Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 1, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--12


Hai mươi năm trước, ngày đi lấy chồng chị Kim rất là vui vì được thoát ra khỏi sự kiểm soát nghiêm khắc của cha mẹ. Chị sung sướng nhất khi nghĩ từ nay không còn phải sống gần bên người mẹ lúc nào cũng để ý, sửa sai từng hành động và lời nói của mình. Ngày từ giã nhà cha mẹ để bắt đầu cuộc sống riêng, chị Kim thấy như là được giải thoát khỏi tù, như con chim được sổ lồng. Chị không nghĩ gì đến nỗi buồn của mẹ vì phải xa con. Nhưng sau gần hai mười năm làm vợ, làm mẹ, nhất là sau những tháng ngày đau đớn vì những thay đổi nơi con cái, chị Kim bắt đầu hiểu cha mẹ và cảm thấy thương cha mẹ hơn. Bây giờ chị mới hiểu được tại sao cha mẹ chị nghiêm khắc với con cái. Bây giờ chị mới hiểu mẹ và thông cảm với mẹ, chị hiểu tại sao mẹ có những lời sửa dạy nhiều khi làm chị và các em buồn giận, vì thế chị thương mẹ và bất cứ khi nào có dịp là chị trở về thăm
.

Có nhiều người con gái bây giờ đã lớn, xa gia đình đã lâu, nhưng vẫn còn giữ trong lòng mối buồn giận đối với mẹ. Có người vẫn về thăm, vẫn tặng quà vào những dịp đặc biệt nhưng giữa hai mẹ con không có sự gần gũi thân thiết, mỗi người vẫn là một thế giới riêng. Hai mẹ con vẫn chỉ trao đổi với nhau những câu chuyện xã giao, chuyện của thiên hạ chứ không bao giờ chia xẻ tâm tình hay những cảm nghĩ sâu kín của chính mình. Đây thật là điều đáng tiếc, vì nếu mối quan hệ giữa mẹ và con gái tốt đẹp, hai bên có thể giúp nhau rất nhiều trong đời sống. Trước hết, vì là mẹ con nên giữa hai người tự nhiên có một tình cảm thương yêu sâu đậm. Không những thế, vì cùng sống chung dưới một mái nhàsuốt bao nhiêu năm tháng, cùng trải qua những thăng trầm của gia đình, nên mẹ con có những kỷ niệm đặc biệt, cùng có những kinh nghiệm buồn vui trong đời với nhau mà người khác không có. Ngoài ra, vì là mẹ con, hai người thường có nhiều điểm giống nhau, trong vóc dáng, tâm tính, khả năng, v.v... Nếu mẹ và con gái yêu thương thông cảm, gần gũi nhau đến độ có thể chia xẻ tâm tình, cảm xúc cảm nghĩ, chia xẻ kinh nghiệm và góp ý với nhau về những vấn đề trong cuộc sống thì mối quan hệ đôi bên sẽ tốt đẹp, đời sống sẽ phong phú và thích thú biết bao.

Nếu quý vị đang có những kỷ niệm hay kinh nghiệm không vui về mẹ hoặc với mẹ, chúng ta nên tìm cách xóa bỏ những điều đó để mẹ con có mối tâm giao mật thiết với nhau, để chúng ta mang lại niềm vui cho nhau và để một ngày kia, khi phải từ biệt nhau mãi mãi, chúng ta không phải ân hận, hối tiếc là mình đã bỏ lỡ cơ hội làm cho mối quan hệ giữa chúng ta với người mẹ yêu dấu được tốt đẹp hơn.
Để thực hiện điều vừa nói, chúng tôi xin phép đề nghị một vài điều sau đây:

1. Chấp nhận Mẹ

Đề nghị đầu tiên là chúng ta cần chấp nhận người mẹ của mình. Để có mối quan hệ yêu thương gần gũi với mẹ, trước hết chúng ta cần chấp nhận mẹ. Chấp nhận cá tính, tâm tính của mẹ, chấp nhận cả con người của mẹ. Trước khi chấp nhận một người, chúng ta cần tìm hiểu về người đó. Có thể lắm là chúng ta sống bên cạnh mẹ bao nhiêu năm nhưng chưa thật sự hiểu mẹ. Vì không hiểu nên chúng ta không thông cảm và vì không thông cảm ta sẽ cảm thấy ngăn cách. Đây là điều xảy ra trong tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau.

