Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 29, 2012

Học Nhìn Khiêm Nhường


Kính thưa quý thính giả,

Đức Chúa Trời chống kẻ kiêu ngạo nhưng ban ân sủng cho người khiêm tốn.
Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau khám phá những đề nghị của mục sư Charles Joseph Mahaney, tác giả của quyển sách “Humility - True Greatness” (tạm dịch là “Khiêm Nhường - Sự Cao Quý Thật”) về cách áp dụng nguyên tắc sống khiêm nhường của Thánh Kinh vào đời sống thực tế, khi một ngày mới bắt đầu và khi một ngày chấm dứt.

Hôm nay, kính mời quý vị cùng tập trung để nhìn về một số phương diện quan trọng trong đời sống, để cùng học hỏi và rèn tập cho bản thân cách nhìn khiêm nhường. Một khi có được cách nhìn khiêm tốn, thì mọi suy nghĩ, thái độ sống, mọi lời nói cùng với hành vi cử chỉ của bạn và tôi cũng sẽ thay đổi theo cách nhìn khiêm nhu nhún nhường đó.


Điều đầu tiên quan trọng hơn hết mà chúng ta cùng nhau nhìn đến là những thuộc tính quan trọng của Đấng Tạo Hóa, là Đấng dựng nên vũ trụ và muôn loài, trong đó có bạn và tôi.
Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa dựng nên loài người theo ảnh tượng của Ngài. Chúng ta được ban cho những thuộc tính của Ngài, như biết yêu thương, chuộng lẽ phải, mến mộ sự công bình, có ý chí, ưa sáng tạo vv. Tuy vậy, có những thuộc tính chỉ duy thuộc riêng về Đấng Tối Cao và Ngài không chia sẻ thuộc tính này với con người hay bất kỳ loài thọ tạo nào khác.

Một thuộc tính chỉ riêng thuộc về Thiên Chúa là sự vô hạn của Ngài.
Ngài tuyệt đối không bị giới hạn trong bất kỳ không gian nào, cũng không bị gò bó trong bất kỳ khoảng thời gian nào; năng lực và uy quyền của Ngài không thể nào đo lường, sự khôn ngoan của Ngài là vô tận, tình yêu thương của Ngài vượt quá mọi hiểu biết của tất cả chúng ta.
Trong khi bạn và tôi chỉ có thể có mặt ở tại một nơi nào đó trong tại một thời điểm, thì không có nơi chốn nào trong toàn cõi vũ trụ mà Thiên Chúa không hiện diện, như lời Ngài có nhắc nhở, được chép trong sách Giê-rê-mi 23:24 rằng: “Có phải Ta hiện diện khắp nơi, đầy dẫy các tầng trời và đất không?”
Thiên Chúa là vĩnh cửu, như Thi Thiên 90:2 có loan báo:
“Trước khi núi non được sinh ra;
Trái đất và thế gian được tạo nên;
Từ trước vô cùng cho đến đời đời,
Ngài là Đức Chúa Trời”


Thiên Chúa không do ai lập ra và Ngài cũng không cần ai nâng đỡ, như lời Ngài tuyên bố, được ghi lại trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 3:14 rằng: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”.
Khi nói về những thuộc tính chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa, nhà thần học lỗi lạc đương thời Robert Charles Sproul có đưa ra nhận định như sau:
“Sự khác biệt to lớn giữa con người và Đấng Tạo Hóa chính xác là như thế này: Không có Ngài, tôi không thể tồn tại. Không có tôi, Ngài luôn luôn tồn tại. Thiên Chúa không cần có tôi để trở nên như chính Ngài; trong khi đó tôi cần có Ngài để trở nên chính là tôi. Đây là sự cách biệt giữa Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và loài thọ tạo phụ thuộc.
Chúng ta cần nương dựa vào Ngài. Chúng ta yếu ớt mỏng manh. Chúng ta không thể sống mà không cần không khí để thở, nước để uống và thực phẩm để ăn. Con người chúng ta chẳng có năng lực gì bên trong cả. Cuộc đời của bạn và tôi là một chặng đường giữa hai cái bệnh viện. Chúng ta cần thuốc men và các phương tiện y khoa trợ giúp để duy trì sự sống, từ lúc mới lọt lòng mẹ cho đến khi qua đời. Chúng ta như hoa đồng cỏ nội, sớm nở tối tàn. Trong khi đó, Thiên Chúa chẳng hề tàn héo, chẳng bao giờ phôi pha, chẳng khi nào yếu ớt cả”.
Quý thính giả thân mến,

