Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 21, 2013

Nhớ Lại Để Mà Nhớ


bible.gifNhìn lại hành trình cuộc đời đã qua là việc chúng ta ‘hồi tưởng.’ Nhìn về phía trước, khẳng định hành trình này sẽ đưa mình tới đâu được gọi là ‘tiên đoán.’ Hồi tưởng về hành trình đã qua sẽ ảnh hưởng đến việc tiên đoán bến đỗ ở cuối hành trình. Trong cuộc đời, dù có kế hoạch, có phương án nhưng điều gì đó không định trước xẩy đến làm thay đổi hướng đi xấu hơn hoặc tốt hơn, và Hội thánh cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, việc tiên đoán tương  lai của cuộc đời, hay Hội thánh có thể là mờ mịt hay sáng sủa phụ thuộc vào cách chúng ta nghĩ về hành trình xuất phát từ hôm nay.

Biết sự bối rối của chúng ta trước tương lai, Chúa khuyến khích chúng ta hồi tưởng. NHỚ là một từ quan trọng trong Kinh Thánh. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Chúa nói với dân sự của Ngài hãy nhớ hành trình cuộc đời mà họ đã trải qua. Họ cần phải nhớ lại tất cả những gì đã làm thay đổi hành trình mà trước đây họ không thấy, nhưng đến bây giờ, khi nhìn lại, họ sẽ thốt lên lời Tạ ơn Chúa.
Phục-truyền luật-lệ ký có thể được xem là một cuốn sách của những kỷ niệm về đời sống 40 năm của dân tộc Do Thái khi họ rời khỏi Aicập, vượt qua sa mạc để đến miền đất hứa. “Hãy nhớ khi mà... ” và “hãy nhớ cách mà..” được lặp đi, lặp lại nhằm nhắc nhở cả một dân tộc về cách Đức Chúa Trời đã chăm sóc họ trước đây như thế nào.
boat 2.gif‘Hãy nhớ khi mà’ nước biển dồn lại và chúng ta đi qua biển như đi trên đất khô,.. ‘hãy nhớ cách mà’ nước Biển đỏ chôn vùi quân đội Ai Cập... ‘Hãy nhớ khi mà’ nghĩ mình sẽ chết vì đói và cũng ‘hãy nhớ cách mà’ bánh Mana và chim quạ rơi từ trời xuống trước sự ngơ ngác của chúng ta... ‘Hãy nhớ khi mà’ nghĩ rằng mình sẽ chết khát trên sa mạc, thì cũng ‘hãy nhớ cách mà’ nước đã trào ra từ một tảng đá làm sao...
Hồi tưởng những điều này, dân Do Thái có thể nhận ra rằng những điều không mong đợi đã xảy ra với sự can thiệp của Đức Chúa Trời. “Hãy nhớ rằng con đã làm nô lệ trong xứ Ai-cập, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã dang cánh tay đầy quyền năng đem con ra khỏi đó” (5.15).
“Nhưng anh em đừng sợ. Hãy nhớ lại những gì Giê-hôva Đức Chúa Trời đã làm cho Pharaôn và cả xứ Ai-cập” (7.18) “Hãy nhớ lại suốt chặng đường trong hoang mạc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dẫn anh em đi trong bốn mươi năm nay.” (8.2)
Với bạn và tôi, những Cơ Đốc nhân, việc hồi tưởng này rất quan trọng với hai lý do:
Thứ nhất, khi hồi tưởngviệc Chúa hành động trong cuộc đời mình, chúng ta sẽ không lo lắng về hành trình xuất phát hôm nay, mà đơn giản là tiếp tục trông cậy Chúa
- Đó chính là phương thuốc trị bệnh lo lắng. Kinh thánh khuyến khích chúng ta nhớ,
và khuyến cáo chúng ta lo âu (Ma-thi-ơ 6.25,34). Thái độ không lo lắng về tương lai dựa trên cơ sở nhớ lại Chúa yêu chúng ta, gìn giữ và dẫn dắt chúng ta. Chúa của chúng ta hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời không hề thay đổi, nên tương lai của chúng ta tiếp tục nằm trong bàn tay chăm sóc của Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn lo lắng về tương lai. Tại sao vậy? Câu trả lời đơn giản: vì chúng ta là con người; mau quên điều Chúa làm trong quá khứ vì thế cũng không yên tâm với tương lai mịt mù. Sau khi chứng kiến Chúa Giêsu hóa bánh cho hơn 4,000 người ăn, các môn đồ lên thuyền và cùng Chúa đi sang bờ bên kia. Có lẽ quá hưng phấn nên không ai mang theo bảy rỏ thức ăn thừa, vừa đến bờ bên kia họ đã lo đến đồ ăn (Mathi- ơ 16.7-10). Họ đã quên phải nhớ lại quá khứ và vì thế họ lo lắng về tương lai. Hãy tự nói với mình như tác giả Thi Thiên hát: “Hỡi linh hồn ta hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài” (Thi-thiên 103.2).
Thứ hai, hồi tưởng về cách Chúa hành động trong đời sống sẽ hướng chúng ta đến việc dâng lời tạ ơn Chúa và sẽ bảo vệ chúng ta khỏi tội kiêu ngạo. Chúng ta thường không tạ ơn Chúa, và đương nhiên quên khen ngợi Ngài cũng giống như chín người phung được chữa lành không trở lại tạ ơn Chúa (Lu-ca 17:17-18).
Trong cuộc đời, thất bại trong việc nhìn thấy bàn tay Đức Chúa Trời khiến chúng ta chỉ thấy bàn tay mình. Lời Chúa cảnh báo dân Do Thái ngày xưa và chúng ta ngày nay... “đừng tự bảo rằng: ‘Chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cho ta cơ đồ này. Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hôva Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ nầy, để thực hiện giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em, như Ngài đang làm ngày nay” (8:11-18).
Sai lầm của chúng ta là nhầm tưởng rằng chính mình là thuyền trưởng, những con người tự chủ đã lèo lái con tầu này. ‘Miếng cơm, manh áo đều do bàn tay lao động của tôi làm ra’, ‘Mọi thành công đều do sự cố gắng và nỗ lực của tôi,’ ‘tránh được rủi ro là do tôi cẩn thận, tôi biết trước và tôi khôn ngoan... ’
Đỉnh điểm lời cảnh báo là những lời mà chúng ta cần phải nhớ: “Nếu anh em quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em mà theo các thần khác, phục vụ và thờ lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh báo anh em rằng chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong.”(8.19). Thật rõ ràng, đây là lý do tại sao Chúa mong chúng ta đừng quên điều cần nhớ, Ngài không muốn thấy chúng ta phải bị hư mất (2 Phierơ 3.9).
Hãy nhớ đến sự thành tín của Đức Chúa Trời với Hội thánh của Ngài trong suốt hơn 100 năm qua, Ngài đã đến thiết lập Hội thánh Ngài, Ngài đã yêu và sẵn sàng tha thứ cho tất cả những con người yếu đuối, sa ngã với những mưu mô và kiêu ngạo. Hôm nay, hành trình mới của Hội thánh Việt Nam lại bắt đầu, chúng ta hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời không hề thay đổi.
Vũ Hồng Thái