Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 15, 2012

Tháp Vĩnh cửu--8


NHỮNG HIỆU THÍNH VIÊN CHO ÂU CHÂU

Sau khi mọi việc chạy đều tại đài phát thanh mới, chúng tôi thấy cần phải gom công việc ở Âu châu vào một mối. Chúng tôi giải tán văn phòng Thụy Sĩ và dời trụ sở (văn phòng) về Monte Carlo. Sau khi vài văn phòng nhánh được lập ra, thì những mục tiêu của trụ sở trung ương hoàn toàn mang bộ mặt mới. Trong số những chức năng quan trọng khác, khía cạnh này trở thành tiêu điểm mọi thử nghiệm tín hiệu của chúng tôi.

Để xác định mức độ mình đạt tới các vùng mục tiêu, chúng tôi gửi đi một tín hiệu phát thanh thường xuyên - âm nhạc kèm theo thông báo lặp lại nhiều lần cho một địa điểm: 



“Đây là buổi phát thanh thử, đến với bạn từ Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới.” Sau đó chúng tôi sẽ xác định thính giả thử nghiệm trong nhiều nước khác nhau, hoặc chúng tôi sẽ thực hiện những chuyến đi thăm dò các địa điểm khác nhau. Chúng tôi cần biết không chỉ nơi nào nhận được tín hiệu rõ nhất, mà còn giờ nào nhận tín hiệu thích hợp nhất. Chúng tôi quan tâm đến việc tìm biết tín hiệu đó mạnh ra sao, có loại nhiễu nào chúng tôi thường gặp, hoặc có nhiễu thường xuyên ở tần số nào hay không. Nếu có, chúng tôi cần tìm một tần số khác để có băng tần rõ ràng hơn.

