Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 15, 2012

Tháp Vĩnh Cửu--4


TÌM KIẾM CHÍNH NGHĨA
Ngay từ đầu phong trào Youth For Christ ( YFC, Tuổi Trẻ Cho Đấng Christ) tôi đã bỏ chức vụ mục sư để làm giám đốc YFC tại Greensboro, N. C. Torrey Johnson, người sáng lập cuộc tập họp cho khái niệm mới mẻ này giữa vòng học sinh trung học, ăn khớp với hình dung của tôi về người lãnh đạo biết nhìn thấy rõ nhu cầu của người khác, rồi khôn ngoan tìm kiếm một kế hoạch hành động thích hợp để đáp ứng nhu cầu đó.
Chính Torrey Johnson là người dạy tôi, không chỉ hình dung ra một khái niệm mới, mà còn tiến tới trong đức tin để hoàn thành điều được cảm động trong giây phút rõ ràng. Chính Torrey là người nhìn thẳng vào mắt tôi tại hội đồng Winona Lake, Indiana, và nói: “Paul à, tôi tin rằng Đức Chúa Trời muốn anh đi Âu châu.” Anh ấy thúc giục tôi quyết định tham dự hội đồng Youth For Christ tại Beatenberg, Switzerland. Về sau tôi biết là anh ta đã chuẩn bị vợ tôi trước bằng cách nói với cô ấy: “Tôi không nghĩ là chị chỉ để cho Paul đi Âu châu, tôi nghĩ là chị còn phải thúc giục anh ấy đi nữa.”
Thật khó rời Betty Jane vì chúng tôi hầu như thường xuyên ở bên nhau suốt ba năm đầu mới cưới. Tuy nhiên, sự xa cách, tỏ ra có ích cho cả hai chúng tôi trong cuộc sống. Trong thời gian nàng ở chung với ba mẹ tôi trong túp nhà nhỏ ở Nyack, nàng viết thư cho tôi nói về mẹ tôi như sau:


“Em nghe anh nói Mẹ có thói quen cầu nguyện hai giờ hai mươi phút mỗi ngày. Em không thể hiểu được có người lại dâng phần mười thì giờ của mình để cầu nguyện như vậy! . . . Em chưa thấy ai sống toàn vẹn hơn Mẹ. Bà khéo léo trong việc lau bụi, soạn bữa ăn, nấu ăn. Lúc nào bà cũng gọn gàng và sạch sẽ. Luôn luôn tỏ ra thoải mái, không hề nổi nóng hay bực tức. Bà luôn tỏ ra yêu thương. Đối với em, bà là gương mẫu mà em thích được giống khi nghĩ tới việc theo Chúa. Em vẫn ao ước nhìn thấy theo Chúa thực sự phải như thế nào, làm sao có người nào đó thực sự đưa Cơ Đốc giáo vào hành động. Anh yêu dấu, anh đã cho em có cơ hội! Mẹ chính là hình ảnh thu nhỏ của một Cơ Đốc nhân. Giống hệt như là được ‘bôi trơn’ vậy đó. Cuộc sống của mẹ trôi không chút va chạm. Em nghĩ đó là ‘dầu của Thánh Linh.’
“Khao khát của bà là được giống Đấng Christ. Vấn đề không phải là số lượng thì giờ bà dùng vào việc đó - tuy bà cũng có ghi lại kỹ càng trong sổ nhỏ về thì giờ cầu nguyện của mình. Nhưng tôi chưa hề có cảm giác là bà cố tạo ra như vậy. Bà là người rất có kỷ luật, nhưng không phải với nghĩa khắt khe. Bà chỉ học biết rằng khi mình hành động theo qui luật, cách sống của Đức Chúa Trời - giống như máy điều chỉnh tốt - thì chạy trơn tru. Em nhớ anh kinh khủng, anh yêu dấu, nhưng em cám ơn anh cho em có thời gian này để học tập. Thật tốt được ở đây với Ba Mẹ Freed.”
Có lẽ Torrey không ngụ ý rằng khi giục tôi đi Âu châu là trên một phương diện, anh giúp Đức Chúa Trời đẩy tôi ra khỏi tổ chức mới phổ biến này của giới trẻ Hoa Kỳ. Tôi cũng chẳng có ý muốn rời anh. Thế nhưng, khi từ Thụy Sĩ và Tây Ban Nha về, tôi có được sự hiểu biết rộng lớn hơn về một thế giới không có hi vọng.


Trong những lần tập họp của Youth For Christ, tôi cố gắng chia sẻ gánh nặng đau buốt mà mình cảm nhận được, cùng khải tượng vẫn còn tươi mới về Tây Ban Nha. Tôi nói nhiều về Tây Ban Nha, về những đám đông đói khát. Nhưng ban lãnh đạo địa phương có những mục tiêu riêng để đạt tới, và chúng tôi biết chắc ngay rằng Chúa đang đẩy chúng tôi ra khỏi hoàn cảnh địa phương qua khải tượng mở rộng mà Ngài đã ban cho tôi tại Âu châu. Cảm giác còn lu mờ nhưng dai dẳng. Đó là một kinh nghiệm bối rối. Phát thanh vẫn chiếm chỗ tối hậu trong lời giải đáp cho hàng triệu người Tây Ban Nha.
Khả năng truyền thanh sang Tây Ban Nha có vẻ đủ thực tế. Nhu cầu có vẻ cấp thiết, nhưng chúng tôi làm gì được nếu không có nhân sự, không có tiền? Những nỗ lực của chúng tôi tại Hoa Kỳ nhằm khơi dậy sự đáp ứng, dường như bế tắc bất cứ nơi nào tôi cố gắng chia sẻ khải tượng. Áp lực gia tăng trong tôi khi tôi ước lượng khả năng phát thanh cho 30.000.000 triệu người trước vẻ thờ ơ của những Cơ Đốc nhân Hoa Kỳ.
“Lạy Cha, chúng con phải làm sao đây? Con không thể bỏ cuộc! Nhưng con không biết phải làm gì!”
Nhận biết mình không còn có thể thỏa mãn khi làm việc trong giới hạn một thành phố, tôi rút khỏi chức vụ trong Youth For Christ, và thông báo mình sẵn sàng làm người truyền giảng Phúc Âm. Đó là một bước nhỏ trong chiều hướng đến mục tiêu tối hậu, nhưng từ góc độ cá nhân, thì sự thay đổi có tầm mức quan trọng.
Vào lúc này Chúa cho chúng tôi đứa thứ nhất trong năm con, đó là Paul David, sinh ngày 26 Tháng Mười 1949. Nó mang lại niềm vui cùng hạnh phúc lớn cho gia đình chúng tôi. Nhưng chúng tôi không còn sống nhờ vào đồng lương đều đặn được nữa. Chúng tôi được thúc giục sống bằng đức tin thay vì bằng mắt thấy. Kể từ nay thực phẩm cùng tiền thuê nhà đến trực tiếp từ Chúa thay vì từ văn phòng YFC. Đây là thời gian thử thách.