Một thuộc tính quan trọng tiếp theo của Thiên Chúa là bản tính thánh khiết tuyệt đối của Ngài.
Thánh khiết, đơn giản có nghĩa là, không có dan díu với tội lỗi, hay không có liên hệ gì với những điều ác.
Không có một con người nào, chẳng có một giáo chủ nào là tuyệt đối thánh khiết, nhưng chỉ duy Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh, I Sa-mu-ên 2:2 có khẳng định: “Không ai thánh thiện như Chúa, không ai cả, chỉ có Ngài” và Thi Thiên 145:17 có bày tỏ: “Trong mọi đường lối Ngài, Chúa lúc nào cũng đúng; Ngài rất nhân từ với mọi vật Ngài đã dựng nên”.

Trong khi đó, mỗi chúng ta bị giam hãm trong một thân xác dễ bị lôi cuốn theo những dục vọng xấu xa, phải liên tục tranh chiến trong tuyệt vọng với tội lỗi, như triết gia Phao-lô có mô tả trong thơ Rô-ma 7:14,21&24 như sau: “tôi là con người xác thịt đã bị bán làm nô lệ cho tội lỗi... Khi tôi muốn làm điều lành thì điều ác cứ vương vấn tôi... Khốn khổ cho tôi; ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết này”.
Bản tánh tự hào kiêu ngạo phải sẽ được hạ thấp, khi mỗi ngày chúng ta dành ra vài phút để suy gẫm về sự vô hạn cùng bản chất thánh khiết tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa, khi đối chiếu với sự giới hạn, cuộc đời ngắn ngủi và bản tánh bất toàn ưa phạm tội của bạn và tôi.

Kính thưa quý thính giả,
Vì mỗi chúng ta là giới hạn, lại bị sức mạnh tội lỗi khống chế, cho nên chẳng có ai mà không sa ngã và phạm tội, với hệ quả là bản án phạt đời đời đang chờ đón sẵn khi bạn và tôi bước ra khỏi cuộc đời này.
Biết được loài người vô phương tự cứu mình, cho nên Thiên Chúa Ngôi Hai đã bằng lòng giáng sinh trong một con người bằng xương bằng thịt mang tên Giê-xu cách đây hơn hai ngàn năm.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Vô Hạn đã bằng lòng trở nên một con người hữu hạn như mỗi chúng ta, để cảm thông với tình trạng yếu đuối của bạn và tôi, để cuối cùng bằng lòng bị đóng đinh và bị treo trên cây thập tự cho đến chết, gánh thay bản án chết, nhận thay bản nợ tội cho muôn người; hầu cho bất kỳ ai biết ăn năn tội, mở lòng tin nhận sự hy sinh chết thế của Con Trời, thì người đó được Thiên Chúa tha thứ và xóa bôi mọi vi phạm, được xưng là vô tội, thoát được bản án phạt đời đời và được trở về nơi thiên đàng phước hạnh đời đời.
Chẳng ai có thể nhờ công sức riêng, chẳng ai vì khả năng tu hành, chẳng ai có thể dựa trên thành quả các công việc nhân đức mà trở nên trọn vẹn xứng đáng trước mặt Đấng Tạo Hóa và có thể tự cứu được mình; nhưng công việc cứu chuộc là do quyền năng vô hạn của Đấng Tối Cao, được thực hiện qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, như chính Ngài khẳng định: “Với người, việc này không ai làm nổi, nhưng với Đức Chúa Trời mọi việc đều được cả.” (Ma-thi-ơ 19:26)
Chỉ có những ai thực lòng khiêm nhu, thực sự nhún nhường, thừa nhận bản thân mình giới hạn và bất toàn, hạ mình xuống để tiếp nhận sự hy sinh chết thế của Con Trời trên cây thập tự, thì người đó mới có thể nhận được món quà thiên đàng vô giá.

