Hôm qua là ngày đầu tiên chúng tôi bắt đầu triển khai việc tặng cơm cho các khu nhà trọ công nhân lao động nghèo. Bên cạnh việc phát hơn 1.000 suất cơm tại 3 quán Nụ Cười 4,7,8 (và vẫn tiếp tục cho đến hết thời gian “giãn cách XH”), chúng tôi cùng Liên đoàn lao động một số quận ven (Gò Vấp, Thủ Đức, 12) đến các khu nhà trọ công nhân phát 1000 suất cơm cho người mất việc và người lao động tự do đang ngồi co ro trong nhà vì...cách ly.
Đến những khu nhà trọ công nhân này, dù mấy năm gần đây tôi chủ yếu đi về đồng bằng không đến đây, tôi bỗng gặp lại một không gian cũ quen thuộc hòi còn làm những phiên chợ "Hàng Việt vào công nhân". Vẫn là nghèo và bức bối buồn: chúng nằm ở cuối các con hẽm sâu vùng ven, những căn hộ nhỏ hẹp tối tăm nóng bức toát lên màu rỉ sét cũ kỹ, trống trãi, tuềnh toàng chỉ đủ che mưa nắng cho những người bán sức lao động lấy đồng lương còm cõi.
Đến từng nhà rồi mới thấy mình vô duyên, trao 2 suất cơm, còn đưa con nhỏ, còn ông bố bệnh, còn bà mẹ già?
Ở đa số các phòng trọ, tôi gặp những bạn trẻ (từ các tỉnh nhập cư) đang lây lất chờ qua mùa dịch. Những bạn mất việc thì một số đã về quê, chỉ còn những người bám trụ chờ qua lúc khó. Vì họ ở sát nhà nhau nên tuy LĐLĐ quận có làm danh sách cụ thể, chúng tôi không cần phải dò theo danh sách nữa vì họ biết nhau hết và ai cũng nghèo như nhau.
Ở một phòng trọ, tôi thấy cái quạt máy chắn hết một phần cái cửa hẹp. Quạt "cứu sinh" đây vì trong nhà tối và nóng bức lắm. Và cái mái tôn...Tôi bị ám ảnh cái mái tôn cùng tiếng mưa lộp độp là âm thanh thân quen hồi còn nhỏ ở trên căn gác gỗ bé xíu với bố, cứ nghe mưa là lo nhà dột. Còn không mưa thì mái tôn phả hơi nóng cháy da. Cái mái tôn cũ rỉ sét đó hôm qua tối "tái ngộ" nó ở khu nhà trọ công nhân. Họ túa ra đường kiếm sống rồi tụ về đây buổi chiều tối nấu cơm ăn. Và đó là khi họ vội vã đem “nguyên liệu” là những bó rau củ cải, con cá, miếng ba rọi giá rẽ từ chợ dạt, chợ cóc cửa xí nghiệp được mua vội về.
Xin kể mấy bài học của tuần đầu cách ly đi giúp người nghèo:
- Tôi được hiểu sâu hơn, thế nào là giúp thiết thực. Một chị phụ nữ trung niên tâm sự khi chạy ra phụ chúng tôi phát cơm: Thực tế là có nhiều gia đình ở đây khổ lắm, mà cũng khó nói lắm đó chị. Họ cũng đi làm xí nghiệp nhưng bửa nay tuần chỉ còn làm có 2 ngày, lương cũng chỉ lãnh 2 ngày. Chợ cóc buổi chiều ở cửa xí nghiệp bị dẹp rồi, mấy ngày nghỉ họ muốn mua thức ăn với gạo về nhà nấu cho gia đình thì lại không có tiền. Lãnh cơm thì không được lãnh vì người ta chỉ cho người mất việc thôi. Tôi nghĩ ngay, chỉ còn cách đến thăm nhà, tặng gạo, mì gói, nước mắm cùng với cá Cỏ May chưa chế biến để các bạn ấy tự làm cho cả nhà ăn.
- Tôi bỗng được được giao tiếp nhiều hơn, nhờ cách ly(?!). Nhiều inbox và hôm qua là 3 cú đột nhập vô nhà. Chị Hạnh, mình lối xóm nhưng tôi ít gặp chị, bửa nay gia đình tôi gửi chị 20 kí gao nhờ chuyển cho người nghèo. Cô ơi, má con nói đưa cô 2 thùng mì này cô cho xóm trọ công nhân. Bà Hạnh, tôi không biết gửi tiền qua nhà băng, cho tôi gửi 10 triệu cho người nghèo.
Cách đây 2 hôm, chiều gần tối, tôi nhận một inbox hoảng hồn. Chị ơi, 2 vợ chồng em là giáo viên, mấy ngày nghỉ dạy về quê ở Trãng Bom. Nhà em gần khu trồng chuối, bà con chung quanh tới biểu chú kiếm cách chuyển chuối về TP cho mấy quán cơm từ thiện được không, xong họ chặt chuối đem tới đầy nhà em. Em nghĩ chắc gửi chị biết chỗ nhận, giờ em kêu xe bán tải chở luôn tới đó nha chị, sáng giờ lo sắp xếp chuối quên hỏi chị. Tôi phải gọi điện liền để nhận chuối.
Lại còn có anh bạn chuyên viên Liên Hiệp Quốc ở tận Mehico cũng nói người nhà chuyển tiền bảo tôi thay ảnh lo cho người nghèo...
- Tôi còn được giao thêm “nhiệm vụ”. Một cô giáo nhà trẻ đang nhận cá “nguyên liệu” của Cỏ May về nhà chế biến, bán cho bà con trong xóm trong chương trình “cải thiện sinh kế cho phụ nữ nghèo”, gọi điện nói. Con tham gia chương trình này, thấy thực tế là nếu mua 2 kg cá Cỏ May về kho tiêu hay chiên muối xã thì cá có bị nhót đi nhưng chỉ một chút, còn mua ở chợ về thì cá bị tóp mất cũng 30% lận đó. Mà với người nghèo 30% là nhiều đó cô. Rồi cô giáo “giao nhiệm vụ”: Vậy cô làm clip chỉ cách chế biến nhiều món cho mấy chị em học đi cô, thí dụ người Hoa ở quận con (quận 11) thích ăn cá fi lê (không có da) đem chưng tương hay chiên dòn còn người Việt lại thích cá có da đem nấu canh chua, kho tiêu, thì nấu làm sao cho ngon...
Hôm nay, các bạn nhân viên BSA trong đoàn công tác của “Chợ Xanh Tử Tế” tiếp tục đi phát 1000 suất cơm ở các khu nhà trọ công nhân các quận, vừa ghi nhận luôn những trường hợp người nghèo đang gặp khó khăn ở đây để sẽ tặng thêm gạo và cá và nước mắm, mì gói, cá khô...
Tôi nghĩ... lăn xuống thực tế thì sẽ biết được nhiều cách giúp người nghèo hiệu quả hơn. Và biết chắc chắn một điều làm mình cảm động rớt nước mắt là chung quanh mình, những người SAIGON quen lẫn chưa quen, sao tận đáy lòng, họ luôn thấu hiểu cảnh khổ và sẵn sàng giúp cho người nghèo như vậy?