Mỗi lần nghĩ đến cha, chúng ta nghĩ ngay đến sự quan tâm, chăm sóc nhất là tấm lòng yêu thương bao la mà Đấng Tạo Hóa đã đặt trong lòng của bậc sinh thành. Dẫu rằng tình cha ít được ca tụng như tình mẹ nhưng không vì đó mà tình cha bị phai mờ. Dẫu rằng người cha không trực tiếp sanh ra ta, nhưng công ơn dưỡng nuôi của người vẫn được sánh như trời biển.

Kinh Thi có câu “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã” có nghĩa là cha mẹ đều có công sinh dưỡng con cái. Câu “Mẹ sinh cha dưỡng, sinh dưỡng đạo đồng” có nghĩa là công sinh dưỡng của mẹ cha đều bằng nhau. Phận làm con, ta phải hiếu kinh cả hai như nhau.


Thường con cái sợ cha hơn sợ mẹ như câu tục ngữ “Mẹ đánh một trăm không bằng cha hăm một tiếng”. Chính vì cái sợ đó làm mối liên hệ giữa con với cha không mật thiết bằng mối liên hệ với mẹ. Tình thương của người cha Á Đông thường kín dấu, không bày tỏ như mẹ, nhưng tình thương của người cha Tây Phương thường thể hiện qua hành động như qua cách nói “Ba thương con”.
Một thiếu nữ kia có người cha bị câm và điếc bẩm sinh, nên cô ta thường xuyên bị các bạn ở trường trêu chọc, chế giễu! Cô gái trở nên có ác cảm với chính người cha của mình. Dù không thể nghe và nói như một người bình thường, nhưng ông ta vẫn hiểu được nỗi buồn và mặc cảm của cô con gái mình. Vì vậy, ông luôn quan tâm, khích lệ, chăm sóc và cố gắng làm con gái vui hơn trong mỗi bữa ăn. Ông đã dành tất cả tình yêu thương cho người con gái yêu quý của mình. Nhân dịp sinh nhật của cô con gái, ông ta đã âm thầm chuẩn bị một cái bánh sinh nhật, và viết những lời nhắn nhủ đầy thâm tình: “Con gái yêu quý, cha bị câm điếc ngay từ khi mới sinh ra, cha xin lỗi con về điều đó. Cha không thể nói được như những người cha khác, nhưng cha muốn con biết rằng, cha yêu con bằng cả trái tim của cha”. Nhưng đáng tiếc thay, con gái của ông tự tử đúng vào sinh nhật của cô, chưa kịp đọc lời nhắn nhủ của người cha. Vì bị những mặc cảm và những áp lực quá lớn không thể vượt qua, cô đã tìm đến cái chết.
Nhưng thật may mắn là người cha đã phát giác kịp thời, bồng con chạy tới bệnh viện, van nài các bác sĩ cứu sống con gái mình. Người cha tật nguyền nầy đã hiến máu cho con và các bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Chúa đã cứu sống con gái ông để cô thấy được tấm lòng bao la của cha mình. Khi tỉnh lại, cô chỉ biết nắm tay cha mà khóc.
Nhân Ngày Thân Phụ, chúng ta hãy suy nghĩ đến những bảo vật mà cha cho chúng ta:

1. Thì Giờ: Thánh Kinh ký thuật lại lời căn dặn của lãnh tụ Môi-se, khi dân Do Thái chuẩn bị đi vào vùng đất hứa rằng: "Xin đồng bào lắng nghe đây: Chỉ có một mình Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời chúng ta mà thôi. Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình. Phải ghi lòng tạc dạ những lời tôi truyền cho đồng bào hôm nay. Cũng phải ân cần dạy dỗ những lời này cho con cái mình khi ở nhà, lúc ra ngoài, khi đi ngủ, lúc thức dậy. Buộc những lời ấy vào tay mình, đeo trên trán mình, ghi những lời ấy trên cột nhà và trước cổng." (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4-9). Qua lời căn dặn nầy, chúng ta thấy thì giờ dành cho con vô cùng cần thiết. Cha phải kề cần với con để dạy dỗ con.
Có một câu chuyện kể rằng một ngày kia cô bé gái mang tấm hình rất đẹp vào phòng làm việc của cha. Bé leo lên, ngồi vào lòng cha và nói: "Ba ơi! Ba xem bức hình nầy." Người cha bồng con để xuống nói: "Ba bận lắm, đừng làm phiền ba, chừng nào xong công việc, ba sẽ xem." Mười phút sau bé chạy lại, leo lên mình cha nói: "Ba xem hình nè ba." Người cha lại ẵm con xuống nói: "Ba bận lắm!"

Vài tiếng đồng hồ sau, người cha ra khỏi phòng, hỏi con gái về tấm hình. Khi nhìn tấm hình, lòng ông se lại, bởi vì tấm hình rất đẹp được chụp trong phòng khách của nhà, có vợ, có con trai, con gái ông, có luôn con chó nhỏ, nhưng lại thiếu ông! Người cha đã không dành thì giờ cho các con.
Thì giờ là món quà một khi đã cho thì không bao giờ nhận lại được! Bạn có thể cho tiền, mà vẫn không thấy thiếu, có khi được có thêm. Bạn có thể tặng quà mà không bị thua thiệt vì có thể bạn được tặng quà lại. Còn một khi thì giờ đã cho đi thì không bao giờ lấy lại được! Thì giờ tiết lộ cho chúng ta biết đâu là những thứ tự ưu tiên của đời sống. Cho nên muốn chinh phục được lòng con, cha phải dành thì giờ cho con. Muốn con mình thành công trên đường đời, người cha phải đầu tư thì giờ cho con.

Có một thanh niên bị tòa tuyên án vào trại cải huấn. Quan tòa biết cậu lúc còn bé, vì ông quen thân với cha cậu là một học giả về ngành luật. Cha cậu cũng là tác giả của sách nổi tiếng là “Bộ Luật Đáng Tin Cậy”. Quan tòa hỏi: "Cậu cho ta biết, cậu có nhớ đến cha cậu không?" Trong câu hỏi nầy, vị quan tòa cố đánh thức lương tâm của cậu, xem cậu có nghĩ đến người cha tuyệt vời của cậu không? Kỷ niệm nào đẹp nhất cha dành cho cậu? Quan tòa ngừng lại giây lát, ông không nghĩ là cậu ta sẽ trả lời, nhưng rồi cậu nói: "Thưa quan tòa, tôi nhớ mỗi khi đến với cha để hỏi ý kiến, cha tôi chăm chú vào quyển sách, bảo tôi đi chỗ khác chơi, ông bận lắm. Khi tôi cố đến với cha để xin cha chơi với mình, cha tôi quay mặt chỗ khác. Cha bảo rằng chừng nào cha viết xong sách, ông sẽ chơi với tôi! Thưa quan tòa, nay cha tôi đã viết xong quyển sách thì ông đã mất con trai mình!". Tôi mong rằng không ai trong chúng ta giống như người cha nầy.

2. Tình Thương: Chẳng những dành thì giờ cho con mà cha còn dành cho con tình thương vô cùng quý giá, vì tình thương cha có sức mạnh vạn năng, để nung đúc con trở thành những con người nhân đức, cao trọng trong xã hội. Bài Ngày Từ Phụ của Lý Lạc Long diễn tả tình cha lẫn tình mẹ. Nói đến tình mẹ, thì ai cũng dễ cảm nhận. Bởi tình mẹ ngọt ngào, gần gũi và thân quen với những cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc con. Trong khi cha thì dầu không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào giống như tình mẹ, nhưng lại vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc giá băng, nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt nếu con biết tận hưởng. Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương. Nếu chúng ta không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì khó thấy được hết tấm lòng của cha:


Con đúng sai cha chẳng hề để dạ
Vui hay buồn cha giữ lại trong tim
Như núi cao trong giông bão im lìm
Như đáy biển từ muôn đời yên lặng
Tình của cha thẩm sâu và bí ẩn
Bên cạnh con từ thuở mới lọt lòng
Ngoài giá băng nhưng trong rất ấm nồng
Từng bước nhỏ vào đời con sẽ thấy.


