Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, February 13, 2019

PHẨM CÁCH NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA


1 Timothe 1-3

Thơ Timothe thứ nhất là một trong ba Thơ tín Mục vụ, được Phao-lô viết cho Timothe, người lãnh đạo hội thánh Chúa tại Epheso, cũng là con thật của ông trong đức tin (1:2).

Là một người hầu việc Chúa còn rất trẻ, đâu chừng trên dưới 30 tuổi, Timothe phải đối diện với đủ thứ áp lực, căng thẳng, chống phá cùng những thách thức trong vai trò của một người chăn bầy. Và để giúp cho học trò của mình không … nản lòng chiến sĩ, không … nghỉ chơi, Phao-lô phải nhỏ to ‘mách nước’ thôi.


Trước hết là hiểm họa tà giáo. Kinh Thánh không cho biết tà giáo ở Epheso lúc đó tên gì, song điều ta biết là chúng đã truyền “dạy một giáo lý khác”, tập trung vào những chuyện huyền bí thuộc thần linh thế giới hay … lý lịch căn bản, con dòng cháu giống “chẳng ích gì cho chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà chúng ta biết được nhờ đức tin” (1:4)

Đối với mấy ông thầy tà mê tranh cãi, thích đi giảng dạo này thì Phao-lô bảo chỉ có một giải pháp duy nhất là lịnh cho chúng phải câm mồm. Đơn giản rứa thôi.

Động từ “răn bảo” hay “truyền bảo” ở các câu 3 và 5, trong nguyên văn Hy-lạp là một động từ rất mạnh được dùng trong quân đội. Nó có nghĩa là ra một mệnh lệnh nghiêm khắc từ cấp chỉ huy. Hay nôm na là người chủ quát một tiếng để buộc con chó đang sủa phải … tắt đài. Chấm hết.

“Giáo lý khác” ở Epheso này sao nghe quen quen như “Tin Lành khác” hay “Phúc Âm khác” ở Galati quá hén (Galati 1:6-9). Cũng chỉ có một chuyện là tập trung xuyên tạc Tin Lành của Đấng Christ mà thôi.

Mà Tin Lành của Đấng Christ là gì? - Ấy là người ta được cứu hay nhận được sự sống đời đời, không đi vào hỏa ngục CHỈ BỞI tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi. Nói cách khác, Tin Lành của Chúa Giê-xu là Tin Lành của tình yêu, của ân sủng chớ không phải Tin Lành của công đức.

Chúa Giê-xu cứu người ta như thế nào í à? – Cứ nhìn thẳng vào Phao-lô đây nầy thì sẽ rõ ngay thôi. Ác như ta, xấc láo như ta, quậy có số má như ta mà Chúa vẫn … ô-kơ, mà Chúa vẫn tiếp nhận, rồi Chúa còn tin dùng, Chúa còn đại dụng để “làm gương cho những ai sẽ tin Ngài để được sự sống đời đời” nữa cơ mà. Đấy Tin Lành của tình yêu là như thế. Tất cả chỉ bởi lòng tin – lòng tin chân thành nơi sự chết đền tội thay ta của Chúa Cứu Thế Giê-xu (1:12-17).

Xưa cũng như nay, thời nào cũng có những người rất giỏi, học cao biết rộng, nhưng không hiểu tại sao đang yên đang lành thì đùng một phát: bị … “đậu phộng đường”, lạc khỏi chánh đạo, rồi “sa vào những cuộc tranh luận rỗng tuếch”.

Phao-lô khuyên Timothe và quý ông ở Epheso đừng để bị cuốn vào những cuộc tranh cãi vô bổ như thế. Thay vào đó, hãy dành thì giờ để cầu nguyện và rao báo Phúc Âm cho người khác, mà đặc biệt là cho những người lãnh đạo chính quyền, để họ được cứu. Đó mới đích thực là công việc có ích và đẹp lòng Đức Chúa Trời (2:1-8).

Còn mấy bà thì răng? – Thì mấy bà “cũng vậy” chớ răng (2:9). Thay vì tham gia tranh cãi thì các bà nên tham gia vào việc cầu thay; thay vì tập chú vào việc chưng diện mỗi khi đến nơi nhóm họp, thờ phượng Chúa thì các bà nên dành thì giờ để tham gia công tác phục vụ trong hội thánh. Người nữ tin kính Chúa là rứa đó (2:9-10).

Không biết tại làm sao mà mấy bà mấy cô ở hội thánh Epheso bị bác Pôl … chèn ép dữ quá. Bằng chứng là ở nơi khác, bác í không hề ngăn cản chị em làm lãnh đạo hay phát biểu trong hội thánh cơ mà (1Corinhto 11:5; Công vụ 18:28; Tit 2:3-4). Nguyên nhân chắc là có dính dáng đến sự dạy dỗ của mấy ông thầy tà kia đấy. Bằng chứng là chuyện Eva bị dính quả lừa đã được nhắc lại. Thế thì, việc mấy bà bị tước quyền ăn nói và quyền lãnh đạo trong các buổi nhóm họp của hội thánh chỉ là chuyện nội bộ, chuyện riêng tại Epheso thời đó chớ không phải là nguyên tắc chung. Do đó, các bà các cô thời nay cứ yên tâm mà phát biểu, mà lãnh đạo nhé.

Ngay cả tại Epheso thì … “lịnh cấm” này vẫn có thể được xem xét hủy bỏ nếu các bà sinh con, “miễn là tiếp tục giữ vững đức tin, sống yêu thương, thánh thiện và đoan trang” (2:15).

Từ “được cứu” trong câu này rõ ràng không mang nghĩa là “được cứu khỏi tội lỗi”, tức là được hưởng sự sống đời đời. Bởi lẽ, những người nữ được nói đến ở đây là những người đã tin Chúa rồi. Hơn nữa, nếu nhờ “sinh con” mới được cứu thì mấy cô chưa chồng, mấy bà không con trong hội thánh sẽ tập trung trước Ngai Thiên Chúa để “khiếu kiện đông người” à nha.

Từ được cứu (trong nguyên văn Hy-lạp là SOZO) là một từ đa nghĩa: Nào là được giải thoát, giải phóng, được chữa lành, được xóa án, được phục hồi, … Vì có dính dáng đến chuyện sinh đẻ nên một số người cho rằng, cụm từ “được cứu” trong câu 15 có ý nói là mấy bà sẽ được phục hồi sức lực sau khi sinh hay thậm chí là mấy bà sẽ không bị … đau đẻ vì được thoát khỏi lời nguyền của Chúa đối với Eva (Sáng 3:16)!

Nếu như thế thì tại sao còn phải “miễn là tiếp tục giữ vững đức tin, sống yêu thương, thánh thiện và đoan trang”? Mà chuyện “không phải đau đẻ” hay “đẻ xong vẫn khỏe” thì chẳng có liên quan gì đến chuyện các bà các cô bị tước quyền ăn nói và quyền lãnh đạo trong hội thánh cả, đúng không?

Sau khi sưu tra, tìm kiếm, học hỏi … kính thưa các thể loại trường phái giải kinh mà chẳng tìm được câu trả lời nào khả dĩ, MSB tui tạm hiểu như ri: Có lẽ, “người nữ” được đề cập ở đây có liên quan đến những người nữ góa chồng – một thành phần đặc trưng trong hội thánh Epheso hay sao í (5:6, 9-15). Chính mấy cô góa chồng mà còn trẻ này mới là đối tượng phải nghiêm chỉnh thi hành “cấm lệnh” của Phao-lô. Còn nếu cô nào tiếp tục đi bước nữa “lấy chồng, sinh con, quản trị gia đình mình, không tạo cơ hội cho kẻ thù bêu xấu”, tức là “tiếp tục giữ vững đức tin, sống yêu thương, thánh thiện và đoan trang” thì sẽ được xóa án, sẽ được phục hồi (SOZO) quyền ăn nói, quyền lãnh đạo trong các sinh hoạt của hội thánh.

Tạm hiểu như thế nhá, còn chính xác thế nào thì phải chờ về trễn gặp bác Pôl thôi, vì câu 15 này là thuộc dạng … “khó của khó” trong Kinh Thánh đấy nha bà con. He he

Cuối cùng, là những đòi hỏi đối với những người lãnh đạo trong hội thánh. Phao-lô dành cả chương 3 để hướng dẫn Timothe cách chọn những người lãnh đạo thuộc linh. Ngoại trừ một tiêu chuẩn duy nhất là khả năng dạy dỗ (3:2), thì tất cả những đòi hỏi còn lại đối với người lãnh đạo trong hội thánh – cả giám mục, tức là mục sư và chấp sự - đều liên quan đến đức hạnh hay phẩm hạnh.

Không chỗ trách được, thanh liêm và có tiếng tốt vừa là đòi hỏi, vừa là đích để phấn đấu trau dồi đối với những ai đã “ước ao một điều tốt đẹp” – ước ao trở nên một người lãnh đạo trong nhà Chúa, tức là trong hội thánh của Đức Chúa Trời.

Bạn có mong được làm một người như thế không?