Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 1, 2018

Dwight Lyman Moody

(1837-1900)
Dwight Lyman Moody là một người có ân tứ thuyết giảng Phúc Âm chinh phục linh hồn hư mất quán quân và đáng chú ý nhất trong thế kỷ 19 không có ai phủ nhận được; mặc dầu phần đầu cuộc đời ông chẳng có tín hiệu nào tỏ ra hứa hẹn cho sự nghiệp đó cả.
Ông D. L. Moody sanh ngày 5-2-1837, là con trai thứ sáu trong chín người con của gia đình Thanh giáo ở Hạt Northfield, tiểu bang Massachussett, Hoa kỳ. Thân phụ ông là Sadwin và mẹ là bà Betsy Holton Moody. Moody sớm mồ côi cha nên mẹ ông phải chống chọi với cảnh cơ hàn để nuôi đàn con nheo nhóc; lúc ấy Moody được 4 tuổi. Tự nhiên gia đình này lâm vào cảnh vật chất nguy kịch. Do đó Moody không được học hành bao nhiêu và cũng chẳng có kiến thức về văn hóa nào đáng kể. Dẫu vậy thân mẫu Moody là một phụ nữ đầy lòng tin kính Chúa và có thừa nghị lực để không vì quá khốn cùng lo cho đời sống gia đình mà thiếu sự quan tâm đến đời thuộc linh của các con mình đâu.

Moody lớn lên trong một nông trại cho đến năm 1854, với số vốn học hành ở nhà trường ít ỏi, ông từ giã gia đình năm được 17 tuổi đến làm việc tại một tiệm đóng giày của người chú ruột ở Boston. Đang khi làm việc ở đây ông được biết Chúa và trở lại quy thuận Ngài xuyên qua sự dìu dắt của một tín đồ là ông Edward Kimball (Kimble). Cộng đồng Cơ Đốc ở núi Vermon đã có những đòi hỏi khá cao, vì Moody không được am tường giáo lý Tin lành bao nhiêu nên ông không đáp ứng tiêu chuẩn tham gia, điều này đã làm cho ông xuống dốc hết một năm.
Khi chuyển đến Chicago năm 1865, Moody đã trở thành một thương gia thành đạt, và là một thành viên năng động của giới công nhân trong Hội Thánh Cộng đồng ở Plymouth. Mỗi ngày Chúa nhật ông tập sự hầu việc Chúa bằng cách làm chứng và mời gọi thân hữu xa gần xếp đầy 4 băng ghế trong nhà thờ, đó là những học viên mà ông đã chiêu mộ được trong chức vụ chứng đạo viên tình nguyện hằng tuần của ông. Ông còn thành công trong việc chiêu tập những học viên cho Trường Chúa Nhật ở chi hội ông và ở tuổi 23, tức là trong một vài năm sau hoạt động ông đã lập ra một Trường Chúa Nhật có 1000 học viên. Ông phục vụ trong môi trường đặc biệt này như là người điều hành và tập họp hơn là một giáo viên chuyên môn thực thụ. Chẳng bao lâu sau đó, ông quyết định cung hiến trọn thì giờ và đời sống mình cho công tác Nhà Chúa. Ông đi nhiều nơi thuyết trình trong các Hội nghị Trường Chúa Nhật, giảng cho nhiều nhóm người, thành lập một nhà thờ cho riêng ông giảng dạy, và hầu việc Chúa với tư cách là Chủ tịch của Hội Thanh Niên Cơ Đốc Giáo (YMCA).
Nhưng chính trong vòng đi thuyết giảng của Moody đến nước Anh (1873 --1875) mà ông đã khám phá và khai thác tài năng cho sự nghiệp truyền giảng Tin lành quy mô của mình, và phấn hưng Hội Thánh. Việc này khởi đầu chẳng có mấy sáng sủa, nhưng trong thời gian ông trở về Hoa kỳ, thì ông nghiễm nhiên đã trở thành một trong những nhà truyền giáo Tin lành có tầm vóc quốc tế. Dwight Moody đã hợp tác với Ira Sankey; và Harrey Moorhouse đã giúp ông biết cách giảng thuyết ngoài trời. Khi ông rời khỏi nước Anh để tái cung hiến mình hoàn toàn vào các công cuộc vận động cho cao trào phấn hưng Giáo hội. Mặc dù Moody chưa bao giờ là một nhà truyền giáo được rèn luyện chính quy kỹ lưỡng; song tài năng tổ chức, tài động viên của ông đã có một quá trình thực tập và ảnh hưởng lâu dài trong sự truyền giảng cho quảng đại quần chúng ít ai bì kịp.
Mặc dù Moody không chính thức mang một chức thánh nào về mặt tổ chức trong các Giáo hội, nhưng không còn hoài nghi chi nữa, ông được kể là nhà du hành Truyền bá Phúc Âm nhiều hơn hết giữa vòng những người mà Đức Chúa Trời đã dấy lên ở thế kỷ 19. Ông Moody đã có dịp công bố Tin lành ở hầu hết các xứ Mỹ châu và cả Anh quốc, Scotland. Ireland, Palestine. Ông từng đứng ra tổ chức và điều hành các chiến dịch truyền giảng Phúc Âm lớn lao và đem lại nhiều "chiến lợi phẩm" nhứt cho Đức Chúa Trời chưa từng thấy. Cuộc chu lưu truyền đạo của ông khắp nơi đã được sự hiệp tác chặt chẽ, chân thành của danh ca Ira Sankey; và các buổi tuyên đạo của hai vị này được sách vở kể là những cuộc tuyên truyền Cơ Đốc giáo vĩ đại, đưa đến những cuộc thức tỉnh tâm linh chưa từng có thời bấy giờ. Hầu hết các thị trấn, thành phố tại Hoa kỳ ông đều đến giảng. Tính ra trong hơn 40 năm chức vụ, ông có dịp giảng cho hơn 50 triệu thính giả. Số người nghe ông giảng mỗi ngày từ 10000 đến 25000 trở lên; và mỗi ngày ông phải giảng 3 hay 4 lần là thường. Ông là diễn giả tài ba xuất chúng mà không qua một trường đào tạo chính thức nào. Được vậy, chẳng có bí quyết nào siêu vời khác hơn là bởi ông đã hoàn toàn dâng mình và tuân phục Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Có những đài kỷ niệm để biểu minh cho công nghiệp và chức vụ không hề mỏi mệt của ông đó là: Thánh Kinh Học Viện Moody (Moody Bible Institute), một Giáo đường lớn mang tên Moody Church. Trong những năm cuối cùng của đời mình, ông Moody sáng lập hai nhà trường và một trường Thánh Kinh Mùa hè ở Northfield. Năm 1886, ông lập ra Đoàn truyền giảng Tin lành Chicago, đó là tiền thân của trường Thánh Kinh Moody vậy. Ngoài ra ông cũng lập ra Hội Đoàn Thanh Niên Cơ Đốc (YMCA) nhằm hướng dẫn đời thuộc linh cũng như tìm kiếm công ăn việc làm, huấn nghệ cho các bạn trẻ khỏi sa vào con đường tội ác. Đoàn này đã gây được tiếng vang khá tốt và còn lưu lại cho đến ngày nay. Thánh Kinh Hiệp Hội Moody là một Trường Chúa Nhật ở tiểu bang Illinois, Hòakỳ, đáng làm kiểu mẫu cho tất cả các Trường Chúa Nhật sau này trên khắp thế giới - Tất cả các công trình này đều ở tại tiểu bang Chicago.
Dwight L. Moody về Nước đời đời của Chúa ngày 22-12-1899 (có chỗ nói là năm 1900). Sự qua đời của ông đã cướp đi của thế giới một nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết và năng quyền của Thánh Linh mà không hề suy giảm bao giờ.