Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, August 15, 2018

Chúa Phán


Gióp 38:1-11

Kẻ hay bắt bẻ dám tranh luận với Đấng Toàn Năng sao? Gióp 39:35
Chúng ta có thể thấy gần như mọi cuộc tranh luận trong sách Gióp đều nói về lý do có đau khổ trên thế gian này, nhưng việc tranh luận dường như không hề giúp ích gì cho Gióp. Nỗi đau của ông là sự khủng hoảng trong mối liên hệ, chứ không phải khủng hoảng niềm tin. Ông có tin cậy Chúa không? Trên hết mọi sự, ông muốn một điều duy nhất: sự hiện diện của Đấng có thể giải thích được số phận bất hạnh của ông. Ông muốn gặp Chúa mặt đối mặt.
Cuối cùng Gióp cũng đã được thỏa nguyện. Chúa đã hiện ra (xem Gióp 38:1). Ngài chọn thời điểm xuất hiện khi mà sự chế nhạo lên đến đỉnh điểm, khi Ê-li-hu bạn của Gióp đang lý giải vì sao Gióp chẳng có quyền đòi hỏi Chúa thăm viếng mình.


Không một ai, kể cả Gióp lẫn bạn của ông sẵn sàng cho những gì Chúa phán. Gióp đã chuẩn bị sẵn một danh sách dài những câu hỏi, nhưng cuối cùng không phải Gióp mà chính Chúa lại là người đặt ra những câu hỏi. “Hãy thắt lưng như một dũng sĩ, Ta sẽ hỏi con và con sẽ trả lời Ta” (c.3). Bỏ qua ba mươi lăm chương đầy những cuộc tranh luận về sự đau khổ, Chúa đưa vào một bài thơ uy nghi về những điều kỳ diệu trong thế giới tự nhiên.
Lời của Chúa cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa Đức Chúa Trời của mọi tạo vật với một người nhỏ bé như Gióp. Sự hiện diện của Ngài đã trả lời cho câu hỏi lớn nhất của Gióp: Có ai lắng nghe cõi lòng ông không? Gióp chỉ có thể đáp lại rằng: “Thật, con đã nói những điều con không hiểu, những việc quá diệu kỳ mà con không hề biết” (42:3)
Sau tất cả những gì Gióp đã chịu đựng, làm thế nào Chúa trên trời lại có thể đáp lại những câu hỏi chân thật đầy đau đớn của ông bằng nhiều câu hỏi hơn?
Gióp đã quên mất vấn đề mà ông muốn biện luận tại tòa án thiên đàng (Gióp 23:1-10). Sự hiện diện và những câu hỏi của Đức Chúa Trời đột ngột thức tỉnh lòng tin cậy mà ông đã bày tỏ trong những khoảnh khắc đầu tiên của những ngày tồi tệ nhất cuộc đời ông (1:21; 2:10).
Mặt khác, chúng ta có được một lợi thế mà Gióp không có. Trong phần mở đầu câu chuyện của Gióp, chúng ta được nhìn thấy bối cảnh hậu trường để biết Đức Chúa Trời nhìn nhận về Gióp thế nào (1:1-2:10).
Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc đời chúng ta cũng có phần mở đầu như thế? Nó có giúp chúng ta hiểu rằng có nhiều điều đang diễn ra hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy và mọi thứ tốt đẹp hơn những gì chúng ta tưởng tượng không? Ngay cả khi không phải là tấm gương mẫu mực như Gióp, liệu chúng ta có vững tin rằng mình là một tội nhân rất được yêu thương, là người mà Đấng Christ đã chết thay không?
Lạy Chúa, chúng con có rất nhiều câu hỏi về cuộc đời và những bất công. Nhưng Ngài đã bày tỏ rằng Ngài thật tốt lành với chúng con. Xin giúp chúng con tin cậy Ngài khi đối diện với những điều mình không thể hiểu.
Emmanuel Amen