Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 9, 2012

VỤ ÁN GIẾT NGƯỜI VÔ TỘI, HAY HY SINH TÌNH NGUYỆN


Mùa Thương khó, đọc lại những chi tiết sự hy sinh của Chúa trong Kinh thánh, có thể thấy chỉ trong một ngày mà Chúa đã bị đem ra xét xử


Đọc về cách họ đem Chúa ra mà kết án, cảm giác đầu tiên ào đến là căm phẫn vì sự độc ác bất công của những lãnh đạo tôn giáo đã tìm mọi cách để giết một người lành vô tội, sự hèn nhát của quan thống đốc Phi-lát dù biết vậy mà vì sợ rắc rối đến bản thân đã không ngăn cản âm mưu đó, và sự tầm thường hèn mọn đến mức vô cảm vô tâm của ông vua bù nhìn Hê-rốt.trong ba tòa án khác nhau. Nhưng không ở đâu người ta tìm được chứng cớ nào đủ để kết tội Ngài cả.
 

Nhưng càng đọc kỹ và suy ngẫm thêm, thì bắt đầu thấy thêm một cảm giác khác nữa trổi lên, lạ lùng đến bàng hoàng vì khó hiểu trước thái độ bình thản và im lặng của Chúa Jê-sus trước mọi lời kết án dối trá bất công. Thậm chí Ngài không thốt lên một lời để phản bác những lời buộc tội vô cớ, để bênh vực chính bản thân mình.

1. Tòa công luận

Tòa công luận (tòa án tôn giáo của người Do-thái), do các thầy tế lễ tức tối ganh tị với chức vụ được Đức Chúa Trời xức dầu của Chúa Jê-sus, đã họp lại vội vã trong đêm để tìm chứng cớ mà giết Ngài, mà không tìm được.

Ma-thi-ơ 26:
59 Bấy giờ các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài.
60 Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả. Sau hết, có hai người đến, 61 nói như vầy: Người nầy đã nói Ta có thể phá đền thờ của Ðức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày.
62 Thầy cả thượng phẩm bèn đứng dậy mà nói với Ngài rằng: Những người nầy làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không thưa lại gì sao? 63 Nhưng Ðức Chúa Jêsus cứ làm thinh.

Chúa Jê-sus lặng thinh chịu đánh đập và khiêu khích. Ngài không nói một lời để bênh vực mình. Đến khi thầy cả thượng phẩm hỏi thẳng, và câu hỏi đó không thể trả lời theo cách khác, thì Ngài mới lên tiếng:

Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Ðức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời chăng? 64 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Ðức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống.

Thật vậy, Ngài chính là Đấng Christ, đúng là Con Đức Chúa Trời hằng sống! Và câu trả lời của Chúa là sự thật chứ không phải là một sự tự xưng tự tôn. Nhưng tôn giáo mù lòa đã không chịu nổi chân lý bày tỏ mà càng tức tối và hung hăng thêm.

65 Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao? 66 Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết!

Được nghe từ chính Con Đức Chúa Trời lời khẳng định Ngài là Ai, vậy mà họ còn quyết tâm giết Ngài. Sự ganh ghét với Jê-sus người Na-xa-rét, vì chức vụ đầy quyền năng thiên thượng đang là cái gai trong mắt vì ảnh hưởng đến vị thế quyền bính của họ, đã khiến họ mù lòa mà trở nên công cụ cho cái ác. Họ đã đặt những truyền thống và định kiến tôn giáo của mình cao hơn cả sự bày tỏ của Đức Chúa Trời, sùng bái tôn giáo thay vì tôn kính Đức Chúa Trời Hằng sống.

Nói rằng vì không được quyền tự quyết trong việc kết án, họ đã đưa Jê-sus đến với tòa án của Phi-lát để đòi được xử tử Ngài. Như vậy họ không chỉ muốn giết đi Con người vô tội này, còn muốn mượn tay chính quyền La-mã để đem ra sỉ nhục công khai, để hành hạ và giết chết trong sự đau đớn tột cùng, hủy diệt cả đến thanh danh hình ảnh của Người mà cả dân thường cũng phải nhìn nhận là Đấng tiên tri của Đức Chúa Trời.

