Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, August 27, 2018

Xóa Bỏ Định Kiến


Ga-la-ti 2:11-16
Nhưng khi Sê-pha đến An-ti-ốt, tôi đã công khai phản đối ông. Ga-la-ti 2:11
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn về sự giải hòa, một người đã nói thế này: “Đừng giữ mãi suy nghĩ về người khác dựa vào quá khứ của họ.” Anh ấy nhận thấy rằng chúng ta thường hay ghi nhớ những lỗi lầm của người khác và không bao giờ cho họ cơ hội để thay đổi.
Có nhiều lúc trong cuộc đời của Phi-e-rơ mà Chúa có thể đối xử với ông dựa vào những hành động trong quá khứ. Nhưng Ngài không hề làm điều đó. Phi-e-rơ, một môn đồ bốc đồng đã “trách” Chúa Jêsus, sau đó ông bị Chúa quở trách nặng nề (Mat. 16:21-23). Ông đã thẳng thừng chối Chúa (Giăng 18:15-27), rồi được Chúa phục hồi sau đó (21:15-19).


Và ông cũng từng góp phần vào sự chia rẽ chủng tộc trong hội thánh.
Việc ấy xảy ra khi Phi-e-rơ (cũng được gọi là Sê-pha) tách mình ra khỏi những người ngoại bang (Gal. 2:11-12). Trước đó, ông vẫn vui vẻ thông công với họ. Nhưng khi có một số người Do Thái đến, họ là những người quả quyết rằng những người tin Đấng Christ phải chịu cắt bì, thì Phi-e-rơ rút lui, không giao du với những người ngoại chưa cắt bì nữa. Điều này cho thấy ông quay lại với luật pháp Môi-se, là điều nguy hiểm. Phao-lô đã gọi cách hành xử của Phi-e-rơ là “giả hình” (c.13).
Qua sự thẳng thắn của Phao-lô, vấn đề đã được giải quyết. Phi-e-rơ tiếp tục phục vụ Chúa trong tinh thần hiệp một mà Ngài muốn.
Chúng ta không nên giữ mãi cái nhìn về ai đó dựa vào những lúc tồi tệ nhất của họ. Trong ân điển của Chúa, chúng ta hãy chấp nhận nhau, học hỏi từ nhau, thẳng thắn với nhau khi cần thiết và lớn lên cùng nhau trong tình yêu của Ngài
Ga-la-ti 2 đưa ra một thí dụ thuyết phục về sự xung đột cần thiết. Thứ nhất, việc Phao-lô quở trách Phi-e-rơ dựa trên nền tảng của lẽ thật Phúc Âm. Phao-lô lên án Phi-e-rơ không phải vì sự thù ghét cá nhân mà vì tình yêu dành cho Phúc Âm. Phao-lô nhận ra rằng khi Phi-e-rơ từ chối thông công với những người không tuân theo luật lễ nghi của Cựu Ước, thì hành động của Phi-e-rơ đã phủ nhận tin lành rằng không phải luật lễ nghi mà sự đắc thắng của Đấng Christ mới là nền tảng cho đời sống mới của tín hữu trong Thánh Linh (c.21). Hành động của Phi-e-rơ đã phủ nhận tin lành rằng trong Đấng Christ, mọi tín hữu đều bình đẳng. Vì thế, Phao-lô đã quở trách ông, không phải để khiến Phi-e-rơ hổ thẹn, mà để khôi phục sự chính trực trong cộng đồng đức tin.
Khi hành vi sai trật đe dọa tính chính trực của cộng đồng Cơ Đốc trong việc làm chứng cho Phúc Âm, chúng ta cũng phải quở trách—nhưng với một tinh thần yêu thương, hy vọng sẽ khôi phục lại mối thông công tốt đẹp.
Có ai đó mà bạn cần quở trách trong tinh thần yêu thương không?
Lạy Chúa, hôm nay xin kéo chúng con lại gần Ngài để chúng con cũng gần nhau hơn. Xin bảo vệ sự hiệp một trong hội thánh của Ngài. Nơi nào thiếu sự tin tưởng, xin Ngài ban cho chúng con sự hiểu nhau. Nơi nào có sự chia rẽ, xin Ngài chữa lành chúng con.
Emmanuel Amen