Chẳng có nơi nào là không bị nhiễu. Có được một tần số để phát tín hiệu thường xuyên tốt vào vùng mục tiêu là một chuyện. Nhưng vấn đề không bao giờ có thể giải quyết ngay tức thời và mãi mãi - chúng tôi phải liên tục kiểm tra xem mọi người có nghe rõ chúng tôi hay không. Một thay đổi đột ngột có thể xảy ra do một đài khác bất ngờ xuất hiện ngay trên tần số của chúng tôi. Đôi khi đài mới này không mạnh bằng đài chúng tôi, nên họ sẽ phải tìm một địa điểm khác trên bản chỉ kênh.
Nan đề này khiến chúng tôi phải triển khai một mạng lưới hiệu thính viên khắp Âu châu, đánh giá tín hiệu, báo cáo hằng ngày để giúp chúng tôi biết ngay tức khắc khi bất cứ tần số hoặc vấn đề nào có trục trặc. Có thể chúng tôi thấy cần phải hành động nhanh chóng để ngay đêm kế tiếp chúng tôi tái xuất hiện trên một tần số khác. Chúng tôi vẫn cố gắng thông báo cho thính giả những thay đổi như vậy trước khi chúng tôi thực hiện, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng thực tế.
Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng nhất chúng tôi phải đối phó - tìm cho ra một chỗ trên băng tần số thích hợp với nhiễu tối thiểu. Toàn bộ dự án của chúng tôi lệ thuộc vào sự thành công chúng tôi đạt được trong việc thính giả có thể nghe rõ chúng tôi. Chúng tôi có thể lập chương trình hấp dẫn và liên tục, nhưng sẽ chẳng đi xa hơn trần của phòng phát thanh nếu điều kiện nghe không được đúng mức. Tần số và sự truyền bá tạo thành chiến trường lớn nhất của chúng tôi. Tại Monte Carlo chúng tôi đấu tranh liên tục suốt hai năm mới có được cách xử lý khéo léo. Thật là một thử thách không tưởng - liên tục phát ra tín hiệu thật rõ vào nhiều vùng mục tiêu của chúng tôi tại Âu châu, Bắc Phi, Trung Đông, và sau bức “Màn Sắt.” Hầu hết chúng tôi đều mang vết sẹo của những ngày khắc nghiệt đó suốt thời gian lâu dài.
Khi Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới được biết đến thật rộng rãi, thanh niên từ mọi miền nước Mỹ và Canada bắt đầu xin chúng tôi cho làm công tác truyền giáo. Ngay từ buổi đầu chúng tôi biết rằng trong một công tác như của chúng tôi, thì cần phải có những nhân sự được đặc biệt đào tạo với chất lượng cao. Thế nhưng chúng tôi đã cẩn thận theo nguyên tắc là mỗi ứng viên phải chứng tỏ có những tiêu chuẩn thuộc linh cao nhất và thực sự được Đức Chúa Trời kêu gọi phục vụ suốt đời trên cánh đồng truyền giáo.
Một lần nữa tại đây tôi có thể chứng nghiệm sự thành tín của Đức Chúa Trời chúng ta. Vào lúc đóng cửa đài Tangier chúng tôi có hai mươi sáu nhân sự làm việc toàn thời gian tại hiện trường. Đa số được chuyển về Monte Carlo. Ngày nay có ba mươi lăm nhân sự truyền giáo phục vụ cho đài Monte Carlo, ghi sổ sách các phòng phát thanh, cùng các văn phòng dưới sự lãnh đạo của Ba tôi. Eugene Priddy là thư ký hiện trường phụ trách hành chánh còn Norman Olsen, giám đốc của đài, chịu trách nhiệm hoạt động kỹ thuật. Họ có những phụ tá là Roy Hertzog, kỹ sư trưởng, Dave Carlson, giám đốc quảng cáo và giao tế, với Lee Vandervort, thủ qũy khu vực. Tất cả họ đều làm chứng cho sự dẫn dắt kỳ diệu của Chúa, cho sự cung ứng đầy đủ của Ngài, và cho niềm vui phục vụ Ngài trong công việc đồng đội gần gũi mà chức vụ phát thanh truyền giáo đòi hỏi. Đầu năm 1967 toàn bộ gia đình các giáo sĩ Mỹ và Canada trong Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới cùng nhiều nhân sự quốc gia thuộc các chi nhánh khác nhau ở Âu châu cùng Trung Đông mà chúng tôi trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm về sự hỗ trợ của họ - bao gồm trên 200 người lớn và gần 150 trẻ em. Chúng tôi có một Đức Chúa Trời thật cao cả!
Công việc phát triển theo nhiều hướng. Một số doanh nhân xuất sắc tại Na Uy, những người đã từng chịu trách nhiệm đóng tiền đầu tiên cho Monte Carlo, vẫn tiếp tục xúc tiến. Họ đã lập được một phòng ghi âm tốt tại Oslo, thực hiện được nhiều chương trình đa dạng thật hay. Một người hiện đang dành toàn thời gian đi khắp nước ghi lại những sứ điệp cùng âm nhạc từ những con dân Đức Chúa Trời có tài năng. Những người khác thì miệt mài làm việc nhiều giờ mỗi ngày sắp xếp những sứ điệp đó trong phòng thu phát thanh của mình. Các chương trình được gửi đi Monte Carlo để phát sóng, rồi phát lại cho Na Uy.
Các thư từ chứng minh những chương trình này được người Đan mạch và Phần lan mở lên nghe, và một chương trình tiếng Thụy điển cũng mang lại kết quả. Tại Scandinavia, nhiều thư từ do “những người của biển” viết bởi họ được khích lệ và phước hạnh khi nghe các buổi phát thanh lúc đang ở trên tàu.
Tại Anh, sự chú ý đến những chương trình phát thanh gia tăng đều đặn. Chi phí phát thanh ở đó có vẻ rất cao, nhưng chúng tôi đang phát một số chương trình do Mỹ sản xuất cho Anh và họ có vẻ quan tâm. Bắt đầu nắm lấy khải tượng, hiện nay họ tự làm cho mình những chương trình thật hiệu quả. Bắc Ái nhĩ lan cũng phát triển thật vui. Một cặp vợ chồng thương gia đã từng nghe Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới nhiều năm qua hiện đang thực hiện Giờ Phúc Âm của người Ái nhĩ lan (Irish Gospel Hour) và đảm nhận tài trợ cho chương trình qua một tập thể Cơ Đốc nhân Ái nhĩ lan quan tâm. Tiềm năng ở Anh bao gồm khoảng năm mươi lăm triệu người.
Suýt tự sát, một thanh niên Anh - bị áp đảo bởi những nan đề riêng - do dự đủ lâu để mở chương trình phát thanh ưa thích. Ngay sát cạnh đài đó, giọng hát nổi bật qua băng tần chen chúc đó. Công suất 100.000 watt của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới tạo một loại nhạc khác lạ đối với anh ta - những bài hát được mẹ anh hát cho nghe nhiều năm về trước. Anh chỉnh lại cho rõ hơn, và sứ điệp của Phúc Âm bắt đầu chạm vào nỗi đau trĩu nặng trong lòng anh. Thay vì hủy hoại đời mình, anh đã dâng nó cho