Trong trường hợp giữa mẹ con, để biết mẹ của mình là người như thế nào, có lẽ chúng ta cần nhìn lại quá khứ, nhìn lại thời thơ ấu của chúng ta, nhớ lại những ngày chúng ta sống bên mẹ và đặt những câu hỏi sau đây, câu trả lời sẽ giúp chúng ta thấy rõ mẹ của chúng ta là người như thế nào. Chúng ta cần đặt những câu hỏi chẳng hạn như: Tính mẹ có cởi mở không? Mẹ có hay nói lên những cảm xúc của mẹ không? Khi có chuyện buồn lo, khi giận cũng như khi sợ hãi điều gì mẹ có nói ra cách dễ dàng không? Hay mẹ thường che giấu những điều đó để rồi buồn lo một mình, khi mẹ giận hay có điều lo sợ cũng không ai biết. Người Á đông chúng ta thường ít biểu lộ tình cảm hay cảm xúc một cách rõ ràng. Các bà có lẽ biểu lộ cảm xúc nhiều hơn các ông nhưng so ra vẫn rất là khép kín. Vì không quen biểu lộ cảm xúc một cách cụ thể nên đối với con cái cũng thế, thương con rất nhiều nhưng ngoại trừ khi con là em bé, còn ngoài ra ít khi nào ôm ấp nựng nịu, cũng chẳng bao giờ nói cho con biết là mẹ thương con. Hình như hầu hết chúng ta chỉ nghe cha mẹ nói thương chúng ta là khi chúng ta bị phạt hay bị đánh đòn mà thôi. Câu chúng ta thường nghe là: ba má thương con ba má mới la, mới đánh đòn. lắm khi mẹ thương chúng ta có những hành động hay lời nói kỳ lạ, chúng ta không hiểu được, và chúng ta thường nghĩ là mẹ khó tính hay là không yêu thương.

2. Thông cảm với cách cư xử của Mẹ

Điều mà lắm khi chúng ta quên là mỗi thế hệ được giáo dục một cách khác nhau. Thế hệ của mẹ tuy liền với thế hệ chúng ta nhưng khác nhau rất nhiều trong cách học hành, suy nghĩ và làm việc. Hoàn cảnh sống của mẹ cũng không giống với hoàn cảnh chúng ta. Thế hệ sau thường may mắn hơn và đời sống thường thoải mái hơn thế hệ trước. Có lẽ mẹ nghiêm khắc với chúng ta vì mẹ quen sống trong kỷ luật. Có thể mẹ không thể vui hưởng những tiện nghi sung sướng trong hiện tại vì những kinh nghiệm khổ nhọc trong quá khứ. Có những bà mẹ lúc nào cũng muốn tiết kiệm, để dành,không dám vứt bỏ bất cứ cái gì còn dùng được hay còn ăn được vì những kinh nghiệm nghèo thiếu, đói khổ ngày trước.
Có bà mẹ kia khi con gái có bạn trai bà lo lắng, theo dõi từng li từng tí. Cô con gái tức giận,phàn nàn mẹ sao quá nghiêm khắc. Sau nầy người con gái mới hiểu rằng sở dĩ mẹ quá lo lắng khi thấy con có bạn trai là vì ngày xưa bà bị người yêu lừa dối, phải mang mặc cảm suốt đời và bà không muốn điều đó xảy ra cho đứa con gái yêu dấu của bà. Khi biết điều bí ẩn đó,người con gái hiểu mẹ và thương mẹ vô cùng. Đó kà những điều chúng ta cần biết để hiểu mẹ và thông cảm với mẹ. Cũng có những bà mẹ độc đoán với con hoặc không hiểu con vì hồi còn nhỏ được cha mẹ nuông chiều, muốn gì cũng được, khi có gia đìnhkhông biết chiều theo ý người khác, không quen tôn trọng ý kiến của chồng con.
Có bà mẹ khác vì có một hôn nhân quá đau buồn nên khi thấy con gái được hạnh phúc bên chồng, tuy mừng cho con nhưng vì tính hay thương hại chính mình, bà không muốn nhìn thấy hạnh phúc của con, và cũng không muốn gặp hay nói chuyện với người con rể. Người con gái lúc đầu không hiểu tại sao mẹ có thái độ kỳ lạ quá nhưng khi hiểu ra, cô thương mẹ, tìm cách an ủi và lắng nghe tâm tình của mẹ để thông cảm với mẹ hơn.

