Trong tuần trước, chúng ta đã chấm dứt Chương thứ 10 ‘Trở Thành Một Người Hạnh Phúc’ của quyển sách Bí Quyết Để Có Một Đời Sống Hạnh Phúc. Chúng ta đã xem xét qua những ẩn ý trong câu trả lời của Chúa cho câu hỏi “Đức Chúa Trời ở đâu khi đau khổ xảy ra?”. Lời Chúa Giê-xu phán “song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy” đưa ra một thông điệp sâu sắc liên hệ tình huống hiện tại với quan điểm của cõi đời đời:
1. Bi kịch sẽ khiến những người bất cẩn bàng hoàng
2. Đau khổ là tiếng gọi tỉnh thức
3. Hy vọng trong tương lai 
4. Đau khổ là một tiếng gọi đến sự ăn năn




Do những người đặt câu hỏi với Chúa Giê-xu là “người của giao ước” nên họ đã được dạy rằng Đức Chúa Trời sẽ chúc phước kẻ trung tín và trừng phạt kẻ gian ác. Lời giải thích nói rằng khi bạn “nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi ngày nay”(Phục truyền 28:1) thì Đức Chúa Trời hứa sẽ chúc phước cho bạn. Nhưng “nếu ngươi không nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục truyền 28:15) thì bạn sẽ bị rủa sả.
Tuy nhiên, vào thời Chúa Giê-xu, lời hứa này đã giảm xuống thành một “cuộc mặc cả” với Đức Chúa Trời. Mỗi khi một ai đó chịu đau khổ, mọi người có khuynh hướng lập tức cho rằng người này đã làm điều gì sai trật. Và mỗi khi nhìn thấy một người giàu có, họ nghĩ họ có thể “tin tưởng” rằng đây là một người công bình. Nhưng Chúa Giê-xu chỉ đơn giản đưa ra một nguyên tắc chung giúp chúng ta chống lại sự kiêu ngạo. Chúa Giê-xu đang cảnh báo những người nghi vấn Ngài rằng tất cả mọi người đều chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, ngay cả những người tự cho mình là công bình theo luật pháp của Chúa về sự ăn năn. Ăn năn là một từ ngữ mang tính định hướng về việc xoay chuyển con người khỏi tội lỗi và thái độ bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời cũng như hướng họ vào một địa vị mới của sự công chính và lối sống tin kính. Chúa Giê-xu phán rằng ngay cả những người công bình cũng có thể gánh chịu bi kịch bất thình lình và họ cũng cần sống với thái độ ăn năn.
Ngay cả Chúa Giê-xu cũng đã trải nghiệm sự phân cách với Đức Chúa Trời, một kiểu “đoán phạt” khi Ngài bị treo trên cây thập tự, Ngài kêu lên “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Chúng ta, những tội nhân, có nghĩ rằng chính mình sẽ được miễn trừ khỏi sự phân cách khỏi Đức Chúa Trời không khi Con Trời vô tội đã làm điều này cho chúng ta? Ngài đã trả giá chuộc tội để chúng ta không còn bị phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời, bất chấp tình trạng tội lỗi của chúng ta. Ngài đã sống trong một thế giới mà ngay cả Ngài, dù vô tội cũng đã trải nghiệm sự cách biệt khỏi Đức Chúa Trời trong giây lát. Ngay cả khi có được một nhận thức rõ ràng, chúng ta cũng không được phép cho rằng chúng ta được miễn trừ khỏi luật pháp của Chúa. Chúng ta phải sống với thái độ ăn năn để đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giê-xu. Không ai được miễn trừ cả. Khi đáp lại Đức Chúa Trời trong đức tin và ăn năn, chúng ta có một “hợp đồng bảo hiểm” về những tội lỗi mà chúng ta không biết. Sứ đồ Giăng đã nói “nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Ðức Chúa Jesus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7).
Từ ngữ làm sạch được dùng ở thì hiện tại tiếp diễn. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta nghiêm túc tiếp nhận Chúa Giê-xu và không quá ngạo mạn để không biết ăn năn, Đức Chúa Trời sẽ liên tục đặt để chúng ta trong quyền năng thanh tẩy của Ngài. Đây là sự yên ninh của việc được “ở trong Đấng Christ”. Người ta vẫn nhận biết rằng mặc dù bạn bất toàn, nhưng huyết của Chúa Giê-xu vẫn giữ cho bạn được thanh sạch. Điều kiện để sống trong sự yên ninh chính là đức tin và sự ăn năn.
Tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho bạn cũng không giúp bạn được miễn trừ khỏi quy luật chung, ấy là: “nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy”. Mặc dù kinh nghiệm đau khổ nhắc chúng ta nhớ về nguyên tắc này, nỗi đau mà chúng ta chịu đựng trong đời này, dù có khó khăn đến đâu, cũng không thể sánh với những đau đớn mà chúng ta sẽ phải chịu nếu chúng ta chết đi mà không ăn năn và chấp nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ vì quá kiêu ngạo.
Bốn câu trả lời của Chúa Giê-xu cho câu hỏi Đức Chúa Trời ở đâu khi đau khổ xảy ra đã kết thúc câu hỏi “chúng ta phải làm gì” quanh nỗi khổ đau. Những câu trả lời này đưa ra một khuôn khổ Kinh thánh nhằm khép lại những vết thương tình cảm và đem lại hy vọng trong cuộc sống của chúng ta. nhân loại sẽ không bao giờ có thể tìm ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi mang tính triết lý “tại sao điều này xảy đến với tôi?”
Tuy nhiên, khi câu hỏi kia được chuyển thành “làm thế nào tôi có thể thoát khỏi nỗi đau này?”, chúng ta sẽ tìm ra sức mạnh của hy vọng giúp chúng ta thoát khỏi sự tuyệt vọng. Những câu trả lời của Chúa Giê-xu đã đem lại ý nghĩa của hy vọng, kết thúc sự vô vọng trong cuộc tìm kiếm triết lý. Chấp nhận câu trả lời này, ngay cả không trọn vẹn, cũng giúp chúng ta trở thành những con người hạnh phúc-là những người đã tìm thấy sự thỏa lòng và ý nghĩa từ những điều đối nghịch của cuộc sống.
Thưa quý thính giả,
Hôm nay chúng ta sẽ bước vào Chương 11- Cười Hai Lần Và Gọi Cho Tôi Vào Buổi Sáng
Trong quyển The Anatomy of an Illness: As Perceived by the Patient, Norman Cousins đã kể về việc anh nhập viện với một căn bệnh hiếm và nghiêm trọng. Khi được bác sĩ chẩn đoán là căn bệnh của anh sẽ không thể chữa lành, Cousins đã xin xuất viện. Nhận thức về những ảnh hưởng không tốt mà những cảm xúc tiêu cực có thể tác động lên cơ thể, Cousins đã lý luận rằng điều ngược lại cũng sẽ là sự thật. Anh quyết định mượn một máy chiếu phim và kê toa thuốc điều trị cho riêng mình với những bộ phim của Marx Brothers và bộ phim kinh điển Candid Camera được chiếu lại. Không lâu sau đó, anh nhận ra rằng mười phút cười sảnh khoái sẽ giúp anh có được hai tiếng ngủ không đau đớn. Thật ngạc nhiên, căn bệnh làm suy yếu cơ thể cuối cùng đã được đảo ngược. Sau câu chuyện chiến thắng bệnh tật của anh xuất hiện trên tạp chí New England Journal of Medicine, Cousins đã nhận được hơn 3.000 lá thư mỗi ngày từ các bác sĩ khắp nơi trên thế giới đánh giá cao nỗ lực của anh. Phát triển thói quen cười vui trước những tình huống của cuộc sống hay một câu đùa hài hước là một thói quen phổ biến của những người hạnh phúc.
Cách đây hai năm, tại bữa tiệc Giáng sinh, chúng tôi trao giải thưởng cho các nhân viên. Để đảm bảo mọi người đều có quà, bên cạnh những giải thưởng truyền thống như “Làm việc hiệu quả nhất” và “nhân viên xuất sắc trong năm”, chúng tôi cũng trao cả những giải thưởng như “tiến bộ nhất” và “đưa ra lời khích lệ nhất”. Một giải thưởng mà tôi luôn thích trao là dành cho người có “tiếng cười vui nhộn nhất”. Khi những phiếu bầu đã được đếm vài tuần trước đó, tên người thắng cuộc trong số các nhân viên đã rõ ràng. Nhân viên được chọn có tiếng cười vui nhộn nhất có một tiếng cười dễ dàng khiến người khác cười theo. Khi Robbie cười, những người xung quanh nghe anh cười cũng bắt đầu cười. Tiếng cười của anh tạo sự thích thú với anh và với cả người khác. Cả người anh run lên theo tiếng cười, giọng nói cũng thay đổi và nụ cười của anh rất thật lòng; một cảnh tưởng rất đáng nhìn ngắm. Thỉnh thoảng, khi ở bên cạnh Robbie, tôi hay nói những điều vui nhộn chỉ để nghe anh cười. Tôi thấy mình như lấy lại tinh thần và rời khỏi phòng với cảm giác nhẹ nhõm. Sau đó, tôi có thể có được một cái nhìn mới để nói rằng “Đa-vít này, điều mà cậu đang đối diện cũng không đến nỗi tệ lắm đâu. Vui lên nào!”
Liều Thuốc Của Tiếng Cười
Thưa quý thính giả,
Kinh Thánh hoàn toàn đúng khi nói rằng “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” (Châm ngôn 17:22). Câu Kinh Thánh này không chỉ là lời phát biểu hay và súc tích mà Sa-lô-môn viết ra để biện hộ cho việc ông dùng những anh hề trong cung để mua vui cho ông. Đây cũng không phải là lời mà chúng tôi, các mục sư dùng để hậu thuẫn cho tính hài hước trên bục giảng. Những dữ liệu y học và xã hội học tồn tại để nhấn mạnh việc tiếng cười góp phần vào hạnh phúc của con người như thế nào.
Trường đại học Iowa Health Science Relations và phó giáo sư khoa nội Nicole Nisly, M.D. đã đưa ra quan sát rằng “Gần đây, tiếng cười được nhấn mạnh đến khi các nhà nghiên cứu đưa ra lời tuyên bố tại buổi họp của Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (American Association Association) vào tháng 11 năm 2002 rằng những người không có vấn đề về tim mạch thường cười nhiều hơn là những người bị bệnh tim mạch”. Nilsy cho biết thêm rằng mặc dù chúng ta không biết đầy đủ về lợi ích của tiếng cười với sức khỏe con người, nhưng bằng chứng y học cho thấy tiếng cười dẫn đến việc giảm hormone gây stress cũng như cách chữa huyết áp. Nhờ đó, dẫn đến việc giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch.
Tiếng cười cũng được tìm thấy để giảm căng thẳng và giảm đau. Tiếng cười dường như cũng giúp đẩy mạnh việc cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại nhiễm trùng. Tiếng cười cũng có khả năng giúp trong việc điều trị chứng trầm cảm và những chứng bệnh khác về cảm xúc. Tiếng cười là liều thuốc cho tâm hồn con người. Hãy tưởng tượng vị bác sĩ kê toa cho bạn như sau: “Cười hai lần mỗi ngày và gọi cho tôi vào buổi sáng”; chắc chắn khi đọc toa thuốc này, bạn sẽ áp dụng gấp đôi “liều thuốc”. Tôi cũng muốn cảnh báo rằng bạn đừng quá hoài nghi. Liều thuốc này thực sự hữu hiệu đấy.
Món Quà Từ Tiếng Cười
Quý thính giả thân mến,
Lần ghé đến tiệm thuê video gần đây đã dạy cho tôi một bài học quý giá. Khi đứng xếp hàng để thuê DVD đã chọn, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện say sưa giữa một người mẹ và cô con gái ở tuổi thiếu niên đang đứng gần tôi. Người mẹ muốn thuê một bộ phim hài, trong khi cô con gái lại muốn xem phim mang tính kịch tính. Rõ ràng, cô con gái không ủng hộ sự chọn lựa của mẹ mình. Cô bé nói: “con không thấy có lý do gì để xem phim hài cả. Mẹ chỉ cười rồi thôi. Tất cả kết thúc và không có gì thay đổi cả.” Tuy nhiên, người mẹ không muốn mất thời gian để thanh minh cho việc lựa chọn phim của mình. Có lẽ cuộc tranh luận sẽ còn tiếp tục nếu người mẹ không phản đối. Nhưng tôi tin mình hiểu được lý do của người mẹ: người mẹ này cần liều thuốc mà tiếng cười mang lại. Nhưng cô con gái lại không hiểu được điều này. Có lẽ, cô con gái vẫn chưa đủ trưởng thành để đối đầu với những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Những thách thức này dẫn con người đi đến cửa hiệu thuốc của Đức Chúa Trời để mua những viên thuốc không được ghi toa từ tiếng cười.
Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại một món quà là tiếng cười. Những người Hê-bơ-rơ ngày xưa đã hiểu được điều này và đã tập cười vui vẻ trong những lúc được Đức Chúa Trời giải cứu. Thi thiên 126 đưa ra một minh họa tuyệt vời về vai trò của tiếng cười trong đời sống của các thánh đồ trong Cựu ước. Hãy đọc lại lần nữa bài hát này, bài hát đã được viết ra để kéo con người hướng lên Đức Chúa Trời.
Khi Đức Giê-hô-va dẫn các phu tù của Si-ôn về,
Thì chúng tôi khác nào kẻ nằm chiêm bao.
Bấy giờ miệng chúng tôi đầy sự vui cười,
Lưỡi chúng tôi hát những bài mừng rỡ,
Trong các dân ngoại người ta nói rằng:
Đức Giê-hô-va đã làm cho họ những việc lớn.
Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn;
Nhân đó chúng tôi vui mừng.
Hỡi Đức Giê-hô-va, xin dẫn phu tù chúng tôi về,
Như các suối miền nam chảy nước lại.
Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ,
Sẽ gặt hái cách vui mừng.
Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải,
Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình. (Thi thiên 126)

Chúng ta có thể nhận thấy ba bài học chính về tiếng cười như liều thuốc cho tâm hồn con người được nhấn mạnh ở đây trong Thi thiên 126. Tập cười đã trở thành thói quen khi được tập luyện rộng rãi khi (1) những giấc mơ thành hiện thực, (2) con người vui hưởng mối tương giao với Đức Chúa Trời và (3) con người trải nghiệm được cuộc sống thỏa lòng.

Tiến sĩ David D. Ireland