Hình ở trang 138: Trang thiết bị tới hiện trường phát sóng Monte Carlo, Núi Agel
Chúa Giê-xu Christ. Có đủ sức mạnh đẩy được lời của sự sống xuyên qua tiếng láp nháp của hàng chục đài, đã tạo nên sự thay đổi lớn trên thế giới.

Trong khung cảnh riêng tư của gia đình mình, dân chúng lắng nghe chương trình phát thanh truyền giáo - những người khắp thế giới không có cách nào khác để được bước vào mối thông công với Đức Chúa Trời để học biết tình yêu cùng sự tha thứ. Càng có nhiều người hơn con số chúng ta tưởng, đang lắng nghe và đáp ứng tiếng nói của Đức Chúa Trời khi họ ngồi - không bị ép uổng, không bị ai thấy trước ra-đi-ô của mình.
Từ Bồ Đào Nha, một bà viết: “Các chương trình phát thanh của quí vị hoàn toàn thay đổi đời sống tôi.” Bà giải thích rằng mình được nuôi dạy trong niềm tin rằng phải tự kiếm đường lên thiên đàng, và bà đang chuyên tâm làm điều đó. Thất vọng trong những nỗ lực làm người tốt, bà vẫn tiếp tục đi tìm lời bảo đảm cho sự cứu rỗi mình. Rồi một hôm, lúc đang rà đài, bà nghe một chương trình phát thanh Phúc Âm tiếng Bồ Đào Nha từ Monte Carlo. Nỗi lo sợ cùng thất vọng trong lòng bà được thay thế bằng lòng biết ơn đối với Cứu Chúa, khi bà khám phá ra rằng Ngài đã trả xong giá cứu rỗi thế cho mình rồi. Trong thư gửi chúng tôi, bà kể lại cách mình đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu Christ ra sao. Sau đó, qua chương trình theo dõi chăm sóc của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới chúng tôi giúp bà liên lạc với một hội thánh Phúc Âm, và bà chịu báp têm một tháng sau đó.
Bà lại viết thư: “Bây giờ tôi biết chắc mọi tội mình được tha hết rồi, và tôi được hoà thuận với Đức Chúa Trời. Tôi kể cho mọi người biết về Đấng Christ. Tôi rất biết ơn các chương trình Phúc Âm của quí vị từ Monte Carlo.”
Một bé chăn cừu, đang một mình canh chiên trên sườn đồi tại Corsica, nghe Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới qua máy ra-đi-ô xách tay bé nhỏ của mình. Cậu dâng lòng mình cho Đấng Christ và sau đó dọn về đảo Sardina gần đó như một giáo sĩ “ngoại quốc” - nói cho người khác về Đấng Chăn đã yêu thương và cứu vớt vượt xa hơn mọi hi vọng của con người. Chúa Giê-xu phán: “Các ngươi hãy đi khắp thế gian giảng Phúc Âm cho mọi người.” Để chúng ta có thể “đi” và “giảng” chính là mục đích nòng cốt của mọi chương trình phát ra từ Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới “đi vào toàn thế gian.”



