Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, October 17, 2012

Cha Vo Tròn, Con Bóp Bẹp



Một nhóm bạn nghỉ hưu thường họp nhau mỗi tháng một hai lần vừa uống trà, cà-phê vừa bàn chuyện xưa nay.  Họ đặt tên nhóm là “Kim Cổ Mín Đàm” (Trà đàm về chuyện xưa nay), bắt chước tờ báo:  Nông Cổ Mín Đàm 農賈茗談; nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”, tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam, số đầu xuất bản vào tháng 8 năm 1901 tại Sài Gòn.  Mính là lá trà non, không hiểu sao thời đó, các bậc tiền bối bỏ đi chữ h ở cuối.  Bây giờ các cụ sử dụng máy điện toán rất rành, nên người thì mang theo laptop, người thì netbook, kẻ thì iPad… để khi có vấn đề gì cần làm sáng tỏ, các cụ lên mạng để “search”.  Các cụ không phải cãi cọ lôi thôi nữa, vì tất cả “nói có sách, mách có internet”.  Bỗng chốc, ai cũng biến thành nhà… thông thái !


Hôm nay, chủ nhà đãi bánh bao.  Một bà kể cách làm bánh bao có giai đoạn vo tròn cục bột rồi cán dẹp.  Nhân đó, có người đề nghị bàn về câu tục ngữ:  “Cha vo tròn, con bóp bẹp”.  Một ông nghe vậy liền ngâm 2 câu thơ nghe như ca dao:
Đời cha vất vả vo tròn,


Đời con bóp bẹp chẳng còn thứ chi.

Lúc bắt đầu cuộc thảo luận thì ít người có ý kiến vì cảm thấy mình không có nhiều tài sản để lại cho con cháu, nên không phải lo.  Nói chuyện một hồi thì ai cũng có thể thấy


 trong đời sống mình, nhiều cảnh cha mẹ vất vả làm lụng nhiều năm để lại cho con, con không thấy giá trị đồng tiền nên tiêu xài phung phí, chẳng bao lâu hết sạch.  Bây giờ không khí thật vui nhộn, hào hứng.  Có người so sánh với câu: “Cha làm thầy, con bán sách”.  Những đứa con phá sản coi tài sản ông cha để lại như cục bột nên muốn bóp bẹp, cán dẹp lúc nào cũng được, có phải vì vậy người ta gọi những đứa con này là công tử bột không?
Có người kể chuyện ở miệt Hậu giang có gia đình đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh, lại sở hữu mấy cù lao (đảo nhỏ) nữa.  Đến đời con cháu không biết trân quí của gia bảo, phần đem bán, phần đem biếu, tiêu xài hết.  Tới thế hệ thứ tư, các cháu nghèo cơ cực, có đứa đi ăn mày.  Cụ Tản Đà mà sống lại chắc sẽ quở rằng:
Ấy trước ông cha mua để lại,


Mà sau con cháu lấy làm chơi!

Của cải vật chất, hay nói riêng là tiền bạc, mang tới nhiều mâu thuẫn trong cuộc đời.  Tiền Bạc gợi ý nghĩ tương phản tốt / xấu, phước / họa, may / rủi khi người trong cuộc dùng đúng chỗ hay sai chỗ.  Tiền bạc thúc dục cha làm siêng, nhưng có thể xui khiến con làm …biếng.  Con nhà nghèo thường dễ nên, trong khi con đại gia thường dễ hư hỏng.  Tiền từ bảo hiểm nhân thọ có thể giúp ích rất nhiều cho những đứa con côi, nhưng đã khiến nhiều vụ giết người xảy ra.
Cha mẹ có thể làm gì giúp con:
1.  Giúp con biết giá trị của đồng tiền.
2. Học nghề: ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay.
3.  Dạy con cần, kiệm và đầu tư.
4.  Giúp con hiểu được tiền bạc là phương tiện của đời sống, chớ không phải là cứu cánh.  Tiền bạc giúp chúng ta học hành, giúp chúng ta phương tiện giúp đỡ người khác. 
5. Giúp con phân biệt cái cần (needs) khác với cái muốn (wants).  Cha mẹ cố cung cấp cái con cần, nhưng không nên thỏa mãn cái nó muốn. 
6.  Tích trữ tiền bạc hay vật chất mà không có kế hoạch tiêu xài hữu ích thì họa nhiều hơn phước.
Thời Cựu ước, khi dân Do Thái di chuyển từ Ai Cập về miền đất hứa, mỗi đêm Thiên Chúa cho một thứ thức ăn, gọi là mana, đổ xuống đất.  Sáng sớm, dân Do Thái phải dậy sớm, thu lượm những hạt mana này trước khi mặt trời mọc, để có thức ăn đủ cho ngày hôm đó.  Ai vì lòng tham và ích kỷ, lấy nhiều hơn số gia đình mình cần, để thu trữ thì ngày hôm sau, thức ăn mana này trở nên hôi thối và lúc nhúc sâu bọ.  Tiền bạc có thể chắp cánh cho những ước mơ ấp ủ, nhưng lòng tham sẽ khiến tiền bạc trở thành sâu bọ chắp cánh bay xa, mà trước khi bay đi còn cắn đốt chủ nhân mấy cái nên thân. 
Có người thấy được, qua internet, nhiều người giàu tại Mỹ chủ trương không để của cải lại cho con mà nhắm vào việc từ thiện hơn.  Trong một tham khảo gần đây, (money.cnn.com/2012/06/18/pf/rich-inheritance/index.htm)  nhiều người cho biết lý do tại sao họ không để tài sản cho con là “mỗi thế hệ phải tạo ra tài sản cho riêng mình” (each generation should earn its own wealth) từa tựa như câu tục ngữ Việt Nam:  “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. 


Một Phật tử trong nhóm kể rằng Đức Phật, khi còn tại thế, giảng cho ông Trưởng giả

 Âm Duyệt:  Trên thế gian này, ngay trong bản thể của tiền tài vốn đã bị năm loại tai nạn nguy hiểm chi phối, nhưng người ta không biết cái đạo lý này nên cứ mong cầu không chịu biết đủ, tính toán chi li, đến khi chết đồng xu nhỏ cũng không mang theo được.   Năm loại tai nạn nguy hiểm đó là:  - Thứ nhất là không biết trước sẽ bị lửa thiêu cháy lúc nào; thứ hai là đề phòng nạn bão lụt không kịp; thứ ba là bị quan quyền dùng áp lực tịch thu mà không làm sao kháng cự; thứ tư là sinh con bất hiếu tiêu phí khánh tận gia sản; thứ năm là đạo tặc cướp đoạt. Trong số năm tai nạn trên, bất cứ tai nạn nào xảy ra, gia sản cũng sẽ bị tổn thất ngay. 
Chúng ta cũng gặp tai nạn thứ tư này trong sách Minh Tâm Bảo Giám nhắn những tham quan, ô lại, những người cầm quyền không phục vụ dân mà chỉ phục vụ túi tiền của mình thì sẽ có một “phá gia chi tử” để tiền tài có lỗ hổng đi ra, để “của thiên trả địa”:
莫道家未破,破家子未大
Mạc đạo gia vị phá, phá gia tử vị đại.
(Đừng nói nhà đó sao chưa bị phá, chỉ vì thằng con phá của chưa lớn đó thôi)
Bây giờ, có người thắc mắc rằng cha mẹ vo tròn cục bột vật chất để lại cho con có thể đem lại tai họa cho con, có cái gì để lại cho con mà không di hại không.  Suy nghĩ một hồi, một bà lên tiếng:  Có, đó là “vo tròn quả phúc”.
Đạo học Đông phương rất chú ý đến việc làm phúc để tạo âm đức (bố thí, xóa nợ…) hầu cho con cháu được hưởng phước:
Người trồng cây hạnh người chơi,


Ta trồng cây đức để đời về sau.

Tư Mã Ôn Công cũng cho rằng tích âm đức chính là “trường cửu chi kế” cho gia tộc.


Một tín hữu Tin Lành góp ý: Với người có niềm tin trong Chúa, có một thứ di sản phi vật chất để lại cho con mà không sợ bóp bẹp, hao mòn ấy là đức tin.  Kinh Thánh Tân Ước kể một nhân vật Ti-mô-thê được bà

 ngoại và mẹ truyền lại đức tin mà thánh Phao-lô rất khen ngợi là một nhà lãnh đạo tinh thần trẻ nhiều ơn.  Các vị anh hùng đức tin trong Kinh Thánh đều lưu lại đức tin vững vàng cho con cháu, cho hậu thế. 
Để chấm dứt buổi họp, mọi người đồng ý là để lại giá trị tinh thần cho con thì không sợ con bóp bẹp mà là kế hoạch lâu dài cho hạnh phúc của con. 
NSM