Tiếp theo những cố gắng đầu tiên của tôi nhằm yêu cầu sự trợ giúp từ các mục sư Tây Ban Nha, tôi đi đến một kết luận mới. Tôi bắt đầu tin rằng điều tối quan trọng đối với chúng tôi là di chuyển theo hướng Đức Chúa Trời đã chỉ định, nhưng riêng cá nhân mình cũng phải chăm chỉ làm việc , dành riêng số tiền mình có thể kiếm được cho chức vụ còn đâu đó trong tương lai mơ hồ.
Chúng tôi bắt đầu bằng cách thiết kế và đóng những xe thùng tại Scranton, Pennsylvania. Sau đó tại vùng Greensboro chúng tôi bắt đầu xây nhà cho nhóm thu nhập từ tám tới mười ngàn đô la, những nhà khác thì tôi thiết kế theo ý người mua để bán khoảng ba mươi ngàn đô la. Mỗi chút lợi tức có thể rút ra được là chúng tôi đưa vào một quỹ dành cho “công việc.” Dần dần cán cân thăng bằng bắt đầu nghiêng. Khi “công việc” trở nên rõ ràng hơn, chúng tôi cắt bới những hợp đồng xây cất, cho tới cuối cùng chúng tôi cảm thấy tới thời điểm thích hợp để chấm dứt việc xây cất.
Vào 1951 những điều tra thêm về lục địa có vẻ khôn ngoan. Lần này Betty cùng đi với tôi sang Tây Ban Nha. Ba tôi cảm thấy việc nàng đi cùng tôi là dùng tiền đúng chỗ. Mọi người khác trong gia đình đều thấy nhu cầu nhân sự , nhưng đối với Betty Jane thì truyền giáo vẫn luôn luôn là thứ yếu. Toàn bộ số tiền đều do quà tặng từ bạn hữu Cơ Đốc. 


Nàng thường nói: “Điều đó thực sự có lợi anh à, em chưa hề thấy bất cứ điều gì giống như vậy trong đời mình, và nó khiến em sẵn sàng chấp nhận những hi sinh cần thiết.”
Russ Reid cũng tháp tùng chúng tôi. Chúng tôi rất thích sự thông công cùng chức vụ của anh ấy cả về âm nhạc lẫn lời giảng.
Lần này khi đề cập tiềm năng phát thanh, một thông dịch viên Tây Ban Nha nói: “Các ông phải đi qua Tangier, đó là nơi tốt nhất để phát thanh.”
Tôi không muốn đi Tangier chút nào. Tôi thấy mình ngần ngại trước lời đề nghị này giống như tôi đã ngần ngại khi Đức Chúa Trời sai tôi đến Tây Ban Nha lần đầu tiên. Dường như đó là sự phí phạm. Cả cuộc đời của tôi đã được đầu tư tại Trung Đông giữa người Ả Rập. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn cho tôi những con người hoàn toàn xa lạ trong một xứ hoàn toàn xa lạ như thế?
Nhưng tất cả việc Ngài phải làm đó là đưa tôi tới Tây Ban Nha - để đặt tôi dưới những hang động tăm tối cùng những đường phố đông đúc. Trước khi nhận ra được chuyện gì đang xảy ra thì mắt tôi đã ướt đẫm lệ. Tôi hiểu trong một thời gian rất ngắn rằng nhu cầu của người Tây Ban Nha không có Đấng Christ cũng thực hữu như của người Ả Rập, mà cuộc sống không có Đấng Christ của họ đã từng luôn luôn là gánh nặng trong lòng tôi.
Bây giờ chính lời đề nghị đi Tangier hiện ra như mối đe dọa cho chức vụ đã từng lôi kéo tôi mạnh mẽ đến với dân tộc Tây Ban Nha. Tôi đã giảng trong nhà thờ cùng nhà riêng của họ, họ là dân tộc tôi. Tôi được sưởi ấm bởi tình yêu của họ, tôi ưa thích đáp ứng cùng sự tán thưởng nồng nhiệt của họ. Tại sao Đức Chúa Trời không thể mở ra những phương tiện phát thanh ngay tại đây, trên đất liền? Tại sao Ngài muốn dời chúng tôi sang Phi châu? Tôi cảm thấy phần nào giống như quân cờ bị di chuyển trên tấm ván bởi một đầu óc bậc thầy khổng lồ. Và tôi không thể hiểu việc di chuyển đặc biệt này ra khỏi Tây Ban Nha hơn tôi hiểu việc dọn tới Tây Ban Nha.


Một Cơ Đốc nhân Tây Ban Nha cao niên vàkhôn ngoan, Samuel Vila, đã cho tôi biết hai người cầu nguyện cho chức vụ phát thanh cho Tây Ban Nha. Họ là Peter Harayda và Ruben Lores. Và ông cho tôi biết là họ sống ở Tangier thuộc Bắc Phi!
Thế là một sáng nọ chúng tôi đi xe búyt từ Seville tới Algeciras, một tỉnh nhỏ Tây Ban Nha nơi có phà băng ngang eo biển tới Tangier. Khi tới duyên hải Bắc Phi chúng tôi định vị Harayda cùng Lores rồi bắt đầu cùng chia sẻ giấc mơ chung về một đài phát thanh truyền giáo cho người Tây Ban Nha - hàng trăm ngàn người mà chúng tôi không thể nào nói chuyện bằng cách nào khác.
Hoàng hôn đêm đó, từ dãy núi nhìn xuống Eo biển Gibraltar, chúng tôi có thể nhìn thấy Tây Ban Nha. Chúng tôi đang cắm trại bên ngoài Tangier, trên vùng đất xinh đẹp của một trường truyền giáo ngày trước. Chúng tôi lấy làm buồn nghĩ đến lòng tận hiến cùng những giấc mơ - của người nào đó mà chúng tôi không biết - đã xây dựng nơi này, giờ đây bỏ trống, nhện giăng, và tan nát. Chúng tôi thấy dường như chúng tôi có thể cứu vãn, mang lại sức sống mới cho nó và nhằm biến nó thành đài phát thanh trong khải tượng chúng tôi.


Tangier là một thành phố quốc tế, cách biệt với Tây Ban Nha chỉ hai mươi sáu dặm đường thủy. Khi đứng trên đất Morocco nhìn xuống Tây Ban Nha, chúng tôi nhận biết ở đây mình được tự do xây cất, trong khi có thể là không hề có cơ hội như vậy trong Tây Ban Nha. Trong một rừng thông ngát hương, sáu người chúng tôi qùi xuống cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi ước vọng của lòng mình - để mình được xử dụng làm cầu nối những eo biển với tín hiệu rõ ràng về tin mừng của Chúa Giê-xu Christ cho dân Tây Ban Nha.
Ngày hôm sau chúng tôi viếng thăm vị giáo sĩ tám mươi tuổi, một người Anh cao niên tin kính, là chủ của miếng đất chúng tôi đã cầu xin. Ông Elson đã bỏ hết những năm tháng đời mình tận tụy với những người dân này. Bây giờ với một ít quãng đời còn lại, cùng một túp lều nhỏ làm trụ sở, ông nắm bắt được khải tượng của chúng tôi và thấu hiểu khát vọng mãnh liệt trong lòng chúng tôi muốn mang Phúc Âm đến cho mọi người.
Trong khi ngồi nói chuyện với ông, chúng tôi nhớ lại lời Torrey Johnson khuyên chúng tôi trước đây: “Cứ hỏi xin mọi thứ đi, rồi sẽ thấy điều mà hầu như ai cũng làm được, đó là nói không.”


Tôi quyết định đây là cơ hội để làm theo lời khuyên đó. Tôi mời ông Elton cùng cầu nguyện với tôi về khả năng dâng miếng đất truyền giáo trước đây cho công việc phát thanh Phúc Âm.
Khi chúng tôi đứng lên, cụ già lịch sự nói: “Anh bạn trẻ ơi, nếu anh có thể dâng đời mình đi truyền giáo thì điều nhỏ nhất tôi có thể làm là dâng miếng đất của tôi.”
Tuy nhiên, ông giải thích chính ông không thể tự quyết định một mình được bởi lẽ ông đã hứa cho vài người bà con. Sau khi hỏi ý kiến, họ quyết định với giá mười lăm ngàn đô la, chỉ là một tỉ lệ nhỏ so với giá trị của tài sản truyền giáo đó.
Ngay sau cuộc gặp gỡ này, chúng tôi trở về theo đường Bồ đào Nha. Tâm trí chúng tôi chìm ngập trong lời cầu nguyện liên tục xin Chúa dùng miệng lưỡi cùng hình ảnh và lòng trung thành của chúng tôi đối với nhu cầu phải đánh thức Cơ Đốc nhân tại Hoa Kỳ cộng tác với chúng tôi. Bây giờ chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng phát thanh Phúc Âm là chính nghĩa của chúng tôi, và Tangier chính là địa điểm.
Trở về Hoa Kỳ, trong khi tìm cách truyền đạt cho hội thánh gánh nặng cầu nguyện cho tiếng nói phát thanh Cơ Đốc đến với Âu châu, chúng tôi cũng quyết định rằng phim ảnh sẽ giúp ích cho việc kể chuyện. Lúc đang ở Tây Ban Nha, tôi có quay được vài cảnh phim rất hay. Những cảnh này tạo nền tảng cho cuốn phim đầy màu sắc, âm thanh mang kịch tính, Banderilla , tường thuật rất cảm động cho Cơ Đốc nhân tại Bắc Mỹ nỗi khó khăn của tín hữu tại Tây Ban Nha. Ben Armstrong, Mục sư của Hội thánh Cộng đồng tại Ringwood, N. J., cùng vợ là Ruth (em gái tôi) quan tâm sâu sắc cụ thể tới gánh nặng cùng khải tượng về Tây Ban Nha và giúp rất nhiều trong việc trình chiếu Banderilla trong nhiều hội thánh khắp nước Mỹ và Canada.
Không có sự hỗ trợ cụ thể nào, Betty Jane và tôi cùng với hai con nhỏ - Paul David ba tuổi và Donna Jean mới tám tháng - khởi đầu một chuyến 11.000 dặm đi làm đại diện. Suốt hai tháng rưỡi tôi nói và chiếu phim mỗi tối trong một hội thánh hoặc một hội trường. Thời khóa biểu thật khắc nghiệt nhưng cho thấy được buổi đầu của lời cầu nguyện và hỗ trợ hữu ích của chúng tôi dành cho Tây Ban Nha. Chúng tôi trở về nhà vào Đêm Giáng sinh.


