Kính thưa quý thính giả,

Chim đại bàng, hay còn gọi là chim phượng hoàng, thường làm tổ ở những nơi rất cao và rất khó tới gần.
Tổ chim đại bàng không phải ở trên các ngọn cây cao, thậm chí cũng không ở trên đỉnh các vách đá, nhưng thường nằm cheo leo trên tường vách đá và khó có loài chim hay ác thú nào có thể đến gần được.


Vài tuần lễ trước khi đẻ và ấp trứng, chim đại bàng mẹ thâu lượm các cành cây, đan lại với nhau thành một giàn dáo vững vàng trên một thành vách đá. Rồi nó tìm kiếm khắp nơi, trong rừng sâu hay trên cánh đồng, những cái que nhọn hoắc, những cái gai thật bén, những cái rễ châm chích, đem về để lót vào phần bên trong của giàn dáo. Tiếp theo, nó phủ lên những cái que nhọn hoắc và những cái gai thật bén này những lá cây dương sỉ thật to, những miếng cỏ rêu mềm mại, thậm chí với một miếng da thỏ êm ái. Cuối cùng, nó phủ lên đó những cánh lông chim mịn màng, mà nó tự nhổ ra từ chính bộ ngực của mình.


Các con chim đại bàng con, khi vừa chào đời, được nằm trong tổ ấm, êm ái như nhung, ở trên tường vách đá cheo leo hiểm trở, thật an ninh vì không có ác thú nào có thể đến gần để quấy rầy. Những con chim con chỉ biết tận hưởng quãng thời gian êm đềm hạnh phúc, an bình trong tổ ấm với hơi hám quen thuộc của mẹ, đến đúng giờ thì chỉ mở miệng ra để hứng đồ ăn chim mẹ mang về.

Nhưng đến một ngày kia, chim mẹ sau một chuyến săn mồi trở về, sao trên miệng chẳng ngậm một miếng đồ ăn nào cả. Những con chim non lao xao, đói bụng và nhìn mẹ với cặp mắt đầy hoang mang ngơ ngác. Hình như đôi mắt chim mẹ khác thường với mỗi ngày. Bỗng nhiên, chim mẹ xà xuống thập thấp đằng sau tổ, dùng cái mỏ nhọn để kéo tuột ra lớp lót tổ êm ái, trong đó có lông chim, miếng da thỏ, những lá cây dương sỉ cùng những tấm cỏ rêu mịn màng, rồi chim mẹ mang ra những vật liệu đó ra khỏi tổ, thả từng món một xuống chân bờ vách đá từ độ cao vài ngàn thước. Chim mẹ tiếp tục rút thả hết những vật liệu lót ổ, cho đến khi cái ổ chỉ còn trơ lại những cái que nhọc hoắc, những cái gai thật bén và những cái rễ châm chích, khiến cho các chim con nằm trong tổ, giờ đây chỉ còn cảm thấy đau nhói khó chịu mà thôi.

Nếu là những con người, thì những con chim con sẽ nhìn về mẹ với đôi mắt đầy oán hận, vì bao khổ sở đến với chúng nó giờ đây, là do chính tay mẹ gây ra. Thế nhưng, chúng đâu có biết, tất cả những việc làm của mẹ chúng, không phải vì mẹ giận, hay do mẹ đã thôi yêu thương chúng, hãy đã chẳng còn quan tâm đến chúng nữa.
Tất cả những việc làm của chim đại bàng mẹ, đã được dự định trước khi làm tổ, để nuôi dưỡng và rèn tập những chim con qua những giai đoạn cần thiết của cuộc đời chúng. Nếu cứ được mẹ đem đồ ăn về cho mỗi ngày, chúng nó chẳng bao giờ học được cách săn mồi. Nếu được nằm êm ấm mãi trong tổ, chúng sẽ không muốn rời tổ để tập bay cả. Chim mẹ cố tình gây ra những điều khó chịu trong hiện tại cho những con chim con, vì lợi ích lâu dài của chúng.

Vì cái tổ chim giờ đây chỉ còn những gai nhọn đâm chảy máu thật đau, cho nên các con chim con phải lần lượt rời tổ và đứng chênh vênh trên tường vách núi cao thẳm. Chim mẹ đến bên từng con và đẩy nó ra giữa khoảng không. Con chim con té lao xuống vực thẳm và trong cơn kinh hoàng, nó bắt đầu vẫy đôi cánh bé nhỏ vụng về. Tuy vậy, trước khi nó té nhào đụng đất, chim mẹ đã bay xuống trước và nhẹ nhàng vớt nó trên đôi cánh dang rộng của mình, mang nó lên lại vách đá, rồi đẩy nó té xuống lần nữa. Quá trình cứ lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi con chim con biết sử dụng đôi cánh của mình thật vững vàng và linh động để tự do bay lượn giữa khoảng không.
Cũng giống chim đại bàng mẹ lo lắng và rèn tập cho con, Thiên Chúa chăm sóc và rèn tập những ai thuộc về Ngài cũng như vậy, khi Ngài khuấy động cuộc đời bình yên của chúng ta, vì lợi ích lâu dài cho chúng ta, để chúng ta trở nên vững vàng trước mọi thách đố, vẫn luôn có thể thắp sáng niềm hy vọng trong mọi nghịch cảnh, như sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:11-12 có diễn tả:
“Như chim phượng hoàng khuấy động tổ mình,
Bay lượn qua lại quanh con mình,
Dang rộng cánh ra hứng đỡ,
Rồi cõng chim con trên hai cánh.
Một mình Chúa hướng dẫn dân Ngài,
Không có thần nào khác”


Quý thính giả thân mến,
Nền tảng của niềm hy vọng thật là tình yêu thương bao la và vô điều kiện của Đấng Tạo Hóa dành cho mỗi chúng ta.
Tình yêu đó được bày tỏ và minh chứng, khi cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần làm người, trong một con người mang tên Giê-xu.

Chúa Cứu Thế Giê-xu đến trần gian, để rồi bằng lòng cho người ta đánh đập dã man và rồi đóng đinh treo trên cây thập tự, phải tuôn huyết ra cho đến chết. Trên cây thập tự năm xưa, Con Một Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn vô tội, đã bằng lòng đón nhận mọi tội lỗi của con người, hứng chịu bản nợ tội, chết thế cho mọi người, hầu cho bất kỳ ai nhận biết mình là tội nhân trước mặt Đấng Tạo Hóa, ăn năn, tin vào tình yêu thương và sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì được Đấng Tối Cao xóa bỏ mọi vi phạm, được xem là vô tội, không còn bị đoán phạt, thoát được bản án đời đời trong hỏa ngục, được nối kết lại tình cha con với Cha Trên Trời, được nhận lãnh phước hạnh từ nay cho đến đời đời.

Sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết và bị chôn trong mồ, sau ba ngày Ngài đã chiến thắng tử thần và sống lại, đem lại niềm hy vọng đắc thắng tội lỗi, đem lại niềm hy vọng vượt qua sự chết, đem lại niềm hy vọng chiến thắng nghịch cảnh, cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình.
Niềm hy vọng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu là niềm hy vọng thật, chứ không phải chỉ là một ước muốn suông mà thôi.

Và để sở hữu niềm hy vọng thật đó, không có một con đường tắt, cũng chẳng có một con đường trải thảm êm ái, nhưng bạn và tôi phải trải qua một quá trình rèn tập bắt buộc, như lời Kinh Thánh có bày tỏ:
“Gian khổ đào tạo kiên nhẫn; kiên nhẫn đem lại kinh nghiệm; và từ kinh nghiệm phát sinh hy vọng. Hy vọng trong Chúa không bao giờ phải vỡ mộng như hy vọng trần gian” (Rô-ma 5:3-5)
Những con chim đại bàng sơ sinh được mẹ chăm sóc từng chút, nào chỗ ở êm ái ấm cúng, nào miếng ăn đúng giờ mỗi ngày, như những ngày đầu bạn vừa mới tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong đời sống. Bạn cầu nguyện, Ngài trả lời. Bạn bệnh tật, Ngài chữa lành. Bạn đau thương, Ngài an ủi. Bạn có nhu cầu, Ngài đáp ứng.
Như chim đại bàng mẹ một hôm khuấy động tổ mình, rút đi tấm lót ổ êm ái, để cho các con phải bị gai đâm mà phải rời tổ, thì Thiên Chúa sẽ không chấm dứt mọi thử thách trong cuộc đời của bạn và tôi. Những khó khăn trong cuộc sống đưa đến, có thể do bạn và tôi không vâng lời Ngài, có thể do người khác phạm tội gây nên, hay thậm chí cũng không do lỗi của bất kỳ ai cả; những khó khăn có thể là bệnh tật trong cơ thể, những thử thách trong công ăn việc làm, những trục trặc trong các mối quan hệ, đều được Thiên Chúa sử dụng để rèn tập cho niềm hy vọng trong bạn ngày càng được vững chải.

Các con chim non bị đẩy xuống vực thẳm, bắt buộc phải sử dụng đôi cánh để tập bay. Chắc chắn những lần đầu, các chim con chưa thể bay được, nhưng chim mẹ đã mau mắn vớt chúng trên đôi cánh dang rộng của mình, trước khi chúng té xuống đất. Cũng như vậy, trong cơn thử thách, Thiên Chúa vẫn không một giây rời mắt khỏi bạn, nâng đỡ bạn kịp thời kịp lúc, không bao giờ để cho bạn phải rơi vào cảnh cùng đường tuyệt vọng, như sứ đồ Phao-lô có trình bày: “Anh chị em có thể tin chắc Thiên Chúa vì Ngài không để cho anh chị em bị thử thách quá sức chịu đựng đâu. Trong cơn thử thách, Ngài sẽ mở lối thoát để anh chị em chịu đựng được” (I Cô-rinh-tô 10:13)
Sau nhiều lần kiên nhẫn tập bay, các con chim con giờ đây không những không còn sợ té xuống hố thẳm, mà còn có thể bay lượn thỏa thích trên các vùng trời cao thật cao, cao hơn tất cả các loài chim săn mồi khác, cho nên không còn lo âu trước mối đe dọa nào.

Niềm hy vọng thật trong Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng không trốn chạy thử thách, nhưng được tôi luyện trong khó khăn của thực tế đời sống, để rồi bạn và tôi kinh nghiệm được quyền năng và tình yêu vô đối của Thiên Chúa, vui thỏa vẫy vùng trong ân phước bao la, lòng tràn đầy an bình vượt lên trên những biến động lao xao của cuộc đời.
Quý thính giả thân mến,

Chim đại bàng là loài chim duy nhất thích cảnh bão tố. Trong khi các loài chim khác kiếm cách trú ẩn trước cảnh cuồng phong, thì chim đại bàng lại lợi dụng luồng gió mạnh để bốc mình lên thật cao trong nháy mắt, rồi nương theo chiều gió, lượn hàng giờ trên cao chót vót, mà không hề tổn phí sức lực để đập hay vẫy cánh.
Khi bạn và tôi đặt trọn niềm hy vọng của mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, học biết ý định của Ngài cho đời sống bạn qua thời giờ cầu nguyện và học Kinh Thánh thường xuyên, tin cậy và nương theo sự hướng dẫn của Ngài mỗi ngày để “lượn” trên các bão tố của cuộc đời, thì bạn sẽ nếm trải những phước hạnh và bình an mỗi ngày, khiến niềm hy vọng của bạn chỉ tiếp tục dâng cao, khiến sức lực ngày của bạn ngày càng thêm mạnh mẽ, khiến tinh thần bạn ngày càng hăng hái, như sách Ê-sai 40:31 có so sánh:

“Nhưng ai trông cậy nơi Chúa, sẽ được phục hồi sức mới,
Cất cánh bay cao như chim phượng hoàng;
Chạy mà không mệt nhọc, đi mà không kiệt sức”

Thân chào quý vị và các bạn.