PHỦ KÍN TRUNG ĐÔNG

Dĩ nhiên, Trung Đông là mối quan tâm và ưu tư lớn của chúng tôi, vì gia đình chúng tôi đã sống ở đó suốt nhiều năm. Chúng tôi đặc biệt nôn nóng muốn bắt đầu phát thanh bằng tiếng Ả Rập vì có thể dễ dàng hình dung ra những người sẽ nghe. Đây là những người mà cả Ba tôi lẫn tôi đều biết qua kinh nghiệm trực tiếp, lâu dài. Suốt nhiều năm nhiệm kỳ giáo sĩ của chúng tôi tại Palestine và Syria, chúng tôi đã sốt ruột ao ước đưa nhiều người Ả Rập đến với Đấng Christ hơn khả năng mình có thể làm được. Chức vụ của Ba tôi đối với dân trong nhiều làng rất có kết quả. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi tránh né được sự kiện cơ bản là con số những người chưa được tiếp xúc lúc nào cũng vượt xa con số những người chúng tôi đang tiếp xúc. Bạn có thể tưởng tượng chúng tôi phấn khích biết bao với triển vọng phát thanh len lỏi vào những nơi mà chính bản thân chúng tôi chưa hề có cơ hội hoặc thì giờ bước tới. Khải tượng của chúng tôi về dân tộc Ả Rập thật sống động, vì họ là dân tộc của chúng tôi theo cách đặc biệt, và điều đó tạo thành gánh nặng khiến chúng tôi tìm cách quyên góp hỗ trợ để phát thanh và soạn ra những chương trình phát thanh đặc biệt này. Khi một người có loại ưu tư cá nhân này đối với tha nhân thì sẽ luôn luôn muốn làm vượt trổi rất xa, hơn khả năng mình có thể làm được. Đây chính là trường hợp của Trung Đông thân thuộc và yêu dấu khi chúng tôi bắt đầu kế hoạch.

Tuy công việc chính của Ba tôi liên quan với người Ả Rập, nhưng những chương trình tiếng Hi bá lai cũng rất quan trọng. Khi người Y-sơ-ra-ên lập quốc, điều này tạo nên sự tách rời hoàn toàn phân ban Hi Bá Lai với Ả Rập. Chuyện kể bằng Hi Bá Lai đi trước buổi phát thanh bằng tiếng Ả Rập.
Suốt những thế kỷ bị tan lạc, dân Do Thái vẫn thường nói tiếng Yiddish, một thổ ngữ của Đức dùng chữ viết Hi Bá Lai. Một trong những ước vọng mạnh mẽ của họ khi người Do Thái trở về Y-sơ-ra-ên lập quốc đó là phục hồi ngôn ngữ Hi Bá Lai Cựu Ước để dùng hằng ngày. Quyết tâm này, bắt đầu khoảng 1920, lên tới đỉnh cao vào năm 1948 khi tiếng Hi Bá Lai được chỉ định làm ngôn ngữ chính thức trong truyền thông và giáo dục.

Hình ở trang 139: Tiến sĩ Jacob Blum, phát thanh viên Hi Bá Lai đầu tiên trong phân ban Hi Bá Lai của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới
Dân tộc Do Thái đặc biệt kính trọng những người Do Thái có gốc từ nhiều thế hệ ở Palestine. Đó là loại người Đức Chúa Trời đã chọn cho chúng tôi tại Trung Đông. Ông là người Hê-bơ-rơ , sinh gần Ti-bê-ri-át, nói tiếng Hi Bá Lai lưu loát từ thời thơ ấu. Con người này, Jacob Blum, khao khát học vấn, đi Hà Lan vào đầu thập niên ’30 ‘ để học. Trong thời gian này, ông trở lại đạo, là một trong số ít người Do Thái đầu phục Đấng Christ trước khi được giao cho Anh. Ông có hai bằng tiến sĩ, một về hóa học và một về lãnh vực thần học. Ước vọng lớn của ông mong trở về mang Phúc Âm cho đồng bào mình ở Palestine cuối cùng đã thành tựu dưới sự bảo trợ của một số Cơ Đốc nhân Hà Lan gửi ông về lại quê hương làm giáo sĩ.

Một thời gian sau, khi tổ chức American Messianic Fellowship tại Hoa Kỳ quan tâm các buổi phát thanh cho Y-sơ-ra-ên, họ bắt đầu bảo trợ Tiến sĩ Blum trong chương trình tiếng Hi Bá Lai mỗi ngày và vẫn trung tín tiếp tục cho tới ngày ông qua đời vào Tháng Chín 1966. Tiến sĩ Blum đến Monte Carlo mỗi năm một lần để ghi âm các sứ điệp của mình. Sau đó, ban phụ trách biên soạn, thêm phần âm nhạc và hoàn tất các chương trình để phát thanh sang Trung Đông.