Banderilla chứng tỏ vô cùng hiệu quả trong việc khơi dậy mối quan tâm giúp đỡ các mục sư Tây Ban Nha chỉ vừa đủ sống - thậm chí không hề nghĩ đến phương cách mở rộng tiếp xúc với dân chúng. Chúng tôi có gửi một số quà nhưng tôi vẫn biết đây chưa phải là giải đáp toàn vẹn của Đức Chúa Trời cho gánh nặng của tôi về hàng triệu người của Tây Ban Nha.


Khi con gái duy nhất của chúng tôi, Donna Jean, chào đời, chúng tôi không biết làm cách nào để đưa nó ra khỏi bịnh viện. Lời truyền tới tai chúng tôi là: “Anh chị không thể đưa bé về nếu chưa trả tiền phòng.” Chúng tôi nghĩ có lẽ một bạn thân hoặc người bà con nào đó sẽ là giải đáp. Nhưng đây chính là bài học quan trọng: chúng tôi bắt đầu học biết rằng sự việc ít khi đến từ nơi chúng ta mong đợi - nhưng đúng lúc và từ nơi Đức Chúa Trời muốn. Lần này cũng không phải là ngoại lệ. Đức Chúa Trời đã cung ứng.


Cùng ngày mà Donna chào đời - 11 Tháng Hai 1952 - Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới chính thức bắt đầu, được thành lập dưới danh nghĩa “Truyền giảng Phúc Âm Quốc tế.” Ngay từ lúc khởi đầu với nỗ lực của chúng tôi nhằm giải quyết vấn nạn Tây Ban Nha, thì chỉ trích đã vây lấy chúng tôi. Phần lớn là do chúng tôi đã không thể xác định rõ mục tiêu của mình. Chúng tôi nghĩ là cần phải làm một việc mà chưa ai làm, nhưng chúng tôi không biết rõ phải đi theo hướng nào. Ý nghĩ phát thanh không bao giờ rời khỏi chúng tôi, và tận nơi sâu thẳm trong tâm trí mình, chúng tôi tiếp tục thắc mắc không biết Đức Chúa Trời sẽ mở lối ra sao.
Đối với cả hai chúng tôi, đây là phiêu lưu, đòi hỏi nhiều tháng học tập và tăng trưởng. Nhiều lúc chúng tôi bị cám dỗ bỏ cuộc. Thật là một cuộc tranh chiến. Suốt một thời gian, mỗi ngày hầu như quá sức chịu đựng của chúng tôi. Có những lúc dường như tôi hành động theo lực đẩy tự nhiên - liên tục tự đẩy mình ra đi kể chuyện, chiếu phim, nài xin Chúa đặt gánh nặng vào lòng những người khác.
Cần phải có can đảm và tin tưởng mới bước được vào những vùng xa lạ. Nhưng thường xuyên, ngay tại điểm chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và chắc chắn, thì chúng ta lại bị hăm dọa bởi hàng loại chỉ trích tới tấp.
“Anh cổ động tiền bạc cho một đài phát thanh thậm chí không có thật.”
“Anh chưa có ban giám đốc quan trọng đủ.”
“Anh chưa rõ phương hướng mình đang đi.”
“Anh phải gia nhập một nhóm giáo sĩ đang hoạt động .”
“Đã có khối đài phát thanh đang hoạt động. Sao lại mở thêm làm gì?”
Cả đời, tôi chỉ muốn đáp trả. Hẳn là một cuộc tranh chiến từng hồi từng lúc. Nhưng dần dần tôi học biết rằng đáp trả hao tốn sức lực và thời gian. Nó có thể giết chết trái tim của giấc mơ. Chúng tôi bắt đầu khám phá ra rằng Chúa có thể khiến lòng chúng ta tràn đầy tình yêu đối với những Cơ Đốc nhân khác ngay cả khi họ trực tiếp dựng lên hết chướng ngại này tới chướng ngại khác trên bước tiến của chúng ta. Khi chỉ trích đe dọa bước tiến của chúng tôi, thì Betty Jane và tôi giúp nhau cầu xin Chúa hướng dẫn và xử dụng người chỉ trích trong công tác đặc biệt Đức Chúa Trời dành cho họ. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần phải cầu thay cho nhau với tấm lòng yêu thương là dường nào - không phải là chỉ trích!
Và chúng tôi tin chắc khải tượng của chúng tôi đâm rễ trong Đấng Christ. Chúng tôi sẽ không thối lui. Cứ tại từng thời điểm chán nản thì chúng tôi lại an tâm rằng đây chính là công tác đặc biệt của chúng tôi. Và chúng tôi không cô độc trong công tác đó.




TRỞ LẠI RỪNG THÔNG

Tôi thường nhận thấy: “Điều quan trọng không phải là chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu cho chính nghĩa của Đấng Christ mà là chúng ta còn giữ lại bao nhiêu.” Dường như trong khi chúng tôi đang xúc tiến công việc bước vào năm 1953 thì Đức Chúa Trời bảo tôi phải thử lại những lời mà tôi đã nói thật dễ dàng.
Ngày đó trở thành rõ ràng khi tôi phải trở lại Tangier để làm công việc chuẩn bị cơ bản cho đài phát thanh. Chúng tôi chẳng có sẵn chi phí cho chuyến đi. Vì vậy chúng tôi bán nhà và xe, và tôi dùng tiền để tìm hiểu thêm về tiềm năng phát thanh tại Morocco. Betty Jane cùng các con - Paul David gần bốn tuổi, Donna Jean gần hai tuổi, cùng bé mới sinh James Philip - dọn vào một căn hộ nhỏ.
Hành trình của tôi từ Mỹ lần này trực tiếp đưa tôi tới Tangier. Tôi biết phải mất thời gian để có được giấy phép cần thiết của chính phủ hầu có thể khởi công xây dựng đài phát thanh. Tôi đã sẵn sàng chịu thử thách tánh kiên nhẫn của mình, bởi lẽ bánh xe nhà nước ở bất cứ xứ nào cũng quay thật chậm.
Lúc đến thành phố cảng, tôi bắt đầu thủ tục thường lệ mà tôi tin là cuối cùng sẽ tạo ra những giấy tờ cần thiết để có phép xây các trạm truyền tin và các cột ăng-tên. Những cuộc thương lượng đều êm xuôi và tôi rất phấn khởi. Rồi một chuyện kỳ lạ xảy ra.
Một buổi sáng trong khi tôi đang đi qua các đường phố ồn ào của Tangier thì một người Mỹ chận tôi lại.
“Chào ông Freed. Tên tôi là Southworth. Tôi biết ông đang cố gắng xây một đài phát thanh.”


