Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--5


Trong mấy tuần gần đây, chúng tôi có chia xẻ với quý vị về những điều con cháu có thể làm để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, để giúp cho tuổi già của các bậc sinh thành ra chúng ta được an vui nhẹ nhàng. Đây là những điều chúng tôi thâu thập được qua sách vở, kinh nghiệm cá nhân cũng là ý kiến của một số người. Chúng tôi chia xẻ những điều này để chúng ta cùng học hỏi với nhau. Nếu quý vị có ý kiến gì thêm trong vấn đề này xin đừng ngại cho chúng tôi biết, chúng tôi rất hoan nghênh ý kiến của quý vị, xin cảm ơn quý vị trước.
Thưa quý vị những gì các bậc sinh thành trông mong nơi chúng ta thường không tốn kém tiền bạc nhưng cần đến lòng quan tâm và sự tế nhị của chúng ta. Ngoài những điều chúng ta cần ghi nhớ khi chăm sóc các bậc sinh thành cao tuổi như thông cảm với những thay đổi, yếu mệt, bi quan của tuổi già, lắng nghe các cụ kể lại những chuyện vui buồn trong quá khứ, tạo cơ hội cho con cái gần với ông bà, tặng các cụ những món quà thích hợp và có ý nghĩa. Chúng ta còn có thể làm những điều thiết thực như sau:

5. Chăm sóc cha mẹ trong những việc nhỏ nhặt
Cha mẹ cao tuổi thường cần con cái chăm sóc trong những việc nhỏ nhặt nhưng rất cần thiết:

  • Vì đau ốm, các cụ thường phải uống thuốc mỗi ngày, chúng ta để thuốc ở chỗ dễ lấy, dễ nhớ để các cụ không quên.
  • Làm tấm bảng ghi số điện thoại những người các cụ muốn liên lạc. Bảng này chúng ta viết chữ lớn, số lớn để các cụ dễ đọc và để trong phòng, bên cạnh điện thoại để các cụ tiện dùng. Thỉnh thoảng khuyến khích các cụ gọi điện thoại cho bạn bè hay con cháu ở xa. Nhiều người sợ cha mẹ gọi điện thoại nhiều tốn tiền nên tỏ vẻ khó chịu khi các cụ dùng điện thoại. Điều này làm các cụ buồn và có khi sợ hoặc ngại nên không dám gọi cho ai nữa. Nếu các cụ dùng điện thoại quá nhiều một cách không cần thiết, chúng ta có thể giải thích cho các cụ biết, còn nếu chỉ thỉnh thoảng mới gọi thì dù tốn kém chúng ta cũng nên xem đó như là một nhu cầu cần thiết. Tốn tiền điện thoại còn hơn là tốn tiền bác sĩ hay tiền thuốc.
  • Viết thư giùm cho các cụ. Các cụ vì cô đơn và có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên thích đọc thư và viết thư. Tuy nhiên nhiều khi vì mắt kém, tay run không viết được. Nếu con cháu vui vẻ sẵn sàng giúp các cụ viết thư các cụ sẽ rất vui.

  • Thỉnh thoảng tình nguyện đưa các cụ đi chơi hay đi thăm bạn bè. Các cụ của chúng ta nếu cao tuổi nhưng còn khoẻ mạnh cũng thích đi nơi này nơi kia. Tuy nhiên nhiều khi thấy con cái quá bận các cụ không dám nói lên điều mơ ước đó. Nếu thỉnh thoảng chúng ta sắp xếp thì giờ để đưa các cụ đi chơi hoặc đi thăm bạn bè, các cụ sẽ rất vui. Chúng ta có thể đưa các cụ đi đến những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, những nơi yên tĩnh cho tâm hồn. Những chỗ như Las Vegas chúng ta nên tránh vì quá ồn ào, náo nhiệt không thích hợp với người lớn tuổi, cũng không có gì để học hỏi hay thưởng thức. Ai cũng thích được gặp bạn bè cùng lứa tuổi để tâm tình trò chuyện. Chúng ta nên tạo cơ hội để các cụ được gặp những người bạn cùng tuổi, như đưa các cụ đi dự sinh hoạt của ban cao niên ở nhà thờ.

  • Dù lớn tuổi hay trẻ tuổi chúng ta ai cũng thích nh
    ận được những niềm vui bất ngờ. Vì thế chúng ta không phải chờ đến sinh nhật hay lễ, tết mới tặng quà cho các cụ nhưng có thể tặng quà các cụ trong ngày thường. Những món quà bất ngờ dù nhỏ cũng đem lại niềm vui, nhất là đối với các cụ vì nó cho thấy con cháu lúc nào cũng nghĩ đến các cụ. Ông bà cha mẹ bao giờ cũng nghĩ đến con cháu, và nếu thấy con cháu cũng nghĩ đến mình, các cụ sẽ được an ủi nhiều.

