Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, September 9, 2012

Bài Học Về Lòng Kiêu Ngạo



Thi Thiên 131:1 "Hỡi Ðức Giê-hô-va, lòng tôi không kiêu ngạo, mắt tôi không tự cao, tôi cũng không tìm tòi những việc lớn, hoặc những việc cao kỳ quá cho tôi".
BS01029.jpg
Đại thi hào Nguyễn Du kết thúc truyện kiều bằng những vần thơ trong đó có câu: “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần.” Có tài để phục vụ cho nền văn minh tiến bộ xã hội là điều cần thiết. Có tài mang đến nguồn trí tuệ đạo đức làm cho dân giàu nước mạnh là điều cao quý ai cũng tôn trọng. Có tài giúp cho những ai sống trong chốn tối tăm bước ra được nơi sáng láng sống an bình thỏa vui là điều hạnh phúc nhất. Nhưng vì lòng kiêu ngạo, tính tự cao hoặc tìm tòi những việc lớn, hay thích làm những việc cao quá sức mình khiến cho kẻ có tài phải mang tai họa
.



Người có tài mà không chế ngự lòng kiêu ngạo sẽ không bao giờ thuận phục ai kể cả Chúa trên trời. Chúa phán trước về số phận của những người như vậy trong Châm Ngôn 16:5 “Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Ðức Giê-hô-va; Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt.” Không thể định nghĩa lòng kiêu ngạo theo bản án của loài người nhưng hãy xem xét số phận của người kiêu ngạo theo cách Đức Giê Hô Va hình phạt. Sự hình phạt của Đức Giê Hô Va là sự hình phạt đời đời, sự hư mất cả linh hồn lẫn thể xác nơi hỏa ngục. Người có lòng kiêu ngạo dầu có hình phạt nặng theo luật pháp họ cũng nhởn nhơ coi thường, nhưng Đức Chúa Trời hình phạt những người kiêu ngạo sẽ làm cho nhiều người khiếp sợ, răn đe cảnh tỉnh được lòng nhiều người. Ha Man là quan tể tướng tin cẩn của vua nước Ba Tư với lòng kiêu ngạo toan tính dùng cây mộc hình để treo Mạc Đô Chê là một công dân kính sợ Đức Chúa Trời lên đó. Nhưng ông không ngờ chỉ mới dựng cây mộc hình lên mà hôm sau ông đã bị treo lên đó khiến cho ai nấy cũng phải ngạc nhiên và rúng động về quyền phép của Đức Chúa Trời.

AA034564.jpgNgười có mắt tự cao thường không có tài do đó họ tự coi mình là quan trọng và chẳng xem ai ra gì. Họ dùng lời nói hoặc dùng ánh mắt cao ngạo khinh khi để che mắt mọi người. Đôi khi người có mắt tự cao đồng nghĩa với việc đó là kẻ xem người khác không ai bằng mình theo như người xưa hay nói: “Mục hạ vô nhân”. Người có mắt tự cao thường hay nổi nóng, phê bình khi bị chỉ trích, lên án và gây mất lòng với nhiều người kể cả với những người thân cận hoặc người đã giúp đỡ cho mình. Người có mắt tự cao hay có những thủ đoạn cướp công của người khác làm nên công trạng cho mình, dân gian hay nói mỉa mai: “Ngày nay Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều.” Câu nói ám chỉ về những người có mắt tự cao thường là những kẻ bất tài và hay dùng thủ đoạn ám hại người, cướp công để tạo nên bước tiến thân cho mình. Trong Kinh Thánh ghi lại trường hợp của hai quan thượng thư đứng hàng đầu trong triều đại Vua Đa-ri-út muốn loại Đa-ni-ên là quan đồng liêu với họ và là người kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách xin Vua ra một cấm lệnh cho bất cứ dân chúng hay quan lớn trong triều không được cầu nguyện với ai ngoài vua ra trong thời hạn ba mươi ngày. Nếu ai vi phạm sẽ bị quăng vào hang sư tử. Mắt tự cao của hai quan thượng thư này nói thầm trong lòng “Phen này Đa-ni-ên không thể thoát nạn.” Quả nhiên hai quan thượng thư này đạt được mưu chước và thủ đoạn của mình, nhưng Đa-ni-ên không chết mà hai quan này cùng gia đình vợ con đều bị chết trong hang sư tử. Việc rúng động này đã được vua Đa-ri-út công bố bằng chiếu chỉ cho toàn thể các quan trấn thủ và hết thảy dân chúng các nước, các thứ tiếng trong đế quốc của ông biết tỏ tường.