Tôi nhận ra ông ta là người đã có được giấy phép phát thanh và có đài riêng trong vùng quốc tế của Tangier. Tôi tự hỏi không biết ông ta đang nghĩ gì.
Ông ta nói tiếp: “Tôi xin có một đề nghị đơn giản. Tôi đề nghị ông đặt đài của ông theo giấy phép của tôi.”
Phản ứng đầu tiên của tôi là phủ định: “Không , tôi không nghĩ tới chuyện đó.”
“Ông có thể tiết kiệm được thời gian một năm hoặc hơn thế.”
“Cám ơn ông rất nhiều về lời đề nghị, ông Southworth ạ, nhưng thực sự là chúng tôi đang gặp thuận lợi lắm.”
“Có thể ông cũng tiết kiệm được tiền bạc nữa.”
Có lẽ là do tự kiêu mà tôi phản đối người ngoại cuộc muốn xen vào giấc mơ của tôi. Tôi nuôi khát vọng lớn là tự mình xây dựng giấc mơ của mình - thành một đài phát thanh hiệu quả mạnh mẽ. Tôi không thích ai đó cất lấy bàn tay của tôi. Đó là việc của tôi, và tôi cảm thấy mình chìm ngập trong ý thức chiếm hữu tất cả mọi sắp xếp khi đứng dưới bóng mát của một ngôi đền Hồi giáo, đưa mắt nhìn người Mỹ thân thiện này.
Đêm đó tôi không ngủ được. Chỉ có một mình trong phòng, tôi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện một hồi lâu.


“Lạy Chúa, Ngài muốn phán gì với con?”
Tôi rảo quanh phòng, cầm một tạp chí, vài mảnh giấy, một tấm ảnh Betty Jane với các con, tôi muốn biết tại sao người Mỹ này đã được sai tới gặp tôi. Tôi phải nghĩ ra tại sao mình không sốt sắng nhận sự giúp đỡ của người này, để đài phát thanh có thể hoạt động ngay tức khắc.
Cuối cùng, sự ham muốn cùng tham vọng muốn chứng tỏ khả năng mình hiện rõ thật sắc nét, và tôi biết mình đang tìm cách tự điều khiển dự án Tangier một mình. Tôi sẽ thấy thỏa mãn khi nghĩ tới thắng trận này do sức riêng, hơn là chấp nhận lời đề nghị của một người được Đức Chúa Trời chọn để cùng chia sẻ trong việc xây dựng đài phát thanh của Ngài.
Vào sáng hôm sau, tôi sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Southworth như là câu trả lời chính xác của Đức Chúa Trời cho chúng tôi. Tôi điện thoại cho ông, nói: “Vâng” và chúng tôi bắt đầu phác họa chi tiết của việc sắp xếp. Thật là một giải pháp kỳ diệu. Ông ta sẽ xây thiết bị truyền tin và dây ăng ten cho chúng tôi, sau đó giao trọn gói cho chúng tôi. Ông đã có giấy phép, có đất, cùng đội kỹ sư. Như vậy sẽ giảm nhẹ kinh phí cho chúng tôi rất nhiều - chỉ trả trong một thời gian.


Ngày hôm ấy mở ra cho tôi đủ mọi khả năng. Tôi thấy được mình sẽ dại dột biết bao nếu cố gắng làm mọi việc một mình. Tôi nghĩ, khi đi vào mọi chi tiết kỹ thuật tỉ mỉ như thế này, thì chẳng ai biết hết được lời giải đáp cho mọi thứ. Điếu tối quan trọng tôi có thể thấy được lúc đó là phải tìm ra những chuyên viên kỹ thuật có tài năng để làm những công việc kỹ thuật phức tạp. Những người tôi có thể tin cậy được. Những người không chỉ biết về ngành nghề của mình, mà còn biết áp dụng hiểu biết của mình trong bối cảnh tiên phong nữa.
Tôi chưa hề là con người say mê phát thanh. Tôi biết nhiều về các chuyện khác hơn là về phát thanh. Và có vẻ hơi la, đó là với quá nhiều tay phát thanh nghiệp dư trên thế giới như thế, mà Chúa lại vẫn chỉ định tôi phiêu lưu phát thanh cho Âu châu nữa.
Trí và lòng tôi bị thu hút bởi tiềm năng của những làn sóng trên không trung. Dường như sự truyền thanh có thể vượt qua mọi biên giới, mọi bức tường, đâm xuyên những ‘bức màn,’ hơn bất cứ thứ nào khác. Tôi nghĩ đến những đoàn dân đông của thế giới như chỉ “một thế giới,” với cùng những nhu cầu cơ bản trong lòng. Tôi biết mỗi cá nhân đều có quyền được tiếp xúc. Tôi tin chắc theo quan điểm của Đức Chúa Trời, mọi người đều được Ngài yêu dấu, rằng đối với Ngài không hề có rào cản, không có phân biệt. Vấn đề lộ ra thật rõ ràng. Mục tiêu của chúng ta là những tín hữu bao gồm Hội thánh của Chúa Giê-xu Christ ấy là phải đến với mọi người khắp nơi, không có ngoại lệ. Đến với họ qua làn sóng phát thanh cũng không phải chỉ là lý thuyết, vì chúng ta biết rằng lục địa Âu châu là nơi tập trung lớn nhất của những hệ thống phát thanh cho dân chúng khắp nơi trên thế giới bên ngoài nước Mỹ.
Đây chính là lực lượng có thể vượt núi, xuống thung lũng, băng ngang thôn xóm cùng rừng ô liu và vườn nho. Đây chính là lực lượng có thể len lỏi vào trí và lòng của những chủ tiệm, những tay đấu bò, những phu bến tàu, những người buôn bán dạo, những công nhân, những nhà nông. Đây chính là tín hiệu có thể thâm nhập những lâu đài sang trọng của cấp quý tộc, cùng những nhà vách đất của nông dân và mang lại sự sống cho mọi người chịu tiếp nhận.
Lòng tôi bừng cháy khát vọng nói cho mọi người đó biết rằng Chúa Giê-xu Christ yêu thương họ, rằng Ngài đã chết cho họ, rằng Ngài đã sống lại và hiện đang sống ngày nay. Tất cả việc họ phải làm là chỉ có tin mà thôi, NHƯNG, trước hết họ phải nghe.
Trong khi tìm cách gieo ý tưởng này tại nước Mỹ, thì mọi người thường cảnh cáo tôi: “Bản thân anh phải biết rõ máy phát thanh từ A đến Z trước rồi mới bước vào công việc đó được.”

Sáng hôm đó, trong khi ông Southworth nói chuyện với tôi, tôi biết những con người “an ủi” đó đã lầm lẫn. Thiết bị truyền tin cùng phòng thu thanh và dây ăng ten đều tuyệt đối thiết yếu, nhưng Đức Chúa Trời đã có những con người sẵn sàng đảm nhận những lãnh vực đó nếu chúng ta chịu lắng nghe Ngài. Những thiết bị này phải được xây dựng theo cách tốt nhất có thể được. Chỉ những ai được đặc biệt đào tạo mới làm được công việc này. Nhưng tôi cũng biết việc chuẩn bị trước những điều sẽ nói với thính giả cũng rất quan trọng sau khi mọi việc xây cất được hoàn tất và chúng tôi bật công tắc truyền sứ điệp Sự Sống Vĩnh cửu xuyên qua eo biển vào Âu châu.
Có nhiều vấn đề phải đối diện. Ngay từ khởi đầu, Chúa đã in sâu trong trí tôi tầm quan trọng của việc tìm ra một người có kinh nghiệm thực sự trong việc chỉ huy ban điều hành. Khi suy nghĩ đến mọi khả năng, bỗng nhiên trong trí tôi lóe lên ý nghĩ rằng người tốt nhất mà tôi có thể nhờ quản lý công việc tại Tangier chính là Ba tôi. Lúc ấy ông đang dạy tại viện Western Canadian Bible Institute ở Regina, Saskatchewan.
Khi trở về Mỹ, tôi gọi điện thoại cho ông thảo luận nhu cầu phải tìm người thích hợp nhất để điều hành đài phát thanh trước khi chúng tôi có thể xúc tiến công việc tại Tangier. Tôi chắc chắn ông là người thích hợp cho công việc đến nỗi tôi bối rối khi ông đáp lại lời mời của tôi: “Tiếc quá, Paul à, mới chỉ ba hôm trước, ba đã nhận lời làm viện trưởng cho trường rồi.”
Tôi chẳng biết nói sao. Tôi không thể mang lại cho ông bất cứ điều gì mảy may tương đương với sự bảo đảm tài chánh hoặc uy tín như chức vụ ở trường này. Cho tới nay, dù khởi đầu của Tangier thật tốt nhưng cũng vẫn là nhỏ. Thực sự , tất cả điều tôi có thể đem lại cho ông, ấy là sự thách thức về khả năng của một chức vụ rất rộng lớn, cùng hi vọng nó sẽ trở thành quan trọng đối với tất cả mọi người.
Ba tôi cũng bối rối như tôi. Ông nói với tôi: “Ba không biết phải làm gì, Paul ạ. Nhưng chúng ta sẽ cầu nguyện về việc này.”
Khi máng điện thoại lên, tôi có thể tưởng tượng Mẹ tôi đang ngồi trên ghế xích đu với cuốn Kinh Thánh trên đùi. Bà rất ít nói - luôn luôn sẵn sàng thích ứng với điều tốt cho chồng. “Mình sẽ biết điều tốt nhất phải làm, Ralph ạ.” Tôi hầu như có thể nghe bà nói như thế khi Ba tôi lặp lại cuộc đối thoại giữa chúng tôi.
Tôi cũng nghĩ tới bà quì gối cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là việc Mẹ tôi phải làm; đó là việc bà muốn làm. Tôi biết bà sẽ cầm lấy bút chì rồi ghi thêm vấn đề cầu nguyện cho công việc ở Tangier vào danh sách cầu nguyện của bà. Suốt nhiều năm, bà có một cuốn sổ nhỏ - ghi đầy đủ những vấn đề cầu nguyện, những đối tượng cụ thể từng ngày. Tôi không biết phải chờ bao lâu bà mới có thể hớn hở chạy đến nói với Ba tôi: “Xem này, anh Ralph ơi, bây giờ mình có thể gạch bỏ vấn đề này rồi. Em đã cầu xin suốt hai năm nay, hoặc sáu tháng, hoặc mười lăm ngày. Và bây giờ chúng ta biết Đức Chúa Trời muốn gì rồi. Chúng ta có thể gạch bỏ được rồi.”
Qua kinh nghiệm quá khứ tôi biết rằng nếu họ tin một điều gì đó là đúng hoặc sai, thì cả thế giới cũng không thể thay đổi được lập trường của họ.
Bà thường bảo chúng tôi: “Dưới bầu trời tươi sáng này, các con chớ có bao giờ làm trái ý muốn Chúa nhé.”
Chỉ vài hôm sau là chuông điện thoại reo. Lúc tôi nhận ra giọng Ba tôi, cả thế giới ngừng quay trong giây lát khi tôi nghe: “Paul à, Ba không rứt điều đó ra khỏi lòng và trí Ba được. Ba biết không có ngân quỹ. Nhưng Mẹ và Ba đã cầu nguyện cho việc đó, và Ba Mẹ đang chuẩn bị đi. Tất cả điều Ba Mẹ yêu cầu con là cùng đứng với Ba Mẹ cầu xin Đức Chúa Trời cung ứng nhu cầu.”
Khi ngồi xuống ghế nghĩ về tương lai, tôi nghĩ đến những hàm ý đối với song thân tôi. Tôi không hiểu tại sao mình có gan đề nghị họ làm lại từ đầu. Vì đúng nghĩa là như vậy.
Lúc ấy Ba tôi đã sáu mươi mốt, một giáo sĩ kỳ cựu đã hoàn tất chức vụ tại Trung Đông xa xôi. Đức Chúa Trời đã kêu gọi, xức dầu và xử dụng ông. Bây giờ ông đã trở về Mỹ, với vinh dự được cử làm viện trưởng một trường Kinh Thánh. Dường như thật chính xác, đó là đỉnh cao xứng đáng với cuộc đời vất vả của ông nơi cánh đồng truyền giáo. Nhưng ông quăng hết tất cả, làm lại từ đầu để giúp tôi trong cuộc phiêu lưu mới toanh này.
Tôi đang yêu cầu song thân tôi trở về cùng chỗ nhiều năm trước đây, khi - cùng sánh vai trên những vỉa hè của Nyack, New York - họ hoàn toàn phó thác mình cho đức tin. Họ sẽ giống như những ứng viên trẻ vừa mới khởi đầu chức vụ.
Sau khi quyết định, Ba tôi giải thích: “Paul à, Ba Mẹ sẽ qua Tangier bắt đầu công vệc cho con. Chúng ta không còn được hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp tài trợ nữa, con biết đó, và cách thông thường là chúng ta phải đi từng hội thánh tự túc lấy. Ba không cảm thấy Chúa muốn Ba Mẹ làm công việc này vào thời điểm này trong đời mình.


