Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, July 7, 2012

Nếu Những Con Chim Biết Nói




BOWA1.jpgNếu những con chim biết nói, như ngày xưa, chúng sẽ nói: chúng tôi sẽ bay đi, bay đi. Đó là một lời thông báo, chứ không phải là một lời thỉnh cầu. Chúng thật hạnh phúc. Chúng có thể bay đi, không cần nói trước, không cần chuẩn bị, thích là bay, nói xong là bay liền, không cần mua vé, không cần tính toán để mua vé rẻ. Bầu trời xanh là quê hương, bất cứ tàng cây xanh nào cũng là nhà. Thậm chí khi mỏi mệt cũng có thể ngừng nghỉ đâu đó dưới nắng, trên những sợi dây điện. Chúng bay cao, nên cũng khó mà bắn. Chỉ trừ khi chúng vô tình đậu lại hay bay gần đích nhắm của những thợ săn …tài tử.May mắn hơn cho những con chim sinh ra tại Mỹ, một quốc gia mà người ta chỉ vào tiệm để ăn, chứ không bắn chim để ăn, khác với những nơi người ta đi săn lùng chim đem vào tiệm để bán.

Chim ở những nơi đó chết trẻ. Ở đây chim sống lâu hơn. Những cụ trên dưới chín mươi vẫn còn hong tóc cho nhau vào buổi sáng nắng lên. Cũng vào một trong những buổi sáng nắng lên đó, tôi mang laptop ra ngoài công viên để viết, thay vì ngồi trong nhà, trước cái bàn. Mỗi buổi sáng giống như một người lái xe đi làm ở một nơi làm việc trên dưới vài chục năm, nhắm mắt cũng có thể đến nơi, nhiều khi cũng chán, thèm một sự thay đổi, dù đôi khi chẳng thay đổi là mấy, chỉ cần một chút thôi. Đeo cái túi laptop trên vai, tay cầm chai nước, đội mũ, đi dọc con đường ngắn ra đến công viên, tôi thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc thật ra rất đơn giản, chỉ có điều người ta cần nhạy bén để nhận ra nó, nó rất gần, có thể chạm tới bất cứ lúc nào. Nó không phải là một căn nhà lầu 5 phòng, không phải là một chiếc xe mới. Nó là một niềm vui từ trong lòng. Niềm vui đó là điều mình có thể cảm nhận được. Sẽ có lúc mình không còn mang cái laptop trên vai nữa, không còn đi bộ được nữa. Nhưng những việc của tương lai hãy để cho tương lai. Chúa nói rằng hãy để cho ngày mai lo việc của ngày mai. Hãy sống hiện tại.
 Khi mới đến đây, tôi không biết rằng có một cái công viên gần nhà đến vậy.

Tình cờ thả bộ trong một buổi sáng nắng ấm, tôi khám phá ra nó, khi băng ngang qua một khu rừng nhỏ (gọi là rừng vì không biết gọi là gì), thấy ở phía xa một cái playground dành cho con nít.  Một sân đá banh, một con đường nhỏ vòng vèo dưới những hàng cây, rải rác những chiếc bàn và những lò nướng barbecue. Tôi yêu nước Mỹ vì những săn sóc nhỏ nhặt này, cứ một vài con đường lại có một cái công viên, chỉ là một vài thứ đơn giản, cây cối, lò nướng, bàn ghế, đường nhỏ… Những người muốn ra khỏi nhà một chút để thở hít không khí thoáng đãng, có chỗ để thư giãn. Chắc có ít người muốn thư giãn bằng cách đem laptop ra ngoài trời để viết. Đó cũng là một cách thư giãn. Hôm nay tôi muốn thư giãn bằng cách ấy. Tôi biết rằng Đức Chúa Trời đã cho Christopher Columbus tìm ra Châu Mỹ, cho những người Pilgrims khám phá Hoa Kỳ, cho Hoa Kỳ một nền kinh tế lớn mạnh và một tấm lòng, mang những người di dân đến để chia xẻ cuộc sống, dù đôi khi những người di dân này đã gây không ít phiền phức cho họ. Không biết cám ơn thì chớ, lại còn bày chuyện phản đối.


peacockprofile.jpgTôi tìm một cái bàn, dưới một gốc cây có bóng mát, phải đổi chỗ hai lần để tránh ánh nắng chói vào mắt. Trước khi ngồi xuống tôi nghe tiếng chim hót trên cây, tiếng hót làm tôi phải ngước mắt lên nhìn, thấy cả một bầy chim trong tàng cây. Tôi mở laptop ra, chuẩn bị viết, nhưng lại phải ngừng lại vì có một người đi ngang qua. Sáng nay như vậy là không hoàn toàn yên tĩnh rồi. Lại nghe cả tiếng cười của trẻ thơ. Thì ra là cả một gia đình, chứ không phải một người. Hai vợ chồng không đi riêng với nhau, chồng đi trước với hai cô con gái, vợ đi sau với thằng con trai, có lẽ là út (tạm). Tôi phải nhìn họ hơi lâu vì đó là cả một bức tranh đẹp. Trang phục đẹp, chồng áo T shirt màu vàng, quần short xám, đeo ba lô, hai tay kèm hai cô bé. Hai cô bé như hai thiên thần nhỏ, áo đầm hồng, lại đeo kính đen. Vợ áo thun ngắn màu xanh, váy tím, thằng bé con chừng hai tuổi mặc áo quần nghiêm chỉnh, chỉ thiếu cái nơ đen trên cổ là giống như chuẩn bị đi trình diễn, ra dáng một chàng đẹp trai trong tương lai. Họ cũng quay lại nhìn tôi, hơi ngạc nhiên vì có một ông già …dở hơi ngồi viết trong công viên. Cái laptop này có lẽ sẽ hợp thời trang hơn nếu nó đặt trên một chiếc bàn con kê trong vách của quán cà phê Starbucks.

Họ đi qua rồi, mà tôi vẫn nhìn theo, xem họ đi đâu, làm gì, quên mất chuyện mình đang muốn làm. Họ chẳng đi đâu xa, họ đến cách chỗ tôi ngồi không xa, trải những tấm vải màu trên cỏ. Họ có lẽ muốn có một chút thời gian riêng tư gia đình với nhau, có vẻ như là những người ở xa tới, không phải trong vùng này. Tôi để ý thấy đứa bé trai có vẻ yên lặng không nhảy nhót tung tăng như hai cô chị. Nó đứng nhìn mọi người trong gia đình làm việc, mỗi người một việc, dù là việc nhỏ. Nó còn nhỏ, nên chỉ có một việc là đứng nhìn, không quậy là tốt rồi, thỉnh thoảng, khi bà mẹ kêu tên cậu, hình như là Jack hay Mark gì đó, cu cậu lon ton chạy lại, nắm váy mẹ, ngước nhìn lên. Từ phía xa tôi chỉ có thể yên lặng chiêm ngưỡng, một mẫu gia đình Mỹ lý tưởng. Sẽ lý tưởng hơn nữa, nếu …tôi nghĩ. Thì cái suy nghĩ của tôi được đáp ứng liền sau đó. Tôi thấy ông bố lôi trong ba lô ra một quyển sách dầy, mà từ xa tôi hy vọng là quyển Kinh Thánh (không phải là một quyển sách của Mormon hay sách nào khác) Cả nhà ngồi quây quần lại. Một buổi nhóm gia đình, mà người tín đồ Việt Namgọi là gia đình lễ bái.

candle 5.gifTôi chợt mỉm cười khi thấy mình mất tập trung vào việc mình đang định làm, và định trở lại với việc đó. Việc tôi định làm hôm nay là viết một bài cho một tờ báo, có lẽ hai, một là báo giấy, hai là báo “mạng”, đôi khi hơi lẫn lộn chữ mạng và chữ lưới, không biết chữ nào đúng (lên lưới, tìm báo mạng, đúng không?) Cũng không vội vàng lắm, chẳng có ai hối, mà có hối cũng chẳng “ảnh hưởng” gì. Có hối cũng chỉ là hối “yêu thương”, chứ viết bài “free” từ bao nhiêu năm nay, vặn vẹo tim óc để viết bao nhiêu năm nay có “đồng bạc” nào đâu. Khích lệ đôi khi là những cái email của độc giả mà thôi. Tôi nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam khi viết bài cho các tờ báo ngoài đời, vì lúc ấy chưa biết Chúa là ai, khi được đăng bài, ngoài sự “hãnh diện” ngầm còn háo hức chờ đợi một số tiền “nhuận bút”, chẳng bao nhiêu, nhưng xác định được vị trí của mình. Bên này, viết lách chỉ để “giải trí’, “giải sầu”, “giải tỏa” thôi, chứ chẳng có “giải thưởng” gì. Mỗi lần nhận được một số tiền nhỏ từ công sức viết lách của mình, tôi hay cảm động một vài tiếng đồng hồ, nghĩ mình cũng còn …có ích lợi. Tôi thôi nghĩ lẩn thẩn, trở lại với cái laptop. Chợt tôi nghe có tiếng hát, gió thổi bay lại. Trong bầu trời trong sáng đầy nắng, gió ngọt ngào, tiếng hát cũng ngọt ngào, vì là một bài thánh ca quen thuộc từng nghe, từng hát, nhiều lần. Có điều, hát bằng tiếng Mỹ. Tiếng hát vọng lại từ bãi cỏ gần đó.

