Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, September 27, 2012

Người Đàn Bà Hạnh Phúc --4


Giỏ Đầy Thứ Tư: Con Có Thật Lòng Yêu Ta Chăng?

Hoa Nở Trong Bóng Tối 
Các Bạn Thật Đẹp Đẽ Biết Bao 
Người Cha Yêu Dấu Của Tôi 
Vượt Qua Khó Khăn
Hoa Nở Trong Bóng Tối

“Xin hãy để tôi yên, tôi không cần sự giúp đỡ của ai hết.” Anh ta lại từ chối. Tôi nhìn theo lưng anh khi anh quay vào xà lim của mình sau khi thoái thác cuộc viếng thăm của tôi. Tôi quyết tâm quay trở lại nhà tù West Gate vào ngày hôm sau. 
Nhà thờ tôi thường đi ở cách xa nơi tôi sống, nên tôi thường nhóm cầu nguyện buổi sáng ở nhà thờ Shinik gần nhà. Một sáng nọ, lúc tôi đang khẩn thiết cầu nguyện thì giọng nói của Ngài đến với lòng tôi thật sâu xa. Ngài hỏi tôi, “Đã bao giờ con đi thăm một tù nhân trong ngục chưa?”


Tôi đáp, “Thưa chưa, nhưng con đã đi thăm nhiều người nghèo và người bệnh.”
“Nếu Ta ở tù thì con sẽ đến thăm Ta chứ?”
“Chắc chắn rồi, thưa Chúa.” Khi tôi trả lời như thế thì giọng nói Ngài biến mất.
Tiếng nói của Ngài đến với tâm linh tôi vào buổi bình minh ấy suốt ngày cứ văng vẳng trong lòng tôi.



“Nếu Ta ở tù thì con sẽ đến thăm Ta chứ?”
“Vâng, thưa Chúa, nếu Ngài ở trong tù thì con sẽ đi đến tận cùng trái đất để thăm Ngài.” Ngày hôm ấy, lòng tôi cứ không yên. Tôi gọi điện cho một tín hữu có mặt trong buổi nhóm cầu nguyện sáng sớm hôm ấy. Đó là vợ của ông Bộ trưởng Ngoại Giao. Tôi xin bà Byun giúp tôi đến thăm một nhà tù.
Sau vài khâu giới thiệu, tôi được đưa đến gặp Giám đốc nhà tù West Gate. Ông rất tò mò về một người phụ nữ trong độ tuổi ba mươi muốn đến thăm các tù nhân này. 
“Tại sao bà muốn gặp tôi?” Ông hỏi cách lịch sự.
“Tôi là một người nội trợ. Tôi chỉ muốn giúp các tù nhân. Nếu ông có thể giới thiệu cho tôi bất kỳ một tù nhân nào không có họ hàng thân thích hoặc không có ai đến thăm nuôi thì tôi sẽ chăm sóc anh ta như người trong gia đình.”



Ông ta dường như rất cảm động sau khi nghe câu chuyện của tôi. Ông nói, “Tôi sẽ kiểm tra lại danh sách tù nhân và ngày mai sẽ báo cho bà hay.”
Sáng hôm sau, tôi đến nhà tù và có được tên một tù nhân. Tên anh ta là Hoon Kim. Anh lớn lên trong sự chăm sóc của một bà mẹ độc thân. Anh học ở Trường Trung Học Phổ Thông K và sau đó vào Đại học Seoul (giống như Đại học Harvard ở Hoa Kỳ). Trong những ngày đầu, con tim đầy lý trí của anh đã dẫn anh đến với lý tưởng của Karl Marx. Anh rời mẹ mình và đi đến Bắc Hàn để gia nhập vào nhóm những người muốn làm cách mạng cho một nước Triều Tiên mới. Sau đó anh được huấn luyện thành một gián điệp rồi được đưa về miền Nam. Một thời gian sau, anh bị bắt và bị kết án tù chung thân.



Mẹ anh qua đời trong cô đơn vì quá trông ngóng tin con. Anh không có bà con thân thích hoặc bất kỳ ai thăm viếng sau đó. Ngày hôm sau, tôi chuẩn bị bữa trưa trong một cái giỏ và đi đến nhà tù. Tôi ngồi đợi ở phòng thăm thân nhân. Tim tôi đập mạnh với nhiều ý nghĩ chạy dọc ngang trong đầu. Rốt cuộc, một thanh niên cao gầy xuất hiện nơi cánh cửa trong góc phòng. Anh liếc nhìn tôi và ngồi xuống ghế. Anh nói với giọng lạnh lùng, “Tại sao bà lại đến làm phiền tôi? Dù bà có tìm mọi cách để làm tôi vui lòng, tôi cũng sẽ không thể thay đổi niềm tin của mình đối với Cộng sản. Hãy nói với những người ở phe Chính quyền đã sai bà tới là hãy buông tha cho tôi.”
Sự đáp trả của anh đối với bữa ăn trưa ấm áp của tôi đủ lạnh lùng để làm tê buốt con tim của người nội trợ trẻ tuổi. Tôi lấy hết can đảm để nhìn vào anh. Mở giỏ đồ ăn với đôi tay run rẩy, tôi nói, “Tôi không phải là người của Chính quyền. Tôi không quan tâm đến lý tưởng của anh chút nào cả. Tôi chỉ là một người nội trợ bình thường. Tôi chỉ muốn giúp những người tù không có ai thân thích hoặc không ai thăm nuôi. Chỉ có thế thôi.”



Anh ta cười khẩy, “Tôi không phải là thằng ngu để bị kiểu nói dối này lừa phỉnh đâu nhé.” Anh thậm chí cũng không ngó ngàng gì đến bữa ăn trưa mà tôi đem đến, sau đó anh quay trở về xà-lim của mình. Tôi gởi lại đồ ăn cho mấy người coi ngục và ra về trong nỗi thất vọng.
Sau nhiều lời cầu nguyện cùng nhiều lần viếng thăm, cuối cùng tôi cũng làm cho anh ta tin rằng tôi không phải là người do Chính phủ phái đến. Thế rồi, anh bắt đầu chịu trả lời những câu hỏi của tôi và trông chờ những lần viếng thăm của tôi.
Một ngày nọ, anh hỏi tôi một cách rất nghiêm túc. Anh gọi tôi là “Chị.”
“Thưa chị, chị có tất cả. Chị có một người chồng tốt, có con cái và sự giàu có. Nhưng tại sao chị lại đến nhà tù để rồi phải hứng chịu những sự sỉ nhục và khinh bỉ của các tù nhân như tôi? Xin hãy thật lòng nói cho tôi biết.”



