Ảnh hưởng của tuổi tác đến các bộ phận trên cơ thể:
(TNO) Một trong những thay đổi đầu tiên khi chúng ta già đi là tăng cân, thay đổi nội tiết tố, thị lực giảm, lão hóa da…
Da: Thời gian ảnh hưởng đến làn da theo hai cách, gồm: lão hóa nội tại - đó là kết quả của những thay đổi trong các tế bào da theo thời gian và lão hóa do ánh sáng - là sự xuống cấp sớm của da sau nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Lão hóa nội tại có thể được nhìn thấy trên da. Nó làm mỏng lớp biểu bì bên ngoài cũng như lớp da bên dưới, khiến da mỏng manh hơn và kém đàn hồi, dễ dẫn đến tổn thương và các nếp nhăn.
Ngược lại, lão hóa do ánh nắng mặt trời có thể làm lớp biểu bì dày hơn, thô hơn, và lỗ chân lông nhiều hơn. Hiện tượng lão hóanày thúc đẩy nhanh hơn quá trình phân hủy collagen ở sâu dưới lớp da, đẩy nhanh các nếp nhăn.
Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, và luôn đảm bảo thoa kem chống nắng có độ SPF cao mỗi khi ra ngoài có thể làm chậm quá trình lão hóa da; đồng thời tránh xa thuốc lá và phơi nhiễm hóa chất để giúp làn da khỏe mạnh và đẹp.
Tóc: Nếu tóc dường như không thể phát triển nhanh như khi còn trẻ, đó là dấu hiệu của lão hóa. Những thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến các nang lông, làm chậm sự tăng trưởng tóc hoặc gây rụng tóc, điển hình là tình trạng hói đầu ở nam. Tóc chuyển màu cũng là một trong những thay đổi phổ biến trong lão hóa tóc.
Tiếp xúc với hóa chất hoặc nhiệt từ các dụng cụ làm tóc có thể gây tổn hại cho tóc, gây khô, gãy rụng và đẩy nhanh quá trình lão hóa tóc.
Mắt: Bước vào độ tuổi 40, tầm nhìn bị hạn chế là điều hiển nhiên. Một điểm vàng trong mắt có thể ngăn chặn các bước sóng ánh sáng nhất định, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể.
Theo About, liên quan đến tuổi tác, mắt có thể bị tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Theo thống kê của Viện Mắt quốc gia Mỹ, hơn một nửa số người ở tuổi 80 phát triển bệnh đục thủy tinh thể. Ánh sáng tia cực tím và thuốc lá được cho là những tác nhân góp phần vào sự phát triển bệnh đục thủy tinh thể.
Thính giác: Thính giác phụ thuộc vào các tế bào nhỏ trong tai dao động theo sự hiện diện của âm thanh. Theo thời gian, thiệt hại từ các yếu tố môi trường như tiếp xúc với tiếng ồn lớn, một số loại thuốc, và điều kiện sức khỏe như huyết áp cao và bệnh tiểu đường có thể gây mất thính giác.
Ước tính có khoảng 30% số người trong độ tuổi từ 65 - 70 có triệu chứng nghe kém hoặc không nghe được.
Ngăn ngừa mất thính giác bằng cách tránh xa tiếng ồn lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh liên tục và tiếp xúc lâu dài. Máy trợ thính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết chứng suy giảm thính lực.
Vị giác và khứu giác: Một số người lớn tuổi cảm nhận có sự thay đổi vị giác, đặc biệt những người dùng thuốc (thuốc kháng histamine hay thuốc chống trầm cảm), có thể bị mất cảm giác về hương vị. Một số điều kiện khác như bệnh Parkinson, trầm cảm và bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra sự thay đổi vị giác.
Bên cạnh gặp vấn đề về vị giác, khứu giác ở người lớn tuổi cũng sa sút đáng kể. Theo các chuyên gia sức khỏe, các thụ thể khứu giác trong mũi có thể gây ảnh hưởng đến vị giác. Ngoài ra, một số loại thuốc và điều kiện như đột quỵ và bệnh động kinh cũng có thể khiến khứu giác không còn hoạt động hiệu quả.
Tim: Tim bơm máu giàu oxy đến tất cả các bộ phận trong cơ thể. Theo thời gian, chất béo tích tụ trong động mạch dẫn đến hiện tượng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, và khiến cơ quan quan trọng này làm việc khó khăn hơn.
Bệnh tim vẫn là kẻ thù đứng đầu trong danh sách những kẻ giết kinh hoàng cho cả nam giới và phụ nữ ở Bắc Mỹ. Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra nguy cơ phát triển bệnh tim mạch ở phụ nữ tăng lên sau thời kỳ mãn kinh.
Xương: Khi có tuổi, xương bị mất khoáng chất, dễ dẫn đến nguy cơ loãng xương hay gãy xương. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, phụ nữ da trắng hay châu Á có nguy cơ cao xương mỏng dần khi về già. Mất mật độ xương có thể được ngăn ngừa bằng cách ăn chế độ giàu vitamin D, canxi và thường xuyên tập thể dục.
Răng: Thậm chí ngay cả khi bạn là người tích cực chăm sóc răng miệng như đánh răng hay dùng chỉ nha khoa hằng ngày, các dinh dưỡng nhất định có thể gây nguy hiểm cho sức mạnh của răng khi về già. Một số loại thực phẩm có tính axit có thể làm mất men răng, khiến nó dễ vỡ và xói mòn. Men răng mỏng hơn có thể dẫn đến hiện tượng răng ngả sang màu vàng, trông rất mất thẩm mỹ.
Một vài kỹ thuật đơn giản như súc miệng bằng nước ngay sau khi ăn các loại thực phẩm có tính axit, và đợi 30 phút sau mới đánh răng, có thể giúp răng chắc khỏe.
Móng tay: Móng tay có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe nói chung. Móng tay có thể thay đổi kết cấu, độ dày, màu sắc theo thời gian. Suy dinh dưỡng, bệnh tật, tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa mạnh hoặc không khí khô… có thể làm suy yếu và gây tổn hại cho móng tay.
Bàng quang và thận: Theo thời gian, thận trở nên hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc thanh toán bù trừ các chất thải ra khỏi máu. Lão hóa khiến khả năng giữ nước tiểu của bàng quang cũng giảm đi, và kèm theo đó là một loạt triệu chứng như tiểu không tự chủ hoặc rò rỉ, hiện tượng này đặc biệt xảy ra nhiều ở phụ nữ.
Một số kỹ thuật như các bài tập dành cho xương chậu có thể nâng cao năng lực của bàng quang.
Tác giả bài viết: Ngọc Khuê