  • Nếu cha mẹ ở riêng, chúng ta có thể bất ngờ đưa cả gia đình đến thăm nhưng khi đến thăm nhớ mang thức ăn theo để các cụ không phải lo chuẩn bị bữa ăn. Nếu không thể đến thăm, chúng ta đừng quên gọi điện thoại. Có cô con gái kia, từ khi lập gia đình phải sống xa mẹ, cô biết mẹ mong cô gọi điện thoại nên cô hẹn với mẹ là mỗi sáng thứ bảy khoảng 10-12 giờ cô sẽ gọi về để mẹ con nói chuyện với nhau. Nhờ vậy bà mẹ rất vui, mỗi sáng thứ bảy bà sung sướng chờ con gọi điện thoại, và dù phải xa con, bà vẫn thấy gần con và được an ủi vì biết con vẫn nhớ đến bà. Nếu các cụ ở quá xa, như ở bên Việt Nam chẳng hạn, không thể gọi điện thoại thường xuyên, chúng ta có thể viết thư, nhất là viết những lá thư đặc biệt, nhắc lại những kỷ niệm đẹp của chúng ta với cha mẹ.

Năm ngoái, lần đầu tiên đọc quyển sách 52 điều con cái có thể làm để bày tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ đã cao tuổi, tôi được nhắc nhở thấy mình thiếu sót rất nhiều trong việc giữ mối liên lạc gần gũi với cha mẹ nên liền viết cho ba mẹ tôi mỗi người một lá thư vì các cụ ở bên Việt Nam. Tôi chọn cho hai cụ mỗi người một tấm thiệp thật đẹp. Trong lá thư đó tôi cảm ơn ba mẹ đã dày công nuôi dưỡng dạy dỗ tôi trong suốt bao nhiêu năm. Tôi cũng nhắc lại những kỷ niệm của ngày còn bé, những lời khuyên dạy của ba mẹ và nhất là sự chăm sóc đầy yêu thương của ba mẹ trong những lúc tôi đau ốm, trong những ngày tựu trường, những lúc thức khuya học thi, v.v... Ba mẹ tôi thật vui khi nhận được lá thư đó. Ông bà giữ trong túi thỉnh thoảng lại giở ra đọc. Ông bà cụ cho biết những món quà chúng tôi thỉnh thoảng gởi về cũng quý và cần thiết nhưng hai lá thư đó quý hơn cả. Tôi cảm tạ Chúa đã nhắc nhở tôi làm điều mà tôi đã thiếu sót lâu nay.
Viết thư bày tỏ lòng kính yêu cha mẹ, nhắc lại công ơn cha mẹ cùng với những kỷ niệm vui buồn của những ngày thơ ấu, những chuyện đáng nhớ trong những năm tháng chúng ta sống trong sự chăm sóc nuôi dạy của cha mẹ, tất cả những điều đó sẽ sưởi ấm lòng các cụ trong những ngày cô đơn khi con đã từ giã gia đình để tự lập.

6. Tôn trọng và yêu kính cha mẹ
Đừng bực bội, gắt gỏng khi cha mẹ vì già yếu bệnh hoạn làm hỏng chương trình của chúng ta hay khiến ta phải vất vả, mất nhiều thì giờ chăm sóc. Chúng tôi chưa đến tuổi cao niên nhưng vì con cái đã lớn nên các em cũng bắt đầu có cuộc sống riêng. Đứa thì đi học xa, đứa thì mới lập gia đình, đứa ở gần thì đi làm suốt ngày nên nhà rất là vắng vẻ. Những buổi chiều tối đi làm về thấy nhà không có ánh đèn, không tiếng người cười nói, chúng tôi mới thấm thía chân lý sau đây: Khi còn nhỏ con cái cần cha mẹ nhưng khi con đã lớn và đến tuổi tự lập, đó là lúc cha mẹ cần con. Cha mẹ càng cao tuổi càng già yếu lại càng cần con cái, cần sự hiện diện của con, tình thương, sự chăm sóc và lòng thông cảm của con.

Là người Á đông chúng ta thường che giấu tình cảm, ít khi biểu lộ tình cảm qua hành động hay lời nói, trong khi đó trong lòng chúng ta ai cũng khao khát tình thương yêu. Vì bản tính e ngại đó, vợ chồng cũng như cha mẹ và con cái ít khi có những cử chỉ yêu thương đối với nhau. Chúng ta không cần phải bắt chước người Tây phương, biểu lộ tình cảm cách lộ liễu công khai, nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên quá lạnh lùng đối với nhau. Những vỗ về ôm ấp, những cái hôn của con cái chắc chắn sẽ làm vơi đi nỗi buồn bã cô đơn trong tâm hồn cũng như những đau đớn trong thân thể các bậc sinh thành của chúng ta.

Những gì có thể làm cho cha mẹ, chúng ta hãy làm khi các cụ còn ở với chúng ta, lúc cha mẹ đã mất chúng ta có cố gắng làm điều này điều kia cũng không ích lợi vì lúc đó các cụ đã bước vào sang một thế giới khác (còn tiếp).
Minh Nguyên