Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 1, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--11


Một ngày kia, anh Đôn gọi điện thoại cho người thợ sửa ống nước đến sửa ống nước bị nghẽn trong nhà. Khi điện thoại reo, có tiếng trả lời của một người nói giọng run run như một bà cụ già. Biết mình gọi lộn số, anh vội vàng nói vài lời xin lỗi. Nhưng bà cụ đó nói: Ô, xin cậu đừng cúp máy, cho tôi nói chuyện với cậu một chút được không? Tôi năm nay 82 tuổi, sống một mình, chẳng bao giờ có ai gọi điện thoại cho tôi nên khi nào điện thoại tôi mừng lắm, nhưng thường là người ta gọi lộn số thôi. Có lẽ sợ anh Đôn cúp máy nên bà cụ nói tiếp luôn một hơi bao nhiêu điều. Bà kể rằng chồng bà mất đã hai năm nay, cảm tạ Chúa cho bà khoẻ mạnh, có thể sống một mình nhưng bà cô đơn quá. Bà có hai đứa con, một trai một gái, đã có gia đình, ở xa nên cả ngày bà ở nhà một mình, chẳng gặp ai, chẳng được nói chuyện với ai.
Sau khi kể lể thêm một vài điều khác, bà cụ cảm ơn anh Đôn đã không cúp máy để bà được nói chuyện. Bà nói, cảm ơn cậu đã cho tôi mấy phút quý báu của cậu để tôi được có người để nói chuyện. Nghe vậy anh Đôn cảm động nên anh xin số điện thoại của bà cụ và từ đó thỉnh thoảng, anh hoặc vợ anh gọi đến hỏi thăm và nói chuyện với bà cụ chừng năm ba phút. Chỉ năm ba phút thôi, nhưng bà cụ rất vui. Mỗi tuần bà trông chờ được nói chuyện với hai vợ chồng người bạn mà bà chưa bao giờ gặp mặt.


Có người đã nói, cô đơn là nỗi khổ lớn nhất của con người. Và chúng ta có thể thêm rằng, cô đơn là điều kinh khủng nhất đối với những người lớn tuổi. Nói đến cô đơn, các cụ chúng ta có hai điều phải đối diện và rất cần sự thông cảm của con cháu: (1) Cô đơn vì sống trong một đất nước xa lạ, khác ngôn ngữ, văn hóa và vì lớn tuổi không thể hội nhập vào nhịp sống. (2) Nỗi cô đơn khi các cụ mất đi người bạn đời.

1. Cô đơn vì thấy mình chỉ là người ở bên lề cuộc sống

Những người đến đất nước này khi đã trên 60 tuổi thường khó hội nhập với cuộc sống mới, vì thế các cụ dễ buồn khi thấy mình chỉ là người đứng bên lề cuộc sống nhộn nhịp này. Câu mà các cụ khi mới đến Mỹ thường nói là: Tôi bây giờ chẳng khác gì người vừa què vừa câm vừa điếc. Muốn đi đâu không đi được, ra đường người ta nói mình không hiểu, khi có điều cần nói thì không biết nói làm sao. Cảm nghĩ đó vẫn còn đúng đối với nhiều người, nhất là những người sống ở những nơi có ít người Việt.

Đây là điều lắm khi chúng ta, những người trẻ hơn, không hiểu và vì thế khó thông cảm với các cụ. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta không biết lái xe, cũng không biết một chữ tiếng Anh nào, thì những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta sẽ thế nào? Đặt mình vào hoàn cảnh đó chúng ta mới thật sự thông cảm với các cụ. Lúc còn bên quê nhà dù không biết chạy một loại xe nào, muốn đi đâu các cụ cũng có thể đi được, vì có xe ôm, xe thồ, có tắc-xi, xích-lô, v.v... Ở đây những phương tiện đó không có. Người nào can đảm đi xe bus thì phải đi bộ xa, phải chờ đợi lâu mới có chuyến và nhiều lúc cũng rất là nguy hiểm. Vì thế khi cần đi đâu các cụ chỉ biết trông nhờ vào con cháu mà thôi.
Khi chúng ta thông cảm với nỗi khó khăn đó của các cụ thì dù bận rộn, chúng ta cũng sẽ giúp đưa các cụ đi nơi này nơi kia cách vui vẻ, sẵn lòng. Sự vui vẻ sẵn lòng của chúng ta là niềm an ủi lớn cho các cụ. Trái lại, một lời than nhỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp, và dù nhẹ nhàng đến đâu cũng sẽ khiến các cụ ái ngại vô cùng và không muốn làm phiền đến con cháu nữa.

Đời sống chỉ vui và có ý nghĩa khi chúng ta có việc để làm để lo và thấy mình hữu dụng, hữu ích cho người chung quanh. Các cụ của chúng ta vì lớn tuổi và già yếu, không thể đi làm việc nữa nên không có trách nhiệm gì phải chu toàn, con cháu cũng ít khi nào cần các cụ giúp điều gì, vì thế các cụ buồn thấy mình không làm gì ích lợi cho người khác. Nhiều người thấy cha mẹ buồn vì ở không suốt ngày, không biết làm gì cho hết thì giờ thì nói: Được như ba má là sung sướng nhất, con muốn như vậy mà đâu có được! Chúng ta nói như thế là vì chúng ta không ở trong hoàn cảnh của các cụ nên khó có thể thông cảm với các cụ. Nếu chúng ta thử ngồi nhà một tháng, không có việc gì để làm hoặc bị đau nằm nhà một tuần thì chúng ta sẽ hiểu được cái buồn của người ở không.

Có cụ thấy con cái bận rộn tất bật mỗi ngày thì thương và muốn giúp nhưng khi hỏi con có cần giúp gì không thì con nói: Bố mẹ đừng bận tâm gì cả, cứ nghỉ ngơi, xem ti-vi, bố mẹ đã vất vả suốt cả đời rồi, bây giờ là lúc nghỉ ngơi. Con cháu thương các cụ nên muốn các cụ nghỉ ngơi, nhưng thực tế là, nghỉ ngơi chỉ có ý nghĩa khi ta đã làm việc nhiều, và ta chỉ vui hưởng những giờ nhàn rỗi ngồi không sau khi đã trải qua những ngày làm việc mệt nhọc. Để thật sự thông cảm với nỗi buồn chán của các cụ vì không có việc gì làm, chúng ta có thể tìm những việc thích hợp cho các cụ, và nhờ các cụ giúp việc này việc kia, dù những việc đó ta có thể làm được.

Có bà cụ kia sống chung với con, mỗi sáng trước khi đi làm cô con gái thường dặn mẹ ở nhà giúp cô làm việc nọ việc kia, chẳng hạn như tưới vườn rau, chăm sóc vườn hoa, lấy thơ vào hoặc sắp xếp hộc tủ, v.v... những việc vặt vãnh, nhẹ nhàng thôi, nhưng bà mẹ cô rất vui vì thấy con còn cần đến mình. Chúng ta cần làm thế nào để các cụ trong gia đình thấy rằng mình vẫn là người hữu dụng, con cháu vẫn cần đến mình. Khi thấy mình có thể giúp con, ích lợi cho con, các cụ sẽ vui. Thánh Kinh cho biết, niềm vui là thần dược cho cơ thể. Châm Ngôn 17:22 dạy rằng: Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm cho xương cốt khô héo.

2. Khi các cụ mất người bạn đời

Nếu các cụ sống có đôi bạn cho đến lúc cao tuổi, khi một người mất đi, nỗi mất mát đó rất lớn và có ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và tinh thần của các cụ. Khi người trẻ mất vợ mất chồng, niềm đau đó rất lớn. Nhưng đối với những người đã sống bên cạnh nhau suốt 40 năm, 50 năm, khi một người ra đi, sự mất mát đó còn lớn hơn. Khi hôn nhân của một người trẻ bị gãy gánh nửa chừng, người đó đau đớn, nhưng sau một thời gian có thể đứng lên tiếp tục đường đời vì tương lai, hy vọng vẫn còn. Người trẻ trong hoàn cảnh đó có thể bước thêm bước nữa hoặc tìm khuây khỏa trong công việc và sự nghiệp. Trong khi đó, đối với các cụ, khi người bạn đời ra đi là các cụ mất tất cả. Các cụ không còn gì trong tương lai để hướng đến cho khuây khỏa, trái lại, chỉ còn những kỷ niệm trong quá khứ, những kỷ niệm đó khiến các cụ lại càng thương nhớ nhiều hơn và buồn đau hơn.