“Bây giờ thì con biết chắc là mình đã có giám đốc cho đài phát thanh Tangier rồi, con có thể ra đi nói cho các bạn biết là công việc đã bắt đầu. Sau đó nếu mọi người quan tâm cầu nguyện, và khi quà tặng bắt đầu tới, thì con có thể gửi một ít cho Ba Mẹ. Ba Mẹ không đòi hỏi số lượng cố định. Ba Mẹ chỉ dùng số tối thiểu cho nhu cầu, phần còn lại sẽ dùng cho việc phát thanh.”
Vào cuối năm học, họ sắp xếp hành lý để rời Regina, Canada, tới Greensboro, N. C., cộng tác với chúng tôi lập một tổ chức hiệu quả. Tôi nghe Ba tôi cười thầm: “Đây là thứ tiêu khiển ưa thích của tôi.”
Khoảng sáu tháng sau, vào Tháng Giêng 1954, họ mỉm cười trên boong tàu vận tải ngày trước, tàu Vulcania, khi tàu rời bến cảng New York. Thời đó tàu chỉ có tiện nghi phòng ngủ tập thể, vì tàu chưa được làm lại sau thời chiến tranh. Tôi nín thở khi vẫy tay từ biệt họ đến với cuộc sống mới tại Bắc Phi.
Chẳng có những lời từ biệt trịnh trọng, chẳng có đại diện tiễn đưa, chẳng có phóng viên xô đẩy để tường thuật. Nhưng họ tin chắc rằng chỗ duy nhất trên đời này cho họ lúc đó là Tangier, Morocco.
Lần kế tiếp tôi đến Tangier thì đó là một mảnh đất vững chắc của riêng chúng tôi. Tôi có thể dạo quanh vùng đất, ngắm nhìn và lập kế hoạch. Tôi có thể đứng trong rừng thông và nói: “Cho tới nay, thật là tốt. Thưa Chúa, con cám ơn Ngài.”
Trên một phương diện, tôi cảm thấy nôn nao được về nhà sau một chuyến đi thật lâu dài. Đến một nơi tôi có thể nhìn tận mắt, một nơi tôi có thể sờ, một nơi tôi có thể đo đếm . . . chúng tôi có được mười bốn mẫu. Và dường như tôi cần thấy những ngọn đồi, cùng ngửi mùi gió muối tươi mát, và cảm nhận lá thông nhọn chích vào tay trước khi có thể nhận ra rằng giấc mơ dài lâu nay đã qua rồi. Hành động đã bắt đầu.