Sau khi tìm hiểu để biết tại sao mẹ chúng ta có những suy nghĩ, lời nói hay thái độ khó chấp nhận, chúng ta không những thông cảm và chấp nhận mẹ nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình, xem trong vai trò làm mẹ, chúng ta có những điều tương tự đối với con cái như mẹ đã có đối với chúng ta hay không. Nhiều khi chúng ta cũng có những khuyết điểm giống mẹ và con cái chúng ta cũng phiền chúng ta những điều tương tự mà chúng ta không biết. Bản tính thông thường của con người là dễ thấy lỗi của người khác mà không nhìn thấy lỗi của chính mình. Chúng ta cần xét lại xem mình có nói nhiều, có hay la mắng con những chuyện vô lý, có ích kỷ, có tính tự thương hại hoặc có quá nghiêm khắc hay quá dễ dai với con không. Khi nhìn thấy những điều đó, chúng ta cũng nên sửa đổi để xóa bỏ đi cái vòng lẩn quẩn mà thế hệ trước để lại cho thế hệ nối tiếp. Một ví dụ điển hình về cái vòng lẩn quẩn này là vấn đề mẹ chồng nàng dâu. Bao nhiêu người khổ vì phải sống bên cạnh một bà mẹ chồng khó tính, nhưng điều đáng buồn là cái khổ đó cứ tiếp diễn trong những thế hệ nối tiếp, lý do là vì đến khi nàng con dâu đau khổ ngày trước sau này lại cũng trở thành một bà mẹ chồng khó tính. Qua những kinh nghiệm trong đời sống, chúng ta cần học hỏi và thay đổi, để xóa bỏ những cái vòng lẩn quẩn, để cho đời sống dễ chịu hơn.

3. Trò chuyện với Mẹ

Không những hiểu mẹ, chấp nhận và thông cảm với mẹ, chúng ta cũng cần tập trò chuyện với mẹ để xích lại gần mẹ hơn. Đây là bước quan trọng để nối lại tình mẹ con. Bước này mất thì giờ và cần nhiều cố gắng của chúng ta. Nếu từ trước đến giờ chúng ta ít muốn gặp mẹ, bây giờ chúng ta cần tìm thì giờ và tạo cơ hội để gặp mẹ thường xuyên hơn. Khi mẹ con gặp nhau, chúng ta cần hỏi thăm để mẹ chia xẻ tâm tình và tập lắng nghe mẹ nói. Nghe với lòng yêu thương và thông cảm.

Nếu làm được những điều trên, đó là chấp nhận mẹ, thông cảm với mẹ và dành thì giờ trò chuyện với mẹ, mối quan hệ giữa chúng ta với bậc sinh thành ra ta sẽ trở nên tốt đẹp ngọt ngào, mẹ con không những gần nhau, hiểu nhau, mà còn có thể trở thành bạn thân của nhau nữa.

Để thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị lời Chúa dạy sau đây, cũng là căn bản cho mối quan hệ của chúng ta với mọi người chung quanh. Sứ đồ Phao-lô viết: "Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau" Ê-phê-sô 4:1-2 (còn tiếp).
Minh Nguyên