Có nhiều người vì sống với nhau lâu, cùng trải qua bao nhiêu buồn vui trong đời nên thông cảm, gắn bó, như bóng với hình. Con cháu, dù chăm sóc yêu thương bao nhiêu cũng là người thuộc thế hệ khác, không thể nào so sánh với sự gần gũi của các cụ với nhau, vì thể khi mất người bạn đời, sự trống vắng trong lòng các cụ rất là sâu đậm. Đã thế có người đau buồn nhiều hơn nữa vì nghĩ đến những chuyện trong quá khứ, ân hận về những điều không đẹp mình đã làm hoặc nuối tiếc về những điều tốt mình đã không làm cho người bạn đời.

Nhiều khi chúng ta nghĩ, các cụ lớn tuổi rồi thì không còn những tình cảm ướt át sâu đậm như người trẻ. Các cụ sống với nhau chỉ còn cái nghĩa vợ chồng nên khi một người mất đi các cụ không quá đau khổ như những vợ chồng còn trẻ. Nhưng thật sự không đúng như thế, cho dù khi sống bên nhau, các cụ không hợp tính nhau, hay phiền giận nhau, phàn nàn nhau; ít khi nào biểu lộ tình cảm với nhau, nhưng khi một người mất đi, người ở lại vẫn bị hụt hẫng về tình cảm rất nhiều. Người lớn tuổi khi mất người bạn đời nếu không có niềm tin và hy vọng nơi Chúa sẽ dễ mất đi niềm vui, mất ý chí để sống, từ đó đưa đến mất ăn mất ngủ và có thể ra đi rất mau.

Có hai ông bà cụ kia sống với nhau đươc 54 năm. Hai vợ chồng thường không nói năng ngọt ngào với nhau. Ông cụ thì khó tính bà cụ thì hay than. Hai người hầu như cằn nhằn nhau mỗi ngày. Khi bà cụ mất, ông cụ rất buồn nhưng không nói ra, sợ con cháu cười. Một ngày kia đứa cháu nội thấy ông ngồi khóc một mình trong tối, đứa bé hỏi: Sao ông khóc vậy? Ông cụ ôm đứa bé vào lòng và nói: Ông nhớ bà quá con ơi! Nhiều người, nhất là các ông thường không để lộ tình cảm, nhưng không phải là người không có tình cảm.

Có nhiều điều chúng ta có thể làm để giúp các cụ vơi đi niềm đau trong hoàn cảnh này. Chẳng hạn như tạo cơ hội cho các cụ nói về người đã khuất. Khi các cụ nói, chúng ta kiên nhẫn lắng nghe. Sự chú ý và thông cảm của chúng ta là một cách chữa bệnh cho các cụ, giúp cho nỗi buồn trong lòng các cụ vơi đi. Ngoài ra chúng ta cũng có thể nhắc lại những kỷ niệm vui, đẹp với người đã khuất, sự nhắc nhở đó mang lại an ủi cho người còn ở lại. Đừng để các cụ ở nhà một mình, trong khung cảnh cũ với nhiều kỷ niệm. Nếu được, đưa các cụ đi chơi, cho con cháu đến chơi, ở lại với các cụ, vì ban đêm nỗi cô đơn kinh khủng hơn ban ngày. Khi gia đình có sinh hoạt gì đặc biệt hoặc những dịp đi chơi, đi nghỉ hè, đừng quên mời các cụ tham dự.

Thưa quý thính giả, trong xã hội tiến bộ nhiều về kỹ thuật người lớn tuổi thường bị đào thải và lãng quên, nhưng là con cháu trong gia đình, chúng ta quan tâm đến các cụ và làm thế nào để những ngày cuối cùng của các cụ trên đời tạm này là những ngày các cụ được vui thỏa bình an. Đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta bày tỏ lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành (còn tiếp).
Minh Nguyên