Philat xetxu Jesus
2. Tòa án Phi-lát

Quan thống đốc Phi-lát tra hỏi Chúa Jê-sus trước sự kiện cáo của các thầy tế lễ, và cũng chỉ nhận được từ Ngài sự lặng thinh. Ngài từ chối bào chữa cho chính bản thân mình, mặc dù những lời buộc tội đều là vô chứng cớ.

Ma-thi-ơ 27
12 Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết. 13 Phi-lát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao? 14 Song Ðức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm.

Sau khi lắng nghe và tra hỏi các chứng cớ, quan thống đốc hiểu rằng đây là một âm mưu giết người vô tội vì sự ganh ghét của các thầy tế lễ cả, dù vậy ông cũng phải tuyên bố rằng không tìm thấy Jê-sus này có tội gì.

Lu-ca 23
4 Phi-lát bèn nói với các thầy tế lễ cả và dân chúng rằng: Ta không thấy người nầy có tội gì.

Mặc dù vậy những người kia vẫn đòi bằng được quan phải đem Jê-sus đi xử tử, và dựng lên những lời cáo buộc dối trá nữa.
5 Nhưng họ cố nài rằng: Người nầy xui giục dân sự, truyền giáo khắp đất Giu-đê, bắt đầu từ xứ Ga-li-lê rồi đến đây.

Vì người biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài bởi lòng ghen ghét (Mác 15:10)Phi-lát bèn tìm cách tránh trách nhiệm phát quyết một người vô tội. Khi phát hiện ra Chúa Jê-sus là người Ga-li-lê, ông ta bèn đẩy trách nhiệm sang cho vua Hê-rốt, bắt Ngài đưa sang cho vua đó để xét xử.
6 Khi Phi-lát nghe điều đó, thì hỏi nếu người nầy thật là dân Ga-li-lê chăng. 7 Biết Ngài thuộc quyền cai trị của vua Hê-rốt, bèn giải đến cho vua Hê-rốt, vua ấy ở tại thành Giê-ru-sa-lem trong mấy ngày đó.

3. Tòa án Hê-rốt

8 Vua Hê-rốt thấy Ðức Chúa Jêsus thì mừng lắm; vì lâu nay vua muốn gặp Ngài, nhơn đã nghe nói về chuyện Ngài, và mong xem Ngài làm phép lạ. 9 Vậy, vua hỏi Ngài nhiều câu, song Ngài không trả lời gì hết. 10 Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo ở đó, cáo Ngài dữ lắm.

Điều tương tự cũng diễn ra ở tòa án vua Hê-rốt. Các thầy tế lễ cả kiện cáo dữ dội, còn Chúa chỉ lặng thinh, không lên tiếng để bênh vực mình. Đó là để ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai có tiên báo trước về Đấng Christ: "Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng.
Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng." (Ê-sai 53:7)

Cuối cùng, chứng cớ của bên kiện cũng không có để kết tội chết cho người lành vô tội, và Hê-rốt đã phải trả Chúa Jê-sus lại về cho Phi-lát.
11 Bấy giờ vua Hê-rốt và quân lính hầu vua đều đãi Ngài cách khinh dể và nhạo báng Ngài; đoạn, họ mặc áo hoa hòe cho Ngài, rồi giao Ngài về cho Phi-lát.

Phi-lát đã thấy âm mưu của các thầy tế lễ cả đòi giết người vô tội, bèn tìm cách mà tha Chúa Jê-sus. Để mong được lòng đám đông mù quáng, ông bèn sai đánh đón Chúa Jê-sus (là thứ hình phạt nặng thứ nhì sau án tử hình), có lẽ mong rằng như thế sẽ là đủ để đám đông nguôi cơn giận dữ.

Lu-ca 23
13 Phi-lát hiệp các thầy tế lễ cả, các quan đề hình và dân chúng lại, mà nói rằng: 14 Các ngươi đã đem nộp người nầy cho ta, về việc xui dân làm loạn; nhưng đã tra hỏi trước mặt các ngươi đây, thì ta không thấy người mắc một tội nào mà các ngươi đã cáo; 15 vua Hê-rốt cũng vậy, vì đã giao người về cho ta. Vậy, người nầy đã không làm điều gì đáng chết, 16 nên ta sẽ đánh đòn rồi tha đi.

Nhưng đây là sai lầm lớn của Phi-lát, không ngờ rằng sự ghen ghét đã chế ngự toàn bộ tâm trí của những thầy tế lễ cả và đám đông đi theo đã bị họ kích động. Sau khi đã chứng kiến Chúa Jê-sus bị đánh đòn tan nát thân thể, cơn giận của đám đông sùng tôn giáo vẫn không hề nguôi đi, mà vẫn nằng nặc đòi phải đóng đinh Ngài cho bằng được. Chúa Jê-sus - người vô tội ngày hôm đó đã phải chịu cả hình phạt của hai bản án, như vậy sự bất công còn vượt quá mọi giới hạn mà con người có thể hiểu được. Nhưng điều đó đã được Đức Chúa Trời để cho xảy ra là cũng có mục đích, như trong lời tiên tri đã ứng nghiệm chính lúc đó (Ê-sai 53:5), là để gánh thay cho nhân loại không chỉ tội lỗi, mà cả bệnh tật nữa. Sau này sứ-đồ Phi-e-rơ đã hiểu ra mà nhắc lại lời tiên tri này:

1 Phi-e-rơ 2:24 Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.

Thậm chí khi Phi-lát đem lệ tha tội cho tử tù nhân ngày lễ ra để tìm cách tha Chúa Jê-sus, đám đông bị những thầy tế lễ cả kích động vẫn cứ đòi bằng xử tử bằng được Chúa Jê-sus, mà tha tên tướng cướp cho mình.

Lu-ca 23
17 (Số là đến ngày lễ, quan phải tha một tên tù cho dân.) 18 Chúng bèn đồng thanh kêu lên rằng: Hãy giết người nầy đi, mà tha Ba-ra-ba cho chúng tôi! 19 Vả, tên nầy bị tù vì dấy loạn trong thành, và vì tội giết người. 20 Phi-lát có ý muốn tha Ðức Chúa Jêsus, nên lại nói cùng dân chúng nữa. 21 Song chúng kêu lên rằng: Ðóng đinh nó trên cây thập tự đi! Ðóng đinh nó trên cây thập tự đi! 22 Phi-lát lại nói đến lần thứ ba, rằng: Vậy người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có sự gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha. 23 Nhưng chúng cố nài, kêu lớn tiếng rằng phải đóng đinh Ngài trên cây thập tự; tiếng kêu của họ được thắng. 24 Phi-lát truyền làm y như lời chúng xin. 25 Bèn tha tên tù vì tội dấy loạn và giết người, là người chúng đã xin tha; rồi phó Ðức Chúa Jêsus cho mặc ý họ.

Đã một lần tìm cách đẩy trách nhiệm sang Hê-rốt không được, lúc này Phi-lát ba lần tìm cách làm cho đám đông giận giữ tỉnh ngộ, vì tự lương tâm ông nhận biết những người này muốn giết Chúa Jê-sus bởi lòng ghen ghét, và vì cả lời can ngăn của vợ ông nữa, người cũng đã phải lên tiếng nói rằng đây là một phiên tòa điên rồ vì định đem ra xử tử một người công bình.

Ma-thi-ơ 27
17 Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ? 18 Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài. 19 Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Ðừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao.

