Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Khi Một Ngày Mới Bắt Đầu



Kính thưa quý thính giả,

Trong những tuần qua, chúng ta nhắc nhở với nhau rằng Đấng Tạo Hóa chống cự lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân sủng cho người khiêm tốn. Chúng ta cũng nhắc nhau về những hiểm họa của thái độ kiêu ngạo, cũng như xem lại thế nào là thật sự cao quý trước mặt Thiên Chúa.

Quan trọng hơn hết, chúng ta biết rằng, sức lực cùng ý chí bản thân của bạn và tôi không thể giải thoát mỗi chúng ta ra khỏi cái bẫy đầy tinh quái của lòng kiêu ngạo, nhưng chỉ do tin vào sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu, bạn và tôi mới có thể thoát được xích xiềng trói buộc của tội lỗi, mà trong đó tội kiêu ngạo là đứng đầu và cũng là cốt lõi của những trọng tội khác.


Tuy vậy, chỉ biết về sự khiêm nhường như thế cũng chưa đủ.
Bởi vì, một điều rất đáng sợ là chúng ta có thể am tường những nguyên tắc khiêm nhường, thậm chí ngưỡng mộ những tấm gương khiêm nhường, trong khi đó bạn và tôi vẫn tiếp tục khăng khăng giữ lấy thái độ tự hào cố hữu cho bản thân mình.

Trở nên một con người khiêm nhường là một tiến trình đòi hỏi thời gian và kỷ luật, mà trong đó bạn và tôi phải liên tục ứng dụng những nguyên tắc khiêm nhường vào trong đời sống thực tế mỗi ngày, để kiềm hãm lại lòng tự tôn tự đại cố hữu và tập tành thói quen khiêm nhu hạ mình là điều đi ngược với bản tánh tự nhiên trong mỗi chúng ta.

Mục sư Charles Joseph Mahaney, tác giả của quyển sách “Humility - True Greatness” (xin tạm dịch là “Khiêm Nhường - Sự Cao Quý Thật”) có đề nghị một vài điều ứng dụng thực tế mà bạn và tôi có thể làm được khi một ngày mới bắt đầu, để rèn tập cho mình trở nên khiêm nhường.
Hãy bắt đầu một ngày mới trong sự suy gẫm về sự kỳ diệu của cây thập tự, nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay Thiên Chúa Ngôi Hai, đã bằng lòng bị đóng đinh, bị đổ huyết và chết thay cho muôn người, lãnh món nợ tội thế cho bạn và tôi.

Đóng đinh vào cây thập tự rồi bị treo lên cho đến chết, thoạt tiên là cách xử tử của những xã hội dã man, sau đó được người Hy Lạp và La-mã bắt chước ứng dụng. Đây là phương pháp xử tử độc ác nhất và tàn nhẫn nhất, vì nó có chủ đích kéo thật dài sự đau đớn, trì hoãn cái chết đến thật chậm, khiến tử tội phải gánh chịu sự đau đớn khổ nhục đến mức tối đa. Tội nhân bị lột trần truồng, bị đánh đập, tay chân bị đóng đinh, bị treo lên cây thập tự giữa công chúng, dưới trời nắng gắt; tội nhân đau đớn, cổ họng khát khô, bị ngạt thở, trồi lên sụt xuống để cố thở, cho đến khi kiệt sức, ngạt thở và chết.

Người La-mã chỉ đóng đinh những ai giết người, phản loạn chống triều đình hay cướp giựt có vũ khí, với điều kiện là tội nhân phải là nô lệ hay người ngoại bang không có quyền công dân La-mã.
Còn Kinh Thánh cho biết, chỉ người bị rủa sả mới bị chết treo, như sách Ga-la-ti 3:13 có nhắc lại: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ”.

Đây là tất cả những gì bạn và tôi xứng đáng nhận lãnh vì vô số những vi phạm của mình trước mặt Đấng Tối Cao và trước tha nhân, trong đó có tội lên mình kiêu ngạo; thế nhưng trên cây thập tự dựng tại đồi Gô-gô-tha cách nay gần hai ngàn năm, người đón nhận hình phạt sĩ nhục đau đớn đó không phải là bạn và tôi, nhưng là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Vô Tội đã bằng lòng gánh thay bản nợ tội cho muôn người, như sách tiên tri Ê-sai 53:14 có loan báo trước rằng: “Ngài đã gánh nỗi buồn bực và chịu cảnh đau thương thay chúng ta. Thế mà chúng ta tưởng lầm Ngài bị Thượng Đế đánh đập và trừng phạt”.

John Stott, nhà truyền giảng Tin Lành kỳ cựu của thế kỷ 20, là người trong 100 nhân vật gây ảnh hưởng sâu rộng nhất, có đưa ra nhận định về cây thập tự của Chúa Cứu Thế Giê-xu như sau:

“Mỗi khi tôi nhìn về cây thập tự, Chúa Cứu Thế Giê-xu dường như nói với tôi rằng: “Ta bị treo trên cây thập tự là chỉ vì con. Đó là vì tội lỗi của con mà Ta gánh chịu, vì sự rủa sả trên con mà Ta phải đớn đau, vì món nợ tội của con mà Ta phải trả, vì bản án chết của con mà Ta phải chết thay”. Không có một điều gì trong lịch sử hay trong toàn cõi vũ trụ có thể đem chúng ta trở lại nguyên dạng của chính mình như cây thập tự. Tất cả chúng ta đã tự thổi phồng, đã tự đưa mình lên cao, nhất là tự cho mình là công chính đạo đức, cho đến khi chúng ta được đưa đến ngọn đồi Gô-gô-tha. Ở nơi đó, bên dưới chân cây thập tự, chúng ta được thu lại đúng với nguyên dạng thật của chính mình”.

Quý thính giả thân mến,

Điều thứ nhì bạn và tôi có thể làm khi một ngày mới bắt đầu để rèn tập tính khiêm nhường là “công nhận chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa và chúng ta cần Ngài”, nhất là trong trận chiến không cân xứng giữa bản thân của mỗi chúng ta và tội lỗi.

Tội lỗi, đặc biệt là tội kiêu ngạo, lúc nào cũng năng động, không bao giờ chịu rút lui hay nghỉ yên. Khi bạn và tôi thức dậy đầu ngày, tội lỗi đã sẵn sàng chờ chực ngay cạnh bên để giăng bẫy và tấn công chúng ta. Thay vì phải rơi vào thế phòng thủ, bạn và tôi nên chọn thế công, nên chọn tuyên chiến với nó. Và để đủ sức bước vào trận chiến đó, hãy khiêm nhường thừa nhận với Đấng Tối Cao rằng mình yếu đuối và thiếu sức, rằng bạn và tôi cần có Ngài hướng dẫn và đi bên cạnh trong cuộc chiến này.

Đừng để mặc cho những phiền muộn của ngày hôm qua hướng dẫn những suy nghĩ của ngày hôm nay, cũng đừng để mặc cho nỗi tự hào ngày hôm trước tiếp tục lên ngôi thêm một ngày nữa, nhưng dùng lời Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa, để nói cho mình nghe, để phán chân lý của Đấng Tối Cao vào trong suy nghĩ của mình, để định hướng lại tâm trí của mình, và nhờ đó để đắc thắng tội lỗi và tránh thoát cái bẫy kiêu ngạo.

Martyn Lloyd-Jones, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Spiritual Depression” (xin tạm dịch là “Chứng Trầm Cảm Tâm Linh”), có đưa ra một nhận định thật sâu sắc như sau:
“Không biết bạn có ý thức rằng hầu như những nỗi sầu muộn trong đời bạn là do bạn đang lắng nghe chính mình nhiều hơn là bạn nói với chính mình?”

Điều thứ ba là bạn và tôi nên bắt đầu một ngày mới bằng cách bày tỏ lòng biết ơn lên Thiên Chúa.
Người vô ơn là một kẻ kiêu ngạo và Thiên Chúa chống nghịch lại với kẻ xấc xược kiêu căng, trong khi thái độ biết ơn là một mãnh đất mà lòng kiêu ngạo khó có thể mọc lên được.

Nếu có ai tiếp xúc với bạn ngày hôm nay, người ta có nhận ra niềm vui chan chứa trong ánh mắt, nụ cười, lời nói, thái độ, cử chỉ của bạn không? Bởi vì tấm lòng bạn đang tràn ngập lòng biết ơn đến với Đấng Tạo Hóa là Đấng chu cấp cho mọi nhu cầu đời sống của bạn, là Đấng vẫn hằng lắng nghe lời cầu nguyện và trả lời cho bạn, là Đấng ban cho bạn những ơn phước mà bạn không xứng đáng nhận lãnh; bởi vì mỗi chúng ta, công bằng mà nói, chỉ xứng đáng với hình phạt trong nơi hỏa ngục đời đời mà thôi.

Điều thứ tư để hạ bệ tính tự cao tự đại là đến với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và suy gẫm Kinh Thánh là lời của Ngài.

Chúng ta có khuynh hướng tự nghĩ cao về chính mình, tự cho mình có đủ sức lực để thực hiện những việc khác nhau trong ngày. Suy gẫm lời Kinh Thánh như tự soi gương, để chân lý của Đấng Tạo Hóa phô bày vô số những khiếm khuyết bất toàn của mình. Chân thành cầu nguyện là hành động bày tỏ rằng bạn và tôi cần Ngài vô cùng để thắng hơn những khiếm khuyết đó.

Hãy dành một vài phút ngắn ngủi đầu ngày để suy gẫm lời trong Kinh Thánh và dâng lên lời cầu nguyện, thì bạn và tôi đang thăng tiến trong tiến trình làm yếu đi tánh kiêu ngạo và xây dựng đức tính khiêm nhường.

Điều thứ năm là lợi dụng thời giờ lái xe hay đi xe đi đến sở làm hay trở về nhà mỗi ngày.
Thay vì bực mình khó chịu trong lúc bị kẹt xe hay chờ xe trên đường đến sở làm hay trên đường về nhà mỗi ngày, hãy lợi dụng khoảng thời giờ tưởng như bị hoang phí này, để lắng nghe lời Kinh Thánh hay lắng nghe các sứ điệp đầy khích lệ, để biến những thời giờ này trở nên sống động, để đổ đầy ơn phước thiên thượng vào trong suy nghĩ của bạn và tôi.

William Wilberforce là người có công lớn trong việc bãi bỏ bãi bỏ chế độ buôn nô lệ da đen tại Anh vào thế kỷ 19. Khi còn là một nghị viên của quốc hội Anh, mỗi ngày William sử dụng quãng thời gian đi bộ khoảng một dặm Anh từ nhà đến quốc hội để suy nghĩ và nghiền ngẫm về các lời trong Thi Thiên 119. William đã lợi dụng quãng thời gian này mỗi ngày để nói cho chính mình nghe về chân lý của Đấng Tối Cao, để buộc tâm trí hay vẩn vơ của mình định hướng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Điều thứ sáu là hãy trao mọi lo lắng cho Thiên Chúa.
Hễ khi nào có sự lo lắng hay sự bất an trong lòng, thì gốc rễ vẫn là lòng kiêu ngạo. Khi một người đang lo âu, nguyên nhân chính là vì người đó nghĩ rằng mình có thể tự xoay xở được, rằng mình có thể tự làm được và không cần sự vùa giúp của Đấng Tối Cao.

Cách giải quyết cho vấn nạn này là đầu tiên phải hạ mình xuống, trở nên khiêm nhu, như sứ đồ Phi-e-rơ có nhắc nhở: “Anh chị em hãy hạ mình dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời... Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em” (1 Phi-e-rơ 5:6-7).
Khi chúng ta khiêm nhường mỗi sáng, trao mọi điều lo lắng cho Ngài, chúng ta sẽ bắt đầu một ngày mới với thái độ an bình và thảnh thơi.

Quý thính giả thân mến,
Hãy bắt đầu một ngày mới qua sự suy gẫm về cây thập tự, công nhận chúng ta cần có Thiên Chúa chiến đấu bên cạnh trong cuộc chiến không cân xứng của bạn và tôi với tội lỗi và thái độ kiêu ngạo, bày tỏ lòng biết ơn lên Ngài, suy gẫm lời Kinh Thánh và cầu nguyện, lợi dụng thời giờ lái xe hay đi xe để đổ đầy chân lý và ơn phước của Đấng Tạo Hóa vào trong suy nghĩ của chính mình và biết trao mọi gánh lo âu cho Ngài.
Như vậy, bạn và tôi mỗi ngày sẽ tỉa dần bớt bản tính kiêu ngạo tự tôn để trở nên nhu mì khiêm nhường, hưởng được đặc ân to lớn và lời hứa của Đấng Tạo Hóa dành cho ai biết hạ mình khiêm nhu trước mặt Ngài và người khác.
Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri