Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 15, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--7



Chị Lan cùng với chồng sang Mỹ theo diện HO đã hơn 7 năm. Ngày từ giã gia đình ra đi, chị cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vì không còn phải ở gần bà mẹ chồng khó tính, người đã làm khổ chị từ ngày chị bước chân về nhà chồng. Mỗi lần nghĩ đến cách đối xử thiếu yêu thương của cha mẹ chồng, chị Lan không những buồn tủi nhưng rất là căm giận. Đến nỗi có khi chị nghĩ: bà mẹ chồng của chị phải gặp chuyện gì thật đau khổ mới xứng đáng với những khổ đau bà đã gây ra cho chị trong suốt bao nhiêu năm. Nhưng sau bốn năm sống ở Mỹ, chị Lan được nghe Phúc Âm cứu rỗi của Chúa, chị đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và trở nên con của Ngài. Khi học về những nguyên tắc sống đạo trong Kinh Thánh, chị Lan cảm thấy ân hận và xấu hổ về thái độ của chị đối với cha mẹ chồng.

Một thời gian sau, chị đề nghị với chồng là hai vợ chồng về thăm gia đình, đem quà về biếu ông bà cụ để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhất là để lòng chị bớt áy náy. Chị Lan thầm nghĩ: so sánh với cách gia đình chồng đối xử với mình mà mình về thăm và biếu quà như thế là quá tốt rồi. Nhưng khi về đến nơi, thấy cha mẹ chồng gầy ốm, bệnh hoạn và rất là cô đơn, chị thấy thương ông bà quá. Tình yêu của Chúa tràn ngập trong lòng chị, khiến chị yêu thương cha mẹ chồng một cách lạ lùng. Chị nghĩ Chúa đã tha thứ tội lỗi cho mình, mình cũng phải tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của người khác.


Hai ngày trước khi từ giã cha mẹ chồng trở về Mỹ, chị Lan đã dành thì giờ trò chuyện với ông bà cụ. Chị chia xẻ niềm tin nơi Chúa mà chị đã nhận được và cũng thành thật nói lên những điều buồn giận chị giữ trong lòng ngày trước và xin ông bà cụ tha thứ cho chị. Kết quả là hai bên đã xin lỗi nhau, tha thứ nhau và cùng chia xẻ với nhau những giọt nước mắt chân thành. Kể từ hôm đó chị Lan và cha mẹ chồng đã xóa bỏ đi những hiểu lầm, phiền giận chất chứa đối với nhau suốt bao nhiêu năm. Ngày từ giã gia đình lên đường, chị Lan ra đi với tấm lòng nhẹ nhàng sung sướng, nhưng lần này có thêm sự bình an thật trọn vẹn.

Kính thưa quý thính giả, trong câu chuyện gia đình kỳ trước, chúng tôi có chia xẻ rằng khi cha mẹ đã cao tuổi, chúng ta chăm sóc cho các cụ về những nhu cầu vật chất là điều rất tốt nhưng quý hơn nữa nếu chúng ta có thể thành thật chia xẻ với các cụ những điều ta suy nghĩ trong lòng. Nói lên lòng yêu thương, biết ơn của chúng ta đối với các cụ; nói lên những lỗi lầm của chúng ta để xin các cụ tha thứ. Nhất là chia xẻ những cảm nghĩ không vui, hoặc những hiểu lầm nếu có, khiến giữa chúng ta và các cụ thiếu sự gần gũi và cảm thông trong tình cha con hay tình mẹ con.
Ba điều cần nói ra để xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa chúng ta với cha mẹ là: (1) Những lỗi lầm của chúng ta khiến cha mẹ buồn khổ hay những thiếu sót của chúng ta trong bổn phận làm con. (2) Những điều chúng ta lo nghĩ, lo sợ cho cha mẹ và (3) Những điều phiền giận chúng ta ôm giữ trong lòng lâu nay.

1. Nói lên lỗi lầm của chúng ta và xin cha mẹ tha thứ
Nói lên những suy nghĩ chân thật nhất, thầm kín nhất của mình với người khác là điều rất khó, vì chúng ta không biết người đó sẽ phản ứng như thế nào. Có khi nói thật lại bị hiểu lầm hay bị la rầy thêm. Vì những lo sợ đó mà chúng ta thường ít dám thành thật với nhau. Tuy nhiên, đối với cha mẹ thì khác, có thể nói trừ những trường hợp ngoại lệ, trên đời này không ai thương yêu chúng ta bằng cha mẹ, cũng không người nào hy sinh cho chúng ta và lo lắng cho chúng ta nhiều bằng cha mẹ. Vì thế khi chúng ta thành thật nói lên những thiếu sót hay lỗi lầm của mình, cha mẹ sẽ thông cảm và chấp nhận chứ ít khi nào phản ứng không thuận lợi. Nếu có buồn giận con các cụ cũng sẽ hết buồn giận mà có khi còn cảm thấy được an ủi, vui thỏa trong lòng. Không gì làm cha mẹ chúng ta vui cho bằng con cái nhìn biết lầm lỗi của mình và biết nói lời xin lỗi. Lúc đó dù buồn con đến bao nhiêu các cụ cũng sẵn sàng tha thứ hết.

Một lý do khác khiến chúng ta nên nói ra lầm lỗi của mình với cha mẹ và xin lỗi các cụ vì chúng ta không có các cụ ở với chúng ta mãi. Khi đã nói lên được những điều đó rồi, dù có phải chia tay các cụ mãi mãi, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng, không có gì hối tiếc.

Thúy là con gái của ông bà Tư. Năm lên hai mươi tuổi nàng đã cãi lời cha mẹ bỏ học, bỏ nhà đi theo người bạn trai sang tiểu bang khác. Ông bà Tư không chấp nhận người bạn trai của Thúy vì đó là người đã có vợ. Ba năm sau, người đàn ông đó bỏ Thúy để chạy theo một người khác. Thúy không biết đi đâu nên đành ôm con trở về sống với cha mẹ. Từ đó, tuy sống chung dưới một mái nhà, cha mẹ và Thúy thường tránh nói chuyện với nhau, vì hễ nói là không tránh được cãi cọ hay những lời phàn nàn trách móc. Một hôm bà Tư bị đau bất ngờ phải đưa vào nhà thương. Thúy vào thăm mẹ, nhìn nét già nua cằn cỗi trên khuôn mặt của mẹ, nàng thấy thương mẹ vô cùng. Nàng biết chính vì mình mà mẹ đã buồn khổ suốt bao nhiêu năm qua. Không dằn được niềm cảm xúc trong lòng, Thúy lấy hai tay ôm mặt mẹ, nói với giọng thật ngọt ngào: Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, con xin lỗi đã cãi lời ba mẹ, làm ba mẹ phải khổ vì con, xin mẹ tha lỗi cho con.

Nghe con nói bà Tư cảm động nắm hai bàn tay con siết chặt, cố nở nụ cười, nước mắt tràn trên mi. Bà khẽ nói: Mẹ cũng xin lỗi con vì mẹ không dành nhiều thì giờ với con để hướng dẫn con khi con còn nhỏ. Khi bà Tư bình phục và trở về nhà, mối quan hệ giữa bà và cô con gái thay đổi hẳn. Hai người nói chuyện với nhau thật nhiều, tâm tình với nhau đủ mọi chuyện, lòng thông cảm đã thay thế cho mặc cảm tội lỗi và nỗi phiền giận trong lòng. Tất cả là nhờ ở hai tiếng xin lỗi, nói lên với tấm lòng chân thật. Có người đã nói: con cái xin lỗi cha mẹ không có gì là xấu hổ và không bao giờ là quá trễ nếu chúng ta nói khi cha mẹ còn có thể nghe được. Nhiều khi cha mẹ đã tha thứ lỗi lầm cho chúng ta rồi mà chúng ta không biết nên vẫn ngần ngại không dám nói lên hai tiếng xin lỗi.

