Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, September 27, 2012

Chân Giả Luận--4


4. Có nên thờ lạy tổ tông không?


Có người đặt câu hỏi là, "Tổ tông đã sanh ra ta, ta cũng chẳng nên quên, như lời thầy Tăng Tử có nói: "Thận chung truy viễn, dân đức quí hậu hĩ." Tại sao lại không thờ tổ tông?
Muốn rõ lẽ ấy, trước phải hiểu nghĩa chữ tổ tông là gì. Chữ tổ là "bổn" cội, tông là "côn" rễ; cội rễ của loài người gọi là tổ tông. Nay bắt từ bổn thân ta mà kể lên cho đến nguyên tổ, rồi hỏi ai sanh ra nguyên tổ của loài người? Ai cũng phải trải lời: Ấy là Trời sanh ra. Vậy, đã biết Đức Chúa Trời là Cội Rễ và Tổ Tông của loải người thì kính thờ Đức Chúa Trời tức là kính thờ tổ tông, không kính thờ Đức Chúa Trời tức là quên bỏ tổ tông vậy.

Sách Nho có câu: "Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên." Cây không rễ không sanh ra nhành lá, nước không nguồn thì cạn dòng. Loài người không có nguyên tổ lấy đâu mà sanh người đời nay? Các ông thờ lạy tổ tông được mấy đời? Thờ trong nhà chẳng qua được hai ba đời, trong họ chẳng qua đôi mươi đời, trước đôi mươi đời đó, há không có tổ tông xa hơn nữa sao? Nếu không có tổ tông xa, ai sanh ra tổ tông gần? Thế mà các ông chỉ thờ tổ tông gần, chớ không thờ tổ tông xa, thì có hiệp lẽ chăng?
Nói cho hết lẽ, chớ thật không có thể thờ hết thảy bao nhiêu đời tổ tông của loài người được. Vả, theo điều răn của Đức Chúa Trời ngoài Ngài ra, không nên thờ ai cả. Cho nên chúng tôi chỉ thờ một mình Đức Chúa Trời, là Tổ Tông của tổ tông chúng ta.
Đây xin cắt nghĩa mấy chữ "Thận chung truy viễn" là thế nào. Thận chung nghĩa là khi cha mẹ lâm chung, làm con phải hết lòng cẩn thận, trông nom cho cha mẹ qua đời êm ái, sau đó, phải chôn cất hẳn hoi. Truy viễn nghĩa là tưởng nhớ công ơn và noi theo lời dạy bảo của tổ tông, cha mẹ. Các ông chỉ thờ tổ tông đôi mươi đời, không gọi là truy viễn được. Muốn truy viễn, phải truy đến Cội Rễ của loài người. Cội Rễ ấy là Ai? Là Đức Chúa Trời vậy.
Vả, các ông lấy sự cúng giỗ để tỏ lòng hiếu kính tổ tông, nhưng tiếc thay, khi cha mẹ còn sống, lắm người bận việc sĩ, nông, công, thương, hoặc sa đắm tửu, sắc, yên, đổ, bỏ cha mẹ già yếu ở nhà, mưa mai không biết, nắng chiều nào hay, đồ ngon ngọt cũng không, lễ thần hôn cũng thiếu! Một mai cha mẹ qua đời, liệm cứng vào hòm, thắp hương đèn, đốt vàng mã, đặt bò, heo trước quan tài, rồi vái rằng: "Vong hồn cha mẹ sống thì khôn, thác thì thiêng, về hưởng của lễ này."
Làm như thế, các ông cho là tỏ lòng hiếu, thật ra chẳng có hiếu gì trong đó. Vì đồ cúng dọn ra chẳng thấy ông bà về ăn, để lâu thiu vữa, ruồi bu kiến đậu, nào có ích gì? Nếu tổ tông có về ăn thật, một năm chỉ cúng tế đôi ba lần, còn những ngày khác, tổ tông ăn ở đâu? Chỉ cúng tế tổ tông gần mà thôi, còn tổ tông xa không được cúng tế, há chẳng đói khát sao?
Chúng tôi theo đạo Tin Lành trên chỉ thờ một mình Đức Chúa Trời, dưới hiếu kính cha mẹ, hằng ngày cung hiến sự cần dùng cho cha mẹ khi mạnh khỏe, lo chạy thuốc thang khi già yếu; đến khi cha mẹ qua đời, chôn cất tử tế, và ghi nhớ công ơn luôn luôn. Ấy là chúng tôi thực hành câu "thận chung truy viễn" vậy.