Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, September 27, 2012

Người Đàn Bà Hạnh Phúc --5


Giỏ Đầy Thứ Năm: AN ỦI KẺ HÈN MỌN
Đừng Cho Tay Tả Biết Tay Hữu Đang Làm Gì 
An Ủi Kẻ Hèn Mọn 
Người Láng Giềng Của Con Lâm Vào Tay Kẻ Cướp


Đừng Cho Tay Tả Biết Tay Hữu Đang Làm Gì

Ai đó lại cất tiếng gọi trước nhà. Đó là giọng một người đàn ông. Một người đàn ông lạ mặt chào tôi và cất tiếng hỏi.
“Đây có phải là nhà của Viện Trưởng Trường Đại học Kunkook không?”
“Vâng, đúng rồi.”
“Vậy xin hỏi bà Kim có ở đây không?”
“Không, không có ai tên Kim ở đây cả.”
“Vậy xin được phép hỏi bà là ai?”
“Tôi là vợ của Ông Viện Trưởng, nhưng tôi không phải là bà Kim mà là chấp sự Yoo.”
Thình lình, một vài người trong số họ bắt đầu chụp hình tôi, ánh đèn nhấp nháy liên hồi. Một người rút ra một chiếc máy ghi âm nhỏ và bắt đầu đặt câu hỏi. Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi mời họ vào phòng khách. Một người mở miệng nói. 
“Thành thật xin lỗi bà vì sự đường đột của chúng tôi. Tôi là phóng viên của Nhật Báo Sin-a. Bà là người được bình chọn cho danh hiệu “Người Mẹ Đảm Đang Nhất Trong Năm” Lần Thứ Mười Một. Tất cả chúng tôi đến đây để phỏng vấn bà. Chúng tôi có gọi điện cho bà nhưng không ai nhấc máy nên chúng tôi đến để chụp hình và xin được phỏng vấn bà."

Tôi có làm gì đâu mà được nhận phần thưởng vinh dự này? Tôi nói chắc có sự nhầm lẫn nào đó, tôi không phải là người họ muốn phỏng vấn. Một người nói, "Danh hiệu Người Mẹ Đảm Đang được trao hằng năm bởi Bộ Trưởng Bộ Phúc Lợi Xã Hội của Chính phủ Đại Hàn. Mỗi năm, các tổ chức công cộng và xã hội chọn ra những ứng cử viên xuất sắc nhất đề nghị lên Bộ Phúc Lợi Xã Hội.
Sau khi đánh giá và xem xét kỹ lưỡng, Bộ Trưởng sẽ chọn ra người xứng đáng nhất để trao danh hiệu. Có nhiều người được đề nghị cho giải thưởng năm nay, nhưng bà là người nổi bật nhất trong số họ. Và họ đã nhất trí trao giải thưởng năm nay cho bà.
Đặc biệt là họ nhận được lá thư từ Hoon Kim, là một gián điệp Bắc Hàn và là một tù nhân bị kết án tử hình. Rồi cũng có nhiều lá thư được gửi đến từ nhà tù West Gate, nhà tù Masan, trại cùi và từ những binh sĩ thuộc những Sư đoàn ở tuyến đầu của khu phi quân sự (DMZ)."

Họ nói, “Một người nội trợ mà âm thầm làm được những công việc như thế sẽ là một tấm gương sáng cho những người nội trợ khác ở Đại Hàn noi theo. Mọi người đều tin rằng bà là người hoàn toàn xứng đáng cho giải thưởng năm nay.”
Vào giờ phút ấy, tôi cảm thấy là những việc mà tôi âm thầm thực hiện bấy lâu nay đã bị khám phá ra hết. Tôi khoát tay tỏ ý từ chối và bảo họ, “Kinh Thánh dạy tôi là đừng để tay tả biết tay hữu đang làm gì. Ai đã nói cho các ông biết những việc ấy?”
Họ không trả lời câu hỏi của tôi mà càng đặt nhiều câu hỏi cho tôi hơn nữa. Nhưng tôi chẳng thấy yên tâm chút nào cả vì tôi cứ mãi bồn chồn, lo lắng về việc hoàn trả cho chồng tôi số tiền tôi đã mượn. Bên cạnh đó, tâm trí tôi hoàn toàn bị chiếm ngự bởi buổi lễ cung hiến đền thờ và buổi nhóm đầy phước hạnh vào ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, chồng tôi đến văn phòng và gọi điện về nhà cho tôi.
“Em đã làm những việc được đăng trên báo khi nào và bằng cách nào vậy? Thế mà anh nghĩ em chỉ biết mỗi việc nhà cửa, nhà thờ và chợ búa thôi chứ! Dầu sao đi nữa, mọi người ở đây đều chúc mừng cho cả anh và em. Tối nay anh sẽ về trễ vì anh sẽ đãi họ bữa tối.” Trong giọng nói của chồng tôi là sự ngạc nhiên và niềm vui sướng đan lẫn vào nhau.
Chồng tôi kể lại sáng hôm ấy khi ông vừa bước vào văn phòng thì mọi người ở đấy ùa đến chúc mừng ông. Ông hỏi lý do và họ đưa tờ báo cho ông xem. Nó được đăng trên tờ báo phát hành toàn quốc và đề mục được in ở phần tin tức xã hội. Đề tài bài báo, “Chớ để tay tả biết tay hữu đang làm gì" kèm theo tấm hình của tôi đang khoát tay từ chối.

Ban đầu, chồng tôi bảo họ chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Có thể là một người nào đó trùng tên. Nhưng khi đọc bài báo và xem bức hình, ông đã bị thuyết phục đó chính là người vợ mà một giờ trước đó vừa mới ăn sáng cùng với ông.
Tôi phải thú thiệt là tôi vui mừng khi chồng tôi không hỏi han gì về số tiền đã giao cho tôi hơn là nhận được giải thưởng uy tín kia. Nếu ông hỏi tôi về số tiền đó thì tôi đã phải nói sự thật vì tôi không thể nói dối ông được. Việc đó thật đáng ngượng ngùng và hổ thẹn biết bao! Mỗi khi nghĩ lại sự việc ấy là tôi lại bật cười. Một lần nữa, chính Ngài là Đấng biết rõ tôi hơn bất kỳ người nào khác. Ngài đã xoay chuyển mọi tình thế khó khăn và khiến chúng trở nên tốt lành.


An Ủi Kẻ Hèn Mọn

Ngày 8 tháng Năm, 1966 là ngày Mẫu Thân. Đó là một ngày xuân thật đẹp. Trong bộ trang phục truyền thống Đại Hàn màu xanh nhạt, tôi tiến về trung tâm của buổi lễ, bẽn lẽn như một cô gái nông thôn nhỏ nhắn. Phía trước tôi là một tấm thảm đỏ được trải dài. Dàn nhạc của Quân đội, Hải quân và Không quân đang chơi nhạc dọc theo lối đi. Buổi lễ năm nay có thêm phần đặc biệt vì có một vài sửa đổi trong việc trao giải Bà Mẹ Đảm Đang của năm.

Buổi lễ được cử hành với sự có mặt của các quan khách đặc biệt, bao gồm Đệ nhất Phu nhân Đại Hàn, Phu nhân của các Bộ trưởng, các Đại sứ từ nhiều quốc gia. Nhiều bức thư được đọc lên, trong đó có thư của Đệ nhất Phu nhân. Nhưng bức thư gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là thư của Tiến sĩ H. K. Koh, người đã cầm tay tôi nói, “Thật là một vinh dự cho tôi khi có một học trò như em.” Bà đã ôm tôi và khóc. Bà là Trưởng Khoa Kinh Tế Đối Nội khi tôi còn học ở Trường Đại Học Nữ Ehwa.
Suốt buổi lễ, tôi không hề cảm thấy thoải mái chút nào. Tôi cảm giác như mình đang đánh cắp sự vinh hiển của Chúa. Nói cho cùng, chính Ngài là Đấng đã làm mọi việc. Phần thưởng này không phải dành cho tôi, mà là cho Đấng đã thực hiện tất cả những việc này qua tôi. Ngài đã ban cho tôi con tim biết lắng nghe tiếng Ngài. Ngài ban cho tôi sức mạnh để vâng phục và bước đi theo Ngài. Ngài ban cho tôi niềm vui, sự bình an và niềm hạnh phúc từ trong tâm hồn. Tại sao tôi lại tự hào về bản thân mình?
Tôi phải nói với Ngài như thế nào đây khi tôi đối mặt với Ngài trong tương lai? Tôi thật sự muốn giữ kín tất cả những chuyện này, nhưng giờ đây mọi chuyện đã lộ ra trước công chúng. Giờ đây, tôi đang nhận lãnh một phần thưởng to lớn và được cả nước chú ý đến. Tôi có cảm tưởng mình là tên trộm trá hình. Buổi lễ gần đến hồi kết thúc, ban nhạc chơi những bài thật hùng tráng và hàng trăm chim bồ câu được tung lên bầu trời. Tôi ngước mắt lên trời và gởi lòng vào những cánh chim bồ câu, “Chúa ơi, Chúa hiểu thấu lòng con.”