Những câu nói có tác dụng tốt đẹp trên tình cảm giữa con cái và cha mẹ là những câu rất ngắn, rất đơn giản nhưng cũng là những câu khó nói, vì thế chúng ta ít khi muốn nói. Đó là câu Con thương ba lắm, Con thương mẹ lắm, Xin ba tha lỗi cho con, Xin mẹ tha lỗi cho con. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm vâng theo Lời Chúa dạy, dẹp bỏ tự ái, thành thật nói lên điều mình cần phải nói với cha mẹ, chúng ta sẽ kinh nghiệm được tình yêu thương ngọt ngào trong gia đình. Dĩ nhiên là với điều kiện khi con cái nhận lỗi và xin lỗi, cha mẹ cũng phải có lòng bao dung, độ lượng để chấp nhận và tha thứ cho con.

Cũng có trường hợp cha mẹ không chấp nhận lời xin lỗi của con và không tha thứ cho con, nhưng điều đó không sao, vì không thuộc phần trách nhiệm của chúng ta. Nếu chúng ta đã thành thật nói ra những lỗi lầm hay thiếu sót của mình và xin lỗi cha mẹ mà các cụ không chấp nhận, các cụ phải chịu trách nhiệm về lòng thiếu tha thứ của mình, còn chúng ta không có lỗi gì vì đã làm điều mình cần phải làm.

2. Nói cho cha mẹ biết những điều ta lo nghĩ, lo sợ cho cha mẹ
Một điều khác nữa cũng rất khó cho chúng ta thành thật nói ra với cha mẹ, đó là nói lên những điều ta lo lắng, lo sợ cho cha mẹ. Luật mà Thiên Chúa tức là Đấng Tạo Hóa đã định cho con người là con người sinh ra đời, sống một thời gian rồi chết, trở về với cát bụi, là nơi từ đó con người được tạo thành. Đây là một định luật đời đời không ai tránh khỏi và cũng không ai có thể sửa đổi được. Dù cho chúng ta kiêng không nói đến chữ chết hay cố dùng bao nhiêu từ khác để tránh nói đến chữ chết', chết là một thực tế, là điều chắc chắn sẽ đến với mỗi một chúng ta. Dù chúng ta yêu thương cha mẹ hay một người nào đến đâu, một ngày kia chắc chắn chúng ta sẽ mất người đó qua cái chết. Ngay cả mạng sống của chính mình chúng ta cũng không ôm giữ mãi được.

Thánh Kinh chứa đựng đầy dẫy những lời dạy về tính cách mong manh và ngắn ngủi của đời người: Sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay (Gia-cơ 4:14). Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta vì Ngài biết chúng ta chỉ là bụi đất. Đời loài người như cây cỏ; người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng. Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa (Thi Thiên 103:15). Mỗi ngày, qua tin tức trên radio, ti-vi, qua các mục Nhịp cầu thân yêu chúng ta luôn luôn được nhắc nhở về cái chết và sự ra đi của những người thân yêu. Vì thế để thật sự thông cảm với cha mẹ đã cao tuổi, chúng ta hãy để các cụ nói lên những suy nghĩ của các cụ về cái chết, chúng ta là con cái cũng thành thật nói lên nỗi lo lắng của chúng ta trước sự mất mát lớn lao khi các cụ không còn với chúng ta nữa. Chúng ta không nên che giấu hay làm ngơ trước nỗi lo lắng lớn lao và quan trọng của đời người nhưng nên nói ra để trong lòng bớt lo lắng và để chúng ta và cha mẹ chuẩn bị sẵn sàng khi cái chết đến (còn tiếp).
Minh Nguyên