Tôi lắng nghe. Những con chim biết nói đang hát. Dưới bầu trời đầy nắng là một nỗi hạnh phúc riêng lẻ, như chắt lọc ra từ khối ấm của mặt trời. Tôi biết đó là hạnh phúc thật. Như ngày xưa người đàn bà Sa ma ri cho Chúa Jesus uống nước và nghe Ngài bảo: phàm ai uống nước này vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho thì chẳng hề khát nữa… Có lẽ Chúa đang nói với người đàn bà đáng thương đó rằng những bất an trong cuộc đời bà chẳng bao giờ ngừng lại, cho đến khi bà thật sự gặp Ngài. Tôi đã tin rằng người đàn bà sau đó đã thật sự gặp Chúa, và sự gặp gỡ đó tựa như một tiếng sét, khiến bà phải chạy vào làng để nói lại, không ngại việc bị người ta phê phán (về việc có năm chồng, mà người sống chung hiện tại thì chỉ là một loại già nhân nghĩa non vợ chồng mà thôi) Và sau đó có lẽ không còn chồng thứ sáu (hay thứ bảy) nữa. Người đàn bà đó đã thật sự tìm được hạnh phúc sau khi gặp Chúa Jesus, bà đã được uống một thứ nước mà bà chẳng hề khát nữa. Tôi nhớ lại những bất an trong cuộc đời tôi, những khao khát mãi, những trăn trở không lối thoát, cho đến khi gặp Chúa Jesus. Tôi nhớ lại rằng chẳng phải ngay lập tức mà tôi nhận được thứ nước kỳ diệu ấy, để thôi khát nữa. Tôi cũng phải tiếp tục trăn trở cho đến khi nhận ra rằng mình chẳng thể nào cứ tiếp tục uống thứ nước cứ làm cho khát khô cả cuống họng. Và tôi cũng sẽ còn trăn trở, đối phó với cuộc sống như Phao lô, không làm điều muốn, mà làm điều không muốn, cho đến khi đến thiên đàng. Nhưng tôi có mục đích để đến. Tôi sẽ nhắm mục đích mà chạy.

book.gifTôi đang viết thì phải ngừng lại vì cảm tưởng có người đứng trước mặt. Tôi ngó lên và thấy người đàn ông mặc T shirt vàng, quần short xám, trông còn trẻ, nhưng khó mà đoán tuổi. Người Mỹ thường già hơn tuổi thật, khác với người Việt. Nhìn lại thì thấy thằng bé con lấp ló sau lưng Bố. Người đàn ông ngỏ lời làm quen và mời tôi tham dự buổi học Kinh Thánh với gia đình ông ta. Vốn được đào tạo “chính quy”, tôi cẩn thận hỏi lại giáo phái của ông ta, và ngạc nhiên khi biết ông cũng là một Mục sư Báp Tít (trông đẹp trai và trẻ trung hơn so với tuổi) điều này thì do ông tự nói chứ tôi không có hỏi (nhìn ông khiến tôi suy nghĩ rằng có phải chăng hầu hết các Mục sư Báp Tít đều đẹp trai và trẻ hơn tuổi???) Tôi vui vẻ chấp nhận lời mời sau khi cẩn thận nói thêm rằng tôi chỉ ngồi theo dõi thôi, chứ không phát biểu gì hết (không dám phát biểu đâu) Điều làm tôi ngạc nhiên thứ nhất khi ông Mục sư giới thiệu người đàn bà là chị của ông. Điều ngạc nhiên thứ hai ông chỉ hai đứa bé gái và nói rằng chúng là con của ông, đứa bé trai là con của người chị. Điều ngạc nhiên thứ ba và là điều ngạc nhiên pha lẫn chút ngậm ngùi. Vợ ông và chồng của chị ông đều đã qua đời. Ông là một Mục sư phụ tá, đi một nhà thờ gần đó. Mỗi sáng thứ bảy, ông cùng chị, hai con gái, và cháu trai thường đi đến một công viên nào đó, nhóm lại với nhau, vui chơi với nhau. Nhìn họ, tôi nghĩ. Đâu có thiếu những người đàn ông và phụ nữ Mỹ “coi được” trong nhà thờ, sao họ vẫn “độc thân” như vậy. Sau khi chào hỏi, thì chúng tôi bắt đầu buổi học Kinh Thánh. Tôi quên nói, ông Mục sư tên là Jack, còn đứa cháu trai tên là Mark. Sau khi từ giã, Jack có cho tôi số điện thoại của ông. Tôi giữ đó thôi, nghĩ rằng mình chắc không có gì để gọi. Tôi vốn không biết nói (tiếng Anh) gì nhiều.

Có một buổi sáng trời nắng ấm khác, tôi dẫn cháu nội ra ngoài công viên chơi, không mang theo laptop, tay không cầm gì cả, ngoài tay cháu. Nó nắm tay tôi đi một lát thì chán, buông tay ra chạy lăng quăng trên đường một cách tự do như bướm bay. Tôi phải cẩn thận trông chừng xe cho cháu tự do chạy chơi. Tôi thầm nhủ mình phải tận dụng những giây phút sống hồn nhiên như thế. Tôi thèm những giây phút để tâm hồn mình tự do. Tôi thèm những giây phút tâm trí không bận rộn. Tôi thèm những giây phút tâm linh tôi bay bổng. Tôi muốn sống như một người đang sống. Trong khi tôi đẩy mạnh cái xích đu cho cháu bay lên cao, cười nắc nẻ và la lớn higher higher into sky… , tiếng cười và tiếng kêu trẻ thơ bay vào không gian bao la, tôi theo dõi những con chim bay gần đó. Chúng bay lên bay xuống hồn nhiên như trẻ thơ, và dường như có cả một gia đình chim đang quây quần bên cạnh vũng nước mưa còn đọng lại hôm qua. Chúng đang nướng bánh trên cái lò nướng babercue, chuẩn bị nước ngọt, chuẩn bị khăn giấy, chén dĩa giấy. Dưng không tôi nghĩ đến hình ảnh một gia đình trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa, cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi may vá, con cái vui chơi, dưới ánh đèn. Sách chỉ nói đến thế, nhưng tôi còn tưởng tuợng ra thêm sau đó cha buông tờ báo xuống, đứng dậy, lại gần mẹ. Mẹ buông kim chỉ, ngước lên mỉm cười. Các con thấy đẹp, chạy lại quanh quẩn. Ai đó sẽ chụp một tấm hình, đăng lên một tờ báo mới. Và tôi thấy rằng đó chỉ là một giấc mơ. Như những vẻ đẹp đã lỗi thời theo thời gian, hình ảnh gia đình đó cũng đã chìm vào quá khứ vàng son.         

Một buổi sáng khác, trong công viên gần nhà, tôi gặp lại Jack The Pastor (không phải Jack In The Box) Lần này ông không đi chung với gia đình, mà đi với Mark, cháu trai. Tôi nhận ra Mark trước khi nhận ra Jack. Tôi tiếc không có mang cháu gái theo để nó đi chơi với bé trai này. Khi tôi ngồi nói chuyện với Jack, Mark quanh quẩn xung quanh không đi đâu xa. Jack cho tôi biết sẽ đi truyền giáo ở Somali vài tháng tới, chuyến đi có lẽ kéo dài cả năm, sẽ gởi hai con gái cho chị giữ giùm, nhưng đặc biệt sẽ mang Mark theo vì có một cơ quan chuyên trách thiếu nhi bằng lòng giúp giữ bé trong khi Jack làm công tác truyền giáo. Sau những thời gian công việc, Jack sẽ đến đón Mark để hai cậu cháu sống chung với nhau. Tôi chợt nghĩ đến Phao lô và Ba na ba đã cãi nhau dữ dội và phân rẽ nhau cũng bởi vì một ngưòi có tên là Mark. Tôi tò mò nhìn Mark bé con và nó cũng nhìn lại tôi, không có vẻ gì sợ hãi người lạ. Tôi cũng cho Jack biết có lẽ tôi cũng sẽ có một chuyến đi truyền giáo về quê hương tôi vài tháng tới, nhưng chuyến đi của tôi chỉ kéo dài chưa đến một tháng. Jack cười nói rằng như vậy chúng ta sẽ gặp nhau ở …thiên đàng. Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện trên cái ghế gỗ dưới tàng cây, tôi hay nhìn lên cây, nhìn những con chim đang hót rất thanh bình. Jack nhìn theo tôi và chợt nói:I love it, và nói thêm, the birds … Khuôn mặt ông chợt có một vẻ gì đó mơ màng, thánh thiện và lãng mạn. Và ông nhìn tôi, cười: We, like birds, will fly. Fly to the sky. For God. Không có chuyện gì nói thêm, chúng tôi ngồi yên lặng một lúc lâu trong bầu trời nắng ấm, phía trên cao là tiếng chim hót. Tôi nhìn lại Mark. Tôi không biết tại sao mình hay chú ý đến thằng bé con nhỏ xíu, ăn mặc nghiêm chỉnh, và cung cách ra dáng chỉnh tề. Tôi đoán là Đức Chúa Trời đã cho tôi thấy trước hình ảnh một Mục sư trong tương lai. Mark The Pastor, tôi cười vuốt mái tóc vàng non nớt của cháu.

Mục Sư Lữ Thành Kiến