Thiên Chúa đã thực thi chương trình cứu chuộc theo một cách thức không chỉ khiến kẻ kiêu ngạo phải nản lòng, nhưng Ngài còn muốn loại trừ hoàn toàn tính tự tôn ra khỏi những ai bằng lòng tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, như thơ I Cô-rinh-tô 27-30 có ghi: “Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột trong thế gian để làm hổ thẹn những người khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những điều yếu đuối trong thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh. Đức Chúa Trời đã chọn những gì hèn hạ, bị khinh khi trong thế gian và những điều không ra gì để hủy bỏ những điều trọng đại. Cho nên loài người không ai có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời. Nhờ Đức Chúa Trời mà anh chị em ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đấng Đức Chúa Trời đã làm thành sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và cứu chuộc cho chúng ta”.

Có một câu hỏi thú vị được đặt ra ở đây là: “khi bạn và tôi khiêm nhu hạ mình, bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhận được sự cứu rỗi, sau khi bước qua khỏi cuộc đời này, được vào sống nơi thiên đàng vinh hiển, được tận hưởng mọi phước hạnh cao quý nhất bên cạnh Thiên Chúa, liệu chúng ta có còn tiếp tục khiêm nhu nhún nhường nữa hay không?”
Jonathan Edwards, một học giả Kinh Thánh lừng danh của thế kỷ 18, có đưa ra câu trả lời như sau: “Những con người thánh trong nơi thiên đàng luôn luôn nức lòng ca ngợi chúc tôn Thiên Chúa; bởi vì họ đang ở trong tình trạng khiêm nhường tuyệt đối; bởi vì khi đang được tiếp cận với Đấng Tối Cao; hơn ai hết, họ nhận ra thật rõ về khoảng cách vô cùng tận giữa sự tôn quý vinh hiển vô hạn của Ngài và sự hữu hạn bé nhỏ của loài người chúng ta”.

Quý thính giả thân mến,
Ân điển là những phước hạnh Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta, trong khi kỳ thật chúng ta chẳng xứng đáng chút nào với những sự ban cho đó.
Tất cả chúng ta mỗi ngày có thể sống động và tồn tại được, là do ân điển dồi dào của Đấng Tạo Hóa, mặc dù không phải ai ai cũng nhận ra và biết ơn Ngài, như sách Tin Lành Ma-thi-ơ 5:45 có nói rõ: “Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính”.
Sự cứu rỗi là một ân điển lớn lao, ban cho những tội nhân đáng bị hình phạt như mỗi chúng ta, như thơ Ê-phê-sô 2:8 có giải thích: “Thật vậy, nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi, đây không phải tự sức anh chị em, nhưng là một tặng phẩm Đức Chúa Trời ban, cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình.”

Một khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong tâm hồn, cũng do ân điển dồi dào từ trên cao mà bạn và tôi mới có thể tiếp tục giữ vững được niềm tin, có thể vượt thắng được những thử thách, có được những tài năng và cơ hội để phục vụ và sáng tạo; như sứ đồ Phao-lô có kinh nghiệm rằng: “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi” (Phi-líp 4:13)
Một khi nhận ra, hoàn toàn nhờ những ân điển đầy ắp từ Đấng Tối Cao, đang đáp ứng những nhu cầu của đời sống tạm thời trên đất, cũng như dẫn đưa bạn và tôi bước vào nơi thiên đàng vĩnh cửu, chúng ta chẳng còn có lý do nào để lên mình kiêu ngạo hay khoe khoang được, nhưng chỉ có thể trở nên khiêm nhu nhún nhường mà thôi.
Một điều nho nhỏ để chúng ta tiếp tục hạ bệ tính tự cao và trau giồi tính khiêm nhường là hãy vui cười thường xuyên mỗi ngày.

Terry Lindvall, tác giả quyển sách “The Mother of All Laughter” (xin tạm dịch là “Mẹ Của Mọi Tiếng Cười”) có giải thích như sau:

“Cười là một món quà đến từ trên cao dành cho những con người khiêm nhường. Một người tự cao không thể cười được, vì người đó đang bận tâm giữ gìn tư cách cùng thể diện của mình; do vậy người đó không thể để cho bụng mình đu đưa lúc lắc theo tiếng cười được; nhưng một người đơn sơ và hạnh phúc thì có thể cười giòn tan, vì người này chẳng màng lắm đến chuyện phải nâng cao 'cái tôi' lên nữa”.
Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri