rất nhiều, tôi vội bóp chặt vết thương đi tìm vải buột cầm máu rồi trở vào xem nó ra sao. Ồ! Tôi rất đổi kinh hoàng vì thấy con chó không còn nằm ở đó nữa, như có bàn tay vô hình nào đem nó ra bỏ ngoài vậy. Tôi nổi gai ốc vì sợ, vội kéo nó đi. Con chó chỉ bê bê được vài bước thì ngả xuống tắt thở. Tôi bàng hoàng tự hỏi: có phải tà linh đòi nợ máu của mình chăng? Bất giác tôi dùng lời cầu nguyện Chúa xua đuổi tà linh biến đi. Sự tìm kiếm phước báu thế gian chấm dứt ở đây không còn phải công phu khó nhọc nữa. Qua những sự kiện trên tôi kinh nghiệm được rằng: - Tà linh đem đến bệnh hoạn khốn khổ, làm lạc lối sai đường, lôi kéo mình tôn thờ hình tượng, tức là làm nô lệ cho nó.- Thánh linh đem đến sự yên  ủi, bảo hộ, dẫn dắt, soi sáng theo đường lối của Chúa. Vì thế ai ở trong Chúa là ánh sáng thế gian, là chất muối của đất. Chúa dạy: “Sự sáng hãy soi trước mặt người ta đặng họ thấy những việc lànhcủa các ngươi và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Tôi đã chọn Chúa qua những ưu điểm của Tin Lành. Thêm vào đó sự thắc mắc từ lâu của tôi được giải đáp là “tôi từ đâu đến và sẽ về đâu.” Tôi biết ngay rằng tôi từ Đấng Tạo Hóa mà đến và sẽ về Thiên đàng cùng Chúa ở ngày sau rốt cuộc đời mình. Tôi đã khẳng định mình thuộc vể Đức Chúa Trời. Chạnh lòng nhớ các bạn thân thương đang miệt mài cực nhọc phục vụ công quả để tầm cầu phước báu, nhưng phước báu ấy ở đâu, từ đâu ban cho? Các bạn ấy có biết đâu rằng chỉ có Đấng Tạo Hóa Tối Cao chủ tể muôn loài thống trị trên trời dưới đất là Đấng nắm giữ số phận và sinh mệnh muôn loài thôi. Sao ta không biết để thờ phượng Ngài? Người ta hay nói con người giàu sang ở số và sống chết có số nhưng số ấy ở đâu, ai ban cho số ấy? Chỉ là Đức Chúa Trời mà thôi. Song phước báu thế gian không bền vững vì nó theo sự vô thường của thế gian mà hủy diệt theo dòng đời, và tuổi đời của con người. Còn phước báu thiên thượng sẽ còn mãi đời đời. Bí quyết cuộc sống là vâng lời, và làm theo kinh thánh, là Lời Chúa mặc khải cho nhân loại: “Vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:7b – 8)

Ngọc Thành  - Cần thơ

(Ngày 15 tháng 11 năm 2010)

http://hoptinhhoply.net/