Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 8, 2018

VUI BUỒN CỦA TUỔI GIÀ

Vui buồn của tuổi già, những suy tư của Đức Bênêđictô, mấy tháng trước khi công bố từ nhiệm.
Ngày 12 tháng 11 năm 2012, nhân dịp viếng thăm một nhà dưỡng lão tại Rôma do Cộng Đồng Sant’Egidio trông coi, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã có những suy tư sau đây về những nỗi vui buồn của tuổi già, phần nào cho thấy những dấu chỉ dẫn tới việc ngài quyết định từ nhiệm.

Tôi đến với anh chị em không những trong tư cách giám mục Rôma, mà còn trong tư cách một người già đi thăm những người bạn già nữa. Quả là dư thừa khi nói rằng tôi rất quen thuộc với những khó khăn, những nan đề và giới hạn của lớp tuổi này, nhưng tôi biết rõ: với nhiều anh chị em các khó khăn này càng thấm thía hơn do khủng hoảng kinh tế. Đôi khi, vào một độ tuổi nào đó, ta bỗng nuối tiếc nhìn lại những năm tháng thanh xuân khi mình còn tươi trẻ và dự tính nhiều cho tương lai. Bởi thế, đôi khi nét mặt ta phủ đầy một vẻ buồn trước cái viễn tượng hoàng hôn của cuộc đời này.

Nhưng sáng nay, lên tiếng với mọi người cao niên trong tinh thần, dù biết rõ các khó khăn của tuổi già chúng ta, tôi vẫn muốn nói với anh chị em một cách đầy xác tín rằng: già quả là đẹp! Ở mọi giai đoạn của cuộc đời, điều cần là có khả năng nhìn thấy sự hiện hữu và chúc lành của Chúa cũng như các phong phú do chúng mang tới. Ta không bao giờ được để mình bị buồn sầu vây hãm! Ta đã và đang tiếp nhận được ơn trường thọ. Sống ngay trong độ tuổi của ta vẫn là điều tươi đẹp, bất chấp những đau cùng đớn và một số giới hạn nào đó. Ước mong sao trên nét mặt ta luôn có niềm vui vì cảm thấy được Chúa thương yêu, chứ không phải nỗi buồn.

Trong Thánh Kinh, trường thọ luôn được coi là hồng phúc của Chúa; ngày nay, hồng phúc này khá phổ biến và được coi như một hồng phúc đáng được trân quí và vận dụng bao nhiêu có thể. Ấy thế mà cái xã hội bị khống chế bởi luận lý học hiệu năng và lợi lộc này thường lại không muốn chấp nhận nó như thế: trái lại, xã hội này thường bác bỏ nó, vì coi người già như là vô dụng, thiếu sản xuất. Rất nhiều khi ta được nghe nói tới những nỗi đau của những người bị cho ra rìa, sống xa nhà và đầy cô đơn. Tôi nghĩ cần phải có nhiều dấn thân hơn, bắt đầu từ gia đình và các định chế công cộng, để bảo đảm cho người già có khả năng ở lại nhà mình. Cái khôn ngoan của đời sống mà chúng ta là những người đem theo quả là một kho tàng lớn lao.

Phẩm chất của một xã hội, hay của một nền văn minh, cũng được phán định dựa vào cung cách nó xử sự với người già và vị trí nó dành cho họ trong đời sống của cộng đồng. Những cộng đồng nào biết dành vị trí cho người già đều là những cộng đồng biết dành vị trí cho sự sống! Cộng đồng nào biết chào đón người già cũng là cộng đồng biết chào đón sự sống!... Khi sự sống trở thành mỏng dòn trong những năm tháng già nua, nó vẫn không bao giờ mất giá trị và phẩm vị: ở bất cứ giai đoạn cuộc sống nào mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương, mỗi một chúng ta đều quan trọng và cần thiết.

Các bạn thân mến, vào độ tuổi này, ta hay cảm thấy cần có sự giúp đỡ của người khác; và điều này cũng xẩy ra cho vị giáo hoàng của các bạn. Trong Tin Mừng, ta đọc thấy Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “khi con còn trẻ, con tự thắt lấy dây lưng và muốn đi đâu thì đi; nhưng lúc về già, con sẽ phải chìa tay ra để người khác thắt dây lưng cho con và dẫn con đi nơi con chẳng muốn” (Ga 21:18). Chúa có ý nói tới cách Thánh Phêrô sẽ phải làm chứng cho đức tin đến độ phải tử vì đạo, nhưng câu ấy khiến chúng ta nghĩ tới sự kiện này: cần người khác giúp đỡ vốn là thân phận của người già chúng ta. Tôi chỉ xin các bạn tìm thấy ơn Chúa trong thân phận ấy, bởi vì được nâng đỡ và được đồng hành, cảm nhận được tình âu yếm của người khác quả là một ơn phúc! Điều này quan trọng đối với mọi giai đoạn của cuộc sống: không ai sống được một mình mà không cần người khác giúp đỡ; con người là hữu thể có tương quan. Và trong tình thế này, tôi vui mừng nhận thấy: những người giúp đỡ và những người được giúp đỡ đã tạo thành một gia đình mà sinh huyết chính là tình yêu.

Anh chị em cao niên thân mến, ngày giờ xem ra dài và trống rỗng quá, với thật nhiều khó khăn, ít cam kết và gặp gỡ; nhưng anh chị em đừng bao giờ chán nản trong lòng: anh chị em làm cho xã hội phong phú, ngay cả trong đau đớn và bệnh hoạn. Và giai đoạn này của cuộc sống vẫn là một hồng phúc để ta thâm hậu hóa mối liên hệ với Thiên Chúa… Anh chị em đừng quên rằng một trong các tài nguyên vô giá của anh chị em là tài nguyên cầu nguyện: trở thành những người cầu bầu với Thiên Chúa, cầu nguyện với đức tin và sự kiên định. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, và cầu nguyện cho tôi, cho nhu cầu thế giới, cho người nghèo, để không còn bạo lực trên thế giới. Lời cầu nguyện của người già có thể che chở được thế giới, giúp đỡ thế giới, có khi còn hữu hiệu hơn là sự lo lắng của tập thể.

 Ước mong anh chị em cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và biết cách đem tia lửa yêu thương của Chúa cho xã hội chúng ta, một xã hội thường quá cá nhân chủ nghĩa và chỉ chuộng hiệu năng. Và Thiên Chúa sẽ luôn luôn ở với anh chị em và với mọi người đang trợ giúp anh chị em với tấm tình âu yếm và tận tụy của họ.
Vũ Văn An