Hình ở trang 66: Tòa nhà phát sóng của “Đài Tiếng Nói Tangier”
Miếng đất xinh đẹp nhìn ra Eo Biển Gibraltar nơi chúng tôi họp mặt một chiều hoàng hôn cách đây vài tháng sẽ là lý tưởng cho phòng phát thanh và làm nơi ở, nhưng chúng tôi không có tiền để mua. Một hôm trong lúc đang cỡi ngựa ngang vùng quê cùng với một người bạn là Clarence Staats, chúng tôi tình cờ đề cập miếng đất ở Tangier. Quay sang Betty Jane, ông Staats khiến nàng ngạc nhiên với hai câu hỏi thẳng thắn.
Ông bắt đầu: “Paul có biết anh ấy đang nói gì không?”
Sau khi nàng chứng minh cho ông ta là tôi vẫn sáng suốt, thì ông hỏi:”Vậy sao anh chị không làm gì đi?”
Betty Jane thốt lên tiếng kêu sửng sốt, gần như đau đớn: “Nhưng mà ông Staats ơi, tới mười lăm ngàn đô la cơ!”
Sau khi thảo luận thêm việc mua đất, ông Staats khiến chúng tôi kinh ngạc khi bảo rằng: “Tôi không thấy có lý do nào để không thu xếp cho anh chị.”
Nguyên cả khoản tiền được ông Staats dâng hiến ngay sau đó được gửi ngay tới cho Ba tôi tại Tangier, và ông thương lượng xong xuôi với ông Elton và có quyền sở hữu đất cho trụ sở phát thanh của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng Tangier là vị trí lý tưởng cho đài phát thanh. Những thống kê cho thấy điểm thuận lợi về kỹ thuật để từ đó truyền thanh đi khắp Âu châu. The Voice of America (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) có hệ thống phát thanh rất mạnh cách nơi chúng tôi sẽ lắp đặt thiết bị truyền tin chỉ vài dặm, và chương trình của họ được nghe khắp gần xa.
Trong lúc đó, việc xây dựng tại Tangier đã khởi đầu. Chúng tôi phải chọn giữa hệ thống ăng ten đơn giản nhất với cái kề cận đơn giản nhất. Nếu có thêm tiền, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn. Các kỹ sư cùng với ông Southworth bắt đầu với số ít thiết bị truyền tin thặng dư thời chiến - 2500 watts. Họ kèm thêm một cặp ăng ten rất đơn giản. Ngân qũy của chúng tôi cho năm đầu là 10.000 đô la - dưới một phần trăm của con số sau mười năm phát thanh.
Theo người Âu châu, mối quan tâm đối với chương trình phát thanh Cơ Đốc tại Âu châu hầu như là không có khi chúng tôi bắt đầu vào năm 1954. Một trong những lý do của sự thờ ơ giữa vòng các nhà truyền giảng Phúc Âm đó là ngoài Monaco và Luxembourg, không một quốc gia châu Âu nào có lối thoát cho những sáng kiến phát thanh tư nhân cả. Các công ty truyền thanh hoặc là công, hoặc là điều hành bởi một hệ thống giám sát, lập ra những ủy ban gồm toàn những người được chỉ định trong guồng máy quan liêu tương ứng với thế lực của các đảng phái trong chính quyền. Các công ty này, vì là những định chế công, nên không bị buộc phải mang tính đa nguyên trong từng khía cạnh của chương trình, kể cả phát thanh tôn giáo. Bởi thế, không những chỉ Cơ Đốc nhân tin Kinh Thánh, mà cả những người với bối cảnh thần học rất khác nhau cũng đến với phương tiện truyền thông qua phát thanh: Thính giả sẽ phải đối diện, không chỉ với một sứ điệp Phúc Âm rõ ràng mà còn với những tài liệu của phái tự do, không theo Thánh Kinh nữa. Khái niệm cho rằng một mục sư phái Phúc Âm hoặc một nhà phát thanh Cơ Đốc có thể có một chương trình đều đặn trên một đài của phái Phúc Âm tọa lạc tại Âu châu, có vẻ như không thể nào có được.


Lúc đầu, khi ước vọng đánh thức và triển khai mối quan tâm còn tươi mới và chưa lu mờ trong tôi, thì tôi thấy tình trạng thật bi đát như thể đập đầu vào tường đá. Cấp lãnh đạo Cơ Đốc xuất sắc nói: “Phát thanh không có trong đường dây của chúng tôi. Chúng tôi biết người ta làm việc đó tại Mỹ, nhưng đó không phải là cách của chúng tôi.” Dĩ nhiên, họ không có những khả năng biến nó theo cách như chúng tôi có ở Mỹ. Chinh phục được sự tin tưởng cùng mối quan tâm và hỗ trợ của Cơ Đốc nhân Âu châu là một tiến trình chậm chạp, khó chịu.
Trong lúc đó, hoạt động của chúng tôi, hoặc việc thuê mướn, sắp xếp với Đài Phát thanh Quốc tế của ông Southworth ở Tangier chất thêm cho chúng tôi một số nghĩa vụ cố định mỗi tháng. Chúng tôi không xúc tiến được trôi chảy như mình muốn. Nguồn tài chánh vào rất chậm. Thậm chí ba tôi không có tiền để mua một xe hơi cũ để dùng tạm. Ba Mẹ tôi phải chờ xe buýt để đi chợ, phải thận trọng đi đứng giữa đám đông. Ba tôi phải canh chừng từng xu nhỏ khi sống ở đó. Họ tới đó tay không. Ở quê nhà thì tôi đi nhờ xe khắp nước Mỹ thực sự chẳng tốn đồng nào cả. Đó thực sự là những ngày khó khăn.


Dần dần hoàn cảnh thắt chặt thêm. Tiền không vào nữa. Tiền thuê nhà chồng chất. Ba tôi cứng rắn phản đối chuyện nợ nần. Thoanh toán chi phí là một phần liêm khiết trong lời chứng Cơ Đốc của ông. Tất cả chúng tôi đều muốn làm lời chứng đúng mức trong nếp sống cùng những giao tế làm ăn, cũng như trong sứ điệp mà chúng tôi dự tính phát thanh. Những phiếu thanh toán tiếp tục tới, và không có cách nào trả nổi.
Áp lực trở nên nghiêm trọng đến nỗi Ba tôi tự nắm quyền giải quyết. Một điện tín đến với tôi chỉ ba tháng sau khi Ba Mẹ tôi đến Tangier: “Paul à, nếu Ba Mẹ không nhận được khích lệ thực sự, được giúp đỡ thực sự trong tuần này, Ba đã sắp xếp bỏ cuộc việc phát thanh và trở về.”
Lòng tôi tan nát.