Khi Phi-lát hỏi lại "Song người nầy đã làm việc dữ gì?" thì phản ứng ông nhận được từ đám đông cuồng nộ vẫn là đòi hỏi bất công vô đạo lý: "Ðóng đinh nó trên cây thập tự!"

Ma-thi-ơ 27:23 Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Ðóng đinh nó trên cây thập tự!

Cuối cùng thì quan thống đốc - một tướng lĩnh đầy kinh nghiệm và không rúng động trong các trận chinh chiến, cũng đã phải run sợ trước đám đông đã mất trí này. Tuy vậy, ông còn cố vớt vát công khai rửa tay trước mặt công chúng, để tỏ rằng ông không tán đồng mà bị ép buộc phải xử tử Jê-sus người Na-xa-rét.

Ma-thi-ơ 27
24 Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.

Khi Phi-lát đã phó mặc Chúa Jê-sus theo ý đám đông, sai quân lính đem Ngài đi xử tử, dọc đường đi có rất nhiều người có lương tri đã khóc lóc thương Ngài. Có lẽ ngay cả thời đại ngày hôm nay, dù chỉ được đọc lại mà không tận mắt chứng kiến, chúng ta cũng có cảm xúc tương tự. Nhưng hãy chú ý vào thái độ của Chiên Con Đức Chúa Trời, khi thấy người ta than khóc cho Ngài.

Lu-ca 23
27 Có đoàn dân đông lắm đi theo Ðức Chúa Jêsus, và có mấy người đờn bà đấm ngực khóc về Ngài. 28 Nhưng Ðức Chúa Jêsus xây mặt lại với họ mà phán rằng: Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi.

Những lời này càng tương phản với cảm nhận ban đầu, rằng đây là một sự việc bất công giết Con Người vô tội. Lặng thinh chịu sỉ nhục, hành hạ, kết án vô cớ, Con Một của Đức Chúa Trời tỏ ra rằng sự hy sinh này là điều Ngài đã có chủ định từ trước. Chiên Con của Đức Chúa Trời đã hạ sinh đến với thế gian nhằm chính mục đích này. Ngài chịu nhục hình, để gánh lấy tội chúng ta.

Và sau này, khi Chúa Jê-sus đã sống lại rồi, chúng ta sẽ như các môn đồ - sẽ nhớ lại những điều Chúa tiên báo trước đó.

Giăng 10
17 Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại.
18 Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta.

Và Chúa làm điều đó vì thương yêu chúng ta
Giăng 15:13 Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.

Chúa Jê-sus đã phó sự sống Ngài để chuộc tội lỗi chúng ta, vì chúng ta đều là những người đã mắc tội.

Chúng ta tưởng mình phải than khóc cho Ngài. Trong khi Ngài lại than khóc vì chúng ta.

Vì tội lỗi mà cả nhân loại đang đứng trước bờ vực thẳm của cái chết và địa ngục.

Chúng ta tưởng Ngài chịu sự bất công khi chịu hình phạt nặng nhất, nhưng đó là để toàn quyền tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta khi đã gánh thay hình phạt đó.

Điều đã xảy ra không chỉ liên quan đến Chúa Jê-sus, thực ra liên quan đến mỗi con người!

Hãy tỉnh ngộ, ra khỏi đám đông ghen ghét Chúa, mà khóc lóc ăn năn vì đã chối bỏ tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chính bản thân mình.

Và điều kỳ diệu sẽ xảy đến.

Sự kiện Phục sinh ngày thứ ba sau đó, cũng không phải là điều chỉ liên quan đến Con Đức Chúa Trời.

Chiến thắng của Chúa trước cái chết, cũng là dành cho chúng ta nữa.

Với niềm tin nơi Cứu Chúa Jê-sus, chúng ta sẽ sống lại. Và sẽ cùng sống mãi với Ngài!
FrontRessurection
Giăng 3:16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Nguyện phước hạnh sự sống lại tuôn đổ tràn đầy trên đời sống của các bạn trong mùa Phục sinh này!

Ms Quốc Hùng.