Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, October 3, 2012

Khôn Ngoan



Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, khôn ngoan có nghĩa là thật khôn, biết phân biệt lợi hại, như ca dao nước ta có câu "Khôn ngoan giữa đám ba bề, Đừng cho ai lận, chớ hề lận ai." Theo định nghĩa của Thánh Kinh thì Khôn Ngoan là khôn khéo trong xử sự, biết tránh những điều không hay. Khôn ngoan là nghệ thuật sống thành công, thực hiện đúng chương trình, đạt được thành quả theo ý muốn Đức Chúa Trời; biết được ý chỉ và đường lối Đức Chúa Trời để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Khôn ngoan là khả năng nhận biết điều gì đúng, điều gì sai, điều hay, điều dở, điều gì tạm thời, và điều gì bền vững lâu dài.


Khôn Ngoan cũng là khả năng phán đoán đúng, làm theo điều chỉ dẫn tốt nhất được dựa trên kiến thức và sự hiểu biết, là năng lực để thấy, hướng về mục tiêu tốt nhất, cao nhất để chọn, tổng hợp tất cả những gì chắc chắn nhất để đạt được. Người khôn là người biết tận dụng kiến thức tốt nhất, kinh nghiệm thực tiễn nhất và sự hiểu biết hữu dụng nhất.
Khôn Ngoan khác với Kiến Thức, vì kiến thức đến từ khối óc còn khôn ngoan phát xuất từ con tim. Người khôn ngoan là người biết kết hợp sự phán đoán trong lòng cùng với sự hiểu biết trong trí. Chẳng hạn như khi lái xe, chúng ta vừa có kiến thức về luật giao thông, thông hiểu những dấu hiệu bên đường, lúc nào nhanh lúc nào chậm, lúc nào quẹo, phối hợp với sự linh động khi điều khiển tay lái, lúc nào ta cần phải thắng gấp, lúc nào cần tăng tốc lực hoặc phải đổi lane để tránh tai nạn.
Cách đây 4000 năm có một nhân vật trong Thánh Kinh là Gióp cố tìm khôn ngoan, xem khôn ngoan đến từ đâu, vì ông đã mất tất cả, ông phải sống trong cảnh đau thương cùng cực, bị bầu bạn hiểu lầm, thay vì an ủi ông, họ đã không tiếc lời chỉ trích, lên án ông. Tâm trạng của Gióp chẳng khác nào tâm trạng của tổng thống Abraham Lincoln có lần đã than lên rằng: "Tôi đã bị đẩy vào nhiều tình cảnh khó khăn khiến tôi phải quỳ gối xuống mà cầu hỏi Chúa rằng con đã bị kết án nặng nề, quá sức của con, con không biết xoay sở làm sao, đường nào phải đi. Sự khôn ngoan của con và những gì con có được dường như không thể mạnh đủ để con vượt qua ngày khó khăn nầy!" Trong khi đó Gióp than lên rằng: "Còn sự khôn ngoan tìm được ở đâu? Tại nơi nào có sự thông sáng?" (Gióp 28:12) Sau đó Gióp khám phá là dù giỏi cỡ nào, con người cũng không tìm đâu ra sự khôn ngoan với tri thức thật. Ông than lên rằng đây là việc ngoài khả năng hữu hạn của thế nhân vì khôn ngoan tri thức đâu có giữa nhân gian. Gióp nhận biết rằng sự khôn ngoan không thể tìm đâu ra được ngay cả trong đại dương mênh mông hay dưới vùng biển rộng. Sau khi tra xét biển cả, sự sang giàu, Gióp không tìm thấy sự khôn ngoan đâu cả! Ông cố tìm xem bên kia cõi chết xem có sự khôn ngoan chăng nhưng cũng thể nào tìm ra được, Gióp nói:

"Thế ta tìm đâu được khôn ngoan? 
Không ai quan sát nó bằng mắt trần, 
Mắt sáng quắc của loài chim trời cũng không thể tìm thấy. 
Tử thần và diệt vong nhắc đi nhắc lại: 
'Tai chúng tôi có nghe đồn về danh tiếng'" (Gióp 28:20-22)

Sau cùng Gióp nhìn lên Đức Chúa Trời và nhận biết là sự khôn ngoan đến từ Ngài. Gióp nói:
"Chỉ một mình Đức Chúa Trời biết khôn ngoan ở đâu,
Vì Ngài nhìn thấu suốt các tầng trời và địa cầu, 
Chúa định hướng cho các luồng gió, 
Và đặt biên giới cho các đại dương, 
Chúa ấn định luật lệ cho mưa sa xuống 
Và vạch đường cho chớp nhoáng. 
Chúa biết đâu là sự khôn ngoan, 
Và công bố cho mọi người sẵn lòng lắng nghe. 
Chúa xem xét nó kỹ càng và đặt nó trên căn bản vững vàng.
Chúa phán bảo toàn thể nhân loại: 
'Kính sợ Đức Chúa Trời là khôn ngoan thật, 
Lìa bỏ gian ác mới là sáng suốt.'" (Gióp 28:23-28)

Triết gia Paul, sống sau Gióp khoảng 2000 năm cũng kết luận rằng khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời: "Ôi, tri thức và khôn ngoan của Đức Chúa Trời thật phong phú, sâu xa vô tận! Cách Ngài phán đoán chẳng ai dò biết được, Đường lối Ngài chẳng ai tìm hiểu được. Nào ai biết được ý tưởng Chúa. Ai có thể làm cố vấn cho Ngài? Ai dâng hiến cho Chúa trước Để để về sau được Ngài đền báo? Vì muôn vật do Chúa sáng tạo, đều tồn tại nhờ Ngài và vì Ngài. Nguyện vinh quang vĩnh viễn thuộc về Ngài! Thành tâm sở nguyện!" (Rô-ma 11:33-36)
Trong khi đó Gia-cơ khuyên chúng ta rằng: "Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì tâm trạng kẻ hoài nghi giống như sóng biển bị gió dập dồi, phân vân, bất nhất, không quyết định được điều gì. Người như thế đừng mong Chúa ban gì cho mình." (Gia-cơ 1:5-7)
Có 4 dấu hiệu của người sống thiếu khôn ngoan:
1) Làm Việc Gì Cũng Không Cần Suy Nghĩ. Người sống thiếu khôn ngoan không tận dụng khối óc của mình để lên kế hoạch làm việc.
Thuận An trong VN Express đề nghị 10 cách giúp chúng ta sử dụng tiền bạc cách khôn ngoan:

  • Tiết kiệm: Tiết kiệm đơn giản là sử dụng tối đa những gì bạn có và không mua những thứ bạn không thực sự cần đến.
  • Sử dụng những gì bạn có: Vì trong một xã hội tiêu thụ, bất cứ vấn đề gì bạn gặp phải luôn có thể được giải quyết bằng tiền. Nếu có thứ gì hỏng, chỉ việc ra ngoài mua thứ mới.
  • Tự mình sửa chữa vật dụng nếu có trục trặc. Điều quan trọng bạn cần nhớ là hầu hết công việc sửa chữa không thực sự khó như bạn tưởng.
  • Mọi vật đều có thể sử dụng cho nhiều mục đích: Chiếc áo sơ mi sờn cổ, không thể mặc ra ngoài có thể trở thành cái áo ngủ ban đêm, và trở thành giẻ lau khi nó bắt đầu thủng lỗ.
  • Tránh mắc nợ
  • Tích cốc phòng cơ: Các bạn đều biết rằng trước sau gì thì cũng sẽ có những ngày mưa gió, bạn nên dành một quỹ khẩn cấp
  • Đồ cũ cũng có thể tốt như đồ mới, thà chạy chiếc xe hơi cũ còn tốt hơn là đua đòi mua xe mới để tiết kiệm tiền
  • Thời trang không phải là mục tiêu chính của đời sống bạn.
  • Mặc cả khi phải mua một món đồ để khỏi bị mua lầm
  • Bánh tự làm ở nhà là ngon nhất, nếu có tài làm bánh bạnh hãy tự làm ở nhà thay vì mua ở tiệm.

2) Không Xem Trọng Sự Khôn Ngoan. Thánh Kinh chép: "Người khôn ngoan có con mắt trong đầu mình, còn kẻ ngu muội bước đi trong tối tăm" (Truyền Đạo 2:14a) Có một ông vua mỗi khi gặp khó khăn, thay vì tìm hỏi những cố vấn của mình thì lại bảo anh hề ra làm trò vui cho xem, hậu quả của việc làm của ông vua nầy chắc chúng ta đã đoán được rồi!

3) Kết bạn với kẻ dại. Lời Chúa dạy: "Chớ làm bạn với người hay giận; Chớ giao tế cùng kẻ cường bạo" (Châm Ngôn 22:24) Kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy hai người khờ chơi chung với nhau sẽ khờ thêm. Chính vì thế ta phải tìm người khôn mà học cái khôn của họ. Lúc còn dạy học ở quê nhà, tôi có người bạn thường nói rằng: "Tôi thích sống chung với người khôn, người giỏi để học cái khôn ngoan, cái tài giỏi của họ."

4) Cố Chấp, không học bài học quá khứ. Tổng thống Mỹ Kennedy đã học được bài học là sự nóng giận với hành động nông nỗi sai lầm của các nước Âu Châu đã dẫn đến tai hại của thế chiến thứ nhất, nên ông đã kềm chế dùng chiến thuật ngoại giao với Liên Xô để dẹp tan những hỏa tiễn của Cuba do Liên Xô chế tạo bắn qua Mỹ, tránh được thế chiến thứ ba giữa thế giới tự do và khối cộng sản.
Thưa quý vị nhờ Khôn Ngoan chúng ta hiểu được chân lý của Chúa, là điều cao sâu, cao hơn ý nghĩa tầm thường, là lẽ phải hay sự thật, ngược lại với điều giả trá. Nhờ khôn ngoan Chúa cho chúng ta học biết thêm về chân lý của Chúa, ta biết được đâu là chánh, đâu là tà.

Trong lịch sử nhân loại, các giáo chủ trong trần thế đi tìm chân lý. Vì sao chân lý vô cùng quan trọng, được nhiều người đi tìm? Bởi vì chân lý dạy ta phải sống như thế nào. Đấng Tạo Hóa ban cho ta khả năng để hiểu biết phải sống thế nào, phải vâng phục Đức Chúa Trời. Vì lý do đó, Chúa Jesus đã phán rằng: "Nếu các con tiếp tục vâng lời Ta dạy, các con mới thật là môn đệ Ta. Các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con." (Giăng 8:30-32)
Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời là chân lý, lời Thánh Kinh có quyền năng giải phóng ta ra khỏi sự ngu muội dốt nát, khiến ta không nhận ra Đấng Tạo Hóa mình để hết lòng kính mến tôn thờ. Thánh Kinh cũng chỉ cho ta nhìn thấy Chúa Jesus, chỉ khi nào ta biết Chúa Jesus cách cá nhân, chúng ta mới có mối liên hệ thân thiết với Ngài. Ngài chính là Sứ Giả của Đức Chúa Trời, là Ngôi Hai Đức Chúa Trời đến chết thế tội cho ta. Ngày thứ ba Chúa đã sống lại và về trời. Ngay khi tin nhận Chúa Jesus, chúng ta biết rõ chân lý cứu rỗi của Chúa, được quyền làm con của Đức Chúa Trời, được hưởng sự sống đời đời, được giải cứu khỏi tội lỗi và mọi lo âu sợ hãi. Chúa yêu quý vị, Chúa Jesus là chánh đạo, là Đường Đi, Chân Lý, và Sự Sống. Ngài là nhịp cầu nối liền giữa đất và trời.
Một khi quý vị đặt lòng tin nơi Chúa, quý vị được nhận vào đại gia đình của Đức Chúa Trời, quý vị nếm trước hương vị của thiên đàng đang khi còn sống ở trần gian. Rất mong quý vị đến với Chúa Jesus ngày giờ nầy.
Kính chào quý vị và các bạn.
Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang