Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, June 20, 2019

SỰ TÁI SANH CỦA NGƯỜI CHA VÀ SỰ ÐẮC THẮNG .


Trong một tự truyện của Mục sư Tống Thượng Tiết với tựa đề “Lời Chứng Của Tôi”, ông thường thích thú nhắc lại những lời giáo huấn của cha khi còn thơ ấu. Thân sinh của ông rất ưa nhắc lại sự từng trải tái sanh của đời mình. Lúc ấy ông còn quá nhỏ nên không hiểu được ý nghĩa hai chữ “tái sanh”, nhưng ông cảm thấy chuyện này thật phước hạnh.


Thân phụ của Tống Thượng Tiết, Mục sư Tống Học Liên, lúc 16 tuổi đã vào một Thần học viện của quận Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Sau hai năm trong trường, ông chỉ là một sinh viên hoàn toàn nô lệ vào thời khoá biểu, học để được lên lớp và lấy điểm một cách máy móc, tâm tình không nóng cháy, cũng không có tinh thần tìm tòi học hỏi, chẳng màng đến thuộc linh, không thật sự nhận biết Chúa Giê-xu. Hai niên học trôi qua một cách vô bổ. Ðến năm thứ ba là năm tốt nghiệp, nửa niên học đầu ông vẫn theo lề lối cũ, không có gì đổi mới và sự học cũng rất tầm thường. 



Ðến tam cá nguyệt cuối cùng, trong tâm trí trầm lặng của ông bỗng nhiên có những luồng gió thổi vào và gợn lên những làn sóng nhè nhẹ. Khi học Phúc âm Giăng và thư Phao-lô gửi cho các tín hữu La Mã, ông được sự khải thị của Thánh Linh cảm biết mình là con người đầy tội lỗi. Những sự đen tối trong thâm tâm được Thánh Linh soi rọi vào, những tội lỗi kín giấu được bày ra trước mắt. Ông phải tìm cách giải quyết. Ngày nào chưa giải quyết xong là ngày ấy chưa có sự bình an.
Một cuộc chiến khốc liệt tranh chấp trong nội tâm khiến ông ăn ngủ không yên. Ðến lúc kiệt sức thì ông chỉ biết kêu cầu với Chúa. Mỗi buổi sáng, trong khi mọi người con an giấc, ông đã thức dậy tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Ðêm đêm trong khi mọi người đã đi vào giấc ngủ thì ông vẫn thức để cầu nguyện xin Chúa ban cho sự vui thỏa trong lòng, cũng như sự bình an là đã được tha tội.


Một ngày kia, khi bình minh vừa ló dạng, ông đã thú nhận với Chúa tất cả mọi tội lỗi của mình. Trong lúc thật sự đau thương thống hối, ông nhận được sự tha thứ của Chúa, được gần gũi trong sự hiện diện của Ngài. Ngày hôm đó ông được sự sống từ Thánh Linh cũng là khởi điểm một đời sống mới. Lúc ấy ông được 19 tuổi.


Sau khi tốt nghiệp trường Thần Ðạo ở Phước Châu, ông trở về quê cũ là huyện Hưng Hóa, cũng gọi là huyện Phổ Ðiền, làng Phượng Tích, tỉnh Phúc Kiến, bắt đầu cuộc đời truyền bá Phúc âm. Với cuộc đời mới được Thánh Linh thăm viếng, cuộc sống ở nông thôn thật đơn sơ nghèo nàn, nhưng cũng thoải mái dễ chịu. Ông đã cần cù gieo giống, chăm sóc, vun sới những thửa ruộng lòng của những nông dân nơi quê hương. 


Thấm thoát năm, sáu năm trôi qua, ông lập gia đình năm 25 tuổi. Vợ ông là một cô gái trong một gia đình Phật giáo. Sở dĩ cô gái thơ này nhận lấy Mục sư Tống Học Liên vì ngày trước bố mẹ hai bên gia đình, theo tục lệ cổ truyền đã đính ước cùng nhau, hứa hôn cho hai con khi chúng còn trong bụng mẹ. Bà Tống Học Liên quả là một người đàn bà đảm đang, cần kiệm. Tình thương yêu vợ chồng ngày càng đậm nồng.


Ngày ngày ông đi truyền giảng Phúc âm cho dân chúng trong làng, đêm về chong đèn dạy vợ viết và đọc. Sau một thời gian nghe chồng giảng dạy hiểu biết, bà chấp nhận từ bỏ Phật giáo, tin Chúa Giê-xu và nhận lễ báp têm. Nhưng đó chỉ là việc làm của con người chứ chưa phải là việc của Ðức Chúa Trời. 


Bà đã xưng nhận đức tin, nhưng sự hiểu biết về Chúa còn rất nông cạn, lòng kính yêu Chúa cũng còn nhiều hạn hẹp. Lập gia đình chưa đầy một năm bà Tống Học Liên sinh hạ một bé gái đầu lòng. Qua năm thứ nhì lại thêm được một trai, đó là anh và chị của Tống Thượng Tiết.
Gia đình bốn người thì vui vẻ nhộn nhịp, nhưng bổn phận của người cha ngày càng nặng. Lương hàng tháng của Mục sư Tống Học Liên lúc ấy được chừng 5 - 6 đồng. Số lượng quá ít, thật là eo hẹp cho việc chi tiêu trong gia đình.


Trong cảnh nghèo túng, ông Tống Học Liên loay hoay suy nghĩ mãi. Những đêm dài trằn trọc không sao ngủ được. Trong mông lung nghĩ ngợi, hình như có một tiếng nói thì thầm thách thức rằng: Nghiệp dĩ làm người truyền đạo này giống như một kiếp ăn mày! Chưa xong bữa sáng đã phải lo chạy bữa tối. Cuộc đời khốn cùng như vậy, một thư sinh vốn chỉ biết bút nghiên như mình làm sao chịu nổi? 


Dù chưa phải là một nhà nho học tinh thông, nhưng mình cũng thuộc dòng dõi sĩ phu. Trong gia đình cũng đủ cầm, kỳ, thi, họa. Bây giờ nếu không hành chức nghiệp truyền đạo này chẳng nhẽ không sống nổi hay sao?” Rồi một kết luận nổi lên trong tâm trí: “Thôi thì bỏ chức vụ truyền đạo rời khỏi chốn làng mạc nghèo nàn này, đi đến một thành phố để làm một ký giả cho nhà báo; hay vào một trường ngoại quốc xin một chức vụ giáo sư”. Ðó là tiếng nói của ma quỷ. 


Nhưng rồi Thánh Linh cũng êm dịu nhắc nhở ông những câu trong Kinh Thánh như những ngọn đèn soi thấu đến tâm linh. Châm ngôn đoạn 3 câu 5: “Hãy hết lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con”. Lương tâm ông cũng âm thầm trách móc: “Chúa Giê-xu đã ban ân điển tha tội cho ngươi, cho dẫu ngươi có xả thân chịu chết, hay hy sinh bị bắt bớ đánh đập đi nữa thì cũng không thể đền đáp được ân thương xót ấy. Những khó khăn nho nhỏ này của cuộc sống ngươi không thể chịu đựng được cho Ngài sao? 


Ngươi muốn phụng sự cho thần tài, làm nô lệ cho tiền bạc, chỉ muốn chiếm hữu ruộng đất mà không đơm bông kết trái của sự sống! Ngày ngươi gặp Chúa Giê-xu, ngươi hai bàn tay trắng. Ngươi há không thấy chim trên trời, hoa cỏ ngoài đồng: chúng không trồng, không gieo gặt, cũng chẳng quay tơ dệt chỉ. Chúa nuôi chúng làm sao? 


Chim vẫn bay lượn trên vòm trời xnh, hoa cỏ vẫn trang điểm các đồng hoang vắng. Mắt của Chúa há không đang theo dõi ngươi và quý ngươi hơn tất cả vạn vật trên đời này hay sao? Ngươi hãy xét lại, trong quá khứ có ai đi rao giảng Phúc âm mà chết đói trong những ngôi làng nghèo nàn này chưa? Ngươi phải lấy lòng tin cậy nơi Chúa Hằng Hữu, lấy lời vua Ðavít làm tấm gương soi rọi cho lòng ngươi: “Sư tử tơ bị thiếu kém và đói, nhưng người nào tìm cầu Ðức Giê-hô-va chẳng thiếu của tốt gì”.


Sau cuộc chiến tâm linh ác liệt kéo dài từ đêm khuya đến gần sáng, khi trăng đã lặn, và gà đã gáy sáng thì ông Tống Học Liên nghe thấy rõ ràng tiếng nói của Chúa Giê-xu từ trời theo gió sáng sớm rót vào tai: “Tôi tớ của Ta ơi! Ðừng sợ, có Ta đây, tất cả những nhu cầu của ngươi, Ta đều đã biết cả rồi”. Ông thức dậy, choàng áo lên người và báo ngay cho vợ biết sự chiến thắng của mình trong đêm qua khi giao chiến với ma quỉ. Từ đó ông không còn ý định rời bỏ chức vụ nữa và bắt đầu chỉnh đốn lại cuộc đời truyền giảng Phúc âm của mình.


Sau kinh nghiệm được thánh hoá này, chức vụ truyền đạo càng ngày càng khiến cho ông phấn chấn. Sau này được Chúa trọng dụng, kết quả lại càng tốt đẹp hơn. Hội Thánh do ông quản nhiệm mới đầu số tín hữu chỉ có hơn 100. Một năm sau con số tăng lên đến 5,6 trăm. Năm thứ ba được trên 1000 tín hữu...


Tống Học Liên chẳng những có quyền năng trong sự giảng dạy, mà cũng đầy ơn trong lãnh vực viết sách báo. Ông rất ham mê đọc sách, nhất là những loại sách cổ, có bao nhiêu tiền ông đều dành để mua sách. Thư viện của gia đình ông có trên 10 ngàn quyển và ông cũng rất quý những quyển sách ấy. Không phải ai cũng dễ dàng mượn sách của ông. Một lần kia, Tống Thượng Tiết làm long bìa một quyển sách, trong lòng rất lo âu, mong sao cha đừng phát giác. Nhưng lỗi lầm không sao giấu mãi được nên cậu đã bị một trận đòn đích đáng.


Tống Học Liên có khả năng văn chương nên đã được mời làm chủ biên tờ Phấn Hưng, tờ báo này có rất nhiều độc giả trong tỉnh Phúc Kiến. Ông cũng rất thích viết nhật ký, mỗi ngày hầu như ông đều ghi lại mọi việc làm, mọi cảm nghĩ của mình. Sau này chính Tống Thượng Tiết cũng được thừa hưởng thói quen này.

fb Tanduc vuong