Hình ở trang 139: Dick Olson trong phòng thu phát thanh của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Beirut
Một trong những thính giả từ Israel nói lúc đầu anh ta ghét Tiến sĩ Blum ra sao bởi lẽ “ông là kẻ phản bội tôn giáo cùng tổ quốc chúng ta để qua trại kẻ thù muốn tiêu diệt chúng ta . . . Tôi là đối thủ mãnh liệt nhất và là người đấu tranh dữ dội nhất chống lại tổ chức truyền giáo Cơ Đốc . . . cho tới khi tôi nghe chương trình phát thanh của ông. Xin vui lòng cho tôi biết khi nào chúng ta có thể gặp nhau và tại đâu, trong những quán cà phê cũng được.”

Một người mà Tiến sĩ Blum đã trò chuyện nhiều lần đột ngột lâm bịnh. Khi Tiến sĩ Blum tới bịnh viện, người này đã hôn mê. Ông cầu xin Đức Chúa Trời cho phép ông nói chuyện một lần nữa với người này trước khi người đi vào cõi đời đời. Ngay sau đó, người này mở mắt nói: “Phải ông đó không, Tiến sĩ Blum? Tôi tin là ông sẽ có ở đây - rằng ông sẽ không bỏ tôi chết cô độc. Lời làm chứng của ông không luống công. Tôi sẵn sàng chết vì tôi biết bây giờ tôi sẽ đi về với Đấng Mê-si của tôi, Đấng Cứu chuộc tôi.”
Mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi đối với thế giới nói tiếng Ả Rập được thể hiện khi chúng tôi khẩn thiết cầu xin đúng người và đúng thời điểm khởi đầu. Sự tiếp xúc mở đường cho những buổi phát thanh tiếng Ả Rập là một thí dụ khác trong kế hoạch kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Trong thập niên ’20’ Ba tôi đã từng chú ý đến một thanh niên từ Úc dự thi tiếng Ả Rập trong phòng Ba tôi coi thi. Nhiều năm sau, khi chính anh chàng Keith Stevenson nghe về Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới, anh đã liên lạc với chúng tôi. Đồng thời anh cũng thành lập một hội truyền giáo văn chương tại Beirut, Lebanon, dưới sự bảo trợ của những Cơ Đốc nhân tại Úc. Như một việc làm phụ, anh cũng đã bắt đầu ghi âm để mang đến cho những người không thể ra khỏi nhà. Tài làm chương trình cùng tiêu chuẩn sản xuất cao của anh dẫn chúng tôi tới việc thương lượng với anh, lúc đầu khi anh tới Thụy Sĩ, rồi sau đó khi tôi đi Beirut thăm anh. Kết quả những thảo luận của chúng tôi là sự kết hợp hội Gospel Recording Society của anh làm chi nhánh Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới của chúng tôi tại Trung Đông. Tập họp chung quanh mình một số diễn giả Ả Rập Cơ Đốc tài ba, ông Stevenson sản xuất được những chương trình phẩm chất thượng hạng và sứ điệp tích cực. Ông còn tự nguyện lắp đặt thiết bị thu phát thanh hoàn chỉnh tại Beirut để sản xuất các chương trình trong tiếng Ả Rập, Armenia, và Thổ nhĩ kỳ.
Một thính giả Cộng Hoà Ả Rập Thống Nhất - trong số những mục tiêu thách thức nhất của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới - gửi lá thư đầy khích lệ sau đây:
“Mỗi ngày tôi rất thích mở nghe buổi phát thanh của các ông và cảm thấy bình an khi ngồi gần lắng nghe sứ điệp của các ông, chúng hướng tôi theo con đường ngay thẳng. Tôi nhờ các ông chỉ cho tôi con đường dẫn tới đích tốt đẹp bằng cách cho tôi những thông tin về Chúa Giê-xu. Cũng xin vui lòng cho tôi những câu hỏi để khích lệ tôi đọc Kinh Thánh cùng một số bài thánh ca được hát trong chương trình của quí ông.”
Toàn bộ sinh hoạt giữa vòng người Ả Rập tiếp tục mở rộng. Dick và Jeanne Olson, một trong những cặp vợ chồng xuất sắc nhất của chúng tôi đã cùng với các con đi Beirut lo công việc tại đó. Dick đã cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của Ba tôi nhiều năm tại Monte Carlo. Anh cũng là một nhân sự rất hiệu quả tại Bonaire. Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, công việc tiếp tục phát triển. Dick có phụ tá là Jad Dally, một công dân Jordan rất tận tình và có tài năng.
Câu chuyện về Jacob Jambazian, người quản lý phân ban Armenia tại Beirut, cũng khởi sự từ những ngày đầu chúng tôi sống tại Giê-ru-sa-lem. Nhiều năm trước đây, khi người tị nạn Armenia từ Thổ nhĩ kỳ tới, một gia đình Cơ Đốc mở một cô nhi viện tại Gie-ru-sa-lem. Là một bé trai trong cô nhi viện đó, Jacob Jambazian nghe Ba tôi dạy cho thiếu nhi. Nhiều năm sau, khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh tại Beatenberg, anh và Ba tôi lại gặp nhau.
Lịch sử của người Armenia thật kỳ lạ. Họ đã là một quốc gia suốt 2725 năm rồi mà vẫn cứ sống theo từng nhóm thiểu số trong nhiều xứ không phải là quê hương của mình. Hàng trăm ngàn người xúm xít nhau theo phe cánh trong các nước Ảrập - có những trường học riêng dùng ngôn ngữ kiêu hãnh riêng của mình. Chức vụ của Lời Đức Chúa Trời trong tiếng nước họ rất hiệu quả giữa vòng họ; họ phấn khởi được nghe Phúc Âm trong tiếng mẹ đẻ của mình.

