Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 15, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--8


Từ ngày lập gia đình, anh Đoan sống xa cha mẹ và ít khi nào có dịp trở về thăm. Anh bận rộn với công việc làm hằng ngày, với trách nhiệm trong gia đình và bao nhiêu bổn phận khác. Anh ít khi nào hướng lòng về cha mẹ, nhất là ít khi nào nghĩ đến cha anh, một nhà nông suốt đời cần cù bên đám đất, tính tình trầm lặng và xa cách với con cái. Bây giờ anh Đoan đã gần 50 tuổi, cha anh thì đã hơn 80. Anh thấy mình bắt đầu đi vào tuổi xế chiều của cuộc đời và anh suy nghĩ nhiều về ông cụ thân sinh, người quan trọng nhất trong cuộc đời anh, nhưng lại là người anh biết rất ít và cảm thấy như xa lạ.



Anh Đoan kể lại chuyến thăm viếng cha mẹ và cảm nghĩ của anh như sau: Cuộc đời của cha tôi bao giờ cũng gắn liền với vườn tược. Khi ông còn trẻ, ngôi vườn là nơi cung cấp rau cỏ cho gia đình trong những ngày khó khăn. Bây giờ ông già yếu, ngôi vườn giữ một vai trò khác. Nó thu hút ông bước ra ngoài trời mỗi buổi sáng sớm, đánh thức ông dậy sau giấc ngủ trưa, giúp ông quan sát những đổi thay của thời tiết và cây cỏ. Ông nội tôi và cha tôi đều là người sống về nghề nông, nhưng ruộng vườn đối với tôi chẳng có một thu hút nào cả. Từ khi được làm cha, tôi bắt đầu suy nghĩ về đời sống của cha tôi và về chính ông, người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.


Anh Đoan nói tiếp, tôi cảm thấy như có một sự bí mật khó hiểu nào đó trong mối quan hệ giữa các ông cha và những người con trai. Hai bên có thể thương nhau hoặc ghét nhau kinh khủng mà không thật sự biết nhau. Tôi với cha tôi cũng thế, trong nhiều phương diện, chúng tôi là hai người xa lạ. Chúng tôi không bao giờ bàn về quá khứ của cha tôi, và tôi cũng không nói cho ông biết những gì xảy ra trong cuộc đời tôi. Những câu chuyện chúng tôi trao đổi với nhau rất giới hạn và cạn cợt. Chúng tôi chỉ nói về thời tiết, mùa màng, về chuyện xe cộ, câu cá, thế thôi.

Khi sống trong gia đình, cha tôi là ông chủ của tôi, ông bảo gì tôi đều phải vâng theo. Khi trò chuyện, cha tôi chỉ nói chuyện ruộng vườn, là điều tôi không mấy thích. Câu chuyện giữa hai cha con ít khi nào hướng về những đề tài như học đường, thể thao, âm nhạc là những điều tôi muốn bàn. Khi tôi đến tuổi niên thiếu, khoảng cách giữa hai cha con càng lớn hơn, tôi bắt đầu thách thức thẩm quyền của cha, và cho rằng quan niệm cũng như đường lối sống của ông không thích hợp với tôi. Từ đó tôi dần dần tách rời khỏi ông, tôi chẳng những không muốn ở gần ông mà cũng không chấp nhận những giá trị của ông về đời sống. Tôi thật là dại dột.

Bây giờ tôi đã lớn tuổi, cha tôi thì già yếu, mỗi ngày một đi xuống. Ông cụ mất dần những người bạn cùng tuổi, mất dần những khả năng mà ông vốn có xưa nay. Tôi thấy tôi cần trở về thăm cha, trò chuyện với ông để biết về ông nhiều hơn. Thật tình tôi không biết nói chuyện với cha làm sao, vì tôi không quen, nhưng tôi sẽ cố gắng. Anh Đoan đã đưa vợ con về thăm cha mẹ. Anh dành nhiều thì giờ hỏi thăm cha anh về thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và nhiều điều khác trong quá khứ của đời ông. Anh thật vui về chuyến thăm viếng này. Qua những giờ trò chuyện với nhau, anh và cha đã xích lại gần nhau hơn, anh được biết nhiều hơn về ông cụ, người đã đem anh vào đời, yêu thương anh và dày công nuôi dạy anh trong bao nhiêu năm.

Khi gia đình anh Đoan từ giã cha mẹ trở về, anh và cha anh không ôm nhau cũng không bắt tay, nhưng qua ánh mắt, hai cha con đều cảm nhận được sự thông cảm và tình thương yêu tràn đầy giữa hai người. Thưa quý thính giả, chúng tôi vừa chia xẻ vắn tắt với quý vị câu chuyện có thật, đăng trên tờ Los Angeles Times trong tuần qua.

Kinh nghiệm của anh Đoan có lẽ cũng là kinh nghiệm của nhiều người. Là người Á đông, chúng ta ít biểu lộ tình cảm, vì thế chúng ta khó cảm nhận được tình cảm người khác dành cho mình, nhất là giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là giữa các ông cha và con trai, vì phái nam lại càng ít bộc lộ tình cảm hơn nữa. Chính vì thế mà trong gia đình, tình thương yêu giữa cha với con trai là điều chúng ta ít thấy và ít nói đến. Ngược lại, chúng ta hầu như thấy bất đồng ý kiến, đối kháng và phiền giận nhau nhiều hơn. Thật ra, tình phụ tử là một tình cảm thiêng liêng, sâu đậm nhưng vì ít biểu lộ, ít cảm nhận được nên chúng ta có cảm tưởng như không có và không ảnh hưởng đến chúng ta nhiều như tình mẫu tử.

Mẹ và con gái dễ trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau nên dù dễ buồn giận nhau, hay làm phật lòng nhau nhưng đôi bên biết nhau và hiểu nhau nhiều. Còn cha với con trai ít trao đổi tiếp xúc, ít trò chuyện nên có thể ít đụng chạm nhưng mỗi người là một hoang đảo xa lạ. Đôi bên thương nhau nhưng thấy khó xích lại gần nhau, và vì không cởi mở với nhau nên không biết rõ nhau và khó thông cảm nhau. Đây thật là điều đáng tiếc, vì tình cha con là tình cảm có thể đem lại cho chúng ta nhiều điều quý giá mà chúng ta không tìm được nơi một người nào khác.

Thánh Kinh thường mô tả tình yêu Đức Chúa Trời dành cho con người với tình thương của cha đối với con. Tình cảm đó lớn lao, sâu đậm và bền vững. Thánh vịnh thứ 103 viết: Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Thánh Kinh cũng cho biết, Thiên Chúa là Cha của người góa bụa, kẻ mồ côi. Ngài yêu thương tất cả mọi người. Lời mô tả này cho thấy tình phụ tử là điều thực hữu và cao quý.

Người lớn tuổi thường hay nghĩ về quá khứ, hay ôn lại những chuyện đã xảy ra trong đời. Có những ông cha, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời thường bị dằn vặt bởi những lầm lỗi mình đã làm khi còn trẻ, ân hận về những đau khổ mình đã gây ra cho vợ con. Có người ân hận vì đã nóng giận với con, đánh oan con hoặc mắng chửi con nặng lời. Ân hận vì thương con nhưng đã hành động hoặc xử sự không đúng, khiến con không cảm nhận được tình thương đó. Những dằn vặt đó có thể khiến các cụ đau ốm về thể xác lẫn tinh thần. Có người mong ước có thể nói lên với con sự hối tiếc của mình để tâm hồn được nhẹ nhàng nhưng ít khi có cơ hội.

Vì thế chúng tôi thiết nghĩ, trong vai trò làm con đây là một trong những điều chúng ta có thể làm cho cha mẹ nếu chúng ta may mắn còn có các cụ ở bên cạnh. Là con người tội lỗi, chúng ta không ai hoàn toàn. Trong cương vị làm con, chúng ta đã nhiều lần làm cho cha mẹ buồn và trong trách nhiệm làm cha mẹ, các cụ cũng không tránh được thiếu sót. Vì thế, để những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời các cụ được nhẹ nhàng, vui vẻ, chúng ta có thể tìm dịp về thăm các cụ, nhất là tìm cơ hội nói chuyện riêng với cha, cảm ơn về công ơn sinh thành dưỡng dục. Nếu khi còn niên thiếu, chúng ta có làm điều gì khiến các cụ buồn lòng, chúng ta nên xin các cụ tha thứ. Nếu ngày trước các cụ có làm điều gì không phải, vì thế mà tình cảm cha con không được tràn đầy, chúng ta cũng nên bỏ qua và thưa với các cụ là chúng ta thông cảm với các cụ và kính yêu các cụ thật lòng.

Nếu vì hoàn cảnh, chúng ta không thể về thăm các cụ để thưa chuyện mặt đối mặt, hoặc nếu ngại, không muốn nói chuyện trực tiếp, chúng ta có thể viết thư hoặc gọi điện thoại, điều quan trọng là chúng ta cần tháo gỡ những gút mắc, hàn gắn những đỗ vỡ, bày tỏ cho cha mẹ, nhất là cho cha, biết tình thương yêu và lòng biết ơn của chúng ta đối với các cụ.

Có một người con trai nọ, sống ở xứ người, có gia đình, con cái. Khi các con anh đến tuổi thiếu niên, cũng như những thiếu niên khác, các em chống nghịch và tìm cách tách rời khỏi anh. Điều đó làm anh rất là đau buồn nhưng cũng khiến anh nhớ lại cách anh đối xử với ông cụ thân sinh của anh ngày trước. Cảm nhận sâu xa những điều sai quấy mình đã làm khiến cha mẹ buồn, anh quyết định trở về quê nhà thăm gia đình. Trong dịp viếng thăm đó, anh đã dành nhiều thì giờ nói chuyện với cha, anh cũng xin lỗi cha về những điều dại dột anh làm ngày trước. Cha anh nói ông không phiền giận anh gì nữa, nhưng điều làm anh ngạc nhiên hơn cả là ông cụ cũng xin lỗi anh và ông khóc thật nhiều. Anh nói đó là lần đầu tiên trong đời anh thấy cha khóc. Hai cha con cùng khóc với nhau và bỏ qua tất cả lỗi lầm cho nhau. Từ đó, tuy ở xa nhau ngàn dặm, hai cha con đã trở thành bạn của nhau, chia xẻ với nhau bao nhiêu tâm tình qua thư từ, điện thoại. Hai năm sau thì ông cụ mất, người con trai tuy tiếc là đã không nhìn thấy sự quý giá của tình phụ tử sớm hơn, nhưng anh cũng cảm tạ Chúa đã cho anh có cơ hội làm hòa với cha, chia xẻ đức tin nơi Chúa của anh với ông và anh có được hai năm thật ngọt ngào với ông cụ.

Kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh như sau: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia, Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (còn tiếp).
Minh Nguyên