Tôi không có câu trả lời. Tôi chỉ lắng nghe tiếng Ngài và vâng phục. Chỉ có thế. Tôi nói với anh ấy, “Hoon à, tôi đến nhà tù để chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi với anh.”
“Dĩ nhiên rồi, thưa chị. Chị có tiền bạc, có danh vọng và mọi thứ để có thể chia sẻ cho những người khác. Nhưng tại sao chị lại muốn chia sẻ với một tù nhân như tôi. Chị đâu thể giúp mẹ tôi. Bà đã chết rồi. Chỉ vô ích thôi.”
“Tôi có thể chia sẻ đồ ăn và áo mặc cho anh nhưng Hoon à, điều tôi thật sự muốn chia sẻ với anh là niềm hạnh phúc thật đáng giá gấp ngàn lần những nhu cầu vật chất kia.”
“Một niềm hạnh phúc như thế không hiện hữu trên trái đất này.”
“Được rồi, chúng ta hãy xem thử niềm hạnh phúc như thế có tồn tại hay không.”
Chủ nghĩa Duy vật bén rễ sâu trong tư tưởng của anh Hoon khiến anh khó lòng hiểu được sự tồn tại của một Thân vị vô hình. Sự việc trở nên khó khăn như thể lấy trứng chọi đá. Thế giới của anh thấm đầy tư tưởng màu đỏ của Cộng sản và con tim anh đã khép lại trong bóng đêm mịt mùng.



Thời gian và nhiều cuộc viếng thăm của tôi trôi qua. Cứ mỗi lần tôi đến, tôi lại nói cho anh Hoon nghe về Chúa Giê-xu và anh lắng nghe một các miễn cưỡng. Rồi sau đó anh lại quay trở về xà-lim của mình. Chẳng lẽ mọi chuyện chỉ tới đây thôi sao? Cứ cách ngày tôi lại đến thăm anh Hoon. Nhưng những lần thăm nuôi của tôi thưa thớt dần vì tôi còn bận bịu với nhiều việc khác. Sau hai tuần vắng mặt, tôi lại đến thăm anh. Nhưng viên cai ngục bảo không ai được phép đến thăm anh Hoon. Mới đây, anh đã bị trào máu miệng do bệnh lao. Anh được chuyển tới một xà-lim đặc biệt để đề phòng bệnh lây sang các tù nhân khác. Vị Bác sĩ của nhà tù nói anh chỉ còn sống được một hoặc hai ngày nữa. Tôi vô cùng sững sốt. Bác sĩ nói ông sẽ báo cho tôi biết khi anh Hoon chết vì anh ta không có ai thân thích.



Tôi không thể quay đầu trở về nhà. Tôi khóc và nài nỉ viên cai ngục cho một cơ hội được gặp mặt anh trước khi anh chết. Cuối cùng, ông đồng ý dù biết rằng làm như thế là vi phạm nguyên tắc của nhà tù. Ông nói, “Vì nguy cơ bị lây nhiễm, tôi chỉ có thể để cô gặp anh ta trong vòng hai phút và cô phải mang khẩu trang và găng tay vào.”
Tôi đi theo viên cai ngục qua những dãy xà-lim dài và cuối cùng chúng tôi đến một xà-lim tối tăm, nhỏ bé. Qua hàng song sắt và dưới ánh đèn điện lờ mờ, tôi nhìn thấy có chiếc chiếu rơm trải trên sàn. Viên cai ngục vừa mở cửa vừa giục tôi mau mau trở ra.
“Ôi Chúa ôi ! Xin hãy tha thứ cho tội của con. Tôi giở chiếc chiếu lên và thấy anh Hoon nằm bất động trên sàn, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt. Anh đang chết dần chết mòn vì sự bỏ mặc của thế giới và con người. Bộ đồ tù màu xanh anh Hoon mặc ướt đẫm máu của anh. Tôi tự trách mình vì đã không đến thăm anh sớm hơn. Tôi khóc. Tôi bỏ găng tay và khẩu trang ra rồi quì xuống sàn nhà ôm lấy Hoon trong cánh tay của mình.



“Hoon, Hoon ơi ! Hãy tỉnh lại và nhìn chị của em nè!” Tôi lay người anh Hoon và khóc thét lên. Anh mở mắt cách yếu ớt và vô vọng. Anh nói, “Chị ơi, em muốn trước khi chết được gặp chị dù chỉ một lần. Xin hãy tha thứ cho sự thô lỗ của em…cám ơn chị về tất cả.”
Đó là lời xưng tội xuất phát từ tấm lòng của anh Hoon. Anh đang cầu xin được tha thứ và cảm ơn tôi vì tình thương mà tôi đã dành cho anh trước khi anh chết.
“Hoon, nếu bây giờ em ra đi, em có chắc là mình sẽ đi tới nơi mà chị thường nói cho em nghe không?” “Không, em không thấy gì cả. Em không tin được điều chị nói. Em đã đến và giờ em sẽ ra đi trong sự hư không.” Tim tôi đau nhói và tan vỡ ra. Tôi ôm cơ thể sắp chết của Hoon trong lòng mình và ngã vật ra sàn. Máu từ miệng anh trào ra nhiều hơn và vấy lên chiếc áo sơ-mi xanh nhạt của tôi. “Ôi Giê-xu, Chúa của con, con không thể để linh hồn của anh Hoon đáng thương ra đi như vầy! Suốt cuộc đời, anh trải qua mọi đau khổ và thăng trầm của thế gian này. Chịu đựng như thế là quá đủ rồi. Nếu anh Hoon phải chịu đựng hơn thế sau khi chết thì con không thể để anh ấy ra đi được. Chúa ôi, xin hãy giúp anh ấy. Chúa Giê-xu của con. Xin hãy cứu lấy mạng sống của Hoon. Thay vào đó, xin Ngài hãy cất lấy mạng sống của con. Con sẽ nhận lấy căn bệnh này cùng những sự đau đớn này. Hãy đổi sức khỏe và sự sống của con cho Hoon. Con không có gì hối tiếc vì nếu con chết, con sẽ được ở với Ngài mãi mãi trong một thân thể vinh hiển. Xin hãy cất con đi và cứu lấy Hoon.”



Tiếng khóc của tôi đã làm cho cái xà-lim nhỏ rung chuyển. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi tin cậy và nương dựa nơi Đấng có toàn quyền trên sự sống của Hoon và tôi. Ngài đã giao cho tôi trọng trách dẫn đưa Hoon về với Ngài. Nhưng tôi đã không làm được. Đó là lỗi của tôi. Tâm hồn của tôi vỡ ra. Hoon đã sống một cuộc đời khó nhọc, phải chịu đựng đủ điều trong hai mươi lăm năm. Còn trẻ như thế vậy mà Hoon đã sắp sửa đi vào bóng tối đời đời. Tôi không thể để anh ấy ra đi như thế được.



Thế rồi khi tôi nhìn máu của Hoon trên nền nhà, trên bộ đồng phục của anh và chiếc áo của tôi, tôi nhận ra đó chính là máu chảy ra từ vết đinh đóng trên cơ thể của Chúa Giê-xu lúc tôi gặp Ngài năm tôi hai mươi ba tuổi. Đó là chính là máu của Ngài khi chịu nhục hình trộn lộn với nhau trên nền nhà và trên quần áo.
Tôi lại khóc thét lên, “Chúa ơi, Chúa cũng đổ huyết ra vì cớ anh Hoon nữa. Ngài không thể để anh ấy ra đi như thế này. Xin hãy cứu lấy anh ấy! Hãy cất lấy sự sống của con thế cho anh ấy.” 
Tôi không thể thở được vì tim tôi đau đớn tột bực. Tôi nhận thấy vết thương và sự đau đớn của anh ta càng khủng khiếp và dữ dội hơn vì cớ tội lỗi của anh ta. Bàn tay, khuôn mặt, áo váy tôi nhuốm đầy máu của anh Hoon. Tôi mang lấy gánh nặng của anh Hoon và cầu xin lòng thương xót của Chúa.



Một lúc sau, từ trong bóng tối tôi dần dần hồi tỉnh và nhận thấy con tim của Hoon đã có một chút sức sống. Anh mấp máy đôi môi xin nước uống. Tôi giựt dây cấp cứu để gọi viên cai ngục. Ông ta và trưởng ngục chạy đến. Viên cai nói khi ông nhìn thấy tôi bỏ khẩu trang cùng găng tay ra rồi ôm lấy người phạm nhân mà khóc thì ông đã tường trình lại cho trưởng ngục và cả hai cùng chờ ở bên ngoài.
Ông đã vượt quá qui định của nhà tù về việc các phạm nhân chỉ được gặp thân nhân của mình không quá mười phút khi ông nhìn thấy những gì diễn ra trong xà-lim, một người nội trợ trẻ tuổi ôm choàng lấy một người tù đang hấp hối vì bệnh lao. Viên trưởng ngục gọi Bác sĩ của nhà tù tới. Bác sĩ khám cho anh Hoon và thấy mạch của anh bắt đầu xuất hiện trở lại. Sau đó, anh Hoon được chuyển tới bệnh viện của nhà tù.
Tôi nhận ra quần áo của mình bê bết máu nên gọi điện bảo tài xế của chồng tôi đem quần áo của tôi đến nhà tù. Khi anh ta đến và thấy tôi trong nhà tù với quần áo đầy máu, anh ta hoảng hốt thật sự. Tôi nhìn thấy Hoon được đưa đến bệnh viện. Tôi về đến nhà vào lúc hoàng hôn. Đó là một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp.



Khuya đêm hôm đó, tôi đã quỳ gối xuống trước Ngài. Tôi không thốt ra được lời nào nhưng những giọt nước mắt nóng hổi cứ chảy dài không dứt. Ngài đã không bẻ gãy một cây lau đã bị dập nát, Ngài đã không dập tắt một niềm hy vọng còn le lói. Tình yêu của Ngài đã đem một linh hồn từ cõi chết đến sự sống. Thần linh của Ngài ngập tràn trong tôi. Tôi có thể cảm nhận sự đau đớn của Ngài khi một linh hồn rơi vào bóng tối đời đời.
Sáng sớm hôm sau, tôi đến bệnh viện. Khi tôi mở cửa phòng, khuôn mặt xanh xao của anh Hoon đang chờ đợi tôi. Đó không phải là thân thể và khuôn mặt mà tôi thấy hôm qua. Đôi mắt của anh ta không còn vô hồn và tuyệt vọng nữa, nhưng chúng chan chứa sự tha thứ và niềm hi vọng, sự bình an và tình yêu thương. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt đẹp như thế.



Khi tôi đến bên giường, anh nhìn tôi và nói rằng, “Chị ơi, em đã thấy Chúa và đã gặp được Ngài rồi. Đó chính là Đấng mà bấy lâu nay chị đã nói cho em nghe.”
Vậy là cuối cùng, anh Hoon cũng gặp được Đấng dù vô hình nhưng đã hiện diện ở cái thế giới không ai thèm ngó ngàng tới này. Ngài đã đến để yêu thương anh và cứu chuộc anh.
“Ngài đến với một người mù chỉ khăng khăng muốn nhìn những cái thấy được. Nhưng Ngài đã chỉ cho em thấy có tồn tại một sự sống và niềm hy vọng thật. Chị ơi, em đã chạm vào Ngài. Ngài đã cứu em thoát khỏi bệnh tật và bóng tối nơi sàn xà-lim lạnh lẽo. Ngài đã ban cho em sự sống của Ngài.”
Đôi mắt của anh Hoon cũng long lanh nước mắt. Vâng, thật Ngài đã đến trong xà-lim tối tăm ấy ngày hôm qua. Ngài đã ôm lấy một linh hồn bệnh tật và bị lãng quên trong cánh tay của Ngài và đổ nước mắt ra vì một thanh niên đơn côi, không nơi nương tựa. Đó là cách Ngài đã giải cứu một linh hồn vốn quý giá hơn cả thế gian.



Sau khi hồi sức, anh Hoon trở lại xà lim trước đây của mình nhưng anh đã trở thành một tạo vật mới. Khi anh nhận lấy quyển Kinh Thánh bìa da từ tay tôi, anh đã tìm kiếm Chúa ngày và đêm để được hiểu biết thêm về Ngài. Anh trở thành một tia sáng nơi nhà giam và chia sẻ câu chuyện của mình cho những người bạn tù đang sống trong sự tối tăm. Anh đem cho họ tình yêu thương và niềm hy vọng mà anh đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Anh đem sự an ủi đến cho những người bạn tù của mình; đó là những tên ăn cướp, những kẻ sát nhân, những tên trộm cắp và anh yêu thương họ. Anh dành phần mình có cho người khác, anh ngủ bên cạnh nhà vệ sinh và anh rửa chân cho họ.
Cuối cùng, người ta nhận thấy anh có hạnh kiểm tốt trong nhà tù nên anh được giảm án thành án tù treo giới hạn. Cuối cùng anh được trả tự do vào ngày Lễ Độc Lập. Lúc còn trong tù, anh đã đưa vô số tù nhân đến với Chúa. Trong số đó có một phạm nhân được Chúa biến đổi sau khi phải vào tù vì tội làm tiền giả. Sau khi gặp Chúa, anh nầy đã ăn năn hết những lỗi lầm của mình, và anh đã vẽ bức tranh Chúa Giê-xu đang cầu nguyện nơi vườn Ghết-sê-ma-nê. Tôi đã tặng bức tranh ấy cho một nhà tù khác ở Masan, Đại Hàn. Đây chính là động lực giúp tôi tích cực tiên phong trong việc dấn thân vào chức vụ tại các nhà tù ở Đại Hàn.



Sau khi được Chúa biến cải, tại trong tù anh Hoon đã theo học một khóa Kinh Thánh Hàm Thụ với một Đại Chủng Viện. Anh dạy đạo cho những người bạn tù của mình, gần ba trăm người một năm. Sau khi họ hoàn tất những khóa học cần thiết, tôi đã đến dự buổi lễ tốt nghiệp ấy và trao cho mỗi người một Chứng chỉ và một quyển Kinh Thánh. Anh Hoon đã trở thành một người tự do và đã chia sẻ tình yêu của Chúa cho nhiều người bên ngoài nhà tù. Hiện nay, anh là Mục sư tại một Hội Thánh lớn ở Seoul, Đại Hàn.
Tôi thật sự cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho phép những việc này xảy ra qua sự đụng chạm vô hình của Ngài. Sau sự việc này, nhà tôi có nhiều khách lui tới hơn. Họ không chỉ là những Mục sư hay Sinh viên Thần học mà còn có thành phần mới. Họ là những người bạn của Chúa, Đấng đã hỏi tôi, “Nếu Ta ở trong tù thì con có đến thăm Ta không?” Tất cả những người ấy đều có cùng một tên, đó là “Ân điển.”



Như Ngài đã phán, “Nơi nào tội lỗi thêm nhiều thì ân điển càng gia tăng.”
Họ là những người hạnh phúc và họ yêu mến Chúa hơn bất cứ ai.
Đôi lúc chồng tôi nói đùa rằng, “Em hãy ra ứng cử Quốc Hội đi, chắc chắn em sẽ được trúng cử đấy.”
Tôi thật là một người phụ nữ hạnh phúc với nhiều người bạn, vốn trước tiên là những bạn thân thiết nhất của Chúa Giê-xu.


Các Bạn Thật Đẹp Đẽ Biết Bao

“Chấp sự Yoo, xin hãy dùng quả trứng gà luộc này.” Bàn tay đang cầm quả trứng chỉ còn lại ba ngón, hai ngón đã bị cắt bỏ và từ các kẻ ngón tay, mũ đang chảy ra.
“Ôi Chúa ôi, xin hãy giúp con ăn quả trứng này!”
Nhà Thờ Đời Sống Mới Của Người Cùi ở Milyang, Đại Hàn đang được một người bạn Mục sư của tôi trông nom. Một ngày nọ, ông lên Seoul và được mời giảng tại Hội Thánh của tôi. Ông đang sống chung và chăm sóc những con người bị xã hội ruồng bỏ. Khi tôi đang lắng nghe bài giảng của ông thì một lần nữa Ngài đã đến với tôi. 
“Ta há chẳng đến với những kẻ bệnh tật, những kẻ nghèo hèn và đau khổ hay sao?”
Ngài rờ đụng tôi và cảm động tôi cách sâu xa. Tôi có thể cảm nhận Ngài đang dẫn tôi đến nơi ấy. Một vài nữ Chấp sự trong nhà thờ được bài giảng cảm động cũng đã quyết định đến thăm và giúp đỡ những người ở đó.



Ngày đầu tiên chúng tôi đến thăm là một kỷ niệm không thể quên được. Mọi người chúng tôi đều sợ hãi. Chúng tôi hết sức cẩn thận để đảm bảo không làm tổn thương những con người vốn đã có một vết sẹo hằn sâu trong cả cơ thể lẫn tình cảm này. Họ tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu. Dù thân thể của họ bị biến dạng nhưng họ rất yêu thương nhau. Không giống như chúng tôi, những người có diện mạo đẹp đẽ nhưng trái tim thì không hề có chút tình thương dành cho nhau.



Ngài đã phán,“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau, như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng phải yêu nhau thể ấy.” Họ là những người bị xã hội lãng quên lâu rồi. Nhưng họ đang giữ gìn lời quý báu của Chúa. Tôi nhận ra rằng Ngài sai tôi đến không phải để giúp đỡ họ mà để biết được ý nghĩa thật của tình yêu thương. Tôi có thể thấy rằng họ đang đi trong ánh sáng của Chúa trước chúng tôi rất xa. Vào chính lúc ấy, tôi đã nhận biết lý do tại sao tôi lại có mặt ở nơi này. Chúng tôi đến không phải để phục vụ nhưng chính chúng tôi được phục vụ bằng những điều đến từ nơi Thiên thượng. Họ không còn là những con người với hình hài xấu xí mà là những người bạn và những người thầy của tôi.
Công việc của chúng tôi là chăm nom những khó khăn về mặt thể xác của họ. Những người này đã hoàn toàn mất cảm giác của cơ thể. Họ mặc đồ ấm trong mùa hè và vì không khí không lưu thông bên trong được nên da họ bị nhiễm trùng và bốc mùi hôi thối. Vào mùa đông, họ lại mặc quần áo mùa hè khiến cho mình mẩy đầy những ghẻ lở do cái lạnh gây ra.



Sau khi trở về từ cuộc viếng thăm ấy, chúng tôi quyết định rằng quần áo của họ phải được thay đổi. Chúng tôi chuẩn bị những bộ quần áo mùa hè bằng sợi nylon và quần áo mùa đông bằng len và vải dầy. Họ mừng rỡ lắm khi tiếp nhận những bộ đồ này. Họ bỏ những bộ quần áo cũ hôi thối đi và mặc quần áo mới vào. Trông họ thật thỏa mãn.
Một thời gian trôi qua, vào một ngày cuối xuân họ xin tôi lên giảng một bài. Ai nấy đều tề tựu trong nhà thờ. Chúng tôi hát tôn vinh và chúc tụng Chúa. Họ không thể theo kịp chúng tôi lúc chúng tôi vỗ tay vì nhiều người trong số họ không còn ngón tay nào. Nhưng thay vào đó, họ đã tôn vinh Chúa bằng cách lắc lư thân thể mình. Những bài ca từ môi miệng họ chính là những bản Thánh ca của lòng biết ơn và niềm hân hoan thật sự. Sự thờ phượng này chắc chắn bay đến Thiên đàng. Sau đó họ khởi sự cầu nguyện.
“Đức Chúa Trời ôi, chúng con cảm tạ Ngài. Chúng con là những kẻ bị ruồng bỏ, bị lãng quên trong xã hội. Thân thể chúng con như nấm độc, không ai muốn đến gần. Nhưng từ khi chúng con gặp Chúa thì, Chúa ôi, chúng con thật hạnh phúc và biết ơn Chúa biết bao.



Ngài đã khiến chúng con trở nên con trai, con gái của Chúa Giê-xu. Đó quả là một đặc ân tuyệt diệu, Chúa ôi! Chúng con hy vọng vào một ngày mà thân thể lở lói, hôi thối của chúng con được biến hóa trở nên một thân thể vinh hiển. Lúc đó, chúng con có thể chạy nhảy và thờ phượng Chúa với đôi bàn tay có đủ mười ngón lành lặn. Chúa ôi! Thật đó là sự trông cậy của chúng con ngày hôm nay. Chúng con cảm tạ Chúa Cứu Thế Giê-xu.”



Họ cầu nguyện và dâng lên Chúa lời cảm tạ trong nước mắt. Chưa bao giờ tôi chứng kiến một tình yêu chân thật và một lòng tin cậy trọn vẹn nơi Chúa đến thế. Một vài người chỉ còn lại nửa khuôn mặt, một số không có mũi, chỉ có hai lỗ nhỏ để thở; có người chỉ còn một con mắt nhưng mở ra một cách khó khăn. Thế mà họ vẫn ca ngợi và thờ phượng Chúa với cả thân thể của mình.
Đây là tình yêu không thể đo lường. Nó không giống như tình yêu vị kỷ của tôi. Đó chính là tình yêu đến từ thiên thượng. Bằng tình yêu đối với Chúa, họ đã dâng trọn bản thân của mình lên cho Ngài vì họ đã nhận được từ nơi Ngài một tình yêu vô điều kiện. Tôi tin chắc rằng Ngài đã hiện diện ở đó giữa vòng những con người này và Ngài tiếp nhận sự vinh hiển của họ trong niềm vui sướng.
Ngài không muốn ngự giữa những người mặc những bộ quần áo sang trọng, ngồi trong ngôi nhà thờ rộng lớn nào đó nhưng chỉ biết tìm kiếm sự vinh hiển cho chính mình. Còn đây là buổi nhóm của những con người bị ruồng bỏ vì khuôn mặt và thân thể dị dạng của họ; họ bị xã hội và thậm chí chính gia đình của mình lãng quên. Nhưng Ngài đã ở đây với họ và Ngài đang đón nhận những bài ca cảm tạ và chúc tụng của họ. Bài giảng mà tôi đã giảng cho họ không là gì cả. Chính những con người ấy đang yên lặng dạy dỗ tôi. Mùi hôi thối xông ra từ cơ thể lở loét của họ giờ đây trở nên mùi thơm không thể diễn tả được. Tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự bình an từ nơi thiên thượng và niềm hạnh phúc đang ngập tràn trong ngôi nhà thờ bé nhỏ và xập xệ ấy.
Trong ngày hôm đó, mắt tôi đã trông thấy rõ ràng, những con người đang ngồi trên sàn trước mặt tôi là những người mà Ngài yêu thương nhất. Nhiều người trên thế giới nắm trong tay danh vọng, quyền thế và sự giàu có nhưng chính những điều này đã khiến họ không gặp được Chúa và rờ đụng Ngài. 



“Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!" Quả thật, tôi đã thấy Nước Trời trong họ. Những bài thánh ca chúng tôi hát trong ngôi nhà thờ bé nhỏ ấy đã thấu đến ngôi thi ân của Chúa. Ngài đổ đầy tâm hồn họ bằng sự an ủi và sự bình an của Ngài. Đó không phải là niềm hạnh phúc mà thế gian đang tìm kiếm. Sự bình an thiên thượng đang tuôn chảy trong những con người ấy.
Một ngày kia, khi tôi đến thăm họ thì có một bà cụ mỉm cười bẽn lẽn trao tặng cho tôi một chiếc hộp nhỏ mà bà cầm bằng bàn tay chỉ có hai ngón của mình. Tôi cảm ơn cụ và đưa hai tay đón nhận chiếc hộp đó. Tôi mở chiếc hộp ra và thấy bên trong là một chiếc nhẫn nhỏ rất đẹp làm bằng pla-tin. Đó là một kỷ vật mà họ đã dùng để bày tỏ lòng biết ơn đối với một người đã thật sự đến nói chuyện với họ, cười với họ, khóc với họ và an ủi họ.
Đó là món quà vô cùng quý giá. Với tôi, nó quý giá hơn bất cứ trang sức bằng bạc hay vàng nào trên thế giới. Họ chỉ có thể có chiếc nhẫn này từ việc đi ăn xin từ nhà này sang nhà khác. Họ bị làm nhục, bị mắng nhiếc và bị nhổ vào mặt, nhưng họ đã dành dụm những đồng tiền ấy trong nhiều tháng để có thể mua được chiếc nhẫn này. Bằng số tiền dành dụm được, họ đã mua chiếc nhẫn đượm đầy tình yêu thương này cho tôi. Họ đeo chiếc nhẫn vào tay tôi và xin tôi cầu thay cho họ mỗi khi tôi nhìn thấy chiếc nhẫn trên ngón tay mình.



Tôi không xứng đáng với điều này. Tôi đã nhận được tình yêu dư dật từ nơi họ. Tôi chẳng làm được gì nhiều cho họ. Tôi thật sự không xứng đáng nhận chiếc nhẫn này nhưng họ cứ nài nỉ tôi mang nó vào. Tôi mới chính là người phung cùi thật sự. Tôi muốn dâng chiếc nhẫn cho Đấng đã giúp tôi nhận ra rằng tôi quả thật là một người phung. Tôi thấy Ngài dang tay về phía tôi, ở giữa bàn tay có một cái lỗ đinh nơi máu vẫn còn chảy ra. Xương Ngài nát tan vì bị đinh đóng. Đó không phải là một bàn tay đẹp đẽ, mềm mại và thơm tho mà là một bàn tay dị dạng, thô ráp nhuốm đầy máu. Đó cũng chính là bàn tay tương tự như của những người phung ở đây mà tôi đã thấy được như là dấu chỉ của những vết sẹo và những sự khổ đau. Tôi đã khóc rất lâu. Tôi sẽ ra sao nếu không có Ngài? Chính Ngài đã đưa tôi đến đây. Chính Ngài đã giúp tôi có thể yêu thương họ. Chính Ngài đã khiến tôi có thể cùng ăn uống, cùng khóc, cùng cười với họ. Tôi dâng chiếc nhẫn cho Ngài trong lòng tôi.



Cứ mỗi lần tôi đi thăm làng của những người phung về, chồng tôi buộc tôi phải cởi giầy và quần áo trước khi vào nhà. Ông quát tháo bảo tôi phải tắm rửa bằng xà bông trước rồi mới được vô nhà. Làm sao chồng tôi có thể hiểu được kho tàng quý báu được chôn giấu ấy?
Ngài đã chẳng nói với tôi rằng những người phung ấy là những người sạch sẽ thật sự trước mặt Ngài và rằng Ngài rất yêu thương họ sao? Một lần nữa, tôi dâng lời cảm tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội được biết họ và phục vụ họ. Trên hết tất cả, tôi cảm tạ Ngài đã mở mắt cho tôi nhìn những thuộc viên tại Hội Thánh Sự Sống Mới như những đứa con của Sự sáng.
Họ phục vụ lẫn nhau. Người có mắt trở thành mắt của người đui. Người có ngón tay giúp đỡ người không tay. Người có chân trở thành chân cho những người không thể đi được. Họ giúp đỡ lẫn nhau khi cần mà không có chút vị kỷ nào trong tâm trí.
Thật là một bức tranh tuyệt đẹp của một Thân Thể Trong Đấng Christ! Họ đang sống cuộc sống thiên đàng ngay trên đất. Họ không có chút kiêu căng, ganh tỵ và ích kỷ trong lòng. Họ an ủi nhau, chăm sóc cho nhau và bày tỏ lòng thương xót đối với nhau trong sự khiêm nhường và hạ mình.



Chúa đang nhỏ nhẹ phán với họ:
“Các con trông như thấp hèn nhất nhưng lại cao trọng nhất.
Các con trông như nghèo nàn nhất nhưng lại giàu có nhất.
Các con trông như phải chịu đựng nhiều nhất nhưng lại được an ủi nhiều nhất.
Các con trông như buồn bã nhất nhưng lòng lại tràn ngập niềm vui.
Các con trông như những kẻ thất vọng nhất nhưng lại là những người hạnh phúc nhất.
Bởi vì Ta là Chúa, là Cha của các con và các con là những người mà Ta yêu quý nhất.”
Họ thật sự là những người hạnh phúc nhất trên thế gian. Họ được Ngài cất nhắc lên cao và ban cho đức tin, sự trông cậy và tình yêu cùng với tất cả những ơn phước thiên thượng mà không điều gì trên trần gian này có thể mua được.


Người Cha Yêu Dấu Của Tôi
Tôi đi đến phòng hồi sức của bệnh viện, nơi cha tôi được đưa đến sau khi trải qua cuộc giải phẫu kéo dài nhiều giờ liền. Thuốc mê khiến ông chưa thể hồi tỉnh lại, còn đôi mắt ông thì bị băng kín. Cho đến thời điểm cách đây bốn mươi năm thì việc giải phẫu cho những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể vẫn còn là một trong những ca giải phẫu phức tạp nhất. Bệnh nhân trải qua những cuộc phẫu thuật loại này thường bị mù vĩnh viễn hoặc thậm chí có thể tử vong.


Người cha già của tôi có mắt bị đục thủy tinh thể lâu năm và việc này khiến cho thị lực của ông mất hẳn. Ban đầu, các Bác sĩ do dự trong việc thực hiện cuộc phẫu thuật, nhưng sau đó họ đã quyết định tiến hành ca mổ. Tim tôi thắt lại khi tôi bước vào phòng nơi cha tôi nằm. Hằng ngày, tôi bận rộn đưa nhiều người lạc mất về với Ngài nhưng tôi bất lực không thể đưa chính người cha của mình đến với Ngài.



Chuyện gì xảy ra nếu cha tôi qua đời trên giường bệnh? Ôngsẽ phải hư mất trong bóng tối đời đời. Cha tôi rất thương yêu tôi vì tôi là con gái duy nhất của ông. Mọi thứ tốt nhất có được, ông đều dành cho tôi. Tôi đã cố gắng nói nhiều lần nhưng ông vẫn từ chối tiếp nhận Chúa. Tôi không thể để ông ra đi như thế được.
Tôi nắm chặt lấy tay cha tôi và cầu nguyện rất lâu cho sự cứu rỗi của linh hồn ông. Ý nghĩ sẽ mất cha tôi vĩnh viễn khiến tôi bật khóc trong niềm đau đớn khôn nguôi. Tôi nhìn cha tôi nằm trên giường và cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.



“Cha ơi, xin mở mắt ra và nghe con nói đây! Đây là ước nguyện duy nhất của đứa con gái của cha. Xin cha hãy mở lòng ra và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Chúa của cuộc đời mình."
“Lạy Chúa Giê-xu, xin hãy giúp cha con; xin hãy kéo dài sự sống của ông, con không thể để cha con ra đi khi chưa gặp được Ngài. Xin hãy mở đôi mắt mù lòa của ông, xin hãy mở đôi mắt thuộc linh của ông để ông có thể thấy những điều không thể nhìn thấy được, là thế giới tâm linh của thiên đàng." Tôi nắm tay cha tôi và cầu nguyện trong nước mắt bên giường ông rất lâu.
“Con yêu của cha, cha hiểu rồi. Đừng khóc nữa. Khi mắt cha mở ra, cha sẽ gặp được Đấng mà nhiều lần con đã thuyết phục cha đặt niềm tin vào. Rồi cha cũng sẽ đi nhà thờ nữa. Hãy nín đi con.”



Sau khi từ bệnh viện trở về, cha tôi bắt đầu chống gậy đi nhà thờ như ông đã hứa. Lúc ấy, ông được bảy mươi ba tuổi. Ông sống thêm được bảy năm nữa. Ông nói với tôi trước lúc qua đời rằng, “Ang Son yêu dấu của cha, cha không biết tại sao cha không gặp Ngài sớm hơn. Ngài quả là một Đấng kỳ diệu. Cha là một người có tội, nhưng Ngài đã cất hết tội lỗi của cha đi. Giờ đây, Ngài sắp đem cha về với Ngài. Cha biết ơn Ngài lắm!”
Bây giờ cha tôi đã về với Chúa. Lòng tôi ngập tràn sự bình an và lòng biết ơn đối với Ngài.
“Giờ cha sẽ đi trước con. Hãy làm nhiều việc lành cho Ngài, bao gồm luôn cả phần của cha mà cha không làm được. Cha sẽ lại đoàn tụ với con trong niềm hạnh phúc. Con gái yêu dấu, cha cảm ơn con nhiều lắm.”



Cha tôi mỉm cười khi ông về với Chúa vì biết rằng một ngày nào đó ông sẽ gặp lại tôi. Cha tôi nắm lấy tay Chúa khi ông ra đi về thiên đàng, là nơi không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa mà chỉ có sự bình an và niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Bảy năm cuối đời của cha tôi là những chuỗi ngày tuyệt vời. Bảy năm trước đó đang khi nằm trên giường bệnh, ông kể với tôi rằng ông đã tỉnh giấc với cảm giác có một cái gì đó âm ấm đang nhỏ lên tay ông. Ông cố mở mắt ra nhưng không thể. Nhưng ông biết có một người nào đó đang ở bên cạnh ông. Khi ông cố lắng tai nghe thì ông nhận ra đó là con gái yêu dấu của ông. Đó là tình yêu thật sự mà một người con gái dành cho cha của mình. Trong dòng nước mắt, ông đã quyết định tiếp nhận Ngài. Đêm hôm đó, người rơi nước mắt không phải là tôi mà chính là Ngài.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Những giọt nước mắt yêu thương của Ngài đã trở thành những giọt máu làm tan vỡ tấm lòng cứng cỏi của cha tôi.


Vượt Qua Khó Khăn

"Thưa bà, nếu bà không trả đủ 400,000 won (đơn vị tiền Đại Hàn) cho tiền nhân công và tiền vật liệu thì tôi buộc lòng phải đến làm phiền bà vào buổi nhóm sáng mai.” Đó là lời Giám sát trưởng công trình nói với tôi. Tôi phải làm gì đây? Chồng tôi chấp thuận lời thỉnh nguyện của tôi là xây một ngôi nhà thờ và công ty gỗ đã hứa sẽ cung cấp gỗ cho chúng tôi. Họ nói sẽ bán loại gỗ cùng loại gạch nung tốt nhất cho việc xây dựng nhà thờ. 
Tôi mừng rỡ vô cùng và gọi điện cho Mục sư Quản Nhiệm để thông báo tin đó. Ông nói phải tìm một người để trông coi vật liệu, nhân công và tiến trình xây dựng. Tôi không cảm thấy thoải mái với ý tưởng ấy, nhưng tôi không thể tranh cãi với ông khi ngôi nhà thờ đang được xây cất. Tôi thuyết phục chồng tôi chấp thuận dù ông không hiểu về quá trình này. Tôi đưa toàn bộ số tiền xây nhà thờ cho vị Mục sư Quản Nhiệm. Công ty xây dựng mà ông thuê thuộc quyền sở hữu của anh vợ ông. Công trình được khởi công và trong hai tuần đầu tiên, mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp.



Tuy nhiên, sau đó thì chất lượng gạch và gỗ không còn tốt như lúc ban đầu nữa. Tiền công trả cho thợ cũng không được phân phát đúng hạn. Chẳng bao lâu sau, công trình buộc phải dừng lại. Tôi đến nhà anh vợ của Mục sư để theo dõi tình hình. Ông là người đã lãnh toàn bộ số tiền cho công trình nhưng đã giảm chất lượng vật liệu xây dựng và thậm chí còn bớt xén tiền công của thợ. Ông ta đã chạy trốn cùng với số tiền còn lại.
Một vấn đề nan giải khác ập đến đó là chồng tôi bảo tôi cất bảy triệu rưỡi won vào két sắt để lo cho kế hoạch chuyển nhà của chúng tôi. Đây là số tiền chúng tôi có được khi bán ngôi nhà cũ. Một ngày nọ, chấp sự Cho đến hỏi mượn một số tiền trong vòng một tháng. Vì có vị Mục sư mà tôi tin cậy đứng ra đảm bảo nên tôi đã cho ông cho mượn số tiền đó.
Hai tháng trôi qua nhưng không hề có tin tức gì về chấp sự Cho, tôi đâm ra lo lắng. Tôi hỏi ông Mục sư thì biết rằng ông Cho đã lừa những người trong nhà thờ. Ông ta đã bán ngôi nhà của mình và biến mất dạng. Tôi phải làm gì đây? Số tiền cho việc xây dựng đã bị mất và công trình đang bị đình trệ.



Trên hết mọi sự là số tiền mà chồng tôi nhờ tôi cất giữ đã không còn nữa. Tim tôi đập mạnh trong nỗi sợ hãi mỗi khi tôi nghe thấy chồng tôi về tới nhà. Cuối cùng, tôi quyết định tự tử để làm tròn bổn phận đạo lý đối với chồng tôi. Tôi không còn sự chọn lựa nào khác. Tôi viện lý do để tránh mặt chồng tôi trong bữa ăn sáng. Chồng tôi nghĩ là tôi bị bệnh nên bảo tôi đi khám Bác sĩ. Rồi tôi nhận ra rằng tôi không thể tiếp tục nói dối ông được nữa. Dường như ông hiểu điều gì đang xảy đến cho tôi. Tôi kể lại toàn bộ sự việc cho chồng tôi nghe và ông chỉ im lặng.
Sau đó, chồng tôi đã nói với tôi, “Nếu em chết đi, anh có thể tìm một người phụ nữ khác để làm vợ, nhưng không ai có thể thay thế vị trí người mẹ của năm đứa con của em. Anh sẽ nghĩ rằng anh đã trả số tiền bảy triệu rưỡi won để có được em. Vì vậy, đừng nghĩ đến cái chết nữa mà hãy ăn uống đi.” Tôi thật lòng muốn mình được chết đi. Nhưng tôi chỉ có thể nói được với chồng tôi là tôi rất hối hận về việc đó. Tôi không biết một chút gì về thế giới bên ngoài. Tôi chỉ là một người nội trợ bình thường. Khi người ta thấy tôi có một số tiền lớn thì họ liền đến lừa gạt tôi để lấy số tiền đó.
Chồng tôi là một người vô cùng rộng lượng, nhưng bản chất của tôi là quá tin người. Vì lẽ đó, tôi đã cho người khác mượn tiền mà không cân nhắc kỹ. Hậu quả là tôi phải trả lại tiền cho người ta không biết bao nhiêu lần.
Sau này, tôi đọc phần Kinh Thánh nói rằng chớ làm người dễ dàng mắc nợ và tôi nghĩ rằng tôi đáng phải gánh lấy sự đau đớn và mất mát này vì đã không vâng theo lời Kinh Thánh.



Khi những việc này xảy ra và khi tôi quyết định tự tử, Ngài bảo tôi hãy làm một sinh tế sống. Phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu được ý nghĩa của việc sống như một người tuận đạo và việc ấy đem đến cho tôi càng nhiều đau đớn hơn nữa. Dầu sao đi nữa, bằng sự độ lượng của mình, chồng tôi đã tha thứ cho lỗi lầm của tôi.
Về phần nhà thờ, tôi phải mượn tiền của cha tôi để công trình được tiếp tục. Trong nhiều tháng liền, mỗi ngày tôi đội trên đầu bữa trưa và đem đến công trường cho công nhân ăn. Việc này thật cực nhọc nhưng tôi rất vui khi thấy việc xây dựng nhà thờ được tiến triển tốt đẹp. 



Cuối cùng, ngôi nhà thờ cũng đã hoàn tất trong mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi lễ cung hiến đền thờ vào sáng ngày hôm sau thì những người này đến dọa sẽ phá hỏng buổi thờ phượng nếu tôi không trả cho họ 400,000 won. Tôi ngồi xuống cạnh gốc cây gần ngôi nhà thờ và khóc.



Tôi không còn cách nào khác ngoài việc đi vay tiền. Rồi tài xế của chồng tôi về nhà và đưa cho tôi một phong bì màu vàng. Anh nói chồng tôi bảo tôi cất 500,000 won để sau này có việc dùng tới. Tai tôi mở ra khi nghe đến chữ tiền. Tôi cầm lấy phong bì và trích ngay 400,000 won là số tiền mà tôi còn nợ lại sau việc xây dựng. Tôi chạy ngay đến công trường và trao cho họ số tiền. Tôi cảm tưởng như mình có thể bay bổng lên. Vậy là ngày mai chúng tôi có thể dâng ngôi nhà thờ gạch đỏ này lên cho Chúa. Thật là một điều vinh hiển danh Ngài biết bao.



Mọi khó khăn của tôi dường như tiêu biến. Nhưng không được bao lâu thì tôi nhận ra tôi phải trả lại cho chồng tôi số tiền tôi đã rút ra. Làm sao tôi có thể nhìn mặt chồng tôi đây? Chỉ mới vài ngày trước chồng tôi đã tha thứ cho tôi về những món nợ mà tôi mang lại cho ông. Không còn con đường nào khác hơn là tìm đến cái chết. Tôi không thể ăn uống gì cả. Tôi chỉ khóc và khóc mà thôi. Và tôi nghe một giọng nói đàn ông trước cửa nhà.



“Có phải đây là nhà của bà Yoo không?”
Tôi nghĩ họ đến nhầm địa chỉ. Tôi phải lau nước mắt mình trước khi có thể trả lời họ