Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, July 10, 2023

BÀI CA TRONG KHU VƯỜN


 

#anhhungductin - Câu chuyện Sin Suối Hồ
BÀI CA TRONG KHU VƯỜN
Vào năm 1992, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ là bản người H'Mông nghèo khổ nhất, tệ nạn nhiều nhất, chết chóc nhiều nhất trong cả tỉnh Lai Châu. Đức Chúa Trời đã sử dụng một người tin Chúa thay đổi cả gia đình của mình, để rồi từ trong gia đình đó Ngài đã kêu gọi một người trở thành nhà lãnh đạo Cơ Đốc thay đổi cả một cộng đồng tin Chúa. Nhà lãnh đạo thuộc linh đó là mục sư Hảng A Xà.
Một người tin, cả nhà được cứu
Câu chuyện bắt đầu năm 1992 khi thanh niên Hảng A Xà còn đang học lớp 5 trên huyện. Ở nhà, bố của cậu Xà thường xuyên nghe Đài Nguồn Sống dành cho người H'Mông. Những bài giảng Kinh Thánh về Chúa Giê-xu, đặc biệt về việc Chúa Giê-xu sẽ tái lâm tác động mạnh mẽ vào tâm linh của ông. Thế là bố của cậu Xà quyết định tin Chúa. Ông gọi cậu Xà về nhà và báo cho gia đình biết quyết định của mình. Không muốn gia đình sống trong khổ sở, bệnh tật, ông muốn cuộc đời của ông và của gia đình thay đổi. Sở dĩ ông gọi con mình về ngay vì cho rằng khi Chúa Giê-xu đến thì cả nhà được lên thiên đàng, không ai bị bỏ lại.
Thanh niên Hảng A Xà nhớ như in lời của bố: "Cả nhà phải tin Chúa Giê-xu dù sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi bị bắt bớ thì mắt chúng ta nhìn thấy những con người bằng xương bằng thịt đến bắt bớ chúng ta. Nhưng đó là con người, chúng ta không sợ. Còn ma ám vào, quỷ bắt đi, mắt chúng ta không nhìn thấy được, điều đó mới đáng sợ." Khi cả nhà tin Chúa, là chủ nhà, bố của cậu bị bắt bớ, bị trói, bị phạt, nhưng vẫn nhất quyết tin Chúa, không chối bỏ đức tin của mình. Người trong bản đến hỏi vì sao bị bắt bớ ác liệt đến như thế mà vẫn không bỏ Chúa. Bố của cậu đã trả lời: " Tin Chúa Giê-xu, được sự sống đời đời, tin Chúa để không còn sống dưới những tục lệ lạc hậu... cho nên quyết không bỏ Chúa".
Thay đổi trước tiên
Sau khi tin Chúa Giê-xu gia đình cậu Xà có nhiều thay đổi. Thứ nhất là bỏ rượu, thứ nhì là bỏ thuốc phiện, thuốc lào, thứ ba là không làm cúng. Trong những điều phải bỏ thì khó nhất là bỏ thuốc phiện. Là người đầu tiên tin Chúa trong bản nhưng chính bố của cậu Xà không thể tự bỏ thuốc phiện được. Sau khi trở về nhà một thời gian cậu Xà là người tìm đủ mọi cách để giúp bố của mình bỏ thuốc phiện. Sau đó cậu bắt đầu cùng với các tín hữu không bị nghiện giúp cả bản cai thuốc phiện.
Trong bản, cứ hộ nào tin Chúa có nghĩa là hộ ấy có hoàn cảnh khó khăn, và là hộ có người nghiện. Giai đoạn đầu của niềm tin non trẻ, người đến nhà mời anh em đi thờ phượng Chúa phải ngồi chờ anh em hút thuốc phiện xong rồi mới đi. Đến nơi thờ phượng Chúa xong, lại tiếp tục hút. Vừa nằm hút vừa bàn luận với nhau về Kinh Thánh, về Thiên Đàng, về Chúa Giê-xu tái lâm... Chẳng khác gì sau giờ nhóm thông công với nhau bằng thuốc phiện. Rất là sôi nổi!
Việc bị bắt bớ ác liệt đã khiến cho những người tin Chúa hoặc ở trong nhà, hoặc sau đó trốn lên rừng. Tận dụng thời gian đó, những anh em thuộc thế hệ trẻ chưa bị nghiện đã đưa những người nghiện lên rừng để cắt cơn và chăm sóc họ một thời gian. Tính từ 1995 đến 2015 anh em đã đưa những người trong Hội thánh đi cai gần 100 lần. Mỗi chuyến cai nghiện đưa đi khoảng 20 đến 30 người và khi về chỉ thật sự cai được vài người mà thôi. Sau đó lại tiếp tục lên rừng. Phải kiên trì một thời gian dài. Sau này ngoài việc lên rừng cai nghiện còn cai tại bản, cai trong bệnh viện cho đến khi hết nghiện.
Nhờ đâu các thanh niên biết cách cai nghiện? Câu trả lời là "nhờ mình liều mà thôi". Người đi cai nghiện phải cam đoan không bỏ về. Còn kẻ chăm sóc người nghiện phải chịu khổ, chịu khó, chịu đựng. Cứ như chăm sóc trẻ em. Các chấp sự chia phiên ra lo nấu ăn, giặt giũ, tẩm quất cho anh em. Hết lương thực thì về nhà lấy gạo, bắt gà đem lên rừng. Hầm gà với thuốc, tẩm bổ cho anh em. Quan tâm chăm sóc cho anh em còn hơn cả gia đình chăm sóc cho con cái. Hết lòng yêu thương, chăm sóc tận tâm chu đáo, tôn trọng anh em còn yếu đuối khiến cho anh em cảm phục và cảm hóa được anh em. Ngày nay, trưởng ban chấp sự của Hội thánh trong bản là người từng cai nghiện. Những người đi truyền giáo hiệu quả nhất trong Hội thánh là những người từng cai nghiện. Tuy nhiên hết nghiện nhưng chưa phải là hết nghèo.
Tìm kiếm lời Chúa
Từ năm 1998 nghe bên Trung Quốc có chương trình Cuộc Đời Chúa Cứu Thế, thanh niên Hảng A Xà qua Trung Quốc theo học chương trình. Đến năm 2000 học xong chương trình Cuộc Đời Chúa Cứu Thế. Từ Quyển 1 đến Quyển 6, từ Quyển 7 đến Quyển 12. Chính chuyến đi tìm kiếm Lời Chúa đã giúp thanh niên Hảng A Xà tìm được bí quyết thay đổi các tín hữu, thay đổi hội thánh của Chúa và bản làng Sin Suối Hồ từ gốc rễ. Sau ba năm hoàn tất chương trình Cuộc Đời Chúa Cứu Thế, trở về làm người lãnh đạo thuộc linh trong Hội thánh, Mục sư Xà bắt đầu môn đệ hóa vợ của mình cùng với một nhóm tín hữu trong hội thánh. Chương trình học Lời Chúa, tìm kiếm Ngài nhân rộng ra từ ban chấp sự cho đến các tín hữu. Từ đó đến nay, tỉnh Lai Châu có gần 1000 tín hữu theo học chương trình Cuộc Đời Chúa Cứu Thế, riêng trong bản Sin Suối Hồ có hơn 100 tín hữu đã hoàn tất chương trình Cuộc Đời Chúa Cứu Thế.
Thực thi lời Chúa, phước hạnh tuôn tràn
Mục sư Hảng A Xà và các con cái chẳng những vận dụng lời Chúa cho đời sống tâm linh của mình mà còn bắt đầu vận dụng những điều học trong Kinh Thánh vào trong sinh hoạt của bản Sin Suối Hồ.
Thứ nhất là Sáng Thế Ký đoạn 1. Xưa kia Đức Chúa Trời tạo dựng nên vườn Ê-đen cho con người sống ở đó. Ngày nay tín hữu sống ở đâu thì phải xem đó là vườn Ê-đen. Phải có trách nhiệm, chăm sóc, bảo vệ, chứ không làm hư hỏng Ê-đen của Đức Chúa Trời. Tức là phải giữ gìn bản làng, bảo vệ môi trường.
Thứ nhì, áp dụng Ma-thi-ơ đoạn 5. Mỗi người tin Chúa phải là muối của đất, là ánh sáng của thế gian. Hội thánh phải thể hiện sự thay đổi từ tâm linh cho đến đời sống sinh hoạt qua việc bày tỏ cho mọi người nhìn thấy.
Thứ ba, áp dụng Ma-thi-ơ đoạn 28. Người tin Chúa phải truyền giáo. Nhưng người H'Mông không có trình độ, không có tiền cho nên chưa thể truyền giáo được. Để có tiền phải làm gì trong khu vực hẻo lánh, thưa thớt dân cư và gần biên giới này? Anh em đã nghĩ ra cách để tổ chức chợ phiên, vừa cho thuê để Hội thánh có tài chánh, vừa tạo công ăn việc làm để các tín hữu có thêm thu nhập.
Vấn đề là làm thế nào để "kéo cái chợ" lên bản và tổ chức chợ phiên như thế nào? Các tín hữu có gì đem nấy, gọi là "mang đi bày", trong nhà có một quả bí cũng mang đi bày, có bộ quần áo mới cũng mang đi bày, có con gà, con lợn cũng mang đi bày, có đôi giày cũng đánh xi lên rồi mang đi bày. Để có người đến chợ, một trong những cách nhóm tổ chức nghĩ ra là diễn kịch. Khi thì diễn vở "Hồi niệm những tháng năm nghiện ngập", khi thì diễn vở "Kỷ niệm những ngày ăn củ mài". Lúc đầu diễn ở bên đường như những người bán hàng rong, sau này mới dựng lên sân khấu. Diễn suốt năm, khi người ta biết và quen đến chợ phiên rồi thì không cần diễn nữa. Thế là Chợ phiên Sin Suối Hồ có 54 gian hàng. Nhiều người sẵn sàng đi 50 cây số, 70 cây số đến Sin Suối Hồ để họp chợ.
Từ ngày họp chợ đến nay, chợ phiên Sin Suối Hồ càng ngày càng đổi thịt thay da, người đến chợ ngày càng đông, chợ được sửa chữa và nâng cấp tươm tất hơn, nội dung họp chợ, ngoài việc giao lưu, buôn bán, Mục sư Xà còn có những ý tưởng sáng tạo nhắc nhở con cái Chúa đừng mải lo kinh doanh mà bỏ qua Lời Chúa. Chợ Phiên đọc Kinh Thánh, Chợ Phiên Hát Thánh Ca, Chợ Phiên Đố Kinh Thánh... sẽ được tổ chức trong những ngày gần đây.
Trong rừng gì đẹp bằng lan?
Trước đây, vào bản Sin Suối Hồ chẳng thấy chậu địa lan nào, thế mà ngày nay đi đâu trong bản cũng thấy địa lan. Thu nhập chính ngày nay của dân trong bản là từ việc trồng địa lan. Anh em nghĩ ra việc vào rừng tìm kiếm thứ gì đem về bán kiếm tiền để cải thiện đời sống, nhưng khi vào rừng Chúa đã cho tìm thấy được cây địa lan, đem về bán được giá, thế là anh em tập trung lên rừng tìm địa lan. Tìm địa lan về nhiều rồi nhân giống. Anh em cam kết với nhau nếu trồng được 10 chậu địa lan thì dâng Chúa 1 chậu địa lan. Hộ nào không biết trồng và chăm sóc sẽ có người đến giúp. Sau ba năm gây giống, chăm sóc mới bán được. Theo thời gian, từ đầu bản đến cuối bản nhà nào cũng có địa lan. Trước tết Nguyên đán, người các tỉnh Sa-pa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đổ xô đến mua. Trong bản hiện có hơn 20 nghìn chậu địa lan. Mỗi chậu được bán theo cành hoa, mỗi cành 200 nghìn, có chậu bán được 12 triệu vì có đến 60 cành hoa. Năm 2015 thu nhập bán địa lan của cả bản được gần 2 tỷ.
Tạm kết
Còn biết bao điều phải nói về Sin Suối Hồ xưa và nay. Điện vào bản như thế nào. Con đường dẫn vào bản được làm ra sao. Tầm nhìn ra thế giới. Những chuyến đi cầu nguyện, sinh hoạt giao lưu đến Thác Tổ Ong, Thác Trái Tim... Từ một bản nghèo nhất, nhiều tệ nạn nhất, nhiều bệnh tật nhất của tỉnh Lai Châu trở thành Khu Du Lịch. Chúng ta còn phải trở lại Vườn Ê-đen Sin Suối Hồ, sống với những gia đình được Chúa biến đổi, nghe kể những chuyện người thật việc thật đang tiếp tục sống theo Lời Chúa, sống với trách nhiệm quản trị những gì Chúa giao, sống làm Muối và Ánh sáng cho cộng đồng tại địa phương và cho cả thế giới.
Xuân Thu