Người hay tìm tòi những việc lớn. Việc nhỏ không làm nhưng thích làm việc lớn là vì thiếu hiểu biết cũng như không tin vào lời Chúa. “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.” Ma-thi-ơ 23:12. Trong lời dạy của Đức Chúa Giê Su cho thấy người lãnh đạo tốt là những người hạ mình và khiêm nhường. Những người như vậy mới có thể học hỏi và tiếp thu được nhiều ý tưởng hay, đường lối tốt, và được mọi người kính trọng. Nhưng những người thiếu tư cách đạo đức lại tôn mình lên cao sẽ tỏ ra nhiều nhược điểm, khả năng, tài trí cũng không có, trước sau cũng sẽ bị mọi người trong tổ chức hạ bệ, hoặc bị các thành phần trí thức khinh dễ xem thường.

Những người tôn sùng phép lạ cách hoang tưởng là người tìm tòi những việc cao kỳ quá. Phép lạ Chúa ban cho là việc mà bất cứ tôi tớ Đức Chúa Trời nào cũng làm được nhưng dùng vào mục đích rao truyền ơn cứu rỗi và đem lại niềm tin chân thật. Những việc cao kỳ trong tôn giáo tạo nên những thần tượng được nhiều người hâm mộ giống như thế gian. Trong lúc làm phép lạ Chúa Giê Su thường hay quở trách những người đi ra đồn đãi, nhưng người làm phép lạ ngày nay thường thích thổi phồng sự kiện phép lạ lên để tạo ra vinh quang cho con người hay tổ chức của họ. Phép lạ khi Chúa Giê Su thực hiện Ngài có thể làm ở bất cứ nơi nào và cũng theo nhiều cách khác nhau. Nhưng những người làm phép lạ cho Chúa ngày nay thích làm phép lạ trong một ngôi nhà thờ lớn có một đám đông ca hát nhảy múa và reo hò khích kệ. Những kiểu làm phép lạ của những nhân vật nổi tiếng ngày nay cũng đều có một kiểu cách giống nhau là làm những phép lạ hơi giống Chúa nhưng không bao giờ giống thật như Chúa là chữa cho người mù được sáng, người câm nói được, người bại nằm trên giường chổi dậy bước đi. Những người đi tìm phép lạ cao kỳ thường cũng có những giới hạn ở niềm tin là nơi nào có phép lạ họ cho rằng nơi đó có Chúa, nơi nào không có phép lạ họ lên tiếng chê bai chỉ trích hoặc xem thường những sự khuyên lơn về nếp sống tin kính đạo đức. Tôi tớ Chúa tìm kiếm những phép lạ cao kỳ sẽ cố gắng học tập những phương pháp chỉ dạy của loài người mà không thực sự tìm kiếm ơn ban cho của Đức Thánh Linh. Nếu để ý người tìm tòi những việc cao kỳ sẽ khám phá họ là những người ham thích tiếng khen ngợi của đám đông không khác gì những ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá, ngôi sao ca nhạc có rất nhiều fan ủng hộ nhiệt cuồng.

Bài học của lòng kiêu ngạo từ xưa đến nay vẫn còn, thỉnh thoảng người ta vẫn chứng kiến những ngôi sao đang lên rồi thình lình sa xuống chẳng khác nào Luxiphe. Lòng kiêu ngạo đem lại nhiều thứ quyền lợi trong đó vừa có tiền bạc vừa có danh vọng, vừa được tiếng khen vừa có quyền hành. Ảo vọng vinh quang của lòng kiêu ngạo làm cho nhiều người mờ mắt quên đi lời Chúa: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” Châm ngôn 16:18.
Mục Sư Nguyễn Quốc Dũng