Hình ở trang 145: Phát thanh viên Armenia, Jacob Jambazian cùng với vợ là Knar
Đỉnh đông nam của nước Nga có dẫy đầy người Armenia. Nước Nga thu hút quốc tịch của họ, hứa tổ chức quốc gia cho họ. Trên nửa triệu người Armenia đã bị thuyết phục gia nhập nước Liên bang Sô viết Armenia trong vùng Caucase. Jambazian chuẩn bị vài chương trình mỗi tuần qua băng thu để phát thanh cho đồng bào mình, với những kết quả đầy khích lệ.

Chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới là một tổ chức nhằm mục tiêu phục vụ, cung ứng cho các dân bản xứ có được tiếng nói để tường thuật về Chúa Giê-xu Christ cho đồng bào họ. Đây là quá trình khởi đầu tại Iran. Năm 1962 Dick Corley của International Missions, Inc., nói chuyện với một trong những nhân sự của chúng tôi tại một hội đồng ở Chicago. Ông nghĩ người Ba tư sẽ hưởng được lợi ích từ một chương trình Phúc Âm trong ngôn ngữ của họ, và ông tự hỏi mình có thể làm gì để bắt đầu một chương trình như vậy. Chúng tôi khích lệ ông mua một máy ghi âm để mang về soạn thử một chương trình tại Ba tư.
Điều kế tiếp chúng tôi được biết, là có nhận được một cuộn băng gửi bưu điện từ Iran, kèm theo lời chỉ dẫn. Corley muốn phát sóng băng ghi đó vào tám giờ sáng tại Iran. Điều này hàm ý chúng tôi phải thuyết phục toán làm việc tại Monte Carlo - cách hai múi giờ hướng tây - phải thức dậy sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ để có thể mở băng ghi âm tiếng Ba tư lúc 6 giờ sáng. Đó là vào Tháng Mười Hai 1962. Kể từ đó, Giám đốc của Hội Truyền giáo Quốc tế (International Missions) Elrey Larow, đếm được từ 7.000 tới 8.000 người Ba tư ghi danh học khóa Kinh Thánh hàm thụ được quảng bá qua ra-đi-ô. Ông cho rằng chương trình phát thanh đã có công thu hút 95 phần trăm học viên Kinh Thánh mới mẻ này.
Chúa tiếp tục làm phép lạ mới tại Monte Carlo. Ngày 1 Tháng Tư 1966, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới được phép dùng máy phát sóng AM làn sóng trung bình (phát thanh chuẩn) khổng lồ 400.000 watt của đài Phát thanh Monte Carlo sau 10 giờ tối. Bước đột phá khó tin này mở ra con số rất lớn những gia đình giữa lòng Châu Âu trước đây chưa hề có ai tiếp xúc, trong giờ tối cao điểm này. Tác động cùng ảnh hưởng của cách tiếp xúc mới này cho thấy còn có hàng ngàn tấm lòng đang chờ đợi được đụng đến theo cách đó. Quả là chúng ta có một Đức Chúa Trời thật vĩ đại.