Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--3


Chị Thanh là một người con rất hiếu thảo. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm chị để sẵn thức ăn trên bàn cho mẹ thật là đàng hoàng và chu đáo. Chiều tối về vừa lo cơm nước cho chồng cho con chị vừa chăm sóc cho mẹ. Chị rất thương mẹ, lúc nào cũng hỏi thăm mẹ và mua sắm cho mẹ đầy đủ mọi điều cần dùng. Tuy nhiên vì vừa phải đi làm vừa lo cho gia đình nên lúc nào chị cũng tất bật vội vã. Mỗi ngày trao đổi với mẹ vài ba câu rồi đi biệt đến tối, mẹ con ít khi nào thật sự trò chuyện với nhau. Chính vì thế mà tuy được con chăm sóc, bà cụ vẫn thấy cô đơn và thấy xa con chứ không gần gũi như những ngày trước.

Chị Thanh cũng cảm nhận được điều đó nên một ngày kia chị quyết định dành thì giờ riêng cho mẹ. Hôm đó cả gia đình đưa bà cụ đi ăn, sau đó chồng chị đưa các con về còn chị và mẹ đi chơi để có thì giờ trò chuyện với nhau. Suốt gần hai tiếng đồng hồ chị Thanh yên lặng nghe mẹ kể hết chuyện này đến chuyện khác, hầu hết là những chuyện xa xưa trong quá khứ. Có chuyện chị còn nhớ và mường tượng ra được nhưng có những chuyện chị hoàn toàn không nhớ hoặc không biết. Dù vậy chị vẫn chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm để mẹ kể cặn kẽ chi tiết. Chị cũng không quên hỏi về những cảm xúc cảm nghĩ của mẹ về những chuyện trong quá khứ. Sau thì giờ tâm tình với nhau, cả hai mẹ con đều thấy vui thỏa lạ lùng. Nhất là bà mẹ, bà vui vì thấy con vẫn thương mình và thông cảm với mình.

Trong quyển sách tựa đề 52 Điều Con Cái Có Thể Làm Để Bày Tỏ Lòng Yêu Thương Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi, tác giả cho biết chúng ta cần học cách trò chuyện với các cụ. Tác giả nêu những đề nghị như sau:

1. Dành thì giờ nghe các cụ kể những chuyện xưa cũ trong quá khứ
Những người lớn tuổi thường thích kể cho con cháu nghe những chuyện xưa cũ trong quá khứ; những kinh nghiệm buồn đau cũng như những huy hoàng oanh liệt trong thời thanh xuân của mình. Hầu hết các cụ thường không còn gì trong tương lai để hướng đến nên thích nghĩ về quá khứ, nhất là những ngày tươi đẹp đã qua trong cuộc đời. Hơn nữa vì trí nhớ suy kém, các cụ thường ít nhớ những gì xảy ra trong hiện tại nhưng chỉ ghi nhớ những sự việc trong quá khứ. Và vì suy nghĩ ôm ấp mãi trong trí những điều đó, các cụ muốn được nói lên, muốn kể lại cho con cháu nghe.

Nhưng điều khó là con cháu quá bận rộn với cuộc sống hằng ngày, với những trách nhiệm phải chu toàn trong hiện tại, những dự tính cho tương lai, v.v... nên thường ít có thì giờ để nghe những chuyện trong quá khứ, nhất là những chuyện hầu như chẳng quan hệ gì đến mình. Dù vậy, vì biết nhu cầu của các cụ là muốn kể lại những chuyện trong quá khứ nên nếu có thể được, thỉnh thoảng chúng ta tạm gác những bận rộn của mình qua một bên, cố gắng dành thì giờ nghe các cụ kể chuyện. Nhiều khi kinh nghiệm của các cụ rất hay, có thể cho chúng ta những bài học giá trị mà chúng ta không tìm thấy trong sách vở hay nơi nào khác. Dành thì giờ nghe các cụ kể chuyện có khi còn hơn là chúng ta tặng các cụ một món quà bằng vật chất. Khi có con cháu lắng nghe mình nói những chuyện xưa cũ, các cụ sẽ thấy vui và khi trong lòng vui vẻ, các cụ sẽ ăn được ngủ được và bớt đau ốm. Đúng như Lời Thánh Kinh dạy: "Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo" (Châm Ngôn 17:22).

2. Đừng loại bỏ cha mẹ ra khỏi đời sống mình
Trong đời sống hằng ngày chúng ta phải đối diện với nhiều nan đề, phải toan tính, quyết định điều này điều kia luôn luôn và thường chúng ta ít
khi nào nói cho cha mẹ biết những công việc của chúng ta. Ví dụ như chúng ta sắp đổi sở làm, sắp bị mất việc; trong sở, trong trường hay trong gia đình có nan đề phải giải quyết, v.v... Những điều này chúng ta ít khi nào muốn nói cho bố mẹ biết. Lý do là vì chúng ta không muốn các cụ phải bận tâm với những vấn đề riêng của chúng ta, sợ rằng các cụ thêm lo lắng chứ không ích lợi gì. Điều đó cũng đúng phần nào.

Dĩ nhiên là khi đã trưởng thành và đã có gia đình riêng chúng ta không nhất thiết phải nói cho cha mẹ biết hết tất cả những nan đề trong đời sống mình, làm như thế chúng ta có thể vô tình trút gánh nặng thêm cho các cụ. Nhưng chúng ta cũng không nên làm như một số người thường làm, đó là loại bỏ cha mẹ ra khỏi đời sống mình hoàn toàn, xem như các cụ không có phần gì trong cuộc đời của mình nữa. Đừng tách rời cha mẹ ra khỏi đời sống của riêng mình vì không gì làm các cụ buồn hơn như thế. Dù có những điều chúng ta không thể chia xẻ với cha mẹ nhưng vẫn còn nhiều điều chúng ta cần chia xẻ để được các cụ chỉ dạy hoặc giúp ý kiến cho chúng ta.

