Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, September 28, 2012

Người Phật Giáo Nghĩ Về Thiên Đàng Như Thế Nào?


Là người Tin lành nhưng với nỗ lực tìm hiểu tâm tư suy nghĩ của đồng bào theo Phật giáo, tôi xin nêu một vấn đề để tất cả mọi người quan tâm có thể cùng nhau thảo luận và góp ý thêm. Đó là cảm nhận của người Phật giáo về hai chữ “thiên đàng”. Người Cơ Đốc giáo chúng ta thường hay khuyên thân hữu rằng, “Hãy tin Chúa đi để được vào thiên đàng”. Đó là phước hạnh lớn lao mà chúng ta muốn mời thân hữu bước vào nhận lấy. Nhưng chúng ta có đặt mình vào vị trí của thân hữu để cảm nhận họ nghĩ gì không, hay chỉ một mực dạy và dạy họ phải làm cái này cái kia.

Đạo Phật ít dùng nguyên ngữ “thiên đàng” nhưng họ có những khái niệm khác tương đương. Thiên đàng có thể được chuyển nghĩa thành “Niết Bàn”, “Cực Lạc”, hay “Cõi Thiên”. Niết Bàn của Phật giáo là nơi dứt bỏ cái khổ, hoàn toàn thanh tịnh, một từng trải huyền nhiệm không thể mô tả bằng lời. Như vậy Niết Bàn không phải là nơi sung sướng đời đời như thiên đàng của Cơ Đốc giáo, mà là nơi không sướng cũng không khổ, vì có sướng là có ham muốn, mà ham muốn thì sẽ rơi vào vòng luân hồi trở lại! Theo đạo Phật, chỉ có người đắc đạo chánh đẳng chánh giác (thành Phật) thì mới vào được Niết Bàn, nơi đó không còn có thể hồi chuyển (rơi trở vào vòng luân hồi). Chúng ta nên lưu ý là người Phật giáo rất sợ bị “tái sanh” vì họ hiểu đó là luân hồi đắm chìm vào bể khổ triền miên!
Điều thứ hai người Phật giáo có thể liên tưởng đến khi nói về thiên đàng, đó là Cõi Cực Lạc. Theo Phật giáo (Tịnh Độ Tông), Cực Lạc là nơi trung chuyển để tu tiếp vào Niết Bàn, nơi đây cũng không có hồi chuyển nên có thể “an tâm” tập trung tu tập để đạt chân tri giác ngộ. Cực Lạc chưa phải thanh tịnh tuyệt đối như Niết Bàn mà chỉ là nơi “thỏa lòng”, an nhiên tự tại, tức là vẫn có cảm giác nào đó tuy đó không phải là cảm giác ham muốn hay tội lỗi khiến con người lại rơi vào vòng luân hồi. Đặc biệt là cách thức để vào Cực Lạc là trì niệm danh Phật A Di Đà với lòng thành kính, chỉ cần thành tâm tụng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà thì ngài sẽ cứu độ người đó vào nơi Cực Lạc Tịnh Thổ. Điều này na ná giống như giáo lý “chỉ tin Chúa Giê-xu (kêu cầu Danh Chúa) thì được cứu”, cho nên thân hữu Phật giáo có thể chấp nhận giáo lý cứu rỗi của Cơ Đốc giáo nhưng theo cách hiểu của họ.
Điều thứ ba người thân hữu Phật giáo có thể nghĩ đến là Cõi Thiên. Theo giáo lý Phật giáo, ngoài Niết Bàn-Cực Lạc là nơi không có luân hồi, có sáu cõi luân hồi là Cõi Thiên, cõi người, cõi a-tu-la, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, địa ngục tùy theo nghiệp báo nặng nhẹ, trong đó Cõi Thiên là sướng nhất, ở đây chúng sanh nào vào thì được hưởng phước một thời gian dài tùy công đức của mình (trăm năm, ngàn năm, vạn năm…) rồi sau đó cũng phải quay trờ vào vòng luân hồi để làm lại từ đầu. Đạo Phật đưa vào cõi Thiên này các thần linh của các tôn giáo khác như Ngọc Hoàng Thượng Đế (của Lão giáo), Đế Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) của Ấn Độ giáo, cả Mahômét và Chúa Giê-xu của Hồi giáo và Cơ Đốc giáo nữa. Những vị trong Cõi Thiên dù có thần thông quyền phép nhưng thấp hơn Phật nhiều vì sau khi mãn hạn hưởng phước, họ sẽ trở lại luân hồi như người thường, thậm chí có thể thành quỷ hay loài súc sanh nếu các vị đó làm điều ác gây nghiệp chướng nặng.
Tóm lại thân hữu Phật giáo (những người am hiểu giáo lý Phật giáo như trên) có thể tủm tỉm cười và gật đầu khi nghe chúng ta làm chứng về đức tin nơi Chúa Giê-xu, có thể họ đồng hóa Chúa Giê-xu với Phật A Di Đà của họ nên thấy tin Chúa cũng như niệm Phật A Di Đà, cuối cùng sẽ được vào cõi Cực lạc thôi. Họ cũng có thể cho rằng theo đạo Cơ Đốc cũng là một cách tiện lợi để vào Cõi Thiên, hưởng phước ngàn năm!
Khi biết những chỗ người Phật giáo có thể hiểu lầm thì chúng ta phải tìm cách nhấn mạnh:
  • Thiên đàng là cõi đời đời (chớ không có kỳ hạn như Cõi Thiên của Phật giáo)
  • Thiên đàng là nơi có từng trải huyền nhiệm (không thua gì Niết Bàn), nhưng sở dĩ được như vậy là vì nơi đó có sự tương giao phước hạnh với Chúa.
  • Thiên đàng không phải cái gì đó thanh tịnh trống không, mà là nơi tràn ngập vui mừng và hạnh phúc.<
Người viết nghiệm thấy rằng việc làm chứng về giáo lý có thể có nhiều điều hạn chế, điều quan trọng nhất khi làm chứng là phải đưa thân hữu đến gặp chính Chúa là Đấng Cứu Chuộc.
Bài viết còn thô sơ, mong chờ sự đóng góp thêm của quý vị. Nếu quý vị có thắc mắc về những giáo lý Phật giáo mà tôi nêu lên ở đây thì có thể vào tra cứu trong các trang web Phật giáo có liên quan.

Trương Ngọc Bích, M.Div.