-
Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa?
Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi
là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để
tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Tôi muốn được kể một câu chuyện:
Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông,
trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa
khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ
là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.
Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ
khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ
nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt
cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về
nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.
Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo
sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người
đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăn trối
lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ
khóc vâng lời.
Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu
tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ
ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng.
Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới
khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy
óc cho nhân tình ăn.
Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người
thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do
phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử
mà chết.
Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là
một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy
Trang Chu” lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn
bà”.
Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu
rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ
nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc
đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải
nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ
nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết
lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh
của gia đình?
Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay.Tôi cũng chẳng
ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời
gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng
mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…
Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại
có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.
Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với
nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt
ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính
như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu
cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế
thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái
đó gần với sự tan vỡ lắm.
Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu,
lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi
một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình
cũng vậy ư?
Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã
là thừa.
ST