Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, November 20, 2012

Chân Giả Luận--13


13. Chân Thần bởi đâu sanh ra?

Chân Thần là Nguồn Gốc của mọi loài, song tự mình không có nguồn gốc; là Đầu Tiên của muôn vật, song tự mình không có đầu tiên. Nếu Chân Thần còn phải sanh ra bởi một Đấng nào, thì không phải là Chân Thần độc nhất vô nhị nữa.

Vả, Đức Chúa Trời sanh ra muôn vật, bắt từ muôn vật mà kể lên đến Đức Chúa Trời, ấy là cùng tột, hết chỗ kể rồi. Vậy hỏi ai sanh ra Đức Chúa Trời, thật là vô lý. Ví như đếm số: vạn từ số ngàn, ngàn từ số trăm, trăm từ số chục, chục từ số một; số một là đầu của các số, không thể hỏi còn số gì trên số một được. Lại như xem cây, hoa, lá ra bởi nhành, nhành ra bởi thân cây, thân cây ra bởi rễ, rễ tức là cội của cây, nhành, hoa lá; không thể hỏi dưới rễ còn gì nữa, vì là tột rồi. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời như là số một của các số, rễ của cả cây, có lẽ nào còn hỏi được rằng: Ai sanh ra Đức Chúa Trời?
Nay thử xét phổ hệ của loài người: Người ta sanh ra bởi cha mẹ, cha mẹ sanh ra bởi ông bà, ông bà sanh ra bởi cố, cứ thế mà kể lên mãi đến ông kỵ và đến cao cao tổ, viễn viễn tổ, ở đời thượng cổ, chắc không thể kể hết được. Rốt lại, phải chịu rằng khi mới dựng nên trời đất, chắc có một người nam và một người nữ, rồi lần lần sanh hạ đông đúc thế nầy; người nam và người nữ ấy là nguyên tổ của loài người. Nguyên tổ ấy bởi ai sanh ra? Thưa, do Đức Chúa Trời tạo nên. Vậy thì Chân Thần không những là Cội Rễ của trời, đất, muôn vật, mà cũng là Tổ Tông của loài người; dường ấy, người ta không kính thờ Ngài sao nên?
Tương tự như vậy, Chân Thần Không Có Cuối Cùng.
Phàm vật gì đã có cuối cùng, ắt phải có đầu tiên. Như xác thịt của loài người và của cầm thú, đã có sanh ra, thì có chết. Nhưng Chân Thần là Đấng không hình, không tượng, đã không có đầu tiên, thì không có cuối cùng. Vậy, chúng ta nên xưng Ngài là Đấng trọn tài, trọn trí, vô thủy, vô chung, hằng sống đời đời vô cùng.