Có nhiều cụ sang đây không những buồn vì khó hội nhập với đời sống xứ người nhưng cũng buồn vì con cái chẳng bao giờ chia xẻ điều gì với mình. Có người chẳng bao giờ cho cha mẹ biết mình làm ở đâu, làm công việc gì. Có người thì không bao giờ nói cho cha mẹ biết những buồn vui lo lắng trong đời sống, cũng chẳng bao giờ cầu hỏi ý kiến cha mẹ trong vấn đề gì. Chúng ta không nên in trí rằng các cụ không hiểu gì, không biết gì nên sẽ không giúp được gì. Khi gặp nan đề, nhất là nan đề trong mối quan hệ với người chung quanh, chúng ta cứ thử chia xẻ với các cụ, với bao nhiêu năm kinh nghiệm trong cuộc sống, các cụ sẽ giúp chúng ta nhiều ý kiến hay mà chúng ta không ngờ. Khi được con chia xẻ nan đề và cầu hỏi ý kiến các cụ rất vui, không những vì thấy con gần gũi tin cậy mình, mà vì các cụ thấy con còn cần đến mình và mình còn có thể giúp ích cho con.

Đến đây chúng tôi không thể không nhắc đến một nan đề mà những gia đình có hai ba thế hệ chung sống thường gặp phải, đó là trường hợp những người đã lớn tuổi, đã có gia đình riêng nhưng vẫn phải sống dưới sự kiểm soát của cha mẹ. Có người có con cái đã lớn nhưng vẫn phải làm theo lệnh của cha mẹ. Thưa quý vị, sự việc cha mẹ chen vào đời sống gia đình của con cái thường là một trong những lý do đưa đến đổ vỡ trong hạnh phúc của con. Đây là điều mà một số các cụ cần nghĩ đến và thay đổi thế nào để không vô tình làm gia đình con mất hạnh phúc.

3. Đừng bao giờ chê bố mẹ già cả lẩm cẩm, không biết gì
Một điều khác mà tác giả quyển sách chúng tôi nói ở trên đề cập đến là chúng ta nên tránh chê các cụ già cả, lẩm cẩm, không biết gì. Chúng ta tránh nói với các cụ những câu như: Bố lẫn rồi! nói sai hết rồi! Mẹ không làm được việc đó nữa đâu! Bố mẹ cứ để yên đó, đừng làm gì nữa cho con nhờ, v.v... Những câu nói đó có khi đúng sự thật nhưng cũng có khi không đúng sự thật và thường dễ làm các cụ buồn vì nó nhắc các cụ về sự giới hạn của tuổi già. Các cụ buồn vì thấy bây giờ mình không ích lợi gì cho con cái và con cái không cần đến mình nữa. Thay vì chú ý đến những điều các cụ đã quên hoặc không thể làm được, chúng ta nên chú ý đến những điều các cụ còn nhớ, còn có thể làm được và nhờ các cụ giúp những việc đó.

4. Thỉnh thoảng cũng cần để cho các cụ nói về chuyện chết
Một trong những điều luôn luôn lảng vảng trong tâm trí những người cao tuổi là cái chết. Dĩ nhiên chết là điều không ai tránh khỏi, nhưng đối với người đã cao tuổi chết là điều rất gần, rất thực hữu, không thể không nghĩ đến. Sự yếu đuối mòn mỏi của thể xác, những bệnh tật của tuổi già và sự ra đi lần lượt của những người cùng lứa tuổi là những yếu tố nhắc nhở và xác chứng về cái chết đang chờ đón các cụ. Là con chúng ta không ai muốn nghe cha mẹ nói về chuyện chết nhưng có khi chúng ta cũng cần để các cụ nói lên nỗi lo lắng này và bày tỏ lòng thông cảm với các cụ. Có lẽ khi các cụ nói: Chắc mẹ không còn sống bao lâu nữa, hoặc: chắc ba sắp phải từ giã các con rồi, v.v... Chúng ta không nên gạt đi hay bảo các cụ đừng nói gở nhưng trái lại kiên nhẫn lắng nghe điều các cụ muốn nói. Khi các cụ đã nói lên nỗi lo lắng trong lòng, chúng ta có thể an ủi hoặc giúp các cụ hướng đến những điều lạc quan hơn, vui hơn.

Tuy nhiên điều duy nhất có thể bảo đảm các cụ cao tuổi được bình an, không lo sợ khi nghĩ đến cái chết chính là đức tin nơi Đấng Tạo Hóa. Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa tức là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng chúng ta, cũng là Đấng ban cho chúng ta sự sống đời đời. Người ta thường nói: "Sống gởi thác về" nhưng về đâu? Nếu trong đời tạm này chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta được tha thứ tội và được trở nên con của Đức Chúa Trời. Và khi từ giã đời này chúng ta sẽ được Chúa tiếp về với Ngài.

Thánh Kinh dạy: "Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Người Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời... Ai tin Đức Chúa Con thì được sự sống đời đời, ai không tin Ngài thì chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" (Phúc Âm Giăng 3:16 & 36). Người lớn tuổi cũng như người trẻ tuổi chỉ thật sự được bình an khi biết rằng mình đã thuộc về Chúa, đã là con của Chúa và một ngày kia khi từ giã đời tạm này, chúng ta sẽ được Chúa đón về ở bên cạnh Ngài mãi mãi (còn tiếp).
Minh Nguyên