Qua sự kiện này, Ngài muốn tôi trở nên chứng nhân cho những người chưa từng biết về niềm hạnh phúc thật mà Ngài là Đấng duy nhất có thể ban cho. Một trong những điều mà tôi còn nhớ là tôi nhận được một lời mời từ Đài Phát Thanh Viễn Đông. Họ nhờ tôi thực hiện một bài nói chuyện mười lăm phút phát sóng trực tiếp cho những người đang sống tại Bắc Hàn. Suốt đêm, tôi cầu xin Chúa giúp sức cho tôi. Ngài luôn luôn thành tín và không bao giờ để tôi phải thất vọng. Ngài phán, “Đừng lo sợ về những điều con sắp phải nói vì Ta sẽ bày tỏ chính mình Ta cho con.”
Vào ngày phát sóng, tôi đi đến Đài Phát Thanh FEBC. Tôi thấy nhiều bóng đèn đỏ trong nhiều phòng khác nhau. Những người ở đó đang mang máy nghe và đứng bên cạnh các thiết bị máy móc. Tôi lo sợ và cảm thấy choáng váng, chân tôi run lên một cách không kiểm soát được. Tôi nhận được một vài chỉ dẫn và được đưa vào một phòng nhỏ. Một vài phút sau, loa phát ra tín hiệu nhạc, đã đến lúc bắt đầu bài nói chuyện với nhân dân miền Bắc Đại Hàn. Nhà sản xuất lấy tay ra hiệu cho tôi bắt đầu.
Tôi căng thẳng quá đỗi, còn miệng thì khô khốc. Thình lình, tôi thấy đôi môi mình bắt đầu cử động, “Hỡi nhân dân miền Bắc yêu dấu của tôi, chế độ Dân chủ và chế độ Cộng sản không thể nào hòa hợp được. Nhưng có một con đường để trở nên thống nhất một lần đủ cả. Chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng toàn quyền trên không gian và thời gian mới có thể khiến chúng ta trở nên hiệp nhất mà thôi…”

Khi tôi vừa nói lời cuối cùng của mình thì nhà sản xuất đứng bên kia phòng ra dấu bảo thời gian cho phép đã hết. Cuối cùng, tôi lấy lại bình tĩnh và bước ra khỏi phòng. Nhà sản xuất hỏi tôi một cách nghiêm túc, “Trước đây bà có kinh nghiệm làm phát thanh viên không? Bà nói chuyện như một người chuyên nghiệp, thậm chí không cần nhìn đồng hồ.” Tôi nói khẽ với ông, “Tôi chỉ là một người nội trợ. Như chồng tôi nói, tôi chỉ biết nhà cửa, chợ búa và nhà thờ mà thôi.” Tôi bước ra khỏi Đài Phát Thanh Viễn Đông. Ánh nắng rực rỡ ôm choàng lấy tôi.
Ngài bày tỏ chính Ngài cho con cái yêu dấu của Ngài bất cứ nơi nào họ đi tới và Ngài gìn giữ họ trong đôi tay yêu thương của Ngài. Ngài luôn sẵn lòng giúp đỡ những ai khiêm nhường quỳ gối xuống kêu cầu Ngài.
Một ngày nọ, tôi nhận được lời mời đến dự bữa trưa tại Nhà Xanh từ Đệ Nhất Phu Nhân Đại Hàn. Tôi lịch sự từ chối vì đó là ngày của Chúa. Thay vào đó, tôi nhận được lời mời đến nhà Ngài và đến với Ngài như một đứa con bé bỏng của Ngài. Tôi chạy ùa vào đôi tay rộng lớn đầy tình yêu thương của Ngài. Tôi nghe giọng nói trìu mến và ấm áp của Ngài đang phán với tôi.
“Con đây rồi, hỡi con gái yêu dấu của Ta.”


Người Láng Giềng Của Con Rơi Vào Tay Kẻ Cướp

“Ai là kẻ lân cận của con đã rơi vào tay kẻ cướp?”
Ngài hỏi trong tai tôi khi tôi đang ngủ trong chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài. Đó là vào tháng Mười, năm 1966. Tôi cùng bốn người bạn được mời tham dự một Hội nghị do Tổng Thống Tưởng Giới Thạch tổ chức ở Đài Loan. Chúng tôi tới Nhật Bản và Hồng Kông trước khi tới Đài Loan, rồi từ Đài Loan chúng tôi sẽ quay trở lại Đại Hàn.
Tôi cố hiểu những điều mà tôi nghe được trong giấc ngủ. Vì thế tôi đi nằm lại. Sáng hôm sau khi thức dậy, chúng tôi quyết định đi thăm viếng một nhà thờ tại Đài Loan. Đất nước này nổi tiếng về việc thờ thần “baibai.” Nhà nào cũng thờ vị thần nhuốm đầy màu sắc mê tín dị đoan này. Chúng tôi rời khách sạn và nhờ tài xế taxi đưa đến bất kỳ nhà thờ nào gần đó. Ông ta ngừng lại ở một ngôi nhà thờ nhỏ nằm trên một con đường yên tỉnh. Ông để chúng tôi xuống ở đó.

Cửa nhà thờ khóa chặt nên chúng tôi không thể vào. Chúng tôi quyết định cầu nguyện tại thềm đá trước khi rời khỏi chỗ ấy. Chúng tôi vừa cầu nguyện xong thì có một bà trung niên mỉm cười đi về hướng chúng tôi. May mắn là bà nói được tiếng Nhật, nên chúng tôi có thể nói chuyện với bà. Bà là Trưởng ban Nữ Giới của nhà thờ. Sau khi tự giới thiệu với nhau, bà mời chúng tôi dùng bữa tối. Khi chúng tôi đang nói chuyện tại bàn ăn, bà cầm tay chúng tôi và mời chúng tôi hôm sau đến dự Hội đồng Phụ nữ Cơ-đốc tại một trong những nhà thờ lớn nhất tại Đài Loan. Chúng tôi nói không thể đến vì hôm sau là ngày chúng tôi phải rời Đài Loan, nhưng bà nài mời chân thành đến nỗi chúng tôi không thể nào từ chối được.

Chúng tôi thay đổi lịch trình của mình và đến dự buổi nhóm Hội đồng vào sáng hôm sau. Đến giữa buổi Hội nghị, họ hỏi chúng tôi về đức tin của phụ nữ Đại Hàn. Các bạn tôi đẩy tôi về hướng bục hướng dẫn. Đây quả là một sự kiện ngoài dự kiến và tôi chưa chuẩn bị gì cả. Bên cạnh đó, tôi không thể phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi sẽ nói tiếng Nhật và họ sẽ dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Hoa. Tôi học tiếng Nhật từ hồi còn học Tiểu học và Trung học Cơ sở. Mọi thứ trở nên nhòa đi trước mắt tôi.
Đúng vào lúc ấy, Ngài đến bên tôi phán rằng, “Hãy mạnh mẽ và can đảm lên.” Khi tôi mở miệng nói, tôi nhận thấy không phải tôi đang nói mà chính Ngài đang nói qua tôi. Làm sao tôi có thể nói tiếng Nhật lưu loát đến thế được? Tôi nói bằng tiếng Nhật và họ chuyển sang tiếng Đài Loan, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông. Trong lúc đó, Ngài cho tôi thời gian để suy nghĩ về những điều cần phải nói kế tiếp. Hội nghị được tiếp tục diễn ra trong sự bùng cháy thuộc linh thêm vài giờ nữa. Khi buổi nhóm Hội đồng kết thúc, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi bước xuống khỏi bục giảng và bà Trưởng ban Phụ nữ xin tôi đến bệnh viện nơi cháu trai của bà đang ở trong tình trạng nguy kịch, cháu đang thở với mặt nạ ô-xy. Bà nói, “Tôi tin rằng cháu tôi sẽ được chữa lành khi bà cầu nguyện cho cháu.”

Làm sao tôi có thể từ chối được? Thế là chúng tôi cùng nhau đi đến bệnh viện. Cánh cửa phòng mở ra và trước mắt tôi là một bé trai nhỏ thó gầy gò với nhiều ống dẫn xung quanh người. Thằng bé nằm không nhúc nhích. Tôi động lòng thương xót thằng bé tột độ. Nhưng làm thế nào tôi có thể cứu đứa bé này bằng sức lực của mình đây? Tôi phải cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Chỉ có Ngài mới có thể chữa lành người bệnh và khiến người chết sống lại mà thôi. Chính lúc ấy, tôi được nhắc nhở về việc Mục sư Myung đã cầu nguyện chữa bệnh cho tôi khi tôi nằm sải trên đất với mắt cá chân bị bể. Đúng rồi, Ngài đã phán,“Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả.”
Tôi nhắm mắt lại vì nếu tôi mở mắt ra và thấy thân thể ốm yếu bệnh hoạn của thằng bé tội nghiệp, cảm xúc con người của tôi sẽ bị dao động ngay. Tôi cầu nguyện tha thiết để thằng bé được chữa lành và trên hết là sự cứu rỗi linh hồn của cháu. Thậm chí sau khi cầu nguyện xong, tôi vẫn còn lo sợ cho sức khỏe của thằng bé. Tôi từ chối lời mời ăn trưa và quay trở về khách sạn.
Tôi nằm nghỉ trên giường của khách sạn. Nhiều mối lo lắng xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi đại diện cho phụ nữ Đại Hàn đến Đài Loan và được nhờ cầu nguyện chữa bệnh. Tôi lo lắng và bận tâm về nhiều việc quá đỗi đến nổi tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi thức giấc vì tiếng điện thoại reo. Tôi nhấc ống nghe. Đó là bà Trưởng ban Phụ nữ ở ngôi nhà thờ kia.

Bà thốt lên trong niềm phấn khích, “Cám ơn bà thật nhiều! Sức khỏe của cháu tôi đã tiến bộ rõ rệt. Họ đã cởi bỏ mặt nạ ô-xy cho cháu và chuyển cháu từ phòng chăm sóc đặc biệt sang phòng bình thường. Bác sĩ của cháu nói ông không tin được là thằng bé phục hồi nhanh chóng đến thế.”
Lòng tôi chất ngất niềm vui và mọi nỗi sợ hãi trong tôi tiêu biến sau khi tôi được thông báo tin ấy. Một lần nữa, chính Ngài đã thực hiện việc ấy. Ngài đã làm những việc bất khả thi vì cớ Danh Ngài. Qua sự việc này, Chúa đã mở ra một phương hướng truyền giáo mới tại đất nước này. Người Trưởng ban Phụ nữ ấy lại mời tôi tham dự những cuộc họp kế tiếp. Những người bạn đi cùng với tôi phải trở về Đại Hàn, tôi ở lại một mình để thực hiện chức vụ Ngài giao, đó là gieo rắc Tin Lành tại đất nước đầy mê tín dị đoan này.
Tôi đi từ nhà thờ này đến nhà thờ khác làm chứng về Chúa cho các nhóm phụ nữ trong suốt một tháng ở lại Đài Loan. Đó là chuyến đi hoàn toàn ngoài kế hoạch và dự kiến của tôi. Và đó chính là bước khởi đầu nhỏ cho công cuộc truyền bá Tin Lành xuyên Đông Nam Á.

Một ngày kia, chồng tôi gọi điện và hỏi, “Em có ý định quay về không đó?” Tôi thu dọn đồ đạc và suy nghĩ về tất cả những điều Ngài đã làm trong một tháng vừa qua tại Đài Loan. Tôi nhìn ra cửa sổ và cầu nguyện tha thiết cho sự cứu rỗi của đất nước này. Tôi cầu nguyện để Tin Lành đụng chạm đến từng ngõ ngách của Đài Loan. Trong khi cầu nguyện, lòng tôi được cảm động một cách sâu xa. Ngài đến bên tôi và bảo tôi làm chứng về Ngài cho đến tận cùng trái đất. Tôi nói, “Muốn thật hết lòng” trong lòng mình. Đó là đêm cuối cùng tại Đài Loan trước khi tôi trở về nhà.

Từ đó đến nay đã ba mươi ba năm và tôi không hề quên công tác rao giảng Tin Lành cho đến tận cùng trái đất mà Ngài đã kêu gọi tôi bước vào. Đó là ước vọng quý báu duy nhất mà Ngài đặt nơi tôi. Ngài đã đổ huyết ra vì tôi và chưa một lần từ bỏ tôi trong suốt cuộc đời của tôi. Tôi sẽ phục vụ Ngài, dù cho lời kêu gọi ấy đòi hỏi tôi phải trả bất cứ giá nào đi chăng nữa. 

Năm sau đó, tôi lại có cơ hội đi sang vùng Đông Nam Á. Và khi thăm lại Đài Loan, tôi thấy nhiều trái ngọt mà tôi đã trồng cách đó một năm đang lớn lên.
"Ai là kẻ lân cận của con đã rơi vào tay kẻ cướp?"
Chính Ngài đã hỏi tôi câu đó, nhưng cũng chính Ngài đã rơi vào tay kẻ cướp. Chính Ngài đã đổ huyết vì chúng ta; Ngài chữa lành, an ủi chúng ta; xua tan đi sự tối tăm của chúng ta bằng ánh sáng của đức tin, của niềm hy vọng và tình yêu thương trong lòng chúng ta.