Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 15, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--6



Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết câu: "Mẹ già như chuối chín cây, gió đưa mẹ rụng con thì mồ côi." Vĩnh viễn chia tay người thân yêu trên đời tạm này là điều không sớm thì muộn tất cả chúng ta đều phải đối diện. Nếu quý vị đã trên 40-50 mà còn cha còn mẹ, đó là một ơn phước đặc biệt Đức Chúa Trời ban cho quý vị. Chỉ tiếc là nhiều khi chúng ta không nhận ra đó là ơn phước mà lại thấy hầu như là gánh nặng. Khi cha mẹ đã cao tuổi, thật chúng ta không biết mình sẽ được gần các cụ bao nhiêu ngày tháng nữa vì các cụ có thể ra đi bất cứ lúc nào.






Thánh Kinh cho biết trên đời tạm này không có cái gì tồn tại mãi mãi, tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi. Tất cả những điều con người quý chuộng và đeo đuổi như tiền bạc, vật chất, địa vị, danh vọng, quyền thế rồi sẽ đến ngày chấm dứt. Ngay cả những tình cảm, những mối quan hệ thân thương giữa ta với người chung quanh, kể cả những tình cảm quý nhất, đậm đà nhất như tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ con cũng chỉ tồn tại trong một thời gian hạn định rồi chấm dứt, lắm khi chấm dứt một cách đột ngột, bất ngờ, khiến chúng ta vô cùng đau đớn. Đây là một thực tế không ai chối cãi được, có lẽ chính một số quý vị đã kinh nghiệm điều này. Chỉ có một điều duy nhất sẽ còn lại đời đời đó là linh hồn của chúng ta.
Trước cái thực tế đau xót là người thân yêu ruột thịt không ở với chúng ta mãi mãi, mà trái lại chúng ta có thể mất những người thân yêu đó bất cứ lúc nào, có lẽ chúng ta cần xét lại cách cư xử của mình với người chung quanh, nhất là với các bậc sinh thành, để khi phải chia tay chúng ta không có gì phải ân hận, hối tiếc.

Một ngày kia một vị mục sư nọ đến thuyết trình cho một nhóm sinh viên đại học về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Cuối giờ thuyết trình một chàng sinh viên đến gặp vị mục sư, vừa khóc vừa nói: Lời dạy của Mục sư hôm nay hay quá nhưng đối với cháu đã quá trễ, ba của cháu mất đã ba tháng nay. Rồi chàng sinh viên nói tiếp, vì giận Ba, cháu chọn một trường thật xa để được đi ra khỏi nhà. Nhiều lần Ba cháu tìm cách làm hòa nhưng cháu không muốn làm hòa. Cách đây ba tháng cháu về thăm nhà, buổi tối hôm đó ba cháu đến ôm nhẹ cháu và nói thật nhanh: Ba thương con. Cháu còn giận trong lòng nên không trả lời cũng không bày tỏ phản ứng gì. Khuya hôm đó ba cháu lên cơn đau tim và chết. Bây giờ cháu ân hận vô cùng vì đã không chịu làm hòa với cha.

Thưa quý vị, như có lần chúng tôi đã chia xẻ, tất cả những gì chúng ta có thể làm cho người khác, hãy làm trong lúc còn cơ hội tức là trong lúc người đó còn ở gần bên chúng ta. Thánh Kinh dạy: Trong lúc còn dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin ( ). Điều này đặc biệt đúng trong bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Những gì có thể làm cho cha mẹ, chúng ta hãy làm khi các cụ còn sống, còn có thể ghi nhận và vui hưởng. Những gì chúng ta làm khi các cụ đã ra đi chỉ là để cho chúng ta được bình an trong lòng chứ các cụ không thể cảm biết được, cũng không hưởng được.

Ngoài những việc cụ thể con cái có thể làm để bày tỏ lòng yêu kính cha mẹ như chăm sóc miếng ăn thức uống, chăm sóc sức khoẻ, dành thì giờ thăm viếng, trò chuyện, đưa đi nơi này nơi kia, v.v... Điều quan trọng nhất và quý nhất mà chúng ta có thể làm cho các cụ là nối lại mối dây yêu thương, thông cảm giữa chúng ta với các cụ, xóa bỏ đi những phiền giận, những thành kiến hay hiểu lầm nếu có giữa, chúng ta và các bậc sinh thành.
Có nhiều người làm trọn bổn phận với cha mẹ, chăm sóc về mọi mặt rất là chu đáo nhưng trong lòng vẫn buồn giận, cay đắng vì những chuyện đau buồn xảy ra trong quá khứ. Giữa cha con hay mẹ con thiếu đi tình thương yêu chân thật, thiếu sự thông cảm, lúc nào cũng như có một bức tường vô hình ngăn cách đôi bên.
Có người giận cha mẹ vì cách sửa dạy quá nghiêm khắc khi mình còn bé. Có người buồn vì bị cha mẹ bỏ quên, hất hủi, thiên vị, yêu thương không đồng đều. Có người giữ niềm cay đắng trong lòng vì ngày trước cha bỏ mẹ đi theo người khác khiến mình phải bơ vơ, đói khổ, thiếu tình thương yêu. Có người con gái kia dù bây giờ đã lớn tuổi vẫn còn buồn cha mẹ vì ngày cô còn bé cha mẹ giao cô cho bà ngoại nuôi để rảnh tay đeo đuổi công danh sự nghiệp. Có người không bao giờ quên những lời mắng chửi của cha của mẹ khi còn nhỏ, khiến mình bị tổn thương hoặc nhụt chí nản lòng không vươn lên được.

Có một người đàn bà kia còn mẹ nhưng ít khi nào muốn về thăm mẹ. Lý do là vì lúc nào mẹ của bà cũng xem bà như con nít. Tuy người đàn bà này lập gia đình đã lâu, con cái đã lớn, nhưng mỗi khi gặp lại mẹ, bà có cảm tưởng mình chỉ là đứa nhỏ năm bảy tuổi, không biết gì. Mỗi lần gặp là bà cụ phê bình sao để kiểu tóc không hợp, mặc quần áo màu quá xấu, tại sao không làm chuyện này, không lo chuyện kia. Khi đến nhà thấy con nấu ăn thì bà bảo món này nấu như thế không đúng, làm cái này sai cài kia hỏng, v.v... Mỗi lần gặp lại mẹ người đàn bà này bị chê bị trách, làm cho lòng buồn bã chán nản vì thế bà thường tìm cách tránh gặp mẹ.

Thật ra, nếu chúng ta cứ ghi nhớ mãi về những điều không vui không đẹp trong quá khứ thì rất dễ có lý do buồn giận các bậc sinh thành của mình. Vì dù thương con đến đâu, không có cha mẹ nào là toàn hảo, không cha mẹ nào không bao giờ lầm lỗi. Tương tự như thế, dù thương cha mẹ và dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không ai là đứa con toàn hảo. Chúng ta cũng có bao nhiêu lúc làm cho cha mẹ đau buồn, thất vọng hay xấu hổ với bạn bè. Vì không ai toàn hảo nên chúng ta cần chấp nhận nhau và tha thứ nhau.

Các nhà tâm lý học cho biết rằng có ba điều chúng ta cần nói ra với cha mẹ một cách thành thật để có thể dẹp bỏ bức tường ngăn cách giữa chúng ta và cha mẹ khi các cụ đã cao tuổi. Ba điều đó là: mặc cảm tội lỗi, những nỗi lo sợ và lòng buồn giận cay đắng. Chúng ta thường nghe kể lại trường hợp những người biết mình sắp qua đời nên xưng tội, xin lỗi người thân yêu hoặc nói lên hết những buồn giận trong lòng để mình ra đi cách bình an. Chúng ta không cần phải đợi đến những giây phút cuối cùng đó để làm hòa với nhau nhưng có thể xích lại gần nhau để thông cảm với nhau ngay trong lúc mọi người còn bình an, khoẻ mạnh. Hơn nữa, không phải người nào cũng có những giây phút cuối cùng để chuẩn bị từ giã cuộc đời.

1. Mặc cảm tội lỗi
Điều đầu tiên chúng ta cần giải quyết với nhau là vấn đề tội lỗi hay lầm lỗi. Là con nếu biết mình có những điều đã làm cha mẹ đau buồn, chúng ta không nên giữ những điều đó trong lòng nhưng tìm dịp thành thật nói ra với cha mẹ và xin cha mẹ tha thứ. Đây là điều khó chứ không dễ, vì chúng ta ai cũng có tự ái và danh dự của mình. Chúng ta thường dễ thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của chính mình. Như lời Chúa Cứu Thế phán dạy: Chúng ta thường thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cây đà trong mắt mình. Nhưng bây giờ là lúc chúng ta cần nghĩ đến lầm lỗi của mình, thú nhận và xin cha mẹ tha thứ. Nhiều khi chúng ta không cần phải nói cách trịnh trọng hay nghiêm trọng nhưng chỉ nói qua cách nhẹ nhàng nhưng thành thật. Chẳng hạn như nói: Hồi nhỏ chắc con cứng đầu, không vâng lời và hay cãi lại thành ra con làm ba mẹ buồn nhiều lắm phải không? Hoặc: hồi nhỏ con không lo học hành, đi chơi nhiều quá làm ba mẹ lo lắng hoài, ba mẹ còn nhớ còn buồn con không? v.v...

Không những nói lên lỗi lầm của mình và xin cha mẹ tha thứ, chúng ta cũng cần tha thứ những điều đau buồn cha mẹ vô tình gây ra cho chúng ta. Lòng tha thứ phải là điều hỗ tương, đến từ hai bên thì mới có ý nghĩa và mới giúp người có lỗi xóa bỏ đi mặc cảm tội lỗi. Khi cha mẹ và con cái đôi bên có thể thành thật nói lên những lỗi lầm hay thất bại của mình trong vai trò làm cha mẹ, làm con cái trong gia đình, chúng ta sẽ thấy gần nhau và thông cảm nhau một cách xâu xa, bức tường ngăn cách sẽ được phá bỏ đi. Cha mẹ và con cái có thể trở nên như những người bạn hiểu nhau và yêu thương nhau hơn hết. Hai điều còn lại chúng tôi sẽ trình bày trong câu chuyện gia đình kỳ tới.
Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị nguyên tắc về tha thứ của Thánh Kinh như sau: "Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy" - Ê-phê-sô 4:32 (còn tiếp).
Minh Nguyên