Lý Tiểu Hồng bị bại từ lúc mới sinh ở một làng quê Trung Quốc. Lúc nhỏ cô buồn nhưng không buồn thấm thía như khi trở thành một thiếu nữ. Mỗi khi cô nhìn thấy các nam thanh nữ tú đi đi lại lại, nói nói cười cười, lòng cô se thắt lại. Nhưng một đêm kia, Tiểu Hồng nghe được chương trình phát thanh Tin Lành trên radio, với lời ca tiếng hát hòa lẫn sứ điệp chứa chan hy vọng. Tiểu Hồng từ đó vui hẳn lên, và cô say mê chương trình phát thanh Tin Lành, mong sao giờ phát thanh mau đến để nghe và học hỏi. Tiểu Hồng đã không giấu được niềm vui đó và cha mẹ cô cũng vui sướng không ít! Tiểu Hồng xin cha cho mình được đến nhà thờ. Ngôi nhà thờ Tin Lành cách xa nhà Tiểu Hồng mấy dặm đường, cha Tiểu Hồng không thể chở cô trên chiếc xe đạp. Nhưng vì quá thương con, mỗi sáng Chúa Nhật ông cõng đứa con gái tật nguyền của mình đến nhà Chúa. Tiểu Hồng được vào trong để nghe lời Chúa, còn ông ngồi ngoài, chờ hết giờ cõng con về. Trong bức thư của Tiểu Hồng gởi cho đài phát thanh, cô nhờ cầu nguyện cho cha mình, để cha cô cũng đặt trọn lòng tin vào Chúa như cô, cùng cô vào Nhà Chúa để dâng lên Ngài lòng kính mến, tôn thờ.

Qua câu chuyện nầy ta thấy tình cha thật cao cả, người cha đã vì thương con, hàng tuần cõng con suốt mấy dặm đường đến nhà Chúa, mong sao con mình hưởng được niềm vui trọn vẹn - niềm hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của cha.

3. Cả Cuộc Đời Cha: Chẳng những cha mẹ sinh thành con, đưa con vào cuộc đời mà còn nuôi dưỡng con đến ngày lớn khôn và tiếp tục tận hiến cả cuộc đời cho con. Bảo vật lớn nhất của cha ban tặng cho con chính là cuộc đời mình.

Cách đây không lâu tại bệnh viện Royal Shewsbury, bé Finley Anderson, sinh sớm 15 tuần, nặng chỉ nửa kí-lô, lượng dưỡng khí trong máu của bé giảm xuống thấp 30%, khó sống được, nên bác sĩ nói với cha mẹ bé là James và Emma ôm con lần cuối. Nhưng lạ là sau khi ôm và hôn con, lượng dưỡng khí trong máu của bé gia tăng. Gia đình thay phiên nhau ôm con từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng, và lượng dưỡng khí trong máu tăng lên dần đến 80%. Sau cùng cháu mạnh khỏe và đã xuất viện, về sống với mẹ cha. Qua câu chuyện nầy ta thấy bé sống là nhờ những nụ hôn và ôm ấp liên tục của cha mẹ. Bảo vật cha cho con là cuộc đời của cha, là sự ôm ấp của cha.

Nhân ngày của cha, rất mong quý vị sẽ là những người cha tuyệt vời, cho con cả thì giờ, tình thương và cuộc đời mình, dạy con nhận biết Đấng Tạo Hóa, luôn tri ân Ngài. Ngài vì yêu thương loài người chúng ta mà giáng trần qua hình hài và thể xác của con người, hy sinh tánh mạng cứu chuộc ta ra khỏi tội. Chúa Jesus phán: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế nhân, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người. Ai tin Ngài thì chẳng bị kết tội; Ai không tin thì đã bị kết tội rồi vì không tin nhận Con một Đức Chúa Trời." (Giăng 3:16)
Rất mong quý vị tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus vào đời sống để được Ngài tha thứ mọi tội lỗi và tiếp nhận quý vị vào đại gia đình của Ngài, được gọi Chúa là Cha, được thừa hưởng mọi bảo vật của Ngài.
Kính chào quý vi và các bạn.

Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang